Đọc thư tình Kinh Thánh theo phương pháp nhập cảnh

Có vài bạn hỏi tôi rằng: “Cha ơi, đọc Kinh thánh làm sao để lắng nghe được tiếng Chúa?.” Đây là câu hỏi không chỉ thời nay chúng ta quan tâm, nhưng nhiều thế kỷ về trước, Giáo hội cũng muốn trả lời cho câu hỏi này. Một mặt Kinh Thánh là bản văn mang nhiều ý nghĩa khác nhau; mặt khác Kinh Thánh là Lời của Thiên Chúa đang nói với bạn. Ngài nói đôi khi khó hiểu hoặc chúng ta chưa có phương pháp đọc. Về phần con người, Giáo hội, hay nói cụ thể hơn, thánh I-nhã, Đấng sáng lập Dòng Tên chỉ cho chúng ta một phương pháp đọc khá hay. Đó là phương pháp nhập cảnh (the composition of place).

Nhập là bạn đi vào, cảnh là từng cảnh huống hoặc tình cảnh câu truyện trong Kinh Thánh. Như thế, nhập cảnh đơn giản là bạn cũng là một trong các nhân vật trong câu chuyện Tin Mừng. Thú vị là Thiên Chúa không nói một mình, Ngài không nói với không trung. Từng lời Chúa là lời dành cho người nghe, người đọc. Theo Karl Rahner, thần học gia người Đức: “Sự đóng góp quan trọng nhất của I-nhã cho Hội thánh là ngài tin chắc rằng mọi Kitô hữu có thể trực tiếp cảm nhận Thiên Chúa một cách thuần tuý; và Thiên Chúa để dành hồng ân này cho mọi Kitô hữu. Nói một cách khác: Chúa muốn nói với tất cả chúng ta và mong chúng ta có thể hiểu Ngài.”[1] Cũng vậy, Chúa Giêsu giảng dạy cho con người thời nay bằng chính bản văn Kinh thánh. Đi từ điểm này, bạn được mời gọi đi vào trong chính bối cảnh của Tin Mừng. Phương pháp đọc này có những thuận lợi sau:

  1. Cầu nguyện là gặp Thiên Chúa. Như thế khi bạn cầu nguyện với Kinh thánh, bạn cũng cần chú ý đến Thiên Chúa. Khi chú ý, nghĩa là bạn biết mình đang ở đâu, đang gặp ai và đang lắng nghe điều gì. Đó là tâm tình cùa người cầu nguyện. Trong tâm thế này, bạn dễ nâng tâm hồn lên với Chúa, dễ yêu mến, thờ lạy, ca tụng, cảm tạ và cầu xin Ngài bạn cho những ơn cần thiết.
  2. Lý do nữa trong phương pháp này là giúp bạn bớt chia trí hoặc ít cảm thấy khô khan. Thực vậy, khi đưa mình vào từng bối cảnh tin mừng, có khi bạn bị thu hút bởi từng lời, từng bài học, hoặc từng nhân vật trong đó. Tạ ơn Chúa vì bản văn Kinh Thánh hầu hết cho bạn bối cảnh. Nghĩa là bạn sẽ biết Kinh thánh đang trong bối cảnh nào, Thiên Chúa đang nói với ai hoặc ít là câu chuyện đang nói về điều gì. Những tình tiết ấy thu hút bạn tựa như đang gặp một người bạn yêu mến.
  3. Nhập cảnh giúp bạn đón nhận lời Chúa với tâm tình của người trong cuộc. Nghĩa là bạn trực tiếp gặp được Chúa, lắng nghe được từng lời của nhân vật đang đối thoại. Nhìn ngắm được từng chi tiết của đoạn tin mừng. Khi ấy thánh I-nhã đề nghị chúng ta cảm nhận để rút ra bài học cho mình.

Như thế, phương pháp này cũng đòi hỏi bạn phải đầu tư hệt như bạn đi gặp một người bạn. Với lòng háo hức mong chờ, bạn cũng chuẩn bị tâm thế làm sao để gặp Chúa Giêsu. Bạn cũng để ý đến đoạn Kinh thánh mình sắp cầu nguyện. Ngoài ra nơi chốn để đọc lá thư tình Kinh thánh cũng cần chuẩn bị. Nói chung thánh I-nhã nhận ra rằng, nếu người cầu nguyện càng quảng đại với Thiên Chúa, thì chính Thiên Chúa sẽ nói lớn tiếng và đến gặp người ấy (x. Linh thao số 5). Do đó, chúng ta cứ mạnh dạn tạo cho mình bầu không khí của gặp gỡ trong Kinh Thánh (Creating Space for an Encounter). Nếu bạn thắc mắc rằng có thể cầu nguyện với Kinh Thánh không, thì Giáo hội trả lời rằng: “Kinh Thánh là nguồn mạch cầu nguyện. Cầu nguyện từ Lời Chúa nghĩa là dùng những lời và những biến cố trong Kinh Thánh cho việc cầu nguyện của mình.” (Giáo lý 2652-2653). Những biến cố hoặc câu chuyện này là bối cảnh để bạn nhập, hòa mình vào để gặp Thiên Chúa.

Nếu bạn có dịp tĩnh tâm theo hình thức linh thao, thánh I-nhã cũng thường xuyên đề nghị bạn thử áp dụng phương pháp nhập cảnh này. Chẳng hạn bạn hãy tưởng tượng ra nơi chốn của câu chuyện Tin Mừng. Điều thú vị là theo giáo sư Nicolas Standaert SJ, hiện giảng dạy trong các đại học Công giáo, cho rằng: “Chính tình tiết của câu chuyện Kinh thánh sẽ dẫn con người vào trong bối cảnh.”[2] Bạn cũng thử quan sát, để ý và lắng nghe người nói, cuộc hội thoại. Nếu bạn cầu nguyện với đoạn Chúa Giáng Sinh, thánh I-nhã khuyên rằng: “Ðặt mình vào khung cảnh, xem nơi chốn; ở đây là lấy con mắt tưởng tượng mà nhìn xem con đường từ Nazarét đến Bêlem, coi chiều dài chiều rộng, xem con đường ấy đi trên đồng bằng hay qua thung lũng và đồi núi. Cũng nhìn xem chỗ hang đá Chúa sinh ra, xem chỗ ấy lớn, nhỏ, cao, thấp cỡ nào và được dọn dẹp thế nào.” (x. Linh thao số 112-115). Từ tâm thế của người trong cuộc này, bạn tiếp tục cầu nguyện và kết thúc cầu nguyện với những tâm tình bạn đang có.

Nếu áp dụng phương pháp này, chúng ta cần chú ý đến 3 điều sau đây:

  1. Trí nhớ: Trí nhớ không chỉ là một trong ba tài năng của linh hồn[3], mà còn là trợ lực quan trọng giúp bạn cầu nguyện. Thậm chí thánh Augustinô còn cho rằng Thiên Chúa hiện diện trong trí nhớ của ta[4]. Vì vậy, cầu nguyện đòi hỏi bạn sử dụng trí nhớ. Hãy nhớ lại những điều bạn vừa đọc, nhớ lại những câu chuyện trước đây. Chẳng hạn bạn đang nhập vào cảnh vốn liên quan đến tội lỗi, thánh I-nhã khuyên: “Dùng trí nhớ để nhớ lại tội đầu tiên, tội của các thiên thần, kế đó dùng trí khôn để suy xét tội ấy, rồi dùng đến ý muốn, muốn nhớ và hiểu tất cả điều ấy để được lòng hổ thẹn và ngượng ngùng hơn, khi đem so sánh tội độc nhất của các thiên thần với bấy nhiêu tội của tôi. Bởi đâu các thiên thần đã bị phạt sa hỏa ngục chỉ vì một tội, còn chính tôi, biết bao lần đã đáng bị phạt như thế vì bấy nhiêu tội tôi.” (Linh thao số 50).
  2. Xem xét: Điều này đòi hỏi sự tập trung và bình tĩnh. Trong bối cảnh nghĩa là bạn có thể thấy: “Ðặt mình vào khung cảnh, xem nơi chốn: ở đây là xem con đường đi từ Betania lên Giêrusalem, nó rộng rãi hay chật hẹp, bằng phẳng v.v.; cũng xem xét nhà tiệc ly: nó to hay nhỏ, hình dáng thế nào.” (Linh thao 192). Hoặc, Ðặt khung cảnh, nhìn xem nơi chốn. Ở đây là xem xét sự xếp đặt của mồ thánh, và nơi nhà Ðức Bà; nhìn riêng từng phần một, phòng ngủ, nhà nguyện v.v.” (Linh thao 220). Khi xem xét như thế, sẽ cho bạn những cảm xúc hoặc tâm tình vốn giúp bạn nhận ra điều Thiên Chúa muốn nói.
  3. Cảm xúc. Cần nói ngay rằng cầu nguyện không phải đi tìm cảm xúc vui buồn sướng khổ. Cầu nguyện là gặp Thiên Chúa; và từ đó, những cảm xúc có thể đến với bạn. Khi chăm chú vào câu chuyện, vào nhân vật của Tin Mừng, có thể bạn đối diện với cảm xúc sầu khổ hoặc an ủi thiêng liêng[5]. Cả hai điều có những thông điệp mà Thiên Chúa muốn nói với bạn. Với những tâm tình cảm nhận đó, bạn kết thúc buổi cầu nguyện với một lời nguyện, hoặc đọc một kinh nguyện mà bạn yêu thích.

Để kết thúc, chúc bạn thử cầu nguyện với phương pháp này thật tốt đẹp. Cũng cần chú ý rằng trong Giáo hội có rất nhiều cách cầu nguyện. Chẳng hạn cầu nguyện với Kinh Thánh theo Lectio Divina, mà bài sau chúng ta sẽ bàn chi tiết. Ở đây bạn cứ mạnh dạn đến gặp Chúa trong Kinh Thánh, thử đọc thư tình của Ngài viết trong đó. Chính Thiên Chúa cũng đang chờ bạn, Ngài đến gõ cửa mà mong bạn mở cửa để gặp gỡ Ngài.

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

Hungary, 20-11-2022

…………..

[1] http://www.donghanh.org/main/05/tl-001.htm

[2] Xem bài luận: Nicolas Standaert, The Composition Of Place, Creating Space for an Encounter (https://www.theway.org.uk/back/461Standaert.pdf)

[3] Theo thánh Augustinô, trí nhớ (memoria), trí hiểu (intelligentia) và ý chí (voluntás) là những khả năng ở trong con người thể hiện rõ nhất thần tính của mình. Lý do là với những điều này, với Chúa Ba Ngôi, Augustinô cho thấy rằng có một cái gì đó từ Chúa Ba Ngôi trong con người, vì con người được tạo ra theo hình ảnh của Chúa Ba Ngôi. (Aurelius Augustinus: Bàn về Chúa Ba Ngôi). 

[4] Xem. Sách Tự Thuật, cuốn X, chương 6-26. 

[5] Xem. Linh thao 316-317.

Đọc thêm:

  1. Kinh Thánh là bức thư tình dành cho bạn:

Kiểm tra tương tự

Thánh Thể, vầng trăng mơ ước của tuổi thơ

Nhìn trăng lên, con người mọi thời đều mơ một cuộc sống trường sinh bất …

Kết nối với Gen Z: 4 chiến lược cho Giáo hội Công giáo

Chúng ta đều đang đặt ra cùng một câu hỏi: làm thế nào để kết …