Dệt ngây thơ

Những ngày đầu tháng 10, các rạp chiếu phim toàn quốc đang ngập tràn một màu xanh. Đó là hiệu ứng của một bộ phim vừa khởi chiếu được chuyển thể từ tập truyện ngắn cùng tên: “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”. Quả vậy, cả đạo diễn Victor Vũ lẫn nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã cùng dệt nên một thế giới tuổi thơ trong trẻo và đầy chất thơ đến lạ kì, thông qua câu chuyện về 3 đứa trẻ ở một làng quê Tây Nam Bộ nghèo. Chính nội dung ấy, chính tuổi thơ ấy khiến cho bộ phim thu hút được lượng khán giả rất lớn. Bởi đơn giản, đó không chỉ là phim ảnh, đó chính là chúng ta, kí ức của chúng ta, cảm xúc của chúng ta – một tuổi thơ mà ai cũng có.

1
Ước muốn “Ngây thơ”
Giữa một thế giới người lớn ồn ào, hỗn tạp. Những điều giản dị, hồn nhiên lại được trân trọng và nâng niu quý giá hơn bao giờ hết. Chúng ta đôi khi muốn được ngồi trên cái mo cau của cậu bạn thân kéo thì thích hơn là ngồi trong xế hộp mỗi giờ kẹt xe; chúng ta cũng thích được hưởng làn gió mát từ quạt nan ngoại quạt hơn là ngồi máy lạnh cả ngày…Phải chăng đó là nghịch lí của cảm xúc bấy lâu nay. Như trẻ con khao khát có được những trải nghiệm của người lớn thì người lớn lại ước ao có được trái tim bình yên của trẻ thơ. Dẫu là khao khát nhưng còn khao khát ấy là chúng ta còn biết mơ một giấc mơ có ý nghĩa. Giấc mơ về Thiên Đàng thay vì những toan tính thực dụng của kinh tế thị trường hôm nay là tiền và quyền, là sự hữu hạn và cái chết là hết để đi liền với nó là lối sống hoặc buông thả hoặc hưởng thụ. Những thứ ấy theo cấp số nhân đang làm băng hoại đi sự ngây thơ vốn có ban đầu của con người, để rồi con người loay hoay đi tìm lại cái hạnh phúc mà mỗi chúng ta đã được nếm trải từ thuở bé. Sao không biết rằng, muốn hạnh phúc thì hãy trở nên “ngây thơ như con trẻ”. Như cái cách mà lời tựa một cuốn sách kia chỉ ra: “Mất ngây thơ là mất tâm hồn. Đánh mất ước muốn được ngây thơ là đánh mất cảm xúc tâm hồn”.

2Giá trị của ngây thơ
Thế nhưng, “ngây thơ” không đơn thuần chỉ là một đặc tính của con trẻ, không dừng lại ở cái khao khát của người lớn. “Ngây thơ” còn là một đặc tính, một nền tảng quan trọng trong đạo đức và đời sống thiêng liêng.
Khi nghe những thiền sư Ấn Giáo bàn về sự giác ngộ. Các Ngài chỉ so sánh về nó: “Giác ngộ là khi bạn nhìn sông vẫn là sông, núi vẫn là núi và cây vẫn là cây. Giác ngộ là lúc bạn nhìn mọi vật với con mắt của trẻ thơ. Luôn tò mò, luôn tươi mới, luôn lạ lẫm và luôn đơn giản, để mỗi tiếng ong vo ve, mỗi hương hoa đồng nội đều là một khám phá diệu kì, đều là công trình vĩ đại của Hóa Công”. Muốn đạt đến điều ấy, chúng ta phải loại bỏ khỏi mình những kinh nghiệm, nhưng tri thức của người lớn mà thay vào đó là ý nghĩ ngây thơ của con trẻ. Trong thế giới con trẻ à hàng vạn câu hỏi vì sao, là sự ngạc nhiên lẫn niềm vui sướng khi bước từng bước chân trong cuộc sống. Một niềm an lạc và hoan hỉ đến tột cùng.
Thiên Chúa mến sự thơ ngây
Các môn đệ có lẽ vẫn chưa học thấu được giá trị “ngây thơ” ấy nên các ông vẫn hay trói mình trong mớ bòng bong của người lớn. Các ông hỏi Chúa Giê-su về Nước Trời, các ông tranh luận với nhau về người lãnh đạo…Còn Thầy của các ông đã không phải lí luận cao siêu, không trừu tượng hóa, không tích phân, không diễn dịch mà Ngài chỉ hành động đơn giản là các ông đã thấy được chân lí giản đơn. Ai lớn nhất ư? Đây! Đức Giê-su bế một em nhỏ và đặt vào giữa các ông (Mt 18,4). Nước trời là cái gì cao lớn, vĩ đại ư? Đây! Nước Trời giống như hạt cải. Thứ hạt nhỏ nhất (Mt 13, 31). Thậm chí, ngay cả khi nói về một vấn đề thời đại lớn lao, Người cũng lấy cảm hứng từ chính sự ngây thơ: “Tôi phải ví thế hệ này với ai? Họ giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ và gọi lũ trẻ khác” (Mt 11, 16). Và Chúa Giê-su trong một lần khác chính Chúa Giê-su đã khẳng định chân giá trị của sự “ngây thơ” chính là “sở hữu tấm vé” vào Nước Trời: “Cứ để trẻ em đến với Thầy đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là của những ai giống như chúng” (Mt 19, 14).
Ngang qua hình ảnh trẻ thơ, học lấy sự ngạc nhiên của con trẻ, đơn giản hóa mọi khao khát, ước vọng thì đời sống tâm linh của chúng ta sẽ tiến triển và chúng ta sẽ ở gần trong sự âu yếm của Thiên Chúa hơn bao giờ hết. Vì Nước Thiên Chúa là những của những ai không tham lam, không chiếm hữu, không phức tạp. Nước Thiên Chúa ở đây, giữa chúng ta khi chúng ta thấy Thiên Chúa trong mọi vật. Đó mới là cái thấy của trẻ thơ.
Cổ tích ngây thơ
Đứng trên bục giảng, vị Giáo sư nọ chia sẻ cùng các sinh viên: “Tôi biết các bạn đã giàu kinh nghiệm, các bạn đã làm được nhiều điều và thành công ở nhiều lĩnh vực. Tôi khâm phục sự trưởng thành của các bạn. Nhưng tôi ở đây để dạy lại cho các bạn về món quá của ông già No-en, về cái kết có hậu của Hoàng Tử Ếch, về phép màu của Thần Đèn và về Thiên Đường Thứ 7. Các bạn có tin vào những điều ấy thay vì cứ tin vào Đác-uyn hay B.Obama may ra các bạn sẽ có HẠNH PHÚC”.
Tôi thơ ngây. Bạn cũng hãy thơ ngây. Chúng ta cùng dệt nên những “thơ ngây”.

Joseph Thanh Tùng
Tháng 10.2015

Kiểm tra tương tự

TỘI và TÔI

  Lặng thầm cầu nguyện trên môi Sấp mình thờ lạy bồi hồi tâm can …

Chúa Giêsu trong vòng dư luận

Đức Giêsu trong vòng dư luận. Ảnh: Pinterest.com Suy niệm Tin Mừng tuần vừa qua …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *