Đức Giêsu, xét theo nhân tính, là một con người thực sự, sống trọn vẹn kiếp người như chúng ta, chỉ trừ tội lỗi. Ngài cũng ăn, uống, ngủ, nghỉ như bao người; cũng yêu cũng ghét; cảm xúc và đam mê như con người. Có khác chăng nơi sự đam mê của Đức Giêsu mãnh liệt và liên tục hơn, định hướng rõ ràng hơn và hoàn tất nhưng không vương hại ai; trái lại, nỗi đam mê của Ngài đã dẫn đến cái chết sinh ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại. Để hoàn tất công trình cứu chuộc ở trần gian, Ngài đã trải qua 3 giai đoạn:
– Đam mê làm người
– Đam mê con người
– Đam mê cứu độ con người.
Ba giai đoạn này có thể gồm tóm trong việc Đức Giêsu đam mê thi hành Thánh Ý Cha.
Triết gia Hegel đã nói rằng: “Không có gì cao cả trên cõi đời này lại có thể hoàn tất được mà không cần đến đam mê”. Khẳng định này được áp dụng cách triệt để và cụ thể nơi cuộc đời Đức Giêsu.
ĐAM MÊ LÀM NGƯỜI
Có một sự “điên rồ” nơi Thiên Chúa, khi khước từ vinh quang dành cho Mình, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Điều kỳ diệu và khác thường đó chỉ một mình Thiên Chúa dám làm. Một khẳng định không sợ sai lầm đó là quyết định làm người là một đam mê điên rồ nơi Ngôi Hai Thiên Chúa – Đức Giêsu Kitô. Ngài đam mê không phải để thoả mãn bản thân nên chúng ta phải xét đến mục đích của Ngài đến trần gian, chính nó đã chi phối những tâm tình nội tại khiến Ngài quyết định làm người.
Nỗi đam mê mãnh liệt đã khiến Đức Giêsu quên đi phận mình là Thiên Chúa mà đến sống giữa con người. Ở đây không có sự đánh đổi vinh quang Thiên Chúa để chiếm loài thụ tạo. Muôn loài mọi sự đều thuộc về Ngài nên chẳng có gì đáng Ngài đánh đổi. Nhưng vì bản tính Ngài là tình yêu và muốn sống trọn nỗi đam mê, khi ý thức mãnh liệt, muốn thông ban sự sống thần linh cho mọi loài thọ tạo.
Phải chăng có một ý muốn sâu xa được thai nghén nơi cung lòng Chúa Cha, đã được ghi khắc sâu đậm trong cuộc đời dương thế của Đức Giêsu? Những gì của Cha là của Con, tình yêu của Cha cũng là của Con và được diễn tả cách minh nhiên nơi cuộc đời Con. Có thể nói, từ khi Chúa Cha hứa ban Con Một để cứu độ trần gian cũng là lúc nỗi đam mê của Thiên Chúa đến với con người được manh nha và kết tựu nơi ý muốn mãnh liệt của Người. Tất nhiên, nơi Thiên Chúa không có thời gian, nên những tác động ấy được sống động và thành sự một trật.
Thiên Chúa không phụ thuộc không gian và thời gian. Nhưng đã chấp nhận đi vào thời gian và mặc lấy xác phàm nơi một con người bằng xương bằng thịt – Đức Giêsu. Đức Giêsu nên giống anh em mình trong mọi sự chỉ trừ tội lỗi. Chính tiền đề này biện minh cho nỗi đam mê không sai lầm nơi Đức Giêsu và hiệu quả là mang ơn cứu độ cho loài người.
Nỗi đam mê này dần dà được thành hình khi Đức Giêsu đạt đến tuổi khôn, hầu có thể ý thức sứ mạng cứu độ của mình ở trần gian. Đam mê càng mãnh liệt, thân xác càng hao mòn, phải chăng vì nhiệt tâm lo việc Nhà Chúa mà Ngài phải thiệt thân. Đam mê nơi Đức Giêsu không mang tính mù quáng khiến rối loạn tâm lý bình thường. Ngài sống với nỗi đam mê và là chính “đam mê”; vì mọi biểu hiện ngoại tại đều diễn tả chiều kích nội tâm cách hữu hiệu và sáng tỏ nơi Ngài. Thân xác, linh hồn và thần trí Ngài hoà hợp nên một, không có sự mâu thuẫn khiến sinh ra tội lỗi. Tất nhiên, Đức Giêsu không miễn trừ việc chiến đấu nhưng vì được điều hướng dưới cái nhìn của Chúa Cha, Ngài không hề phạm tội. Có thể nói, đam mê của Đức Giêsu rất người và rất thật vì nhắm vào chính đối tượng là con người.
ĐAM MÊ CON NGƯỜI
Thiên Chúa biết con người tự thân không thể đạt đến Ngài, nên đã “xuất thiên, nhập thế”, sống hết mình với nỗi đam mê chính con người. Con người là chi mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm? Chính sự “yếu đuối” như thế mà Ngài đã đam mê đi tìm và cúi xuống trên con người; đồng thời, con người cũng được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, nên lý do duy nhất khiến Đức Giêsu đam mê con người là vì Ngài đã tìm thấy nó trong trái tim người Cha. Có thể nói, không ai đam mê con người như Đức Giêsu. Không ai tin vào sự cao cả của con người như Chúa Giêsu. Niềm đam mê ấy phải trả giá đắt bằng cuộc xuất thiên của Ngài. Niềm tin ấy phải trả bằng chính sự sống Ngài. Niềm tin và niềm đam mê vào con người đã được thể hiện rõ nét trong cuộc đời dương thế của Đức Giêsu với tư cách là vị mục tử nhân lành. Đức Giêsu đam mê đi tìm con người ngay khi nó còn là tội nhân và ngày nào Ngài không đến và cứu nó thì nó vẫn còn chìm đắm và chết trong tội lỗi. Đó là bằng chứng tình yêu vô vị lợi nơi Vị Mục tử. Không phải Đức Giêsu muốn bỏ 99 con kia để chỉ tìm con chiên lạc. Tình yêu của Ngài vô biên bao trùm cả nhân loại. Tình yêu và phẩm tính siêu việt của Ngài, cả nhân loại và mọi thời không thể múc cạn.
Nhưng Đức Giêsu muốn mặc khải một tình yêu cá biệt và thiết thân. Thật vậy, Ngài đã cúi xuống và đón nhận con chiên lạc, vác trên vai thánh mình mà dẫn về đồng cỏ xanh tươi nơi niềm vui và bình an ngự trị. Từ đó, Ngài giúp nó sống trọn vẹn mọi mối tương liên với bản thân, tha nhân và Thiên Chúa; khiến nó là nó và như Chúa yêu thương nó chứ không phải ai khác.
Nỗi đam mê đã đồng hoá Đức Giêsu với “phường thu thuế và quân tội lỗi”. Ngài không đam mê tửu sắc như có kẻ cho Ngài là thế. Ngài đã đến với họ vì họ đã mở lòng ra với Ngài và để Ngài tự do bước vào đời sống họ. Không một ai thiện chí đến với Ngài mà không được Ngài yêu thương. Họ đã được thánh hoá trong tình yêu Ngài. Họ giúp Ngài sống nỗi đam mê cách chân thật và siêu nhiên hơn cả. Còn những kẻ dửng dưng hay bàng quan, nỗi đam mê của Ngài hoá thân trong người cùng khốn để kêu gào tình yêu và lòng thương xót của họ. Sống thực trong nỗi đam mê, Ngài biết mình phải làm gì với từng tâm hồn, vì nỗi đam mê của Ngài là được khao khát phục vụ con người. Ngài có thể quên ăn quên ngủ vì tập chú vào nỗi đam mê con người. Đó không phải là xu hướng mù quáng thiếu kiểm soát chỉ nhằm thoả mãn nỗi đam mê nhưng Ngài biết phải làm gì để con người được sống và sống dồi dào.
Trong lịch sử đời sống con người, nỗi đam mê đã làm bao đế quốc sụp đổ, nhiều ý thức hệ tiêu tan hay những tay bạo động làm băng hoại thế giới… tất cả khởi đi từ nỗi đam mê quyền lực. Quyền lực vẫn luôn là cám dỗ lớn nhất cho con người mọi thời. Nó được ngụy trang dưới một chiêu bài hết sức tinh vi: ai mạnh kẻ ấy sẽ thắng và kẻ mạnh mới đủ sức xây dựng một thế giới tốt đẹp và phồn thịnh. Nhưng Đức Giêsu lại công bố với chúng ta: “Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người” (Mc 10,43-44). Tất nhiên, Đức Giêsu không theo đuổi đam mê quyền lực như tên cám dỗ nhân loại bày ra; trái lại, Ngài đam mê phục vụ con người với tư cách một đầy tớ khiêm hạ. Trong khi hầu hết nhân loại, hễ có quyền là hành quyền trên người khác, Đức Giêsu lại cúi xuống rửa chân cho các môn đệ. Ngài cúi xuống để nâng con người lên, đó là cung cách phục vụ của Đức Giêsu. Đó là cách phục vụ đích thực hầu nâng cao giá trị con người. Quả thật, không ai nhận ra sự cao cả của con người như Đức Giêsu; Ngài đam mê phục vụ con người. Và đi đến cùng nỗi đam mê ấy, đi đến cùng cung cách phục vụ ấy là dùng chính bản thân để chứng minh Một Tình yêu siêu việt. “Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,44-45).
ĐAM MÊ CỨU CHUỘC CON NGƯỜI
Kết cục thất bại đã mỉm cười với Đức Giêsu, khi con người tuyên án tử cho Ngài. Đó cũng là hậu quả tất yếu cho một đam mê. Đam mê là Passion và cũng là cuộc thương khó của Đức Giêsu. Có một sự trùng hợp trong ngôn ngữ nhưng hữu lý nơi con người Đức Giêsu. Phải chăng thập giá là biểu tượng đam mê của Vị Thiên Chúa? Nếu như thập giá là sự sỉ nhục và điên rồ đối với thế gian thì nó lại là quyền năng và chiến thắng cho những ai đam mê đi tìm Đấng Phục Sinh. Qua bao thời đại, không ai khả dĩ trả lời cho định mệnh siêu việt của thế giới ngoại trừ Đức Giêsu. Qua cái chết tự nguyện, Ngài đã mang ơn cứu độ cho toàn nhân loại. Lại một lần nữa Hégel có lý khi khẳng định: “Không có gì cao cả trên cõi đời này lại có thể hoàn tất được mà không cần đến đam mê”.
Trong ánh sáng phục sinh, chúng ta còn nhận ra chân lý sau cùng của nỗi đam mê nơi Đức Giêsu: Đam mê nuôi sống nhân loại và ở cùng nhân loại cho đến ngày tận thế.
– Đam mê nuôi sống nhân loại:
Người cha vui mừng khi cứu con mình khỏi cạm bẫy sự chết, nhưng còn phải thi thố tình yêu khi trao ban cho nó bánh ăn hằng ngày. Đức Giêsu siêu việt hơn nhiều, Ngài dùng chính Thân thể làm của ăn của uống nuôi sống nhân loại. Bánh ăn hằng ngày nuôi sống và nhằm kéo dài sự sống con người trên trần gian nhưng rồi một ngày ai cũng phải chết, còn Thân thể Đức Giêsu là của ăn nuôi sống họ trên đường về Quê Trời. Những gì Thiên Chúa đã định liệu, Người cũng hoàn tất nơi Đức Giêsu. Đam mê nuôi sống là đặc tính của người cha. Người cha trần gian sẽ chết, nhưng Đức Giêsu hằng sống muôn đời.
– Đam mê ở cùng nhân loại:
Đức Giêsu đã hiện diện hữu hình trong một thời gian, Ngài đã chết rồi bước vào cõi sống. Từ đây, Ngài sẽ ở cùng nhân loại trong một chiều kích khác siêu việt hơn. Kinh Thánh nói gì về Đức Giêsu? Ngài vui thích ở giữa dân Ngài, không như một người tạm trú nhưng đã cắm lều và cư ngụ giữa chúng ta. Ngày nào còn nhân loại, Ngài còn tiếp tục sống hoài nỗi đam mê, đam mê mãnh liệt và bền bỉ. Đam mê của một Đấng được mệnh danh là TÌNH YÊU.
* * *
Có thể nói, ý muốn Chúa Cha là đối tượng trung tâm của mọi đam mê nơi Chúa Giêsu. Nói cách khác, sứ mạng hay định mệnh của Chúa Giêsu đến trần gian là thi hành ý muốn Chúa Cha. Như có lần Ngài đã công bố: cũng vì giờ này mà tôi đến thế gian (giờ vâng lời Chúa Cha để đi chịu chết). Chúng ta cứu xét xem, Ngài nói gì với nỗi đam mê này? “Lương thực của Thầy là làm theo muốn Chúa Cha” (x. Ga 4.34).
Phải chăng khi nói, lương thực của Ngài là làm theo ý muốn Chúa Cha, Ngài đã hạ giảm ý muốn đó xuống hàng vật chất (lương thực hằng ngày)? Chắc hẳn là không. Nếu như lương thực là nhu cầu thiết yếu không thể thiếu của thân xác con người và vì thiếu nó con người phải chết thế nào, thì ý muốn của Chúa Cha lại là yếu tố quyết định cho sự sống và ơn gọi của Chúa Giêsu. Hiểu như thế, chúng ta sẽ thấy đam mê này nơi Ngài là chính đáng. Đam mê trở thành một nhu cầu thường ngày trong đời sống Ngài.
Một ghi nhận khá quan trọng ở đây là: đam mê này nơi Chúa Giêsu không buông theo khuynh hướng tự nhiên nhưng điều khiển bằng ý chí lành mạnh và siêu việt. Thật vậy, thánh ý Chúa là chính Sự Thiện tuyệt đối mà một ý chí con người khả dĩ đạt đến. Nơi Chúa Giêsu, đam mê thi hành ý muốn Chúa Cha lại mang tính tuyệt đối hơn trong công cuộc cứu độ.
Dường như cả cuộc đời Chúa Giêsu, Ngài đã sống nỗi đam mê này một cách triệt để. Thư Do Thái viết: “Ngay khi bước vào trần gian, Chúa Giêsu đã nói: này con đến để thi hành thánh ý Cha” và cho đến khi chịu chết trên thập giá, Ngài tuyên bố: mọi sự đã hoàn tất. Thiết nghĩ, trong lịch sử nhân loại không một ai có thể can đảm tuyên bố như Chúa Giêsu, đơn giản vì con người lần mò đi tìm ý Cha từng phút sống, chỉ có Chúa Giêsu trực diện và thấu đạt ý muốn Chúa Cha, Ngài tuyên bố: mọi sự đã hoàn tất. Như thế, chỉ có cái chết mới khả dĩ hoàn tất một đam mê.
EYMARD An Mai Đỗ O.Cist.
(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)