Patrixia Santos, Đại sứ Tuyên truyền về HIV của Bộ Sức Khỏe Philippines đã chia sẻ như thế này “Đến tận cùng, không phải căn bệnh hay virus đã giết chết họ, nhưng chính sự thù ghét và kỳ thị là lý do”. Định kiến xã hội và kỳ thị không chỉ xảy ra với những người sống chung với H nhưng còn là một bóng đen đeo đuổi trên cuộc đời những con người sống cùng các chứng bệnh khác bao gồm bệnh nhân phong. Định kiến đến từ thiếu hiểu biết, chính sự thiếu hiểu biết và mặc định này của phần đông người trong cộng đồng mà những người mắc bệnh phong, dù đã được chữa trị chỉ còn lại di chứng vẫn phải tiếp tục sống cùng mặc cảm và cô lập trong lặng lẽ cho đến hết đời. Với điều kiện kinh tế eo hẹp, tài nguyên sức khỏe cạn kiệt, khoảng cách xã hội bị nới rộng, những bệnh nhân phong hoặc những người sống với di chứng của phong không còn đủ sức để bật ra khỏi sự bế tắt của mình.
Dọc dài lịch sử bệnh phong tại Việt Nam, vẫn có không ít những con người quảng đại bước vào cộng đồng những người bị lãng quên này để sẻ chia tình thương. Các trại phong, làng phong, cơ sở chăm sóc người phong… dần dần được hình thành. Những người như Cố Giám Mục Jean Cassaigne Sanh và rất nhiều những người thầm lặng khác hiện diện giữa cộng đồng này như chiếc cầu rút ngắn dần khoảng cách do định kiến gây ra. Hành trình quên mình của những con người giống Chúa để đến với những con người giống Chúa khác như ánh nến giúp lan tỏa ánh sáng xua đi bóng đen quạnh hiu; đâu đó bắt đầu sáng lên chút hy vọng nơi nụ cười con trẻ nhà lưu xá; một chút ánh sáng ấm áp nơi ánh mắt cụ già khi khoe cho khách lạ vết thương vừa được săn sóc hôm qua; một chút ánh sáng của niềm vui rộn ràng trong tiếng hát kinh ban chiều giữa lủng sâu vọng lên núi rừng cao nguyên. Có rất nhiều thứ hay ho đang được nhen nhóm nơi những con người giống Chúa theo những cách rất khác biệt này. Bởi vì xét cho cùng, giữa ngôi làng thế giới này, tất cả chúng ta đều là anh chị em.
Dự án Giáo dục về Truyền Thông JESCOM (JESCOM Media Education Project) gửi một nhóm người trẻ làm truyền thông đến cảm nếm những gam màu sáng tối rất hiện sinh này tại làng Plei Chép, Gia Lai. Những người trẻ này cố gắng kể lại những điều họ đã thấy, những tiếng thì thầm họ đã nghe, và những cười khúc khích hồn nhiên khi đi tìm muối kiến cùng bọn trẻ con trong làng. Những người trẻ của chúng tôi dùng truyền thông để thuật lại tiếng vỗ của một bàn tay, tiếng bước đi của đôi chân đã cụt, và tiếng thì thầm lâu rồi chẳng có mấy người nghe, chẳng riêng gì ở Gia Lai, ở Quy Nhơn, ở Bến Sắn, ở Quả Cảm; nhưng là ở đâu đó thật gần, chỉ gần ngay bên.
Qua thước phim ngắn “Đây là anh em tôi…”, những nhà truyền thông trẻ muốn chuyển tải thông điệp giản dị “bệnh tật luôn là một sự trục trặc của tự nhiên, nhưng bản thân người bệnh luôn là một con người với những giá trị cao quý trước mặt Chúa, bất chấp dị tật nơi thân xác.”
-Vi Cao-
Đọc thêm: