Do Thái và Kitô giáo

                                                Hoành Sơn

 Đã hai ngàn năm trôi qua kể từ ngày Đức Giêsu bị Do Thái giết, cũng là ngày Dân Chúa mới vừa mọc lên đã phủ bóng năm châu. Phải chăng người Do Thái đáng được quy tội Sát Thiên (déicide), do đó bị sa thải và trừng phạt khi thành Sion bị cướp phá và Đền thờ san bằng năm 70, còn dân bị truy đuổi phải phát tán bốn phương thiên hạ. Thêm vào đấy, đi tới đâu người Do thái cũng bị Tây phương khinh ghét, và phong trào bài Do Thái  (antisémitisme) ấy bộc phát ở đỉnh cao thành Shoah (Tru diệt, Diệt chủng) với sáu triệu con cháu Abraham (trong tổng số 9 triệu bên Châu Âu) bị Đức Quốc xã giết.

Thế nhưng chính cái Shoah khủng khiếp ấy đã thức tỉnh lương tâm Kytô giáo Tây phương, khiến họ sinh đồng cảm với người Do Thái, để rồi công đồng Vatican II, với tuyên ngôn Nostra Aetate, sẽ  mở cửa đón nhận lại người anh em cùng thờ một Đấng Giavê Thiên Chúa, khi mà từ giữa họ Ngôi Lời đã sinh thành người, thành con của một phụ nữ Do Thái, và cũng từ giữa họ Hội thánh đã bắt đầu mọc lên.

Do Thái giáo trước năm 70

Hồi sinh thời Chúa Giêsu đã làm nhiều phép lạ, quá nhiều là khác : kẻ mù được thấy, kẻ điếc được nghe, kẻ què được đi, kẻ chết sống lại. Ấy thế mà hàng lãnh đạo Do Thái, các thượng tế và biệt phái, vẫn giả điếc làm ngơ không chịu tin, lại năm phen bảy lượt tìm cách giết hại nữa. Sau khi giết được rồi, họ còn tìm cách che giấu việc Chúa phục sinh và bách hại Hội thánh mới được thành lập.

Khi ép trấn thủ Philatô giết Chúa,  người Do Thái sẵn sàng trút hết tội ấy lên đầu mình và con cháu mình :

-“Máu hắn cứ đổ lên đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi!” (Mt.27.25)

Xem ra máu ấy đã đổ trên đầu họ và con cháu họ thực, khi mà chỉ ba chục năm sau, thành Giêrusalem bị tàn phá và dân lưu lạc khắp nơi, điều mà Chúa Giêsu đã tiên báo khi bị mang đi giết:

-“Hỡi con gái (tức dân thành) Giêrusalem, đừng khóc thương Ta làm gì, hãy khóc thương cho thân phận mình và con cháu mình. Vì này đây sẽ tới ngày người ta phải nói : Phúc thay những đàn bà hiếm hoi, những dạ không sinh đẻ, không phải cho bú mớm! Và người ta nói với núi: Hãy đổ xuống trên chúng tôi đi! Và với gò đống : Hãy phủ lấp chúng tôi đi!”

                                                        Luc.23.28-30

                                            *

Mất nước và bị phát tán bốn phương, người Do Thái xuất hiện trước Kytô hữu như “quân dữ”, “kẻ giết Chúa Trời”, với kèm theo là hình ảnh những con người biển lận, dơ bẩn (Sale Juif). Tôi nhớ hồi còn bé, cứ đến Tuần thánh lại được xem tuồng Thương khó, với người Do Thái được mô tả như những “quân dữ” đáng sợ và gớm ghiếc.

Suy về tương quan Do Thái giáo với Kytô giáo, các giáo phụ thường dùng ý niệm “Thế chân” (substitution) để nói lên ý nghĩ : Israen đã bị sa thải, và Dân Chúa mới đến thay thế. Sở dĩ họ bị sa thải, loại trừ vì đã không nhìn nhận Đức Mâshiah được chính các tiên tri của họ tiên báo và đưa ra các dấu hiệu để nhận diện Ngài : “Kẻ mù được xem, kẻ què đi được, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại…” (Mt.11.5 nhắc lại Isaia 35.5-6 và 61.1).

Do Thái sau năm 70

Bị phát tán khắp nơi, đến đâu người Do Thái cũng bị khinh miệt. Và có lẽ vì sự miệt thị ấy mà Hitler và phe Quốc xã của ông, với hướng đi thanh lọc chủng tộc, đã cố diệt tuyệt dân Do Thái hèn kém để bảo vệ sự tính túy của sắc dân cao quý Arya (Aryens) mà ông coi là cốt lõi của dân tộc Đức. Và thế là lệnh Diệt chủng được ban bố khẩn bách, khiến chẳng mấy chốc mà gần như toàn thể dân Do Thái đang cư ngụ trên vùng đất do Đức kiểm soát bị giết sạch, nhất là trong các phòng hơi ngạt.

Có lẽ đây là cuộc Diệt chủng khủng khiếp nhất trong lịch sử và trên toàn cầu, cuộc diệt chủng được gọi bằng tiếng Do Thái là Shoah (Tru diệt). Chính sự kiện thảm khốc ấy đã  biến đổi thái độ người Tây phương đối với Do Thái, khiến cho khi đám người tha phương này trở về quê xưa mua đất và lập quốc, họ đã được sự đồng thuận và cảm thông dễ dàng của Mỹ và Châu Âu.

Nếu nước Israen mới được Hoa kỳ, Anh  và Tây Âu nói chung ủng hộ, thì thế giới Ả rập lại cực lực chống đối. Và thế là họ liên minh xua quân sang tấn công. Không ai ngờ, với liên minh nhiều nước như thế xung quanh anh khổng lồ Ai cập, tất cả tới mấy trăm triệu dân, mà khối Ả rập vẫn liên tiếp thảm bại trước một Israen chỉ có một khoảnh đất hẹp và khoảng gần triệu người. Vâng, liên tiếp nhiều cuộc tấn công đã diễn ra : chiến tranh 1948-49, chiến tranh 1956, chiến tranh 1967 cũng gọi là CHIẾN TRANH SÁU NGÀY, rồi chiến tranh 1973. Chưa hết, phải nhờ có sự can thiệp của Tây phương, Israen mới chịu dừng chân và  không tiến chiếm thủ đô Ai cập.

Không phải chỉ nhờ tài dùng binh thần xuât quỷ  nhập mà Israen được người người bái phục, mà còn nhờ sự phát triển kỹ thuật và kinh tế thần tốc, khiến chỉ trong vòng mấy chục năm mà Israen trở nên ngang hàng với những nước phát triển nhất của Tây phương.

Có điều vì Israen thắng trận và mở mang bờ cõi, mà người dân Palestine phải di tản ồ ạt, nên trở thành đáng thương. Kịp đến khi họ quay về đòi lại đất cũ thì chiến tranh lại nổ ra liên tục, suốt cho đến nay, khiến cho Mỹ và Tây Âu, dù ủng hộ một nước Israen mới, không khỏi sinh bất nhẫn trước một dân Palestine khốn khổ và thua sút về mọi mặt.

Quan hệ của Công giáo với Do Thái kể từ Vatican II

Để chuẩn bị cho Vatican II với hướng đi mở vào thế giới, Chúa đã cho xuất hiện, bên cạnh Đức giáo chủ bình dị Gioan XXIII, những nhà chú giải Thánh kinh và thần học gia có tinh thần khoáng đạt là Âugustinô Bea, Henri de Lubac, Yves Congar, Karl Rahner, Teilhard de Chardin.

Mở vào thế giới, Vatican II cũng mở ra với các tôn giáo khác. Với các tôn giáo này, thay vì khinh họ là “quê kệch” (goim), hay “dân ngoại” theo thói quen Do Thái giáo, công đồng qua tuyên ngôn Nostra Aetate, lại nhấn vào những điểm son của họ như sau :

-“Giáo hội Công giáo không bỏ đi những gì là thật và thánh nơi các tôn giáo ấy. Giáo hội thành thực tôn trọng những phong cách sống và hành động, những quy tắc và giáo lý tuy có khác biệt về nhiều điểm với những gí Hội thánh giữ và dậy, nhưng thường vẫn mang một tia sáng chân lý để soi dẫn cho mọi người.” (số 2)

Đặc biệt với Do Thái giáo, tuyên ngôn (ở số 4) dành ra tới gần nửa nội dung văn bản để nói về “mối quan hệ nó nối kết Dân của Tân Ước với con cháu Abraham”, khi mà khởi đầu của “đức tin và sự tuyển chọn Hội thánh, theo mầu nhiệm cứu độ, được tìm thấy trong các tổ phụ, Maisen và các ngôn sứ”. Giáo hội thực sự tin rằng “Đức Kytô, Hòa bình của chúng ta, đã hòa giải Do Thái với ngoại dân bằng thập giá, làm cho hai bên thành một nơi Ngài”.

Và như thế, Do Thái không hề bị loại khỏi công cuộc cứu độ của Thiên Chúa khi mà Con Thiên Chúa đã thành người trong dạ một phụ nữ Do Thái, Đức Trinh nữ Maria, khi mà sau đó, “các tông đồ, nền tảng và cột trụ Hội thánh cũng sinh ra từ dân Do Thái, cùng với biết bao đệ tử đầu tiên đã loan Tin mừng Chúa Kytô cho thế giới”.

Quả là Giêrusalem đã không nhìn nhận thời điểm nó được viếng thăm, và khá đông dân thành đã chống lại việc phổ đạo. Nhưng dẫu thế dân Do Thái qua tiên tổ của họ, “vẫn được Thiên Chúa rất mực yêu thương, và Ngài không hề hối tiếc đã ban ơn và gọi họ”. Cũng vì thế, “cùng với các tiên tri và thánh Tông đồ (Phaolô), Hội thánh trông chờ cái ngày mà chỉ Thiên Chúa biết, ngày mà mọi dân tộc đồng thanh tôn xưng Chúa và phụng sự Ngài dưới cùng một ách (êm ái) (Soph.3.9)”.

Giáo hội cũng buồn phiền về trào lưu bài Do Thái trước đây, cùng với sự ghét bỏ và bách hại mà người Do Thái phải gánh chịu ở bất cứ đâu và trong thời kỳ nào.

Về phía mình, Hội thánh mong rằng trong giảng thuyết và huấn giáo cũng như trong hành động, sẽ cố làm cho Công giáo và Do Thái xích lại gần nhau, trở nên thân thiện với nhau. Và quả thực liền sau Vatican II, năm 1974 Tòa thánh đã thiết lập Ủy ban giáo hoàng liên lạc với người Do Thái, và Ủy ban đã ra nhiều thông tư hướng dẫn công cuộc hòa giải ấy : bằng thuyết giảng, huấn giáo, cố làm cho hai bên xích lại gần nhau và hiểu nhau hơn. Để được như vậy, Ủy ban cũng khuyến khích nghiên cứu về Do Thái giáo, thậm chí mở ở đại học ngành Do Thái học luôn.

 Kế đó, ngày 12-3-2000, Đức Gioan Phaolô II đã chủ sự một nghi lễ Xin lỗi người Do Thái về những khốn khổ họ phải gánh chịu do thái độ bài Do Thái của tín hữu Công giáo. Kế đó một tuần sau Ngài viếng thăm Giêrusalem, trân trọng tới đặt ở chân tường thành phía Tây mảnh giấy nói lên niềm hối tiếc. Nhân dịp ấy, Ngài cũng ghé thăm Viện bảo tàng lưu niệm Shoah Yad Vashem. Sự viếng thăm Đất thánh và những cử chỉ này cũng sẽ được lặp lại với Đức Biển đức XVI năm 2009 và Đức Phanxicô năm 2014.

Vai trò Do Thái giáo trong kế hoạch cứu độ, xưa và nay

Xưa kia, Kytô hữu quen xem người Do Thái như “quân dữ” và “dân giết Chúa”. Công dồng Vatican II, với bản tuyên ngôn Nostra Aetate, ở số 4, đã đảo ngược cách nhìn ấy, chỉ nhấn vào những điểm tích cực cũa họ thôi. Thế nhưng, xét cả về hai mặt tích và tiêu cực, chúngt ta phải đánh giá Dân Do Thái và Do Thái giáo thế nào đây, và họ còn vai trò gì không trong công trình cứu độ của Thiên Chúa, được thực hiện nơi Đức Giêsu Kytô?

Không thể chối cãi rằng xưa kia, sự tuyển chọn của Giavê Thiên Chúa chỉ tập trung vào một dân tộc duy nhất. Và Giao ước thứ nhất ấy đã chuẩn bị và dẫn vào Giao ước mới thể hiện nơi con người Giêsu Nazareth, vừa là Con Thiên Chúa, vừa là con một phụ nữ Do Thái, Đức Maria. Cũng chính các tiện tri Do Thái giáo, và chỉ mình họ thôi, đã tiên báo về thời đại Chân nhân (Mâshiah) và đưa ra những dấu hiệu qua đó dễ nhận ra Đấng Cứu thế Con vua Đavít : “Kẻ mù nhìn thấy, kẻ què đi được, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại.” (Mt.11.5, ám chỉ Isaia 35.5-6 và 61.1).

Vâng, đúng là Tân Ước có cửa dẫn vào là Giao ước Sinai, nên vai trò của Do Thái giáo và Giao ước này là cực kỳ quan trọng trong kế hoạch cứu độ của Thiên Cbúa đối với toàn thể loàii người. Có điều hàng lãnh đạo của họ đã giả điếc làm ngơ, tìm mọi cách cản trở kế hoạch ấy và giết Đấng Mâshiah. Và đây là điều vô cùng đáng trách.

Có điều chống Chúa không phải là toàn dân Do Thái. Chính lời sấm Simêôn đã nói rõ lên như vậy :

-“Thiên Chúa đã đặt cậu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Israen vấp ngã hay được chỗi dậy.” (Luc.2.34)

Vâng, Israen chia thành hai phe, phe thuận được chỗi dậy, tức cứu độ,  và phe chống nên ngã xuống. Mà thực ra sinh thời Chúa, ngay tại Giêrusalem, dân chúng cũng chia rẽ nhau vì Chúa như thế (Gio.10.19). Thậm chí, trong khi các thượng tế bàn mưu giết Chúa, toàn dân vẫn say mê nghe Ngài (Luc.19.47). Còn tại các vùng khác, dù không hiểu con đường Chúa, khi thấy những phép lạ lớn lao Chúa làm, dân đã tin Chúa là Đấng phải đến và muốn tôn Chúa lên làm vua (Gio.6.14-15).

Như thế, không phải toàn dân Do Thái giết Đấng Cứu thế, mà chỉ có hàng lãnh đạo và phân nửa dân xứ Giuđêa thôi. Lại không thể vì tội giết Chúa của đám người này mà bảo con cháu họ phải gánh lấy sự trừng phạt được, vì tội ai người nấy chịu, như Chúa xác quyết trong Gio.9.2-3.

Còn bách hại Hội thánh tại Giêusalem, cũng vẫn chỉ là hàng thủ lãnh và một phần dân Do Thái. Bằng chứng là đám người tin theo và chịu Phép rửa (dìm) đầu tiên, ngày ba ngàn, ngày năm ngàn, tất cả đều là người Do Thái hay Do Thái hóa (Tđcv.2.11) từ tứ xứ đến hành hương ở Giêrusalem (Tđcv.2.5)

Việc truyền giáo cho riêng dân Israen cứ thế tiếp tục cho đến khi Chúa sai Phêrô đến với gia đình ngoại dân đầu tiên ở Xêdarê và làm Phép dìm (rửa) cho họ (Tđcv.10.44-48}. Kể từ đấy, Hội thánh mở cửa đón tiếp cả  ngoại dân nữa, có điều họ phải được cắt bì, nghĩa là được Do Thái hóa. Mãi sau khi Phaolô và Barnabê xuất hiện, rồi đấu tranh thành công để dân ngoại không phải chịu cắt bì và giữ luật Do Thái nữa, thì từ đấy Đạo Chúa mới thực sự được mở ra cho cả Do Thái lẫn muôn dân.

Có điều, vì hết thảy, Do Thái và ngoại dân, phải nên một với nhau trong Chúa Kytô và Hội thánh Thân mình Ngài, nên tư cách Dân Thiên Chúa của con cháu Abraham không còn. Để được cứu độ, mỗi người dù Do Thái cũng phải tin vào Đức Giêsu Nadareth và chịu Phép dìm nhân danh Ba Ngôi.

                                                 *

Dân Thiên Chúa cũ không còn, nhưng Do Thái giáo như một tôn giáo thì sao? Sứ mệnh Do Thái giáo chỉ là dọn đường cho Chúa Kytô và Đạo của Ngài, đúng như sự tiên báo của các ngôn sứ Israen. Người dẫn đường, khi dẫn đến nơi rồi, thì sứ mệnh ấy cũng chấm dứt. Nhưng đó chỉ là chấm dứt sứ mệnh “dẫn đường” thôi. Bên các tôn giáo khác, Do Thái giáo hẳn cũng còn vai trò nào đó trên tiến trình hoàn thành Nước Thiên Chúa, sự hoàn thành ấy chỉ đạt tới ở điểm cánh chung, như thánh Phaolô nói :

-“Toàn thể công trình ăn khớp với nhau mà vươn lên thành Ngôi đền thánh trong Chúa.” (Eph.2.21)

Và Nostra Aetate cũng nói theo:

-“Cùng với các ngôn sứ và Tông đồ (Phaolô), Hội thánh đợi trông cái ngày mà chỉ Thiên Chúa biết, ngày mọi dân tộc đồng thanh xưng tụng Chúa và phụng sự Ngài dưới cùng một ách…”

Đó cũng là ngày ngôn sứ Sophôni tiên báo :

-“Khi ấy Ta sẽ khiến mọi dân có môi miệng tinh tấn

Để đồng thanh xưng tụng Danh Đức Chúa

Để toàn lực phụng sự Ngài.

………………………………………………………………

Số còn lại của Israen không phạm tội bất chính nữa,

 Nhưng được gặm cỏ và nghỉ ngơi.

…………………………………………………………………

Hãy la to trong vui mừng, hỡi Sion

Hãy hoan hô đi, hỡi Israen.

……………………………………………………………………

Đức Chúa Thiên Chúa ngươi ở giữa ngươi

Như Đấng anh hùng, Đấng chiến thắng,

Ngài vui sướng vì ngươi.

……………………………………………………………..

Sẽ đến lúc Ta tập hợp ngươi lại

……………………………………………….

Khi mà trước mắt ngươi

Ta thay đổi số phận ngươi…”

Và như thế cũng là thực hiện điều thánh Phaolô trông chờ ở Rom.11.25-26: -“…một phần Israen đã lòng dạ chai đá cho đến khi dân ngoại gia nhập đông đủ. Như vậy, toàn dân Israen sẽ được cứu…” Trong khi trông chờ ngày tốt đẹp ấy, cùng với các tôn giáo khác Do Thái giáo có vai trò giáo dục và sửa soạn tín đồ của họ hướng về cái đích ấy, nhờ đó góp phần với Hội thánh chính thức của Chúa Kytô làm cho sự cứu độ hoàn thành viên mãn. Và đó cũng là suy nghĩ của thần học gia Amaladoss khi cha cho rằng các tôn giáo bạn (kể cả Do Thái giáo, cố nhiên) chỉ đạt tới sự viên mãn ấy khi quy hướng về Đức Giêsu và Hội thánh Công giáo như biểu tượng cánh chung của Triều đại Thiên Chúa.

 

Kiểm tra tương tự

Bí tích của niềm hy vọng

  Khi tuyên xưng mình là người Công giáo, ta bước trên cùng một con …

Một phép ẩn dụ về giá trị của người cao tuổi

  Vào dịp lễ, một linh mục Chính thống giáo đã mang đến cho chúng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *