“Để Giữ Trọn Đức Công Chính” (Mt 3, 13-17)

Ngay đầu sách Công Vụ Tông Đồ, khi phải chọn người thế chỗ ông Giuđa It-ca-ri-ốt, thánh Phêrô đưa ra tiêu chuẩn:

Có những anh em đã cùng chúng tôi đi theo Chúa Giêsu suốt thời gian Người sống giữa chúng ta, kể từ khi Người được ông Gioan làm phép rửa cho đến ngày Người lìa bỏ chúng ta và được rước lên trời. Một trong những anh em đó phải cùng với chúng tôi làm chứng rằng Người đã phục sinh”. (Cv 1,21-22).

Những lời này có thể gây cho chúng ta một vài thắc mắc:

1/ Tại sao điểm chính phải làm chứng là Chúa Giêsu đã phục sinh?

2/ Tại sao lại đặt hai cột mốc từ khi Người được ông Gioan làm phép rửa cho tới khi Người được rước lên trời?

Ngay từ bài công bố Tin Mừng đầu tiên thánh Phêrô đã tuyên bố: Đức Giêsu mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Kitô (Cv 2,36).

Đức Giêsu phục sinh và được rước lên trời chính là hành động của Thiên Chúa dứt khoát tôn vinh Người làm Chúa và làm Đấng Kitô. Thánh Phaolô quả quyết (1 Cr 15,14-17) :

 “Nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng…

Nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy thì lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em”.

Nhưng nếu Đức Kitô được tôn vinh thì chính là vì Người đã hạ mình đến cùng, đến chết trên thập giá (Pl 2,6-11).

Hai cái mốc hạ mình hàm chứa trong lời thánh Phêrô là “được ông Gioan làm phép rửa”  và “chết trên thập giá”.

Pl 2,6-7, Tin Mừng thời thơ ấu trong hai sách Tin Mừng MtLc  cùng với lời tựa sách Tin Mừng Gioan cho cái mốc hạ mình đầu tiên là trút bỏ vinh quang Thiên Chúa để sinh làm người. Như vậy phục sinh và đươc rước lên trời là sự tôn vinh cuối và tột cùng của ba bước hạ mình: “Chính vì thế Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu… Đức Giêsu Kitô là Chúa” (Pl 2,9-11).

Sự hạ mình cuối cùng bằng cái chết trên thập giá làm cho tất cả các môn đệ vấp ngã: “Đêm nay tất cả anh em sẽ vấp ngã vì Thầy” (Mt 26,31). Chỉ nhờ Chúa Phục sinh các ông mới trỗi dậy được.

Sự hạ mình đầu tiên thì về sau, nhờ Thánh Thần “dẫn tới sự thật toàn vẹn” (Ga 16,13), các môn đệ mới nhận ra.

Sự hạ mình thứ hai cũng làm các ông ngỡ ngàng sau khi đã thấy Đức Giêsu Kitô được tôn vinh. Tại sao Người là Đấng Công Chính, Đấng vô tội mà lại chịu phép rửa từ tay ông Gioan vốn là phép rửa thống hối cho người tội lỗi?

Mỗi sách tin Mừng có một cách trình bày để đưa chúng ta vào trong mầu nhiệm này.

Sách Tin Mừng Mác-cô triệt để áp dụng phương pháp kể chuyện, vốn không nương nhẹ, không tô son đánh phấn các nhân vật, cứ đặt chúng ta trước sự việc gần như trần trụi kế tiếp nhau và để cho chúng ta thắc mắc nghĩ suy, không ngừng lại để giải thích.  Cứ đọc tiếp rồi sẽ hiểu. 

Sách tin Mừng Matthêu vốn mang tính cách sư phạm của một ông thầy giáo, nên cho ngay một cách giải thích, nhưng lời giải thích lại thách đố người ta suy nghĩ, gây thêm thắc mắc.

Sách Tin Mừng Luca tinh vi hơn, dùng cơ hội này để mở cho người ta suy nghĩ về một chủ đề gtrọng yếu là cầu nguyện và Thánh Thần.

Sách Tin Mừng Gioan thì chỉ nhắc một cách gián tiếp qua lời chứng của ông vị Tẩy Giả (1,33). 

Trở lại với trình thuật trong sách Tin Mừng Matthêu (đọc trong Phụng Vụ năm nay).

Thầy giáo Matthêu đã lý giải cách hành xử của thánh Giuse bằng hai chữ “công chính” (1,19), khiến chúng ta cũng đau đầu chẳng hiểu tại sao “lẳng lặng rút lui” trong trường hợp này lại là cách hành xử của người công chính và chỉ vì là người công chính.

Bây giờ đến chuyện Chúa Giêsu chịu phép rửa từ tay ông Gioan Tẩy Giả, thầy giáo lại cho thấy chính ông Gioan thắc mắc và để Chúa Giêsu giải thích cho ông:

Bấy giờ, Đức Giêsu từ miền Galilê đến sông Gio-đan, gặp ông Gioan và xin ông làm phép rửa cho mình. Nhưng ông một mực can Người mà nói: “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi!” Nhưng Đức Giêsu trả lời: “Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính” (3,13-15).

Lời giải thích đẩy lui vấn đề sang một điểm khác, có lẽ là chìa khóa để giải quyết nhiều vấn đề.

Trong tám mối Phúc, mối thứ tám :

Phúc thay ai bị bách hại vì sự công chính được áp dụng cho các môn đệ:

Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa.

Philatô và bà vợ sẽ nhìn nhận Chúa Giêsu là người công chính (27,19.24).

Chúa Giêsu chịu bách hại vì sự công chính. Chúa Giêsu là người tôi tớ được chính Thiên Chúa xác nhận là công chính và sẽ làm cho muôn người nên công chính (Is 50,4-10;53,11).

Chúa Giêsu chịu bách hại vì sự công chính; môn đệ chịu bách hại vì Chúa Giêsu.

Vậy thì Chúa Giêsu là sự công chính của chúng ta:

Được như vậy không phải nhờ sự công chính của tôi, sự công chính do Luật Môsê  đem lại, nhưng nhờ sự công chính do lòng tin vào Đức Giêsu Kitô, tức là sự công chính do Thiên Chúa ban, dựa trên lòng tin. Vấn đề là được biết chính Đức Kitô, nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Người, với hy vọng có ngày cũng sẽ được sống lại từ trong cõi chết” (Pl 3,9-11).

Cuối  bài giảng trên núi, Chúa Giêsu sẽ cho biết sự công chính là gì: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! Lạy Chúa!” là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời mới được vào mà thôi” (Mt 7,21).

Khi hạ mình chịu phép rửa từ tay ông Gioan, Chúa Giêsu thi hành ý muốn của Chúa Cha. Chúa mời ông Gioan cùng thi hành ý Thiên Chúa, dù ông không hiểu.

Khi đón nhận cái chết trên thập giá, Chúa Giêsu thưa với Cha: “xin theo ý Cha”, “xin cho ý Cha nên trọn” ( Mt 26,39.42).

Ngay khi Chúa Giêsu bắt đầu chữa bệnh thì Mt đã trích dẫn bài ca người tôi tớ đau khổ (8,17), cho chúng ta cái chìa khóa để nhận ra là Chúa Giêsu đã mang lấy bệnh hoạn tật nguyền của chúng ta thì khi chịu phép rửa Người đã mang lấy tội lỗi của chúng ta: “Người đã mang lấy tội muôn người” (Is 53,12). Khi chết trên thập giá là Người xoá bỏ tội lỗi cho chúng ta: ‘Đây là máu Thầy, Máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội”(Mt 26,28).

Sự công chính của Chúa Giêsu là thi hành ý muốn của Thiên Chúa. Sự công chính của chúng ta là nên giống Chúa Giêsu, cùng với Chúa Giêsu thi hành ý muốn Thiên Chúa.

Giêrusalem, lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa 2014

Lm. Giuse Nguyễn công Đoan, S.J.

Kiểm tra tương tự

Sự ra đi của Mẹ Maria: Niềm tin thời Giáo phụ và Trung cổ

Tháng Tám được đánh dấu bằng lễ trọng thể Đức Maria Hồn Xác Lên Trời, …

Sự thinh lặng của Thiên Chúa – Kỳ 3: Mặc khải về một bức tranh rộng lớn hơn

Sự thinh lặng của Thiên Chúa và mầu nhiệm Nhập Thể   Quan điểm nhập …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *