Đến rồi đi, và sự hiện diện

den-di-hien dien

Cuộc đời là một chuỗi những chuyến đi, và loài người là những kẻ hành hương trong những chuyến đi nối tiếp nối. Đã đi thì ắt hẳn có đến; và vì là những chuyến đi liên tục nên sau khi đến lại phải ra đi. Đi, đến, rồi lại đi, kết quả là những cuộc chia ly cứ nối dài bất tận.

Người đi thường thầm thĩ trong lòng rằng: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất đã hóa tâm hồn.” (Tiếng hát con tàu, Chế Lan Viên). Thật ra, đất có hóa tâm hồn hay không không chỉ hệ tại ở mảnh đất vô tri nhưng còn do bởi những con người nơi đó. Đất là hình ảnh hoán dụ để nói đến những phận người gắn bó cùng đất. Họ đã chiếm một chỗ không nhỏ trong trái tim người đi, trở thành một phần con người của họ. Đây chính là sự hiện diện. Kẻ ở đã ở đó và sẽ mãi còn ở đó vì nhờ sự hiện diện của kẻ ở mà người đi có nơi để đến; rồi bỗng một ngày, khi sự hiện diện của họ không còn là “mặt giáp mặt”, kẻ ở lại được cất giữ trong một góc nào đó của ký ức người đi. Hiện diện bên ngoài rút về ở ẩn bên trong, và sự hiện diện này thì trường tồn. Nhờ biết bao sự hiện diện như thế, mà tâm hồn người đi cứ mãi dày lên về kinh nghiệm, về hiểu biết và về tình yêu.

Kẻ ở lại thổ lộ: “Người đi một nửa hồn tôi mất, một nửa hồn tôi bỗng dại khờ.” (Những giọt lệ, Hàn Mặc Tử). Có quá lời chăng khi kẻ ở nói người đi là một nửa hồn mình? Thật ra, khi người với người cùng ngụp lặn trong biển tình yêu, họ sẽ hóa nên một. Tình yêu đã khiến người đi thành một nửa tâm hồn của kẻ ở. Hai mà hóa thành một; là một trong tình yêu. Rồi chia ly đến khiến một nửa hồn rời xa. Một sự mất mát quá lớn khiến kẻ ở bỗng hóa dại khờ trong nhớ thương lưu luyến. “Người ơi người ở đừng về,” câu dân ca quan họ muốn ngỏ và đã ngỏ chỉ diễn tả phần nào đó nỗi niềm. Chẳng còn thấy nhau, chẳng còn dịp cớ để hàn huyên tâm sự, ấy vậy mà sự hiện diện của người đi vẫn luôn tròn đầy trong lòng kẻ ở. Chính nỗi nhung nhớ ghi sâu hình ảnh của người đi vào tâm khảm kẻ ở, khiến nó luôn sống động và đầy hiện thực. Cứ ngỡ sự hiện diện vắng mặt  gây nên nỗi dày vò kia là khốn khổ, nhưng không, niềm nhớ chỉ đang làm con tim kẻ ở mềm đi. Quả tim bằng đá cứng cỏi cứ ngày từng ngày mềm hơn chút một để người ở lại biết trăn trở hơn với đời và biết cảm thông hơn với biết bao phận người quanh họ. Ví được thì tâm hồn kẻ ở tựa thửa ruộng được cày xới mỗi ngày bằng những lưỡi sắc mang tên chia ly, và như thế nó mới sinh thêm màu mỡ.

Và nếu một ngày nào đó sự hiện diện tinh thần giữa kẻ ở người đi lỡ tàn phai, thì sẽ vẫn còn đó một sự hiện diện thiên linh của Đấng muôn đời hằng hữu. Chúa Giêsu đã thực hiện một cuộc “đến rồi đi” vĩ đại hơn cả, và Ngài vẫn còn ở cùng con người cho đến ngày chung cuộc. Sự hiện diện vắng mặt ấy đã liên kết Thầy trò nên một trong Thần Khí, và nhờ đó người môn đệ hăng hái lên đường viết tiếp câu chuyện tình mang tên cứu độ.

“Dù đến rồi đi, tôi cũng xin tạ ơn người…” (Tạ ơn, Trịnh Công Sơn). Xin tạ ơn Chúa, xin cảm ơn người.

Jos. Nguyễn Minh Vương, S.J.  

Kiểm tra tương tự

Cuộc đời Thánh Anê dạy chúng ta biết coi trọng con trẻ

  Là người lớn, chúng ta luôn có những điều cần phải học hỏi từ …

Đức Thánh Cha Phanxicô: Hy vọng là biết vui cười

“Hy vọng” – Cuốn tự truyện dày 400 trang của Đức Thánh Cha Phanxicô, được …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *