Dinh trấn Quảng Nam với sự sáng tạo chữ quốc ngữ

Chuquocngu1

(Nhà Nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu)

1. Từ dinh Chiêm đến dinh trấn Quảng Nam

Năm 1602, Nguyễn Hoàng “đi chơi núi Hải Vân, thấy một dải núi cao giăng dài mấy trăm dặm nằm ngang đến bờ biển. Chúa khen rằng: Chỗ này là đất yết hầu của miền Thuận Quảng. Liền vượt qua núi, xem xét hình thể dựng trấn dinh ở xã Cần Húc (sau là xã Thanh Chiêm), xây kho tàng, chứa lương thực, sai hoàng tử thứ sáu trấn giữ”[1]. Dinh này có tục danh là Dinh Chiêm, cũng như các Dinh Cả – Dinh Ngói – Dinh Cát ở phía bắc đèo Hải Vân. Hoàng tử thứ sáu tên là Nguyễn Phước Nguyên khi ấy đã 39 tuổi và sau này kế nghiệp Nguyễn Hoàng, được mệnh danh là chúa Sãi vì tính nết hiền hậu như Đức Phật.

Đương thời Đàng Ngoài gồm 11 xứ, Đàng Trong gồm 2 xứ là Thuận Hóa và Quảng Nam. Sau năm 1604, đổi huyện Điện Bàn thuộc phủ Triệu Phong xứ Thuận Hóa làm phủ Điện Bàn thuộc xứ Quảng Nam và năm 1611 đặt phủ Phú Yên, thì xứ Quảng Nam rất rộng gồm cả thành phố Đà Nẵng, các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên ngày nay. Dinh Chiêm hay dinh trấn Quảng Namcai quản suốt từ đèo Hải Vân đến đèo Cả, khắp vùng bao la trù phú đang độ phát triển kỳ diệu, nên người nước ngoài tôn xưng là Quảng Nam quốc. Trấn thủ Nguyễn Phước Nguyên khuếch trương Hoài Phố (Tây dương phiên âm là Faifo và nay là Hội An) cho người nước ngoài như Nhật Bản – Trung Quốc – Bồ Đào Nha – Hà  Lan – Anh . . . vào buôn bán và mở thương điếm. Thế nên Hoài Phố trở thành một hải cảng thương mại sầm uất và quan trọng bậc nhất trong cõi Á đông.

2. Từ truyền giáo cho thương gia Nhật Bản tới truyền giáo cho nhân dân Việt Nam

Trên mỗi thương thuyền Bồ Đào Nha, thường có một linh mục chuyên lo việc đạo cho thuyền viên và hành khách đông tới cả trăm người . Khi đậu ở bến nào lâu, thì linh mục cũng có dịp truyền giáo cho người địa phương. Nhưng đó là trường hợp hãn hữu, vì không thuộc nhiệm vụ của mình. Thuyền trưởng Ferdinand de Costa sau khi đậu ở bến Hoài Phố về Macao, báo cho Bề trên dòng Tên là tại Hoài Phố có nhiêu thương gia Công giáo Nhật thiếu linh mục lo phần hồn và tại Đại Việt nói chung chưa có giáo sĩ giảng đạo[2]. Bề trên tỉnh dòng Tên tỉnh dòng ‘Nhật Bản liền phái LM Francisco Buzomi (Ý), LM Điêgô Carvalhô (Bồ) và trợ sĩ An tôn Đias (Bồ) sang  Đàng Trong; họ tới Cửa Hàn (Đà Nẵng) ngày 18 – 1 – 1615 rồi tới Hoài Phố lo việc mục vụ chủ yếu cho thương gia Nhật Bản. Năm 1616, LM Carvalhô sang Nhật truyền giáo, nhưng có trợ sĩ Phaolô Saitô (Nhật) đến giúp việc. Năm 1617 lại có thêm LM Francisco de Pina (Bồ) và trợ sĩ Giuse (Nhật) tới tăng cường[3].

