ĐỌC
Chương 1, mục 3: Đánh mất đa dạng sinh học
Đức giáo hoàng Phanxicô đã không ngần ngại khi bàn đến sự đánh mất đa dạng sinh học: “Mỗi năm chúng ta đều có thể chứng kiến sự biến mất của hàng triệu loài động thực vật mà chúng ta rồi sẽ không bao giờ biết đến chúng nữa, và con cháu của chúng ta cũng sẽ không bao giờ thấy chúng, vì chúng đã biến mất mãi mãi… Vì chúng ta, hàng ngàn loài sẽ không còn tôn vinh Thiên Chúa bởi chính sự hiện hữu của chúng, cũng không thể truyền tải thông điệp của chúng đến với chúng ta. Chúng ta không có quyền đó” (33).
Sau đó ngài nhấn mạnh các điểm nóng về đa dạng sinh học, hoặc các khu vực có nhiều loài động thực vật bản địa và các lợi ích của các công ty đang đe dọa chúng, như việc phát triển trên những cánh rừng và các đầm lầy. Sự phát triển như vậy hạn chế khả năng hấp thụ ô nhiễm carbon của đất và khả năng giảm thiểu biến đổi khí hậu. Trường hợp các vùng duyên hải cũng là một vấn đề nghiêm trọng vì đầm lầy và rừng ngập mặn chính là những biện pháp phòng thủ tự nhiên để chống lại các đợt triều cường và xói mòn.
Đức giáo hoàng Phanxicô đã đúng đắn khi chỉ ra rằng các đại dương đang phải đối mặt với những mối đe dọa phức tạp khi hấp thụ ô nhiễm từ hoạt động của con người trên đất liền và nơi các nguồn nước đến từ “nạn phá rừng, độc canh nông nghiệp [mẫu đất của một loại cây trồng riêng], chất thải công nghiệp và phương pháp đánh bắt phá hoại.” Tệ hơn nữa, các rạn san hô – phần đa dạng sinh học nhất của đại dương – “vốn đã cằn cỗi hoặc đang trong tình trạng liên tục suy giảm.”
Đức giáo hoàng đã liên kết tất cả những điều này với một lưu ý về sự phát triển không bền vững của chúng ta: “… mọi sự can thiệp vào tự nhiên có thể gây ra những hậu quả không rõ ràng ngay lập tức, và… một số cách khai thác tài nguyên nhất định sẽ cho thấy cái giá phải trả là sự suy thoái mà cuối cùng sẽ chạm đến đáy đại dương.”
PHẢN TỈNH
Trong tất cả những thách thức phải đối mặt với đa dạng sinh học, các rạn san hô có lẽ là điều tệ nhất. Như là những khu rừng nhiệt đới của đại dương, san hô là nơi sinh sống của hàng triệu loài – đáng chú ý nhất là những loài ở tầng đáy của chuỗi thức ăn vốn làm nền tảng cho tất cả các hệ sinh thái biển. Đại dương mà chúng ta đang sống tạo ra hơn một nửa lượng oxy để ta hít thở (cảm ơn các bạn, những thực vật phù du!). Đó là lý do tại sao các vụ tẩy rửa san hô hàng loạt như những gì chúng ta đang thấy ở rạn san hô Great Barrier của Úc, đang đe dọa tất cả sự sống trên Trái đất. Giống như nhà bảo tồn và sinh vật biển nổi tiếng, tiến sĩ Sylvia Earle đã nói: “Nếu không có màu xanh của biển sẽ không có màu xanh của lá cây.”
HÀNH ĐỘNG
Có lẽ điều đơn giản nhất mà chúng ta có thể làm thể theo yêu cầu của đức giáo hoàng Phanxicô ở cuối phần này, đó là đối với nhân loại, hãy trân quý tất cả các tạo vật bằng tình yêu và sự tôn trọng, “vì tất cả chúng ta là những sinh vật sống phụ thuộc vào nhau.” Để tìm hiểu những cách hữu hình hơn giúp bảo vệ đa dạng sinh học, hãy học cho biết! Có thể xem Mission Blue (hiện đang chiếu trên Netflix), một bộ phim tài liệu về các mối đe dọa mà đại dương của chúng ta phải đối mặt và sứ mệnh của Tiến sĩ Sylvia Earle là bảo vệ nhiều khu vực biển hơn nữa. Các chương trình thiên nhiên như Our Planet (Netflix) hoặc phim tài liệu cổ điển về tự nhiên được Disney phổ biến (có trong bộ sưu tập Earth Month trên Disney+)) cũng là một lựa chọn đáng tin cậy.
Tác giả: Samantha Panchèvre
Chuyển ngữ: Ngân Hoàng
Hiệu đính: Minh Vương
Nguồn: https://www.ncronline.org/news/earthbeat/oceans-are-our-planets-true-lungs