Nghe Audio
Các bạn trẻ thân mến,
Khi nhắc đến tuổi trẻ, người ta thường liên tưởng đến sự nhanh nhẹn, sáng kiến và luôn sẵn sàng xông mình vào những nơi khó khăn. Là người trẻ, chúng ta cũng tự thấy mình có trách nhiệm làm cho thế giới và cuộc sống trở nên tươi hơn và đầy sức sống hơn. Là thế hệ được thừa hưởng những bước tiến hiện đại, đôi khi chúng ta thấy những cụ già “sao mà lạc hậu thế!”. Tuy nhiên, chúng ta có thể áp dụng suy nghĩ ấy ở lĩnh vực khoa học kỹ thuật và quan niệm xã hội, còn về kinh nghiệm sống, chúng ta lại rất cần tìm đến những cụ già để “tầm sự học đạo”.
Đôi khi lời nói các cụ không còn văn hoa bóng bẩy, nhưng lại chứa đựng những kinh nghiệm sống mà khi nghe dường như chúng ta bị trúng ngay tim đen; hay ngay cả phải tốn nhiều năm sau chúng ta mới nghiệm thấy được điều ấy. Đơn giản bởi vì đó là kinh nghiệm đúc kết từ cả cuộc đời của họ. Một trong những cụ già đáng để chúng ta tìm đến “tầm sự học đạo” với tư cách là những môn đệ Chúa Giê-su, đó là cụ già Si-mê-on.
Ai có thể ngờ rằng, giây phút cụ gặp một Giê-su bé bỏng nằm trên tay Mẹ lại là đỉnh cao của cuộc đời cụ. Cụ đã truyền lại bài học ấy cho chúng ta, những kẻ đang muốn “tầm sư học đạo”. Cụ không truyền một bài học như một người thầy giảng giải cho học trò, nhưng cụ thốt lên những tâm tư khiến chúng ta không thể không ngưỡng mộ. Chúng ta ngưỡng mộ một con người sống có lý tưởng. Cụ ẵm Hài Nhi trên tay và chúc tụng Thiên Chúa:
“Muôn lạy Chúa, giờ đây
theo lời Ngài đã hứa,
xin để tôi tớ này được an bình ra đi.
Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ.” (Lc 2, 29-30)
Chúng ta ngưỡng mộ một con người sống có lý tưởng, một lý tưởng đẹp. Cụ đã mãn nguyện khi cụ được chạm đến lý tưởng ấy. Mãn nguyện đến nỗi sẵn sàng và xin được an bình ra đi. Với tư cách là những người trẻ, chúng ta cũng thèm có được một lý tưởng đẹp như thế. Tuy nhiên, điều khó đối với chúng ta là xác định một lý tưởng.
Các bạn thân mến,
Khi nói đến lý tưởng sống, chúng ta có nghĩ nó là một điều gì đó cao xa không? Cao đẹp thì có nhưng xa vời thì không. Cụ Si-mê-on đã làm gì đáng kể ngoài việc dong dủi trong đền thờ, cầu nguyện và nói chuyện với người khác về ngày Đấng Cứu Thế đến? Không có gì đáng kể, nhưng người ta vẫn nhìn thấy nơi cụ một con người hạnh phúc, vì cụ có một lý tưởng đẹp để sống. Hay chúng ta có thể thấy nơi một số vị thánh trẻ. Họ đúc kết lý tưởng của họ chỉ trong một vài châm ngôn. Thánh Tê-rê-xa Hài Đồng Giê-su đã theo đuổi lý tưởng nhờ “làm việc nhỏ bằng một tình yêu lớn”. Thánh Gioan Berchman thì vui với bổn phận qua châm ngôn “thích điều mình làm chứ không chỉ làm điều mình thích.” Lý tưởng là thế, họ đã sống hết mình vì một điều đẹp.
Mỗi người có một lý tưởng. Người khác có thể giúp mình khơi nên lý tưởng, nhưng họ không thể khám phá lý tưởng ấy thay cho mình. Mỗi người phải tự khám phá lý tưởng sống cho riêng mình. Mọi người đều có cơ hội ngang nhau để sống cho lý tưởng mà chính mình đã chọn. Là người trẻ, chúng ta đang tìm một lý tưởng. Làm sao chúng ta tìm được một lý tưởng đẹp cho riêng mình?
Lý tưởng là một viễn tượng mà nhiều người cùng có thể chung chia, nhưng nó cũng là một khung trời rất riêng tư. Vì thế, người ta phải khám phá không gian riêng tư ấy bằng sự riêng tư, hay rõ hơn, bằng không gian yên tĩnh cho riêng mình. Có một châm ngôn rất triết lý được viết trên một blog rằng: “cô đơn, để biết mình tồn tại” hay có thể nói, “cô đơn, để biết mình đang sống”. Đôi khi chúng ta sợ thinh lặng, nhưng chính thinh lặng lại giúp ta tìm thấy chính mình. Giả như cụ Si-mê-on không thinh lặng, làm sao cụ có thể nghe được sự dun dủi của Thánh Thần, để có thể đến gặp Đấng Cứu Thế khi cha mẹ đem Hài Nhi đến. Sự ồn ào bên ngoài chỉ thực sự có nghĩa khi nó đã được chuẩn bị bằng thinh lặng.
Bên cạnh đó, “tầm sư học đạo” cũng là một cách tuyệt vời để khám phá ra lý tưởng. Điều đáng quý nơi con người là biết rút ra những kinh nghiệm. Những người đi trước, với những thành công, thất bại, hạnh phúc và cả cô đơn của chính họ, họ có thể khơi nên nơi người khác một lý tưởng. Những người có kinh nghiệm có thể dẫn dắt người khác trong những bước đầu chập chững bước theo một lý tưởng. Họ còn có thể là nguồn động lực để khuyến khích chúng ta nuôi dưỡng lý tưởng. Một lý tưởng không được nuôi dưỡng, nó dễ dàng bị tàn lụi và tắt đi.
Hơn nữa, trên hành trình theo đuổi lý tưởng, những người bạn đồng hành là rất quan trọng. Họ là những người cùng chung lý tưởng. Tuy nhiên, cần phân biệt, lý tưởng không phải là sở thích. Chung lý tưởng, không hẳn là cùng chung đam mê và sở thích. Và ngược lại, cùng chung một sở thích chưa chắc đã cùng chung lý tưởng. Đôi khi những bậc cha mẹ nhắc nhở con cái chọn bạn mà chơi, họ có cái lý của họ. Chọn bạn không hẳn là phân chia kẻ tốt người xấu, nhưng đúng hơn, đó là tìm gặp những người cùng chung lý tưởng. Họ có thể khuyến khích nhau trong lý tưởng mà họ cùng nhau theo đuổi.
Các bạn trẻ thân mến,
Sống cho một lý tưởng cũng đồng nghĩa với chúng ta không chỉ sống cho riêng mình. Chính khi chúng ta tìm thấy một lý tưởng nơi khung trời riêng tư của chính mình, chúng ta lại thấy mình được mời gọi để vươn mình ra xa hơn. Một lý tưởng cao đẹp đòi hỏi những quyết tâm và hy sinh, quyết tâm đối với chính mình và hy sinh cho người khác. Lý tưởng cao đẹp ấy không phải là một điều gì đó xa vời, nhưng nó gắng liền với cuộc sống thường ngày của chúng ta, bằng cả hy sinh và trách nhiệm.
Ước gì người trẻ chúng ta không làm trẻ thế giới bằng thái độ trôi nổi cho qua ngày, nhưng chúng ta táo bạo dấn thân bằng một lý tưởng cao đẹp. Giê-su đã làm người và Ngài biết thế nào là lý tưởng cao đẹp, Ngài sẽ giúp chúng ta thực hiện điều đó.
Hà Thanh Bình