 Chỉ trong thời gian ngắn, Buzomi được phép của trấn thủ. Nguyễn Kỳ (con cả chúa Sãi) xây dựng một nguyện đường tại Dinh Chiêm với sự hỗ trợ đắc lực của bà quý phái tân tòng Gioanna. Bà còn giúp làm cho mấy nơi cư trú và nhà nguyện khác nữa. Bề trên ở Macao biết tin đó, bèn cử Pina và Giuse – những người còn trẻ và có nhiều khả năng về ngôn ngữ sang giảng đạo lần này chủ yếu cho dân Việt Nam. Tới nơi, Pina nỗ lực học tiếng Việt, chỉ trong 6, 7 tháng đã có thể thuyết giáo bằng tiếng Việt, không như các linh mục khác vẫn phải giảng đạo qua thông ngôn. Năm 1618, có thêm 2 LM ‘ Hristoforo Borri và Pedro Marques tới Quảng Nam. Borri sẽ phụ trách giáo điểm Nước Mặn (Quy Nhơn) và Marques làm bề trên Hoài Phô. Buzomi coi sóc giáo điểm Cửa Hàn (Turon). Còn  Pina – người duy nhất thông thạo tiếng Việt thì thay đổi chăm nom nhiều nơi khác nhau, mà quan trọng nhất là tại giáo điểm Dinh Chiêm, nơi cần có đại diện giỏi ngôn ngữ để giao thiệp với dinh trấn Quảng Nam  

3. Sự nghiệp sáng tạo chữ Quốc ngữ của Francisco de Pina

Borri sang Đàng Trong sau Pina một năm mà đã thấy Pina rất giỏi tiếng Đàng Trong và nói năng rất tự nhiên” (savait fortbiênla langue Cochinchinoise et la parlait fortnaturellement). Năm 1620, các nhà truyền giáo đã “soạn được sách Giáo lý bằng tiếng nói Đàng Trong rất bổ ích; vì không những trẻ con học thuộc lòng sách ấy, mà cả người lớn cũng học sách ấy”[4]. Có lẽ Pina đã phiên âm sách đó ra chữ Quốc ngữ và mấy thầy kẻ giảng khác phiên âm ra chữ Nôm. Tiếc rằng cả 2 sách này đều mất.

Trong một thư ghi đầu năm 1622, Pina nói rõ hơn việc truyền giáo và đặc biệt công cuộc sáng tạo chữ Quốc ngữ tại Dinh Chiêm như sau: “Kính thưa cha, năm ngoái viết thư cho cha rằng tôi đã mua 2 nhà của mẹ cô Gioanna tại Dinh Chiêm, mỗi nhà có 3 căn, một nhà dùng để ở và nhà kia làm nhà nguyện. Mục đích của tôi là chúng ta nên có cơ ngơi của mình tại địa bàn rất quan trọng tại vương quốc này để có thể dâng thánh lễ và gieo trồng nuôi dưỡng nhóm Kitô hữu tại đây . . . Trong mỗi nhà nên có ít là 3 thanh niên giúp việc vặt và để họ học ngôn ngữ mẹ đẻ cũng như ngôn ngữ của ta. . . Trong những năm đầu, tôi đã dạy chú An rê để chú làm thông ngôn cho cha Marques, thanh niên thứ hai là Phanxicô nhưng đã lớn tuổi . . . Về việc học ngôn ngữ, thì Dinh Chiêm là.nơi tốt nhất, vì dinh Trấn thủ đặt nơi đây; người ta nói năng rất chuẩn và có nhiều thanh niên học trò qui tụ về, nên những ai bắt đâu học ngôn ngữ thì tìm được sự giúp đỡ nơi các học trò ấy . . . Ngôn ngũ này có cung điệu giống như cung nhạc, cần phải biết xướng cho đúng thanh điệu trước đã, sau mới học các âm qua bảng chữ cai. . . . ,

“Về phần tôi, tôi đã soạn một tập nhỏ về chữ viết và các  thanh (cung điệu) của ngôn ngữ này; tôi hiện đang bắt tay vào ngữ pháp. Tuy nhiên, mặc dù tôi đã thu thập được các câu chuyện thuộc nhiều thể loại khác nhau để ghi trích dẫn các tác giả, hầu xác định ý nghĩa của các từ và mẹo luật ngữ pháp, thì cho đến nay tôi vân phải nhờ một người đọc để ghi ra bằng mẫu tự Bồ Đào Nha, hầu cho người của ta sau này có thể đọc và học thuộc lòng” . . . [5] .

 Như vậy đến năm 1622, Pina đã soạn được một tập nhỏ ghi âm tiếng nói ViệtNam bằng mẫu tự La tinh với các dấu đê phân biệt thanh âm. Pina cũng đã bắt đầu nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt bằng cách trích dân các bản văn của tác giả ViệtNam. Tất nhiên đó là những bản văn bằng chữ Nôm mà Pina chưa đọc được, nên phải nhờ người đọc hộ.

Hai năm sau, tức cuối 1624, Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) và Antoniô de Fontes tới Dinh Chiêm. Đắc Lộ kể lại: “Tại đây chúng tôi gặp cha Pina rất thông thạo tiếng bản xứ . . . Khi mới tới, nghe người địa phương nói, đặc biệt nữ giới, thì như nghe chim hót, tôi không hy vọng đến bao giờ mới học nói được. Chúng tôi thấy các cha Femandez và Buzomi, bao giờ thuyết giảng cũng phải có thông ngôn, chỉ trừ cha Pina thì khỏi cần thông ngôn vì đã nói rất thạo . . . Tôi liền để hết tâm huyết học tập: mỗi ngày người ta (Pina?) cho bài tôi phải học và tôi đã chuyên chú học hỏi như xưa kia học thần học ở Roma vậy[6]. còn Fontes nói: Nơi tôi tạm trú đây là Dinh Chiêm “có ba linh mục định cư: LM Pina biết tiếng Việt khá lắm, làm bề trên và thầy dạy tiếng Việt, cùng Đắc Lộ và Fontes là thuộc viên và học viên”[7]

Đắc Lộ có vẻ là học trò xuất sắc nhất của Pina, nên Lời tựa của Từ điểnViệt-Bồ-La đã viết: “Trong công việc này ngoài những điều mà tôi đã học được nhờ chính người bản xứ trong suốt gần mười hai năm – thời gian tôi lưu trú tại hai xứ Đàng Trong và Đàng Ngoài – thì ngay từ đâu tôi đã học với cha Francisco de Pina người Bồ Đào Nha. . . là thầy dạy tiếng, người thứ nhất trong chúng tôi rất am tường thứ tiếng này, và cũng là người thứ nhất bắt đầu giảng thuyết bằng phương ngữ đó mà không dùng thông ngôn”[8].

Thế là rõ ràng: Pina có công đầu trong việc sáng chế chữ quốc ngữ và Đắc Lộ là người hoàn thiện chữ quốc ngữ và xuất bản từ điển – và sách dạy giáo lý bằng chữ quốc ngữ. Vậy thì lịch sử chữ Quốc ngữ nên ghi thêm địa danh dinh trấn QuảngNamvà danh nhân Francisco de Pina mới thật chính đáng.

 

[1]Quốc sử quán – Đại Nam thực lục, Tiền biên, Viện Sử học phiên dịch, Nxb Sử học, Hà Nội, 1962, tr.42.

[2] A. de Rhodes – Voyages et Mission, Nouvelle edition,Paris, 1854, tr.83.

[3] Đỗ Quang Chính – Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620 – 1659, Tủ sách ra khơi, Sài Gòn, 1972, tr.20-23.

[4] Christophe Borri – Relation de la Cochinchine, Lelle, 1631, tr. 152.

[5] Trần Duy Nhiên – Công cuộc truyền giáo tại Quảng Nam năm 1632, Roland Jacques, Ns Công Giáo và Dân tộc số 90 tháng 6 – 2002, tr. 92-105.

[6] A. de Rhodes, Sđd, tr. 87.

[7] Quang Đỗ Chính, Sđd, tr. 35.

[8] A. de Rhodes – Từ điển Việt-Bồ- La, Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính biên dịch, Nxh Khoa học Xã hôi, 1993, tr. 3 (phần dịch thuật).

Kiểm tra tương tự

Suy Tư Tin Mừng CN4PS: Cách Mục Tử Giêsu Chăm Sóc Con Người

Yêu thương ai đó, chúng ta sẽ biết cách chăm sóc người ấy với nhiều …

Kinh “Lạy Nữ Vương Thiên Đàng” sẽ mang đến cho bạn niềm hân hoan Phục Sinh trong tích tắc

Bắt nguồn từ thế kỷ thứ 6, tương truyền kể lại rằng lời kinh “Lạy …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *