“Đức Giêsu khát” – Chúa Nhật III mùa Chay A

Đức Giêsu và các môn đệ đang đi ngang qua vùng đất Samaria. Hẳn là Ngài đang rất mệt mỏi vì phải đi bộ suốt một quãng đường dài, dưới cái nắng chang chang của mười hai giờ trưa. Chi tiết các môn đệ vào thành mua bánh ăn cho chúng ta biết rằng chắc là Ngài cũng đang rất đói, chưa có gì cho vào bụng. Đức Giêsu mở miệng xin một người phụ nữ chút nước uống. Ngài tự đặt mình lệ thuộc vào một người khác. Tất cả những hình ảnh này gợi lên trong ta một con người Giêsu rất bình dị. Chẳng ai có thể dựa vào những điều này mà nhận ra Thiên Tính “đang ẩn giấu” trong Ngài cả. Giêsu là một con người thật sự, một người giống như mọi người, không có gì khác biệt: Ngài biết mệt, biết đói, biết mở miệng xin người khác giúp đỡ, biết khát.

Vâng, Đức Giêsu biết khát. Sau này, khi ở trên thập giá, với chút sức tàn lực kiệt, Ngài lại một lần nữa tỏ bày “cái khát” của mình: “Tôi khát!” (Ga 19,28). Dĩ nhiên là Ngài khát nước. Ngài cần nước để duy trì sự sống của mình. Ngài khát như dân Do Thái xưa khi đang thực hiện chuyến hành trình trong sa mạc mà chúng ta vừa nghe thấy nơi bài đọc một. Thế nhưng, dường như trong hai từ “ta khát” của Đức Giêsu hay nơi lời cầu xin của Ngài dành cho người phụ nữ “chị cho tôi xin chút nước uống” một nỗi niềm nào đó, rất sâu, rất buồn, rất tâm trạng.

Phải chăng Ngài đang khát lòng tin của người dân vào Thiên Chúa? Khi rơi vào cảnh khó khăn, người ta thường mất bình tĩnh, thường kêu than, oán trách, bỏ rơi Thiên Chúa, hệt như dân Israel năm xưa. Nhưng giá như người ta đừng vội quên những gì mà Thiên Chúa đã hứa với họ. Giá như họ biết nhìn lại những gì mà Thiên Chúa đã làm cho họ mà tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa hơn. Một Thiên Chúa quyền năng có thể dựng nên trời đất muôn vật thì một chút nước uống có là gì ghê gớm đối với Ngài. Chỉ với một thử thách nhỏ, con người đã đánh mất niềm tin vào Thiên Chúa.

Phải chăng Ngài đang khát một cuộc sống hạnh phúc dành cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người phụ nữ? Ai cũng có một nhu cầu hạnh phúc. Người phụ nữ nào cũng mong ước tìm thấy được đàn ông của cuộc đời mình, nơi mà họ có thể bám víu, cậy dựa, tin tưởng. Một phụ nữ đã trải qua năm đời chồng, bây giờ lại đang sống với một người đàn ông không phải là chồng mình, sao gọi là hạnh phúc? Đức Giêsu đang khát, hay chính người phụ nữ đang khát? Thế giới này con biết bao người phụ nữ phải sống trong những tình cảnh éo le như thế, do hoàn cảnh xã hội, do chiến tranh tù tội…

Phải chăng Ngài đang khát một sự hiệp nhất nên một của tất cả mọi người, nơi không còn “ông là người Do Thái, tôi là người Samari”, để rồi ngại ngùng dành cho nhau chút nước uống? Những rào cản về màu da, chủng tộc, tôn giáo, quốc gia dường như vẫn còn rất mạnh mẽ, khiến người ta không thể ngồi xuống đối thoại với nhau. Sự phong phú mà Thiên Chúa ban cho nhân loại đã bị biến thành bức tường ngăn cách con người. Cùng là con người, nhân phẩm như nhau, nhưng chỉ vì những khác biệt bên ngoài mà người ta trở nên xa cách nhau, không muốn nắm lấy tay nhau để giúp đỡ nhau và cùng dựng xây thế giới. Người ta quên mất rằng thế giới này là một ngôi nhà, tất cả mọi người là anh chị em với nhau. Sự hiệp nhất giữa những khác biệt đang trở nên khan hiếm và khó trở thành hiện thực, chỉ bởi vì người ta không vượt qua được những rào cản vô hình kia.

Phải chăng Ngài đang khát một sự hiểu biết đúng đắn của người ta về Ngài nhờ “nhận ra ơn huệ Thiên Chúa ban”? Giêsu và con đường thập giá của Ngài, đã hơn 2000 năm trôi qua, vẫn trở thành cớ vấp ngã cho nhiều người. Bài học yêu thương mà Ngài dành cho các môn đệ của mình vẫn chưa được thực thi cách hiệu quả. Nhiều người vẫn chưa biết được Giêsu chính là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống, là Đấng Cứu Thế duy nhất, là Cửa Ngõ để qua đó con người đến được với Chúa Cha. Ngài là Đấng Kitô, Đấng được sai đến, Đấng “đang nói chuyện với con người hàng ngày”. Vẫn còn đó những nhạo báng dành cho Kito giáo. Vẫn còn đó những bắt bớ dành cho những ai tin vào Đức Giêsu.

Phải chăng Ngài đang khát một lối sống đạo đúng đắn, một lối thờ phượng Thiên Chúa “trong thần khí và sự thật” chứ không chỉ ở núi này hay núi nọ? Một tâm tình thờ phượng đích thực phải xuất phát từ con tim, nơi người một lòng một trí hướng về Chúa, xem Chúa là cội nguồn của mình, hết lòng tuân theo hướng dẫn của Thần Khí mà sống theo sự thật. Đó là một lối sống hội nhất giữa yếu tố thiêng liêng và yếu tố nhân bản. Người ta nhìn thấy Thiên Chúa nơi mọi người và qua mọi người mà gặp gỡ được Thiên Chúa. Người ta sẽ không còn ngoảnh mặt làm ngơ những người thân cận, nhưng biết quan tâm, yêu thương và dành cho nhau những điều tốt đẹp.

Cái khát của Đức Giêsu cho chúng ta thấy cái khát của toàn thể nhân loại: khát niềm tin, khát sự hiệp nhất, khát hạnh phúc, khác chân lý và tự do. Đức Giêsu vẫn còn đang khát. Ngài vẫn ngỏ lời xin chúng ta cho Ngài chút nước uống. Tôi có nghe được những lời tha thiết này của Ngài không? Nếu nghe được, tôi sẽ làm gì điều để Ngài vơi được cơn khát?

Chúng ta hãy xin ơn Chúa giúp chúng ta có một sự gặp gỡ trực tiếp và cá vị với Ngài để có thể cảm nghiệm được cái khát của Đức Giêsu, nhờ đó chúng ta cũng được khơi lên lòng khao khát dấn thân cho Nước Chúa, cho hạnh phúc của tất cả mọi người.

 

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Kiểm tra tương tự

Làm thế nào để giúp con cái chúng ta tìm thấy ơn gọi của chúng

Ngày Thế giới cầu nguyện cho ơn gọi là cơ hội tuyệt vời để các …

Hãy mạo hiểm! Tôi đã làm thế, và cưới được vợ

Các thánh nhân là những người dám khuấy động cả hoàn vũ, nên Đức Thánh …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *