Đức Giêsu – Một người như mọi người

jesus-christChúng ta thường nhìn về Giêsu như là một bậc thầy, một đấng quyền năng, một con người thần thánh. Ngài trao ban những bài học hay, Ngài có lối hành xử khôn ngoan, Ngài có thể làm phép lạ chữa lành bệnh nhân, thậm chí có thể khiến kẻ chết trỗi dậy chỉ bằng một lời tuyên phán, Ngài có quyền hô phong hoán vũ, Ngài có thể hóa bánh ra nhiều, biến nước thành rượu ngon… Đức Giêsu là một mẫu người quá hoàn hảo đến độ ta mặc nhiên xếp Ngài ở vị trí trên cao. Đã biết rằng Đức Giêsu là Ngôi Lời nhập thể làm người, trong Ngài có cả bản tính Thiên Chúa và bản tính con người, nhưng ta thường nghĩ về Ngài như là một Thiên Chúa hơn. Nghĩ rằng Đức Giêsu cũng là một con người như chúng ta có lẽ là điều rất khó để tưởng tượng. Chắc là cũng có lúc ta tự hỏi, liệu Đức Giêsu có là một con người thực thụ, giống hệt như chúng ta không, hay Ngài chỉ “giả vờ” là một con người, hay như trong những phim ảnh mà chúng ta thường xem, có khi nào Ngài “hóa thân” thành một con người, nhưng suy nghĩ, tình cảm, quan niệm và lề lối sinh hoạt hằng ngày không giống với chúng ta?

Đích thực là ta sẽ chẳng thể nào hiểu nỗi trọn vẹn về Giêsu. Ngài là một mầu nhiệm khôn cùng. Để có thể biết Ngài, ta cần có một niềm tin và cần được ân sủng của Thánh Thần đưa lối. Nhưng Đức Giêsu là một con người, đó là một sự thật mà ta không thể chối cãi. Quả là một sự thể vô cùng huyền bí, khi ta nghĩ đến chuyện một Thiên Chúa vô hình lại tự biến mình thành hữu hình, trong hình hài một người đàn ông, gốc gác Do Thái, được người ta gọi với cái tên Giêsu. Đây là điều mà không một trí tuệ nào có thể nghĩ tới được. Khi dân Israel mong chờ vị cứu tinh đến để giải phóng họ như lời Thiên Chúa hứa, họ chỉ nghĩ đến chuyện hoặc là Thiên Chúa ở trên trời trực tiếp ra tay qua các phép lạ như trong huyền thoại xuất hành hàng ngàn năm trước, hoặc là Thiên Chúa sẽ tuyển chọn một con người nào đó xuất chúng lỗi lạc, để người này đứng lên lãnh đạo dân. Chẳng ai có thể ngờ tới một giải pháp có một không hai, xuất phát từ sự sáng tạo vô biên của Thiên Chúa, là đích thân Ngài ra tay bằng cách trở thành một con người. Ngài đã gom hai giải pháp mà người ta có thể nghĩ tới thành một một cách thật tài tình và huyền nhiệm.

Thiên Chúa đã làm người, và Ngài trở thành một con người thật sự, chẳng khác gì người khác, với cái tên Giêsu. Ngài có một thân xác, với đầy đủ những cơ phận. Các cơ phận ấy hoạt động bình thường cách tự nhiên. Khi không có gì trong dạ dày, Ngài vẫn cảm thấy đói. Ngài cũng cần phải ăn cái gì đó bổ dưỡng, nếu không, Ngài không thể sống được. Bốn mươi ngày ăn chay hãm mình trong sa mạc thực sự làm cho Ngài kiệt sức, mệt mỏi. Nếu Ngài không có kinh nghiệm đói, hẳn là Ngài không thể cảm thông được với hàng ngàn con người theo Ngài, nghe Ngài giảng giữa sa mạc hoang vu. Chính vì Ngài biết thế nào là đói, cái cảm giác khó chịu khi bị cơn đói hành hạ khổ sở thế nào, nên Ngài mới làm phép lạ hóa bánh và cá ra thật nhiều để mọi người được ăn no nê. Việc ăn uống là sinh hoạt rất thường ngày của con người, nên nhiều lần các Thánh Sử đã tường thuật cho chúng ta biết Ngài thường xuyên dùng bữa với người khác, cả người giàu lẫn người nghèo, người công chính lẫn người tội lỗi. Ngay cả sau khi đã phục sinh, lúc tỏ mình ra với các môn đệ trên biển hồ vào một buổi sáng sớm, Ngài đã rất tế nhị khi chuẩn bị cho họ một bữa sáng thật đạm bạc nhưng rất thân tình. Ngài biết rằng họ đang đói, họ cần cái gì đó để ăn. Ngài biết thế, là vì Ngài cũng đã từng có kinh nghiệm đó.

Đức Giêsu cũng biết khát. Nhu cầu đưa nước vào cơ thể là một nhu cầu tối cần thiết để duy trì sự sống. Giữa trời nắng chang chang nơi vùng Samari, sau một chặng đường dài đi bộ, Ngài cảm thấy mình cần chút nước để uống cho lại sức. Chính vì vậy mà Ngài đã mạnh dạn xin người phụ nữ cho mình chút nước để uống. Thậm chí, có lẽ Ngài cũng biết thưởng thức rượu, nên Ngài mới biến nước thành rượu ngon, chứ không phải một loại rượu bình thường nào đấy, khiến cho người quản gia tại tiệc cưới ở Cana phải bất ngờ. Khi bị treo trên cây thập giá, một trong những lời cuối cùng của Ngài là: Ta khát (Ga 19,28). Khi một cơ thể bị mất máu quá nhiều, nó cần một lượng nước để bổ sung. Ngài cần nước, là vì Ngài cũng là một con người bình thường như bao người khác.

Hiếm có hình ảnh về Đức Giêsu diễn tả cho chúng ta thấy nét dễ thương của Ngài cho bằng lúc Ngài đang ngủ. Không một loài sinh vật nào lại không cần ngủ. Giữa sóng to gió lớn, con thuyền đẩy đưa, các môn đệ thì cố sức chống chèo để thuyền không bị lật, Đức Giêsu vẫn nằm ngủ thản nhiên như chẳng có chuyện gì xảy ra. Có thể Ngài giả vờ để thử đức tin các môn đệ. Nhưng cũng có thể là vì Ngài quá mệt, nên cần một giấc ngủ thật sâu, thật say. Khi đám đông dân chúng cứng lòng tin, cũng có khi Ngài buồn phiền. Khi các môn đệ học mãi vẫn không thuộc bài học thập giá, Ngài cũng có chút chán nản. Là một chàng thanh niên đã từng hành nghề mộc kiếm sống, hẳn là Đức Giêsu không phải là chàng công tử da trắng má hồng. Những năm dài đi lang thang khắp nơi rao giảng Tin Mừng cũng góp phần làm cho thể lực Ngài được cường tráng. Ấy vậy là sau một đêm mất ngủ và bị hành hạ, vai vác cây gỗ nặng, Ngài đã phải té ngã đến nhiều lần. Bất cứ ai rơi vào hoàn cảnh như Ngài, chắc là cũng sẽ như vậy. Là một con người, Đức Giêsu biết mệt, biết kiệt sức, có cảm giác rã rời, khi nguồn sức lực trong người như bị vắt cạn hết.

Và còn hơn thế nữa, Đức Giêsu đã là một con người đúng nghĩa nhất khi Ngài cùng chung chia cái cảm giác kinh khủng của kiếp người: nỗi sợ. Dẫu biết rằng phải chết theo như ý Cha muốn, nhưng cứ mỗi lần nghĩ đến, Đức Giêsu lúc nào cũng xao xuyến bồi hồi. Có ai lại không sợ chết? Chết êm ái trên giường nệm, có những người yêu mến thân thuộc đứng chung quanh nâng đỡ, người ta còn thấy kinh hãi, huống hồ gì cái chết trên thập giá, vừa đau đớn, vừa nhục nhã, vừa buồn bã, vừa cô đơn. Đã không biết bao nhiêu lần Ngài ngậm ngùi chia sẻ tâm tình của mình cho các môn đệ, mong sao họ hiểu và thông phần với mình. Nhưng họ cứ vô tâm và chẳng để ý gì cả. Nỗi bồi hồi xao xuyến của Đức Giêsu trong vườn Cây Dầu, giữa đêm khuya tĩnh mịch đã nói lên tất cả. Ngài cần một ai đó ở bên, Ngài cần lắm một sự nâng đỡ từ những người mình yêu mến. Nhưng dường như cả Chúa Cha cũng ẩn mình nơi đâu. Hẳn là Ngài cũng sợ đau, sợ bị đánh, sợ tiếng roi làm ránh da rách thịt, sợ tiếng búa gõ vào chiếc đinh, sợ bị người ta lột trần truồng treo lên cây thập giá. Nhưng cái làm Ngài đau khổ nhất là không hề cảm thấy được Cha ở bên mình. Cái chết của Giêsu trên cây thập giá là dấu chỉ cho thấy Giêsu là một con người thật sự.

Giêsu – Thiên Chúa Ngôi Hai – là một con người như bao người khác, và có tất cả những kinh nghiệm mà một con người bình thường có. Vậy thì ta còn lo sợ điều gì mà không dám đến thân thưa với Ngài mọi niềm vui, nỗi buồn, bao thống khổ của ta? Cả khi đói, cả khi khát, cả khi mệt mỏi, chán chường, khi sợ, khi lo, khi biết là phải đối diện với thần chết, ta đều có Giêsu ở bên nâng đỡ. Đừng sợ là Ngài không hiểu mình, vì Ngài cũng y hệt như chúng ta, có mọi nhu cầu và cảm giác mà chúng ta có, chỉ trừ tội lỗi mà thôi.

 

 

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Kiểm tra tương tự

Sống mùa Vọng cùng “cậu bé trong Tám Mối Phúc”

Sách đề cập trong bài: Một phần tiểu sử và lòng mộ đạo giúp ta …

Đổi mới giáo dục Công giáo tại Học viện Thánh Augustinô

  Khi Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ đầu tiên của Ngài trong Tin …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *