David Hume Hoài Nghi Tôn Giáo

greyhumeDavid Hume (1711-1776)

  •  Nền tảng David Hume sử dụng để phê bình tôn giáo
  • Lập trường của David Hume khi phê bình tôn giáo
  • Phê bình lập trường về tôn giáo của David Hume

Dẫn nhập

Lúc đầu, David Hume (1711-1776) đặt niềm tin vào lý trí, nhưng điều này sớm dẫn ông tới chủ nghĩa hoài nghi; vì khi ấy, ông khám phá ra rằng, phạm vi của tư tưởng con người rất giới hạn. Đến với thuyết duy nghiệm, ông chấp nhận những yếu tố duy nghiệm của Locke và Berkeley, nhưng gạt bỏ những yếu tố siêu hình học của họ.[1] Như thế, trước khi tìm hiểu lập trường của ông về tôn giáo, việc nắm bắt những nét chính trong tri thức luận của ông là cần thiết.[2]

1. Nền tảng Hume sử dụng để phê bình tôn giáo

a. Lý thuyết nhận thức[3]: “Mọi ý tưởng đều đến từ kinh nghiệm”

Toàn thể nội dung của trí khôn có thể giản lược vào các vật liệu (tri giác) mà cảm giác và kinh nghiệm cung cấp cho chúng. Các tri giác có hai hình thức: ấn tượngý niệm. Ý niệm chỉ là bản sao của ấn tượng, không có ấn tượng thì không có ý niệm. Tuy nhiên, ý niệm có thể là bản sao gián tiếp của ấn tượng khi trí khôn “phối hợp, chuyển đổi, hay gia giảm các ấn tượng.”

Sự liên tưởng – cách thức mà mọi ý niệm liên kết với nhau – có ba phẩm tính: tương tự, kế cận (không gian và thời gian), và tính nhân quả. Trong ba phẩm chất này, tính nhân quả là trọng tâm của nhận thức, và nguyên lý này là nền tảng cho mọi giá trị của nhận thức.

b. Nguyên lý nhân-quả chỉ là thói quen[4]

Ý niệm nhân quả không phải là bản sao của ấn tượng nào, nhưng ý niệm này là kết quả của việc kinh nghiệm các mối tương quan giữa các sự vật. Kinh nghiệm về tương quan có đặc tính: tương quan kế cận về không gian và ưu tiên về thời gian, tương quan nối kết thường xuyên; nhưng điều này không bao hàm “nối kết tất yếu” của nguyên lý nhân quả. Như vậy, nhân quả chỉ là “thói quen liên tưởng” của trí khôn. Hơn nữa, vì các ý niệm là bản sao của các ấn tượng, nên chúng ta chỉ biết các ấn tượng, không biết thực tại. Các ấn tượng chỉ cho biết trạng thái nội tại chủ quan, nên không phải là bằng chứng cho thực tại bên ngoài.

2. Lập trường của Hume khi phê bình tôn giáo

a. Thiên Chúa[5]

Hume đưa ra tiền đề tuyệt đối: “các ý niệm không đi xa hơn kinh nghiệm”; từ đó, ông đặt vấn đề về sự tồn tại của Thiên Chúa. Luận cứ chính yếu về sự tồn tại của Thiên Chúa dựa trên nguyên lý nhân quả: do hệ quả “trật tự của thiên nhiên”, nên phải có nguyên nhân là Đấng thông minh và thiện hảo. Ông phản biện bằng bốn lý do.

Thứ nhất, không được gán cho nguyên nhân một đặc tính nào khác ngoài những gì đúng là cần thiết để gây hậu quả. Do đó, suy diễn về sự tồn tại của Thiên Chúa là không chắc chắn. Ví dụ, khi cân, một vật nặng quá 10kg không có nghĩa nó nặng 1 tấn.

Thứ hai, cứ cho là Thiên Chúa tồn tại và Ngài sở hữu cách chính xác mức độ quyền năng và thiện ý thể hiện trong công trình của Ngài, thì cũng không chứng minh thêm được điều gì; nếu có thêm, chỉ là thêm giả thuyết. Hơn nữa, giả thuyết này không thể trở thành cơ sở cho suy luận và kết quả mới. Ví dụ: từ vũ trụ (quả) suy ra Jupiter (nhân), rồi từ nhân này suy ra quả mới.

Thứ ba, không được biến dạng các hiện tượng thiên nhiên bằng các giả thiết võ đoán. Từ một số hiện tượng trong thiên nhiên, suy ra Thiên Chúa; sau đó, vị Thiên Chúa này lại chắc chắn tạo ra được một vũ trụ lớn hơn, thiện hảo hơn vũ trụ vốn đầy tai hoạ và xáo trộn hiện tại.

Thứ tư, câu hỏi về Thiên Chúa nằm ngoài tầm với của lý trí và kinh nghiệm con người, vì Ngài cá biệt, độc nhất, không có gì tương tự. Việc phát sinh vũ trụ từ cái gì đó tương tự tư duy và cách làm của con người, cũng vượt quá kinh nghiệm con người. Ví dụ, việc đóng tàu cần tài năng, công sức của nhiều người; vậy tại sao, chúng ta không suy ra có nhiều Chúa thay vì chỉ có một Chúa.[6]

Như vậy, việc khẳng định rằng, có Thiên Chúa quyền năng và thiện hảo chỉ là hoàn toàn tự biện. Do đó, ông làm cho luận cứ này không vững chắc như trước nữa.

b-   Phép lạ[7]

Hume đưa ra tiền đề: chỉ có kinh nghiệm mới có thẩm quyền cho lời chứng của con người, và chỉ có kinh nghiệm đảm bảo cho quy luật tự nhiên là xác thực. Từ đó, ông phê bình về vấn đề phép lạ. Thứ nhất, không có phép lạ nào có đủ bằng chứng, vì luôn có bằng chứng khác chống lại. Trong hai kinh nghiệm mâu thuẫn nhau về cùng một vấn đề, thì chọn theo cái chắc chắn hơn. Thứ hai, không có lời chứng nào của con người có đủ sức để chứng minh một phép lạ, và lấy phép lạ đó làm nền tảng cho hệ thống tôn giáo. Thứ ba, Ki-tô giáo dựa trên cơ sở là đức tin chứ không phải là lý trí, nên để lột trần nó thì đem nó ra xét duyệt, vì nó xây nền trên phép lạ “biến cố phục sinh của Chúa Giê-su”.[8] Những ví dụ khác là các phép lạ được đề cập trong bộ Ngũ Kinh.

c- Đạo đức

Vì chỉ dựa trên kinh nghiệm, nên Hume loại bỏ mọi hệ thống đạo đức dù tinh vi đến đâu, nếu nó không dựa trên sự kiện và quan sát.[9] Ví dụ: thần học, siêu hình học kinh viện đáng bị loại bỏ, vì chúng đầy nguỵ biện và ảo tưởng.[10] Để đặt nền cho đạo đức học, ông nại tới sự đồng cảm như là nguyên lý phổ quát nhất trong bản chất con người.[11]

d-   Mặt trái của tôn giáo[12]

Hume sử dụng phương pháp loại suy mà chính những người tin vào Thiên Chúa quyền năng và tốt lành đã dùng, nhưng theo một cách thế khác. Đó là, từ những gì là thấp hèn, phi lý trong thiên nhiên, có thể loại suy điều tương tự tồn tại trong tôn giáo.

Nếu như con người tin vào một vì Thiên Chúa khôn ngoan và tốt lành, rồi họ khẳng định phẩm giá của mình bằng cách tin rằng, họ mang hình ảnh, dấu ấn của vị Thiên Chúa ấy; thì nơi các tôn giáo dân gian, con người lại gán cho thần thánh mọi sự xấu xa, đồi bại. Nếu như lý trí con người có thể suy ra Đấng Tạo Thành từ công trình của Ngài, thì cứ xét kỹ các nguyên lý của các tôn giáo lớn trên thế giới, sẽ nhận ra lập luận này chỉ là kết quả của tưởng tượng chứ không phải là những xác tín nghiêm chỉnh.

Cuối cùng, ông trở thành hoài nghi về tất cả những thứ này, nhưng ông chọn ở lại trong miền yên tĩnh và có phần tối tăm của triết lý.    

e- Giá trị của hoài nghi

Hume cảnh báo rằng, người tín hữu đừng quá “tự tin” vào triết lý của mình, nhất là kiểu dựng lên cả hệ thống thần học chỉ dựa vào triết lý, vì lý trí rất giới hạn. Còn ai ý thức đúng đắn về tính bất toàn của lý trí, thì sẽ hăm hở với mặc khải của đức tin. Ông còn nhấn mạnh thêm, “theo chủ nghĩa hoài nghi triết lý đối với người có học, là bước đầu tiên và quan trọng nhất để trở thành một Ki-tô hữu trung thực và đầy lòng tin”.[13]

3. Phê bình lập trường về tôn giáo của Hume

a. Những giới hạn

Trước hết, nền tảng mà Hume sử dụng không thật chắc chắn. Để phản biện lập trường của Hume, Kant chứng minh rằng, nguyên lý nhân quả không chỉ là thói quen, mà là nguyên lý có tính tổng hợp và tiên thiên.[14] Hơn nữa, Hume chỉ dựa vào các ấn tượng, tức là duy kinh nghiệm giác quan. Tính giản lược này gặp sự tương phản lớn trong hiện tượng luận của Husserl, vì với hiện tượng luận, kinh nghiệm có tính đa chiều, phong phú và phức tạp.[15]

Khi bàn về Thiên Chúa, Hume chỉ tập trung phản biện luận lý nhân quả, chưa bàn trực tiếp tới nội dung của đức tin; ông đã bỏ qua việc xác định ranh giới cũng như sự hỗ tương giữa lý trí và đức tin mà thánh Augustine[16] và Thomas Aquinas[17] cho thấy. Khi bàn về phép lạ, Hume dùng kinh nghiệm này để triệt tiêu kinh nghiệm khác, điều này có giá trị trắc nghiệm tính chắc chắn của kinh nghiệm, nhưng nó lại khá chủ quan: vì khi ấy, chủ thể sẽ phủ định người khác nếu chủ thể chưa kinh nghiệm điều người khác kinh nghiệm. Bàn trực tiếp biến cố Phục Sinh của Chúa Giê-su, ông không thể dùng kinh nghiệm giác quan thường nghiệm để phủ nhận “một thực tại mới” mà các môn đệ chứng kiến và làm chứng.[18] Khi bàn về đạo đức, lập trường của ông sẽ bị đặt thành câu hỏi lớn, khi phải đối diện với hệ thống phê bình lý tính thực hành của Kant. Từ sự khác biệt giữa các tôn giáo lớn, ông đi đến kết luận: niềm tin vào Thiên Chúa không phải là xác tín nghiêm chỉnh. Điều này thích hợp để phê bình lối thực hành tôn giáo, chứ không phải bản chất của tôn giáo. Vì chính từ dữ kiện phong phú của các tôn giáo, C.S. Lewis đi tới niềm tin chắc chắn về luật đạo đức, và Đấng làm nên luật ấy.[19]

b. Các ưu điểm

Không thể phủ nhận hai điểm sáng mà Hume đóng góp. Thứ nhất, nếu như Decartes dùng phương pháp “hoài nghi duy lý” để đi tìm tính chắc chắn của tri thức, thì Hume sử dụng phương pháp “hoài nghi duy nghiệm” để xác định tính chắc chắn của tri thức, đặc biệt là những phân tích của ông về nguyên lý nhân quả. Ông cho thấy rõ sự lười biếng cũng như dễ dãi trong việc áp dụng nguyên lý này, và nguyên lý này không mạnh như người ta tưởng.[20] Thứ hai, ông đã cẩn thận và khôn ngoan sử dụng phương pháp loại suy theo cách mà chính những người có niềm tin tôn giáo áp dụng, để chỉ ra sự tuỳ tiện trong suy nghĩ và lối sống của họ.

Kết luận

Tựu trung, bằng thuyết duy nghiệm, Hume đưa ra lập trường mang tính hoài nghi về tôn giáo và những thực hành tôn giáo. Tuy việc phân tích nguyên lý nhân quả của ông tuy chưa tới nơi[21], nhưng cũng đủ để cho thấy những lỗ hổng trong suy tư và thực hành tôn giáo khi áp dụng nguyên lý này. Hơn nữa, ông cảnh tỉnh việc sử dụng tuỳ tiện phép loại suy trong lối nghĩ và đời sống. Cuối cùng, giữa nhiều ý kiến khác nhau về câu hỏi: “Hume có là người vô thần không, và tới mức nào?”[22] chúng tôi đồng ý với nhận định rằng: Hume không vô thần, không bất khả tri, nhưng dửng dưng với tôn giáo, và thích nghiên cứu tôn giáo.[23]

Vincent Vũ Tứ Quyết, S.J.

Học Viên Triết I

Học Viện Thánh Giuse – Dòng Tên

[1] x. Samuel Enoch Stumpf, Lịch sử Triết học và các luận đề; Đỗ Văn Thuấn, Lưu Văn Hy diên dịch; Nguyễn Việt Long hiệu đính, (Nxb Lao Động, Hà Nội, 2004), tr. 227-228.

[2] x. Weger, K.H, Religionskritik, Verlag Styria, Graz, Wien, Koln 1991. Bản Việt ngữ: Phê bình tôn giáo qua các tác giả, (tài liệu nội bộ), tr. 54.

[3] x. Samuel Enoch Stumpf, Lịch sử triết học và các luận đề, tr. 228-229.

[4] x. Samuel Enoch Stumpf, Lịch sử triết học và các luận đề, tr. 229-230.

[5] x. Weger, K.H, Phê bình tôn giáo qua các tác giả, “về một sự quan phòng và một cuộc sống tương lai”, tr. 57-60.

[6] x. Weger, K.H , Phê bình tôn giáo qua các tác giả, “Đóng góp trong vấn đề về bằng chứng Thiên Chúa theo cứu cánh học”, tr. 61-62.

[7] x. Weger, K.H , Phê bình tôn giáo qua các tác giả, “Về phép lạ”, tr. 56.

[8] x. Russell, Paul, “Hume on Religion”, The Stanford Encyclopedia of Philosophy (Fall 2013 Edition), Edward N. Zalta (ed.), <http://plato.stanford.edu/archives/fall2013/entries/hume-religion/>.

[9] x. Samuel Enoch Stumpf, Lịch sử triết học và các luận đề, tr. 233.

[10] x. Weger, K.H , Phê bình tôn giáo qua các tác giả, “Triết lý hàn lâm hay hoài nghi”, tr. 60-61.

[11] x. Samuel Enoch Stumpf, Lịch sử triết học và các luận đề, tr. 233.

[12] x. Weger, K.H , Phê bình tôn giáo qua các tác giả, “Lịch sử tự nhiên về tôn giáo”, tr. 63-65.

[13] x. Weger, K.H , Phê bình tôn giáo qua các tác giả, “Triết lý hoài nghi rất cần thiết”, tr. 62-63.

[14] x. Michael Friedman, “Causal laws and the foundations of natural science”, The Cambridge Companion to Kant, edited by Paul Guyer, (Cambridge University, 1992), tr. 161-163.

[15] x. Smith, David Woodruff, “Phenomenology”, The Stanford Encyclopedia of Philosophy (Winter 2013 Edition), Edward N. Zalta (ed.), <http://plato.stanford.edu/archives/win2013/entries/phenomenology/>.

[16] x. Thánh Augustine, Tự Thuật, (Nxb Tôn Giáo, 2007), quyển XII, đoạn XXX, tr. 770.

[17] x. Thánh Thomas Aquino, Tổng luận Thần học, (Thiên Chúa Tạo Thành và các thiên thần, phần I, vấn đề 44-64); phiên dịch và dẫn nhập: Joachim Nguyễn Văn Liêm, O.P. và một số cộng tác viên; (Tu viện thánh Alberto Cả, Tp. HCM, 2001), tr. 111.

[18] x. Joseph Ratzinger (ĐGH Bênêđictô XVI), Đức Giêsu thành Nazareth, (Phần II: Từ lúc vào thành Giêrusalem cho tới lúc về trời), (nguyên tác: Jesus von Nazareth), Người dịch: Phạm Hồng Lam, (Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2011), tr. 293-334.

[19] x. Francis S.Collins, Ngôn ngữ của Chúa, (nguyên tác: The Language of God), Lê Thị Thanh Thuỷ dịch, (Nxb Lao Động, Hà Nội, 2007), tr. 35-49.

[20] Ví như thánh Thomas Aquinas, ngài đã chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa theo 5 con đường, nhưng các con đường này đều dựa trên nguyên lý nhân quả.

[21] Như Kant khẳng định và chỉ rõ trong Phê bình lý tính thuần tuý.

[22] x. Russell, Paul, “Hume on Religion”, The Stanford Encyclopedia of Philosophy (Fall 2013 Edition), Edward N. Zalta (ed.), <http://plato.stanford.edu/archives/fall2013/entries/hume-religion/>, (xem mục 10. Was Hume an Atheist?).

[23] x. Weger, K.H , Phê bình tôn giáo qua các tác giả, tr. 55.

Kiểm tra tương tự

Hỡi các bậc phụ huynh, thánh Tôma Aquinô sẽ giúp bạn vượt qua những năm tháng mệt mỏi

Thánh Tôma Aquinô hiểu sự hiện hữu như một quá trình năng động chuyển từ …

Đất nước duy lý trước cơn đói khát thiêng liêng

Nhìn về một kiểu đa dạng khác cho Giáo hội hiệp hành và thần học …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *