Dấn thân xây dựng công bằng xã hội

Chủ đề trên đây trước giờ luôn được chính Giáo hội quan tâm và mời gọi mỗi người hãy góp phần dấn thân xây dựng xã hội phát triển theo hướng công bằng và bền vững. Đó cũng là ước mơ của toàn dân, của đất nước. Là người Công giáo, chúng ta có rất nhiều hướng dẫn từ phía Giáo hội để thực hiện ước mơ này. Bạn có thể tìm thấy nhiều câu trả lời hay và hữu ích trong Học thuyết Xã hội của Giáo Hội. Ở đây, chúng tôi chia sẻ với bạn một trong những tài liệu rất quý của Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XVI, vốn liên quan đến chủ đề trên: Thông điệp Caritas in Veritate – Bác Ái Trong Chân Lý (được ban hành ngày 29 tháng 6 năm 2009).

Chắc chắn bạn dễ dàng đọc được toàn bản văn trên Internet[1]. Tuy nhiên, để hiểu được bản văn lại là điều thách đố cho nhiều người, nhất là các bạn trẻ; hơn nữa thông điệp này khá dài. Chúng ta cùng bước vào những điểm thú vị của thông điệp này.

Bác ái và chân lý

Theo nghĩa thông thường bác ái là giúp đỡ, quan tâm và yêu thương một ai đó bằng hành động cụ thể. Tình yêu còn thể hiện trong tương quan cho và nhận. Tuy nhiên trong đạo Công giáo, bác ái còn được hiểu ở mức độ cao hơn, đó là tình yêu giữa Thiên Chúa và con người, giữa con người với nhau. Giáo hội mời gọi con cái mình hãy để chính tình yêu này (caritas) thúc đẩy con người dấn thân thật can đảm và quảng đại trong khi muốn xây dựng hòa bình.

Tuy nhiên, tình yêu có khi đánh lừa ta. Yêu mù quáng hoặc không suy tính, thì không phải là bác ái hoặc tình yêu. Chẳng hạn ai đó rất nhiệt tình dấn thân, nhưng bất tài hoặc tâm tính tham lam, thì sẽ thành người phá hoại. Thông điệp trên diễn tả một cách tương tự, khi đòi hỏi tình yêu phải ở trong chân lý. Chân lý là sự thật, minh bạch, và luật lệ. Đó là sự thật khách quan mà ta không thể phủ nhận. Chẳng hạn, sống lấp liếm, dối trá và đạo đức giả thì không phải là chân lý. Lưu ý rằng nguồn gốc của chân lý chính là Thiên Chúa, Ngài đến để làm chứng cho sự thật. Theo đó, chân lý luôn tương hợp với nội dung đức tin của Kitô hữu. Tóm lại “chỉ trong chân lý, bác ái mới có thể chiếu tỏa và chúng ta mới có thể sống một cách chính thực.”

Một khi để sự thật hướng dẫn và chi phối, người ta dễ gần đến hành động đúng đắn và hợp với luân lý hơn. Bởi đó, giáo huấn xã hội của Giáo hội luôn đề cao đến chân lý, bởi chân lý sẽ tác động đến công lý và công ích. Công lý là việc mỗi người tôn trọng quyền lợi của mình và của tha nhân theo quy tắc của luật pháp và xã hội. Theo đó, tôi không thể lợi dụng quyền hành mà trục lợi, lấy những thứ không thuộc về tôi. Trong đó, pháp luật dân sự hoặc chính Giáo huấn của Giáo hội cũng quy định những bổn phận công bằng của người dân đối với cộng đồng, hoặc công bằng trong giao hoán, và phân phối tương xứng với sự đóng góp và nhu cầu của ai đó[2].

Ngoài lợi ích cá nhân, chúng ta còn có một lợi ích gắn bó với đời sống con người trong xã hội: đó là công ích[3]. “Cha chung không ai khóc” là đi ngược lại với công ích. Do đó, nếu bạn muốn dựng xây hòa bình, muốn xã hội bớt tham nhũng, bất công, hãy bắt đầu từ chính bạn với việc quan tâm đến công ích và công lý với rất nhiều tình yêu.

Phát triển vững bền

Sau khi Tông Huấn đặt nền trên tình yêu và chân lý, giờ đây, Giáo hội khuyến khích chúng ta hướng đến việc thúc đẩy sự phát triển toàn vẹn con người trong mọi chiều kích. Của ăn, thức uống vốn chỉ là nhu cầu cơ bản của con người. Còn nhiều nhu cầu cao quý hơn mà con người cần vươn đến (x. Tháp nhu cầu của Maslow). Đó là kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa. Ngài muốn con người được sống và sống dồi dào (Ga 10,1-10). Do đó, nếu bạn là nhà lãnh đạo, hoặc đang muốn dựng xây hòa bình, Giáo hội mời gọi bạn phải có một cái nhìn siêu nhiên về con người. Nếu ai cũng để Thiên Chúa hướng dẫn, hẳn là không còn tham nhũng, bất công. Trong tâm thế hướng thượng và hướng tha, hẳn là bạn “không nỡ” gây tổn hại cho tha nhân, cho cộng đồng và đất nước.

Ngoài ra khi đề cập đến “sự phát triển”, Giáo hội muốn chúng ta thấy mục đích trước tiên là giúp gia đình, xã hội, đất nước không còn đói nghèo cơ cực. Ai cũng được đến trường, được quyền hưởng môi trường sống thượng tôn pháp luật, sống sung túc, là ước mơ của chúng ta. Chẳng hạn từ quan điểm kinh tế, điều này có nghĩa là chúng ta cần tham gia tích cực vào đời sống kinh tế với những điều kiện bình đẳng. Từ quan điểm xã hội, mỗi người cần cố gắng trở thành những người có giáo dục, được ghi dấu bằng tình liên đới. Từ quan điểm chính trị, chúng ta củng cố những chế độ dân chủ có khả năng bảo đảm tự do và hòa bình. Đây là con đường chông gai, nhưng có thể giúp chúng ta đặt đến một xã hội thái bình, thịnh vượng. 

Để làm rõ ý tưởng trên, tông huấn nhắc lại hai tài liệu:

– Thông điệp Humanae Vitae[4] cho thấy có sự liên hệ chặt chẽ giữa đạo đức của sự sống và đạo đức xã hội. Ai tôn trọng con người, yêu quý sự sống, người ấy cũng biết cách làm cho xã hội nên xinh đẹp, công bằng.

– Tông huấn Evangelii Nuntiandi[5] đề cập nhiều đến phát triển. Nhất là những nước nghèo, hoặc đang phát triển, thuật ngữ “phát triển bền vững” rất đáng quan tâm và theo đuổi. Là người Công giáo, chúng ta được mời gọi làm chứng cho tình yêu của Đức Kitô qua việc dựng xây và theo đuổi công lý, hòa bình và phát triển.

Từ hai tài liệu trên, chúng ta thấy sự phát triển toàn diện con người giả thiết sự tự do có trách nhiệm của mỗi người, mỗi nhà hữu trách và mỗi dân tộc. Có lẽ xã hội còn tham nhũng, bất công là vì người ta thiếu tinh thần trách nhiệm với con người, với dân tộc. Do đó, để trả lời câu hỏi trên, chắc chúng ta cũng cần trở về với đòi buộc tôn trọng chân lý và sự sống con người.

Tình huynh đệ, phát triển kinh tế và xã hội dân sự

Đề mục trên là nguyên văn của chương thứ 3 trong Thông Điệp mà chúng ta đang xem xét. Trong đó, Giáo hội tiếp tục mời gọi mỗi người hãy xem người khác là chính anh chị em của mình, xem nhau như một gia đình[6]. Chúng ta tin tưởng lẫn nhau từ lãnh vực kinh tế, chính trị, cho đến xã hội, văn hóa và tôn giáo. Nếu đang dấn thân làm kinh tế, Giáo hội khuyến khích bạn không được xem hoạt động kinh tế như điều gì chống lại xã hội. Thêm vào đó, hẳn nhiên bạn phải làm ăn công bằng với tình yêu và sự thật, vì công bằng liên hệ đến con người. Nhất là người trẻ dấn thân vào xã hội, tham gia vào lãnh vực nào cũng cần để tâm đến “trách nhiệm xã hội”.

Còn đó những bất công, những khó khăn trên con đường phát triển kinh tế và xã hội trong tình anh em. Tuy nhiên, là người trẻ Công giáo, chúng ta được mời gọi hãy bước đi trong chân lý và tình yêu. Đó là ngọn đèn, là động lực và điều kiện để dựng xây đất nước vững bền. Trên con đường này, Thông Điệp còn đề cập đến nhiều điều khác như: vai trò của nhà nước, toàn cầu hóa, trợ giúp quốc tế, v.v. Dù ở đâu đi nữa, Giáo hội nhắc con cái mình tiếp tục quảng đại sẵn sàng sống hiến tặng và trao ban.

Ngôi nhà chung của nhân loại

Chúng ta sống phải phụ thuộc lẫn nhau và phải dựa vào mẹ Thiên nhiên. Không chỉ những năm gần đây Giáo hội mới quan tâm đến môi trường sống (Laudato si’), nhưng đã từ lâu Giáo hội dấn thân gìn giữ công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Không chỉ bất công và tham nhũng bào mòn tiến trình dựng xây đất nước phát triển, mà còn việc xâm hại đến môi sinh cũng đang tác động tiêu cực đến chất lượng sống của con người. Do đó ngay từ Thông Điệp này, Giáo hội đã mời gọi mỗi cá nhân, người có trách nhiệm và nhà nước chung tay bảo vệ môi trường, bởi Thiên nhiên bày tỏ kế hoạch của tình yêu và chân lý, bởi Thiên Chúa thấy những gì Ngài sáng tạo đều tốt đẹp.

 Nếu chúng ta yêu quý và tôn trọng sự sống, môi trường thiên nhiên trong tinh thần trách nhiệm, kết quả là xã hội, kinh tế và đất nước sẽ tốt đẹp. Hẳn là chúng ta biết: sẽ không thể có phát triển nếu không có những con người liêm chính, những nhà tài chính và những chính trị gia có lương tâm phù hợp với những đòi hỏi của công ích. Trong ý hướng này, ước gì mỗi người trẻ biết cách bước vào đời, đảm nhận cuộc sống trong tinh thần yêu thương và trách nhiệm. Để làm được điều này, bạn và chúng tôi cần sống trong chân lý và trong tình bác ái. Chúng ta sẽ lớn lên về mọi phương diện, vươn tới Đức Kitô. (Eph 4,15). Khi đó ngôi nhà chung của chúng ta sẽ có nhiều người có tâm (tình yêu), và có tầm (chân lý).

Công nghệ và đời sống con người

Bước sang thiên niên kỷ thứ ba, sự phát triển vượt bậc của công nghệ kỹ thuật. Điều này kéo con người vào một sân chơi mới, tự do hơn, rộng lớn hơn và nhiều thách đố hơn.

Với sự phát triển số này, ẩn dưới những mạng lưới trao đổi kinh tế, tài chính và chính trị, vẫn còn đó những hiểu lầm, bất ổn và bất công. Thậm chí nhiều người theo đuổi con đường dựng xây hòa bình chỉ bằng phương tiện kỹ thuật. Hệ quả là con người bị xem nhẹ, môi trường bị bóc lột và tình yêu chân lý bị loại trừ. Là người trẻ thời đại 4 hay 5.0, chúng ta đương nhiên bị ảnh hưởng. Người khôn ngoan, sống trong sự thật và tình yêu sẽ biết chế ngự sự thống trị của kỹ thuật, và họ có trách nhiệm luân lý với chính mình và với tha nhân. Khi đó chúng ta để ý rằng phát triển toàn diện và công ích phổ quát cần quan tâm đến đời sống luân lý và tinh thần của con người, cả thể xác và linh hồn.

Do đó, Giáo hội cũng đề nghị với con cái mình đề cao để sử dụng phương tiện Chúa trao vào đúng mục đích phát triển con người cách toàn diện. Chúng ta không lệ thuộc, nô lệ vào công nghệ kỹ thuật. Trong khi đó công nghệ kỹ thuật là lời đáp trả của con người trước mệnh lệnh của Thiên Chúa trao cho con người canh tác và giữ gìn trái đất (St 2,15). Nhờ nó mà chúng ta có cuộc sống càng tiện nghi hơn và hướng đến xã hội công bằng hơn.

Tạm kết

Hy vọng vài điểm quan trọng trên đây của Tông huấn giúp vấn đề được sáng hơn. Chúng ta không bi quan nhìn về hiện tình của đất nước. Hãy hy vọng với tình yêu và sự thật, người trẻ sẽ góp phần làm cho đời sống, xã hội được thái bình. Chúng ta thấy Giáo hội không đưa ra những giải pháp cụ thể (chặng hạn về chủ đề trên) và cũng không đòi hỏi chúng ta “nhúng tay vào chính trị của Nhà Nước bằng bất cứ cách nào”. Dù vậy, Giáo hội phải chu toàn trong mọi thời gian và mọi hoàn cảnh sứ mạng phục vụ chân lý nhằm xây dựng một xã hội  xứng với con người, với phẩm giá và ơn gọi của họ.

“Lòng bác ái không được giả hình giả bộ. Anh em hãy gớm ghét điều dữ, tha thiết với điều lành; thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình.” (Rm 12,9-10). Có lẽ lời chia sẻ của thánh Phaolo này cũng tương hợp với lời nhắn nhủ của Giáo hội hiện nay: “Sẽ không có gì khác thay đổi thế giới ngoài những con người cùng với Chúa Giêsu dấn thân cho thế giới, cùng với Người đến với những người sống bên lề xã hội và đến ngay giữa các mảnh đời lem luốc. Hãy đi vào cả chính trị nữa, và đấu tranh cho công lý và phẩm giá con người, nhất là cho những người nghèo nhất trong những người nghèo. Tất cả các con là Giáo Hội.”[7]

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

[1] Toàn văn Thông điệp: http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/Giaohoi/ThongDiep/02CaritasInVeritate.htm

[2] Xem Học Thuyết Xã Hội số 201, 303.

[3] Theo Từ Điển Công Giáo: “Công ích không chỉ là một tổng hợp thuần túy những lợi ích vật chất, mà còn là giá trị tinh thần, gia tài văn hóa, truyền thống của dân tộc và tất cả những điều điện của đời sống xã hội cho phép các tập thể, cũng như các cá nhân dễ dàng đặt tới sự phát triển toàn diện.”

[4] https://vntaiwan.catholic.org.tw/thainhi/tdsusong2.htm

[5] https://xuanbichvietnam.wordpress.com/2011/01/30/tong-huan-loan-bao-tin-mung-evangelii-nuntiandi/

[6] Thông điệp mới đây nhất của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đề cập rất nhiều về tình huynh đệ, anh em: “Fratelli Tutti” (Tất cả là anh em). Với những lời này, Thánh Phanxicô Assisi đã ngỏ lời với anh chị em của ngài và đề nghị với họ một lối sống mang đậm hương vị Tin Mừng. Trong số những lời khuyên được Thánh Phanxicô đưa ra, tôi muốn chọn lời khuyên trong đó ngài kêu gọi phải có một tình yêu vượt qua các rào cản địa lý và khoảng cách, và tuyên bố là có phúc tất cả những ai yêu thương anh em mình “khi xa cách họ cũng nhiều như khi ở bên cạnh họ”. Theo cách đơn giản và trực tiếp của ngài, Thánh Phanxicô đã diễn tả bản chất của tính cởi mở huynh đệ, một tính cởi mở giúp chúng ta nhìn nhận, đánh giá cao và yêu thương mỗi người, bất kể sự gần gũi thể lý, bất kể người đó sinh ra hay sống ở đâu.” (số 1)

[7] Trích lời giới thiệu trong cuốn Docat.

Kiểm tra tương tự

Bạn biết gì về Ngai tòa thánh Phêrô?

  Theo truyền thống, chiếc ghế nhỏ này từng được Thánh Phêrô sử dụng khi …

Chúa ơi, bây giờ con phải làm gì ?

  “Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?” (Lc3,10-18)   Trong đoạn Tin Mừng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *