ĐTC chủ sự Kinh Chiều bế mạc tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô Hữu

kinh chieuROMA. Lúc 5 giờ rưỡi chiều 25.01.2015, ĐTC Phanxicô đã chủ sự buổi hát kinh chiều trọng thể tại Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành ở Roma, để bế mạc tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô. Tuần này đã tiến hành từ 18 đến 25.01.2015 với chủ đề: “Chúa Giêsu nói với người phụ nữ: Làm ơn cho tôi xin chút nước uống” (Ga 4, 7). Hiện diện tại buổi cầu nguyện, có các Hồng Y, Giám Mục, giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân Roma, cùng nhiều đại diện của các cộng đoàn Kitô khác.

Đây là nội dung chính bài giảng của ĐTC. Ngài nói:

“Trong hành trình từ Giu-đê-a để đến Ga-li-lê-a, Đức Giêsu đi ngang qua Sa-ma-ri-a. Ngài chẳng gặp chút khó khăn nào để gặp gỡ những người Sa-ma-ri-a vốn bị những người Do Thái cho là lạc giáo, ly khai, và tách biệt. Thái độ của Ngài cho chúng ta thấy rằng cuộc đối thoại với những người khác biệt với chúng ta có thể làm cho chúng ta triển nở.

Đức Giêsu, mệt mỏi sau chuyến đi, đã không ngại ngần xin nước uống từ một người phụ nữ xứ Sa-ma-ri-a. Cơn khát của Ngài, do vậy, vượt quá cơn khát của thể lý: vì khát mong được gặp gỡ, mong ước mở ra một cuộc đối thoại với người phụ nữ đó, nhằm mang lại cho chị ta cơ hội của một hành trình hoán cải nội tâm. Đức Giêsu đã kiên nhẫn, tôn trọng người đang đối diện với mình, và mạc khải về mình cho chị ta một cách từ tốn. Mẫu gương của Ngài khuyến khích tìm kiếm một cuộc đối thoại chân thành với người khác. Để lĩnh hội và triển nở trong bác ái và chân lý, người ta phải dừng lại, chấp nhận mình và lắng nghe chính mình. Trong cách thức như vậy, người ta đã bắt đầu cảm nghiệm sự hiệp nhất.

Người phụ nữ thành Xy-kha chất vấn Đức Giêsu về nơi chốn đích thực để thờ phượng Thiên Chúa. Đức Giêsu không thiên về nơi chốn thờ phượng trên núi cũng chẳng chấp nhận thờ phượng trong đền thờ, nhưng Ngài đòi hỏi cần thiết phải đạp đổ mọi bức tường ngăn cách. Ngài hướng đến sự thờ phượng trong chân lý: “Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật.” (Ga 4, 24). Người ta có thể vượt qua rất nhiều những mâu thuẫn giữa các Kitô hữu, kế thừa từ trong quá khứ, nhờ dẹp bỏ mọi thái độ bút chiến và hộ giáo cũng như cùng nhau tìm kiếm để tiếp thu trong chiều sâu những gì khiến chúng ta hiệp nhất, nghĩa là lời kêu gọi cùng tham dự vào mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa Cha được mạc khải cho chúng ta bởi Chúa Con thông qua Chúa Thánh Thần. Sự hiệp nhất của các Kitô hữu sẽ không là hoa trái của những cuộc thảo luận trang nhã mang tính lý thuyết về những điều mà mỗi người bị cám dỗ phải thuyết phục người khác về nền tảng vững chắc của những ý kiến riêng của mình. Chúng ta phải nhận ra là để đạt tới chiều sâu của mầu nhiệm của Thiên Chúa, chúng ta cần những sự kết hợp với những người khác, để gặp gỡ nhau và để đối chiếu với nhau dưới sự soi dẫn của Thánh Thần, là Đấng hòa hợp những khác biệt và thắng vượt những mâu thuẫn.

Dần dần, người phụ nữ Sa-ma-ri-a hiểu rằng Người đang xin chị cho uống lại có thể giải khát cho chính chị. Đức Giêsu tự giới thiệu mình với chị như là suối nguồn từ đó nước hằng sống phun trào ra để có thể mãi mãi làm cho chị hết khát (Gv 4, 13-14). Sự hiện hữu của nhân loại vén mở những khát vọng to lớn: tái truy tìm chân lý, khát khao yêu thương, công lý và sự tự do. Đó là những khao khát chỉ được đáp ứng phần nào, bởi vì từ chiều sâu hiện hữu của chính mình con người luôn muốn “cái hơn”, một khả năng tuyệt đối nhằm thỏa mãn cơn khát của mình trong cách thức nhất định. Lời đáp cho những mong mỏi này chỉ có thể được trao ban bởi Thiên Chúa trong Đức Kitô, nơi mầu nhiệm Phục sinh của Người. Từ cạnh sườn bị đâm thâu của Đức Giêsu, máu và nước đã chảy ra (Ga 19,34): Người chính là nguồn suối từ đó phun trào nước của Thánh Thần, nghĩa là “tình yêu của Thiên Chúa được đổ đầy vào lòng chúng ta”, trong ngày lãnh nhận Bí tích Rửa tội. Nhờ hoạt động của Thánh Thần mà chúng ta được trở nên một thụ tạo duy nhất cùng với Đức Kitô, trở nên con của Người Con, và là những người thờ phượng đích thực Thiên Chúa Cha. Mầu nhiệm của tình yêu này là lý do sâu xa của sự hiệp nhất giúp hòa hợp các Ki-tô hữu và cao trọng hơn cả sự chia rẽ đã diễn ra trong dòng chảy của lịch sử. Vì lý do này, trong mức độ chúng ta có thể đến gần Chúa bao nhiêu với sự khiêm nhường, thì chúng ta cũng phải đến gần nhau bấy nhiêu.

Cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu đã biến người phụ nữ Sa-ma-ri-a thành một nhà truyền giáo. Nhận lãnh một món quà cao cả và quan trọng hơn cả nước uống từ giếng, người phụ nữ bỏ vò nước lại đó (Ga 4, 28) và chạy đi thuật lại cho những đồng bào của mình rằng chị ta đã gặp Đức Kitô (Ga 4, 29). Cuộc gặp gỡ với Ngài đã mang lại cho chị một ý nghĩa và niềm vui để sống, và chị cảm thấy khao khát được rao truyền nó. Ngày hôm nay vẫn còn đó một đám rất đông người nam và người nữ mỏi mệt và đang khát, họ đòi hỏi chúng ta, những Kitô hữu, hãy cho họ uống. Đó là một đòi hỏi mà chúng ta chẳng thể nào lẩn tránh. Trong lời kêu gọi để trở nên những sứ giả Tin Mừng, tất cả các Giáo Hội khác nhau và các cộng đoàn nhận ra một ước muốn nhất thiết phải hợp tác chặt chẽ với nhau hơn. Để có thể tiến hành nhiệm vụ này một cách có hiệu quả, cần phải tránh việc tự đóng kín trong những chủ nghĩa cá biệt và độc quyền, thậm chí áp đặt một sự đồng dạng dựa trên những bình diện thuần túy nhân loại (Evangelii gaudium, 131). Nhiệm vụ được chung chia của việc loan báo Tin Mừng cho phép bỏ qua mọi hình thức của chủ nghĩa lôi kéo và cơn cám dỗ của tranh đua. Tất cả chúng ta phải phục vụ cho một Tin Mừng duy nhất và như nhau.”

Cuối bài giảng, Đức Thánh Cha kêu gọi:

“Anh chị em thân mến, hôm nay, vì khát khao bình an và tình huynh đệ, chúng ta hãy khẩn nài cùng với lòng tin vào Cha trên trời, nhờ Đức Giêsu Kitô, Thượng Tế duy nhất và qua sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, của thánh Phaolô tông đồ và toàn thể các thánh, ơn ban hiệp thông trọn vẹn của toàn thể các Kitô hữu, nhờ đó chúng ta có thể chiếu tỏa “mầu nhiệm thánh thiêng của sự hiệp nhất trong Giáo Hội” như một dấu chỉ và khí cụ của sự hòa giải cho toàn thể thế giới.”( Conc. Ecum. Vat. II, Decreto sull’Ecumenismo Unitatis redintegratio, 2)

Chuyển dịch từ bản Ý ngữ: Jos. Nguyễn Tiến Khải, SJ.

Kiểm tra tương tự

Lễ Hiển Linh và Sternsinger là chương trình gì ?

  Các bài Thánh Kinh trong Lễ Hiển Linh giúp ta nhìn thấy các nhà …

Sứ điệp Hòa Bình 2025: Ba lời kêu gọi cụ thể của Đức Thánh Cha

Theo truyền thống, Đức Thánh Cha đã ban sứ điệp cho ngày Hòa bình Thế …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *