Anchieta: Không Được Cho Là Đủ Điều Kiện – Nhưng Vẫn Lên Đường

 

Thánh Giuse Anchieta

Qua đời: 09/06/1597
Quốc tịch (nơi sinh): Tây Ban Nha

 

Trong ngày tuyên thánh cho Chân phước Giuse Anchieta, Tổng Giám mục Rio de Janeiro tại thành phố Reritiba đã tuyên xưng ngài là “Tông đồ nước Brazil” ngay trong nhà thờ trường Đại học của thành phố, nơi đã cử hành tang lễ của ngài vào năm 1597, và danh hiệu đó vẫn còn được biết đến cho tới ngày nay. 

 

Dòng Tên không được phép từ chối lời mời gọi trình bày lại hình ảnh phong phú của một người truyền cảm hứng và vẫn còn mang nhiều ý nghĩa đối với thời đại ngày nay. Chúa muốn nói gì với chúng ta qua món quà mà Người ban tặng khi chỉ trong vòng chưa đầy một năm chúng ta được chứng kiến sự công nhận của Giáo hội về giá trị Tin Mừng trong đời sống của hai người anh em trong Dòng: Phêrô Faber và Giuse Anchieta? Đây là hai con người đã thực hiện những sứ mạng rất khác nhau, nhưng lại rất giống nhau trong tinh thần Dòng Tên. Tinh thần ấy nên là động lực cho sứ mạng của chúng ta. Qua lòng nhiệt thành trong đời sống của mình, cả hai vị mời gọi chúng ta khám phá ra rằng “việc tái lập” không chỉ đơn thuần là một sự kiện lịch sử, mà phải là sự biểu hiện của một “cách hiện hữu” luôn hiện diện – cách hiện hữu của một thân thể tông đồ luôn được đổi mới không ngừng.

 

Giuse Anchieta, người “có chiều cao trung bình, gầy nhỏ, tinh thần mạnh mẽ và dứt khoát, khuôn mặt rám nắng, đôi mắt xanh lam, trán rộng, mũi to, râu thưa, và gương mặt vui vẻ, thân thiện,” đã dành 44 năm cuộc đời mình để ngược xuôi khắp Brazil, mang Phúc Âm đến với các dân tộc bản địa.

 

Là người con thứ ba trong gia đình có mười anh chị em, cha mẹ thân sinh là López de Anchieta và Díaz de Clavijo, Giuse Anchieta chào đời tại đảo Tenerife (Tây Ban Nha) vào năm 1534. Ngài có họ hàng về đằng nội với gia đình Loyola, và ngài cũng có huyết thống với những Do Thái cải đạo, được thừa hưởng từ ông bà nội. Từ khi còn trẻ, ngài được gửi sang Bồ Đào Nha để theo học tại Đại học Coimbra, vào thời kỳ hoàng kim kéo dài ba năm của Trường Nghệ thuật mới được thành lập khi ấy.

 

Ơn gọi tu trì của ngài nảy nở trong một bối cảnh đầy tư tưởng tự do và buông lỏng đạo đức – một môi trường không mấy thuận lợi cho đời sống tu trì – có lẽ được khơi gợi nhờ gương sáng của một số bạn học Dòng Tên có ảnh hưởng trong trường đại học. Thật vậy, các bức thư của thánh Phanxicô Xaviê đã gây tác động mạnh mẽ đến giới sinh viên khắp châu Âu lúc bấy giờ.

 

Giuse Anchieta được nhận vào nhà tập của Dòng Tên tại tỉnh Dòng Bồ Đào Nha vào ngày 1 tháng 5 năm 1551. Không lâu sau đó, ngài mắc phải chứng lao xương khớp nghiêm trọng, khiến vào năm 17 tuổi, lưng ngài bị cong thấy rõ. Nỗi khắc khoải vì nghĩ mình trở nên vô dụng cho sứ mạng tông đồ phần nào được xoa dịu khi ngài nghe những lời an ủi từ cha Simón Rodrigues, người sáng lập tỉnh dòng Bồ Đào Nha: “Đừng buồn vì khiếm khuyết đó. Thiên Chúa vẫn yêu con.” Và rồi một tia hy vọng lóe lên: những bức thư của cha Manuel de Nóbrega gửi về từ Brazil bắt đầu tới Bồ Đào Nha, trong đó ca ngợi khí hậu ở vùng đất đó rất có lợi cho sức khỏe, kể cả đối với những căn bệnh nghiêm trọng. Nhờ vậy, ngay sau khi tuyên khấn lần đầu, Anchieta đã lên đường đến Brazil vào ngày 8 tháng 3 năm 1553, khi mới 19 tuổi, trong chuyến truyền giáo thứ ba của Dòng Tên tới vùng đất này.

 

 

Ở đây, chúng ta bắt gặp những nghịch lý đầu tiên nơi vị tu sĩ trẻ này: sự tương phản rõ rệt giữa thể chất yếu ớt và sức sống tông đồ mãnh liệt mà ngài thể hiện không ngừng suốt 44 năm, rong ruổi qua nhiều miền của Brazil cho đến khi qua đời ở tuổi 63. Cuộc đời của Giuse Anchieta là một đời sống tông đồ và sống Tin Mừng. Ông từng nói với những anh em đau yếu còn ở lại Coimbra:

 

 “Chỉ rời Coimbra với lòng sốt sắng thôi thì chưa đủ. Nó sẽ chóng tàn, chưa kịp vượt qua đường xích đạo thì đã nguội lạnh, rồi lại mong quay về Bồ Đào Nha. Cần phải mang theo hành trang đầy đủ, đủ để đi đến ngày cuối cùng.”

 

Những thách thức trong sứ mạng của chúng ta hôm nay ngày càng đòi hỏi “việc canh tân tông đồ” của Dòng. Nguồn mạch sức sống tông đồ mà Anchieta kín múc chính là kinh nghiệm thiêng liêng sâu xa của ngài. Ngài nổi tiếng như một vị thánh làm phép lạ nhờ bởi tình yêu, đời sống cầu nguyện, lòng khiêm nhường và tinh thần phục vụ của ngài.

 

Một trong những lời nhận xét về Anchieta được trình lên cha Giám tỉnh là ngài “quá bác ái.” Trong mắt những người chỉ trích, sự nhân hậu quá mức của ông bị xem là nguyên nhân khiến việc điều hành có phần dễ dãi. Tuy nhiên, cha Gouveia không đồng tình với nhận định đó. Cha nhận xét rằng Anchieta là một người trung tín, khôn ngoan và khiêm nhường trong Đức Kitô, rất được mọi người quý mến, không ai có điều gì than phiền về ngài, và tôi cũng không thể tìm thấy lời nói hay hành động nào nơi ngài là sai trái.” Là người bạn chân thành của tất cả mọi người, Anchieta biết cách kết hợp sự hiền hậu với tinh thần nghiêm túc và vững vàng, đúng như thánh Inhã mong muốn nơi một vị bề trên tốt. Mặc dù bệnh tật của ngài rất rõ rệt, thời gian ngài giữ chức Giám tỉnh vẫn được xem là một trong những giai đoạn năng động và sinh hoa trái nhiều nhất trong thời đại của ngài.

 

Trong số 44 năm sống tại Brazil, ít nhất 40 năm của Anchieta gắn liền với cuộc đời rong ruổi không ngừng, bắt đầu từ vùng São Vicente và Piratininga, trong giai đoạn từ 1554 đến 1564, khi thành phố São Paulo được thành lập và phát triển những năm đầu tiên. Sự di chuyển liên tục ấy không ngăn cản ngài giảng dạy tiếng Latinh và chuyên tâm nghiên cứu sâu sắc ngôn ngữ Tupi. Chính điều này giúp ngài có thể hoạt động mạnh mẽ trong công cuộc truyền giáo và giáo lý. Được bổ nhiệm làm Giám tỉnh vào năm 1577, và sau đó là bề trên, ngài đi thăm các nhà và cộng đoàn: là người cha của người nghèo, người chữa lành bệnh tật và an ủi những ai đau khổ, cố vấn cho các thống đốc, nhưng trên hết, ngài là người bạn và người bảo vệ các thổ dân trong chính ngôi làng của họ. Chỉ đến năm 1595, Anchieta mới được miễn trừ khỏi trách nhiệm quản trị nhờ sự vâng phục. Nhưng lúc ấy, ngài chỉ còn hai năm ngắn ngủi để sống. Trong khoảng thời gian đó, ngài vẫn tham gia bảo vệ chính quyền Espírito Santo trước các cuộc tấn công của thổ dân Goytacaze. Bài sai cuối cùng của ngài là ngôi làng Reritiba, nơi ngài bắt đầu viết tác phẩm “Lịch sử Dòng Tên tại Brazil” – một công trình tuyệt vời đã bị thất lạc, chỉ còn sót lại một vài đoạn rời rạc.

 

Chắc chắn cuộc đời rong ruổi ấy không khởi đi từ một tinh thần phiêu lưu, mà bởi một tinh thần sẵn sàng cho sứ mạng, một sự tự do nội tâm và sự nhanh bén trong việc tìm kiếm và nhận ra ý muốn của Thiên Chúa trong từng khoảnh khắc. Ngọn lửa tông đồ đích thực đã đồng hành cùng ngài đến tận cuối đời. Chính ngài viết rằng:

 

“Vì tôi không xứng đáng được phúc tử đạo theo cách nào khác, thì ít ra, xin cho khi chết tôi được tìm thấy bị bỏ lại đâu đó giữa những ngọn núi này, và ở đó, tôi được chết vì anh em tôi. Thân xác tôi yếu đuối, nhưng sức mạnh của ân sủng đã đủ cho tôi, và ân sủng từ nơi Thiên Chúa sẽ không bao giờ thiếu.”

 

Phải chăng đời sống lên đường – với tất cả những gì nó hàm chứa: một sự tự do thiêng liêng, một tinh thần sẵn sàng, khả năng phân định và chọn lựa – phải là một trong những nét không thể thiếu nơi thân thể tông đồ của chúng ta? Việc không ngừng lên đường của Anchieta, một lối sống gần như thường hằng, có thể trở thành nguồn cảm hứng cho chúng ta hôm nay – trong hành trình tìm kiếm một sự linh động tông đồ – để có thể đáp lại những thách đố mà các biên cương mới đang đặt ra trước mắt chúng ta. 

 

 

Một nét nổi bật nơi con người, thiêng liêng và tông đồ, của José de Anchieta, chính là khả năng tổ chức sứ mạng một cách có hệ thống: kết nối những chiều kích khác biệt của công cuộc tông đồ, lồng ghép chúng vào một dự phóng vừa phong phú, vừa phức tạp; nhưng vẫn thống nhất và duy nhất. Và ở trung tâm, thắp sáng tất cả, chính là tình yêu dành cho người bản địa. Ngài viết trong những ngày cuối đời ở làng Reritiba rằng: 

 

“Tôi cảm thấy gắn bó với người bản địa hơn cả người Bồ Đào Nha, vì chính họ là lý do tôi lên đường tìm đến Brazil, chứ không phải những người kia.”

 

Cùng với cha Nóbrega, Anchieta đã tham gia vào việc đặt nền móng đầu tiên xây dựng thành phố Rio de Janeiro. Phải đến hai năm sau, cuộc tái thiết lần thứ hai, và cũng là lần quyết định, mới thực sự diễn ra với sự hỗ trợ của một đoàn người từ Bồ Đào Nha, do chính Thống đốc Mem de Sá dẫn đầu. Trong dịp này, ngài Anchieta đã viết tác phẩm đầu tiên bằng tiếng Latin: De gestis Mendi de Saa. Cũng trong giai đoạn này, ngài sáng tác vở kịch mang tính “sacramental auto” (tôn giáo kịch), nhan đề “Pregação Universal” (Lời Rao Giảng Phổ Quát) được lấy cảm hứng từ nghi thức đón tiếp các vị khách quý của người bản địa. Qua đó, ngài đã đưa thể thơ và kết cấu thi pháp của kịch Bồ Đào Nha vào trong tiếng Tupi bản địa. Anchieta luôn biết cách đặt những tài năng nhân bản tuyệt vời của mình, vốn là thành quả của một nhà nhân văn cổ điển, vào trong sứ mạng: sự am hiểu ngữ pháp, niềm say mê các tác phẩm cổ điển Latinh, và kỹ năng hùng biện điêu luyện. Với nhiều hoa trái phong phú, ngài soạn thảo bằng tiếng Tupi tác phẩm “Đối thoại đức tin” (một bộ giáo lý quan trọng và nền tảng dành cho việc giảng dạy đức tin Kitô giáo cho người thổ dân), biên soạn các tác phẩm ngắn phù hợp giúp chuẩn bị tâm hồn lãnh nhận bí tích rửa tội và hoà giải, đồng thời hoàn chỉnh ngữ pháp của ngôn ngữ Tupi, thứ tiếng được sử dụng phổ biến dọc vùng duyên hải Brazil.

 

Là người luôn thúc đẩy hòa giải, ngài đã tham gia sâu xa vào cuộc đối thoại với người thổ dân Tamoyo đến mức ngài bị bắt làm con tin và sống cùng họ như một tù nhân suốt năm tháng. Khi hòa bình được thiết lập với người Tamoyo và được trả tự do, ngài vẫn can đảm trở về São Vicente và sáng tác bài thơ kính Đức Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa. Việc thiếu giấy không làm ngài bận tâm. Câu thơ nối tiếp câu thơ, ngài viết trên cát rồi thuộc lòng hơn 5.800 câu thơ tuyệt đẹp ấy.

 

Văn hóa dân gian phổ biến, được biến tấu thành âm nhạc tôn giáo, đã giúp ngài trong các buổi trình diễn các vở “autos” (kịch tôn giáo) bằng tiếng Bồ Đào Nha và tiếng Tupi. Hoạt động của ngài trong việc làm phong phú thêm công tác mục vụ và giáo lý trong cộng đồng người thổ dân bằng các buổi trình diễn kịch lễ hội diễn ra không ngừng nghỉ. Ngài xem việc gần gũi với tâm lý người bản địa là điều không thể thiếu. Chúng ta có nhiều lý do để biết ơn Đức Giáo hoàng Phanxicô vì đã đưa thánh Giuse Anchieta ra trước thế giới như một tấm gương thánh thiện mới mẻ và xuất sắc. Đối với Dòng Tên, đây là một cơ hội để đổi mới với tất cả nhiệt huyết trong hành trình tìm kiếm những chân trời mà ngài đã theo đuổi và luôn là những chân trời mới mẻ: một tâm hồn bén nhạy trước sự đa dạng chủng tộc, một tinh thần rộng mở với tính đa nguyên trong tôn giáo, văn hóa và xã hội, một năng lực sáng tạo không mệt mỏi, tự do và đầy trách nhiệm, một khả năng ứng biến linh hoạt trong Thần Khí, và một nỗ lực không ngừng để tìm ra những diễn đạt mang tính hội nhập văn hóa cho kinh nghiệm Kitô giáo và hành trình loan báo Tin Mừng hôm nay.

 

Nguyện xin vị thánh mới này chuyển cầu cho chúng ta, biết tìm kiếm thánh ý Chúa mỗi ngày với quyết tâm hơn nữa, và kiên trì thực thi thánh ý ấy không ngừng nghỉ.

Anh em trong Chúa,

Adolfo Nicolás, Dòng Tên Bề trên Tổng quyền

Roma, ngày 3 tháng 4 năm 2014

 

Nguồn: Jesuits website

Tác giả:  Cha Adolfo Nicolás, Bề trên Tổng quyền dòng Tên

Người dịch: Gia Hân | CTV JESCOM – Truyền Thông Dòng Tên

Kiểm tra tương tự

Phân tích thông điệp Rerum Novarum

Dẫn nhập Khi Đức Giáo hoàng mới chọn cho mình tước hiệu Leo XIV, nhiều …

Hiểu về Chúa Ba Ngôi dưới mặc khải của biến cố Thập Giá

  Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là trung tâm đức tin Kitô giáo. Nhưng làm …