Xin giới thiệu quý độc giả chia sẻ của Lm. Kỳ Sơn, S.J với bài viết ‘Đôi điều suy nghĩ qua lời Thánh Giáo của Đức Cao Đài’. Bài viết này trong nỗ lực có cái nhìn chung và tốt lành về Đạo Hiếu nơi tôn giáo bạn. Bài viết cũng đã được đăng trên tập san ‘Nhịp Cầu Tâm Giao’ số 2 của ban mục vụ đối Thoại Liên Tôn Tổng Giáo Phận Tp. Hồ Chí Minh.
————————————————————————-
Ai cũng có cội nguồn và Đạo Hiếu như là qui chuẩn đưa mỗi người trở về với nguồn cội của mình. Vì có cơ duyên với huynh đệ thuộc Đạo Cao Đài, tôi chia sẻ một vài tâm tình riêng tư nhân dịp suy nghĩ về Đạo Hiếu nơi tôn giáo bạn.
Cũng giống như Kitô giáo[1] hay một vài tôn giáo độc thần, Cao Đài giáo cũng có những lời Thánh Giáo do Đức Cao Đài Giáo Chủ giáng bút dạy dỗ tín đồ. Thật thế, vào ngày 18.09 1936 tức 04.09 năm Bính Tý, với bài thi mở đầu:
Trên cây thập tự sút mồ hôi,
Đổ máu vì thương tội lỗi đời;
Chịu chết cứu chung cho vạn loại,
Bao nài khổ nhọc các con ơi !!!
Đức Cao Đài đã dùng lại hình ảnh và mẫu gương của Đức Jésu, người đã khai nguyên Kitô giáo và là hình ảnh đại diện cho Đức Cao Đài đến trần gian để yêu thương, dạy dỗ rồi chịu đau khổ và chịu chết cho loài người bằng cái chết trên trên thập tự. Nhắc lại hình ảnh này, Đức Cao Đài như nhắc nhớ con người về tình thương của Người dành cho loài người. Một tình yêu lớn lao khôn sánh! Một tình yêu hiến thân cho người mình yêu! Một tình yêu vĩ đại vì Đức Jésu đã trao tặng sự sống cho con người bằng cái chết của chính mình! Với tình yêu diệu ngọt đó, Đức Cao Đài đã tiếp tục thương ban những lời dạy vàng son như là cứu cánh để con người có thể tiếp tục con đường tu đạo trên hành trình tiến về làm Một với Đấng mà từ đó mình đã được sinh ra.
Từ bài thi mở đầu này, Đức Cao Đài tiếp tục huấn giáo về Đạo Hiếu:
Phương châm cứu thế là phải lấy đạo đức, nghĩa nhơn, lễ trí làm qui củ chuẩn thằng, huấn luyện đời người cho rõ tường chơn lý cao siêu, hồi tưởng lo sùng tu tánh mạng.
Dạy người trước phải chánh tâm, tu thân, rồi tề gia, trị quốc.
Ai đã mang mảnh hình hài thì phải biết đội ơn hai đấng:
Một là Trời,
vì đấng Thanh Cao (Trời) phú cho người một cái bổn tánh thiện lương – tức là phần hồn.
Hai là Cha Mẹ,
vì người thọ bẩm tinh cha huyết mẹ mà tạo ra một cái hình hài xác thịt – tức là phần xác…
Con nào còn sót lại đôi chút thiện lương nhớ đến căn kiếp mình thì lo lập chí tu hành, cầu truyền đạo đức, phanh luyện tinh thần.
Thông thường khi nói tới Đạo Hiếu, có vẻ người ta chỉ nhớ đến Ông – Bà và Cha – Mẹ là những tiền nhân và những người đã sanh thành ra mình, như truyền thống đạo hiếu bình dân. Nhưng trong những lời Thánh Ngôn ở trên, chúng ta thấy điều trước tiên mà Đạo Hiếu nói đến lại là Trời, sau mới đến Cha Mẹ.
Quả thật, Đức Cao Đài đã cho thấy tận nguyên của con người chính là Trời. Chính Trời đã tác tạo nên người với phần hồn, còn gọi là linh hồn hay chơn linh[2]. Hồn là Tiểu Linh Quang giúp con người có thể tiếp cận và tương thông với Đấng là Trời, và cũng là Đại Linh Quang. Chính từ nguyên ủy ấy mà lời dạy của Đức Cao Đài hướng dẫn và đưa người ta tới cùng đích thật sự, đó là biết ơn Trời. Hay nói cách khác, lời Thánh giáo soi sáng và cho nhân loại chiêm nghiệm về Trời. Trong chiêm ngiệm này, loài người mới thấy được Trời chính là người Cha chung mang khuôn mặt Tình Yêu. Như vậy, linh hồn được người Cha yêu thương tạo nên rồi cho đi vào cuộc đời của riêng mỗi người. Qua hành trình tu tiến cùng với con người toàn thể và rồi đắc đạo, linh hồn trở về với Cha – Đại Từ Phụ, như là Tiểu Linh Quang hòa làm Một với Đại Linh Quang. Trong sự trở về ấy, con người sẽ thọ hưởng hạnh phúc trọn vẹn. Để được hạnh phúc ấy, mỗi người phải nhận biết và đáp trả tình yêu của vị Cha chung ấy bằng cuộc sống cụ thể qua hành trình tu đạo.
Trên hành trình tu tiến, Đức Cao Đài nhắc nhớ mỗi người còn phải giữ lòng Hiếu Thảo với cha mẹ của mình. Làm sao không biết ơn hai đấng sinh thành vì tác tạo nên xác thân ta bằng tinh huyết của các ngài ! Làm sao không thảo hiếu các ngài vì thân xác ta lớn lên bằng công dày nuôi dưỡng ! Làm sao không phụng dưỡng khi cha mẹ về già vì đã hết lòng yêu thương và lắm khi vì ta mà đau khổ ! Làm sao không tiếp tục nguyện cầu và thực hành Cúng Cửu khi cha mẹ qua đời, bằng việc xin huynh đệ đồng đạo nguyện tụng Kinh Tận Độ và Di Lạc Chơn Kinh, nhờ đó vong linh các ngài sớm được siêu thoát và tận độ[3].
Trong tâm tình đó, thật phải lẽ khi phận làm con trước hết phải một lòng giữ trọn thành tín với Trời như là Cha phần hồn, và hết lòng biết ơn vì Người như người cha hết mực yêu thương con cái mình; yêu đến nỗi trao tặng Jésu để chết thay cho loài người trên thập tự giá. Sau nữa, phận làm con cũng hết lòng hiếu thảo với cha mẹ bằng sự kính trọng và yêu thương, không chỉ khi các ngài còn sống mà cả khi các ngài đã qua đời bằng nguyện cầu và tụng kinh Tận Độ.
Thực hành Đạo Hiếu như trên là hành trình tu đạo của mỗi tín đồ Cao Đài theo lời Thánh giáo của Đức Cao Đài:
Trời là một ĐẤNG CHA chung
Kính thờ trọn đạo tận trung với Người;
Linh hồn thọ lãnh của Trời
Xác hình ta lại nhờ thời mẹ cha.
Mẹ cha sanh sản ra ta
Nên chi ta phải trọng mà hiếu thân.
Lm. Kỳ Sơn, s.j.
[1] Trong Thập Giới của Kitô giáo dạy Thờ Phượng Thiên Chúa và Thảo Hiếu Cha Mẹ (xem Xh 20, 1-17); Truyền thống Đạo Hiếu trong Phật giáo với tích truyện Vu Lan; Đạo Hiếu trong truyền thống Nho giáo.
[2] x. Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Thánh ngôn Hiệp Tuyển, quyền 2, 1963, tr. 66. In lần thứ nhất, năm Quí Mão; x. Đỗ Quang Dũng, S.J, Cái Nhìn Về Quan Niệm Thần Linh của Cao Đài Giáo, SG – 09. 2008, tr. 73-76.
[3] x. Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo, Tây Ninh, 1992, tr. 3-4. x. Lê Anh Dũng, Xem thêm Đỗ Quang Dũng, S.J, Cái Nhìn Về Quan Niệm Thần Linh của Cao Đài Giáo, SG – 09. 2008, tr. 100-101.