Đằng sau tiếng cười trẻ thơ

Thánh Lễ chiều trong Học viện tại Roma đang diễn ra rất sốt sắng. Mọi người thinh lặng ít phút sau khi Rước Lễ, thì từ tầng dưới, cùng tòa nhà, vang lên tiếng cười giòn giã của một bé gái, có lẽ chỉ mới vài tuổi. Chưa có gì lạ. Sau giây lát, vang lên khúc nhạc mừng sinh nhật: Happy Birthday to You! Các cha thầy nhìn nhau cười nhẹ hòa chung vào bầu không khí vui ấy. Sau đó là các điệu nhạc nối tiếp…

Bình thường, có lẽ đây là dịp để chia trí. Nhưng lần này thì không. Một dịp tốt không ngờ ập đến, tràn ngập tâm hồn tôi những cảm xúc suy nghĩ và biết bao điều khó tả. Tôi cứ lặng đi, để trôi theo dòng ký ức và giây phút hiện tại.

Bé gái ấy, gia đình ấy, có lẽ chỉ có Mẹ và Bé chứ chắc chắn không có Bố. Vì nơi vang lên tiếng cười của Bé, tôi biết rõ. Đó là trung tâm của Dòng Tên lập ra, để đón tiếp một số người tị nạn. Nơi mà một số người mẹ, một số em bé đang ở đó, cũng chính là Nhà Dòng, chỉ khác là được tách riêng ra một chút, và có giấy tờ pháp lý của một trung tâm thuộc JRS (Jesuit Refugee Service).

Tiếng cười của Bé phá tan tất cả mây mù của quá khứ, phá tan sầu muộn của hiện tại, và mở ra một tương lai, cho dù tương lai ấy không có chi chắc chắn.

Mẹ và Bé chỉ là thuộc về một số rất ít, rất ít, may mắn được cứu sống. Vì phần đông đã bị chết trôi dạt trên biển Địa Trung Hải. Phần nhiều thì chết đói chết khát trên đường chạy loạn. Phần khác nữa vẫn còn mắc kẹt tại các hòn đảo, hoặc các túp lều tạm bợ dọc biên giới hoặc ven các cánh rừng.

Còn nhớ hình ảnh em bé chết, mà xác trôi dạt bên bờ biển, hình ảnh đã đánh động và đánh thức bao người trên khắp thế giới. Nhưng không chỉ có Em ấy thôi. Thực tế có rất nhiều. Còn nhớ những con tàu tiếp tục lênh đênh trên biển, hoặc những con đường mòn vượt biên. Tôi biết tin tức, biết con người, biết vấn đề, biết… để rồi biết thế giới sẽ luôn có những vấn đề lớn, những nạn nhân, những đau khổ… Nhưng tôi cũng được nghe tiếng cười hồn nhiên, giòn giã, đầy sức sống của một em bé, bất chấp tất cả những gì là đen tối của cuộc đời.

Có một nhận định rất quý giá của một Cha phục vụ cho người tị nạn. Người ta đã đưa ra vô số lý do chính đáng để ngăn cản việc cứu và đón tiếp người tị nạn… Nhưng Cha ấy nói, các vị rất có lý, và đúng lý, nhưng chúng ta cần phân biệt hai mức độ: mức độ về phẩm giá con người, và mức độ luật pháp quốc gia và quốc tế. Theo luật pháp, chúng ta không phải làm gì, chỉ cần ngoảnh mặt làm ngơ, chỉ cần đóng cửa, chỉ cần để mặc. Nhưng là con người, không có phép điều ấy. Nhìn họ chết trên biển, chúng tôi phải cứu, chúng tôi phải vớt. Không thể để mặc họ chết như thế được. Cứ cứu sống đã, sau đó sẽ đợi các thủ tục pháp lý. Nếu có người nhận họ, nếu họ được phép đón nhận, thì là tốt. Nếu họ bị từ chối hoàn toàn, chúng ta tìm cách giúp họ ngược trở về quê hương.

Dòng chảy ký ức và tâm tư cứ thế trôi, chợt bừng tỉnh khi nghĩ đến sự can đảm của Ngôi Hai Thiên CHúa, khi dám hạ sinh làm Con Người, làm một Hài Nhi, sinh vào trong cuộc đời, dám phó thác vào tay con người giữa dòng đời. Nghĩ đi nghĩ lại, vũ trụ lớn thật, cuộc đời là thế, nhưng Một Hài Nhi cũng là đủ cho tất cả. Và như thế, tôi nhẹ cười hòa với tiếng cười của Trẻ Thơ.

Tứ Quyết SJ

Kiểm tra tương tự

Vâng, hôn nhân cũng là một việc tông đồ!

Trong hôn nhân, cả hai vợ chồng cùng làm việc để mối liên kết của …

4 cách lần hạt Mân Côi dành cho người bận rộn

  Để tôn kính Đức Mẹ Mân Côi, đây là 4 cách đơn giản để …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *