Đức Gioan Phaolô II và sứ điệp tha thứ

ám sátNgài là vị Giáo Hoàng vào thế hệ của tôi. Những năm đầu của đời sống đức tin của tôi được ghi khắc bởi những sự kiện sơ khởi của triều đại giáo hoàng của ngài, kịch tính và đau xót, những tin tức mà tôi thường xem hàng đêm tại phòng khách. Một nỗ lực ám sát, một thời gian dài để phục hồi và sau đó là một hành vi tha thứ trong sự thinh lặng đầy tính anh hùng. Bây giờ, tấm hình ấy rất nổi tiếng. Hai năm sau biến cố ấy Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và người đã ám sát ngài, ngồi với nhau nói chuyện thân mật. Với một thái độ trìu mến, Đức Thánh Cha nghiêng người về phía kẻ đã ám sát mình, và sau đó ngài đã quyết tâm giữ kín nội dung cuộc nói chuyện này. Đó là một hình ảnh rất đẹp và là bản toát yếu về điều đã làm cho Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trở nên độc nhất vô nhị trong mắt tôi. Ngài đã không sợ rằng có thể mình sẽ bị tấn công khi sống sự tha thứ, ngài không sợ ngồi chung với kẻ thù với trọn tình yêu. Đó là một nghịch lý gây ngạc nhiên và ngài đã không chỉ giảng về nó từ bục giảng xa cách với “cuộc sống thực”, nhưng là điều mà ngài sống cách đích thực cho đến cùng.

Vào ngày 12 tháng 3 của Năm Thánh 2000, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã làm nên lịch sử khi cầu xin sự tha thứ. Nói với hàng ngàn người hiện diện trong buổi tiếp kiến tại quảng trường Thánh Phêrô, ngài đã thực hiện một việc thú tội thật cảm động. Nhắc đến các cuộc Thập Tự Chinh, Tòa Án Dị Giáo và những hành vi sai lầm chống lại người Do Thái, phụ nữ và nhóm thiểu số, ngài nói “chúng ta khiêm tốn xin được tha thứ vì mỗi người trong chúng ta trong lối hành xử của mình đã góp phần gây ra những sự xấu ấy và đồng thời cũng làm xấu đi bộ mặt Giáo Hội. Đồng thời, khi chúng ta thú nhận tội lỗi của mình, chúng ta cũng hãy tha thứ cho những lỗi lầm mà người khác đã gây ra cho chúng ta.”

Một số nhà phê bình lập luận rằng đây đơn giản chỉ là một kế hoạch có ý đồ chiến lược của ngài trước khi ngài đến viếng thăm vùng Trung Đông đang bị chiến tranh xâu xé, hay chỉ là một xu hướng chính trị tự nhiên trong Năm Thánh, một thời gian truyền thống để tha thứ mọi “nợ nần”. Tuy nhiên, có một sự khiêm nhường lớn lao và thánh thiện, cũng như một sự bạo dạn, trong quyết định xin tha thứ cách công khai của ngài. Có lẽ cũng cùng một sự khiêm nhường thánh thiện này đã soi sáng cho Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II học để trở thành vị linh mục chui trong thời gian Đức Quốc Xã chiếm đóng Ba Lan. Nếu việc này bị phát giác, có thể ngài sẽ phải trả giá bằng chính cuộc sống của mình, nhưng nhu cầu cần Thiên Chúa của ngài lớn hơn nhu cầu tìm an toàn. Tất cả chúng ta có thể học từ ngài gương mẫu này.

Động cơ trọng tâm của việc đại kết và tha thứ đằng sau hành vi nhìn nhận sai lầm công khai của ngài vào tháng 3 năm 2000, cũng như sự tha thứ mà ngài dành cho người đã ám sát ngài, chính là động lực đã nuôi dưỡng toàn bộ triều đại giáo hoàng của ngài. Đức Kitô đã chọn thánh Phêrô như là đá tảng để trên đó Người xây Giáo Hội của mình và Phêrô đã chịu tử đạo vì điều này cho đến cùng. Đức Giáo Hoàng nghiễm nhiên là người kế vị thánh Phêrô, người mà Đức Kitô trao quyền “trói buộc hay tháo cởi,” và nhiệm vụ của ngài luôn gặp phải những khó khăn vô cùng. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II được nhiều người yêu mến nhưng cũng bị nhiều người ghét cay ghét đắng. Hàng triệu người cầu nguyện theo những ý chỉ của ngài hằng ngày, trong khi những thần tượng nhạc rock thì xé toạt hình ảnh của ngài trên các kênh truyền hình quốc gia. Trong một thế giới quá thiếu vắng tình phụ tử, bị bỏ rơi bởi những nhân vật quyền lực và thẩm quyền bên trong, chúng ta cần một vị giáo hoàng. Chúng ta cần xin ơn hoán cải. Chúng ta cần xin sự tha thứ và đón nhận nó. Chúng ta cần trao tặng nó một cách tự do mà không có sự kết án đối với người thân cận, kẻ thù, gia đình, chính quyền và cả chính chúng ta. Thậm chí, trong khi mang lấy gánh nặng của những cuộc tranh luận đe dọa xé toạc Giáo Hội ra làm nhiều mảnh, từ bên trong và bên ngoài, thậm chí khi mang lấy sự cô lập mà chắc chắn đến từ việc mang lấy gánh nặng đó, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vẫn luôn thốt ra điệp khúc của sự tha thứ đầy can đảm và dư tràn phát sinh ra từ tình yêu.

 “Chắc chắn là sự tha thứ không đến một cách tự phát hay tự nhiên đối với con người.” Ngài viết. “Sự tha thứ từ con tim đôi khi có thể rất anh hùng… Nhờ vào quyền năng chữa lành của tình yêu, thậm chí là con tim bị thương tật nhất cũng có thể cảm nghiệm được cuộc gặp gỡ tự do với sự tha thứ.”

Tuy nhiên, xin sự tha thứ trong văn hóa của chúng ta thường được xem như hành vi thể hiện sự yếu đuối nhất, thậm chí là ngây thơ điên dại nhất; thái độ phổ biến hơn cả là “Đừng bao giờ thể hiện sự hối lỗi trước mặt tôi”. Điều này tước đoạt nhân tính của chúng ta, khiến chúng ta không còn nhận ra được một sự thật rằng chúng ta là những thụ tạo tội lỗi, những thụ tạo cần sự tha thứ và cần một Vị Cứu Tinh. Niềm tin sai lầm đáng buồn này tước đoạt chúng ta chính cơ cấu mà từ đó chúng ta nhận ra được sự bình an.

“Bình an đích thực không chỉ là vấn đề của cấu trúc và cơ cấu”, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viết. “Tiên vàn, nó đặt nền trên sự chấp nhận một kiểu đồng hiện hữu của con người, được đánh dấu bởi sự đón nhận lẫn nhau và một khả năng tha thứ từ con tim. Tất cả chúng ta cần được người khác tha thứ, vì thế, tất cả chúng ta cũng phải sẵn sàng để tha thứ. Cầu xin tha thứ và trao ban tha thứ là điều gì đó đáng giá sâu thẳm của mỗi người chúng ta.”

Đó là sứ điệp hòa giải mà Đức Gioan Phaolô II hầu như đã mang từng chữ đến tận cùng thế giới. (Số lượng những chuyến viếng thăm của ngài trên toàn thế giới trong triều đại giáo hoàng của mình là 250, không kể những cuộc tiếp kiến tại Vatican với rất nhiều nhà lãnh đạo quốc gia, các chức sắc và những người khác từ khắp nơi trên thế giới.) Tôi tin rằng đây là thông điệp đã giúp níu lại thế hệ của tôi: Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.

Trong suốt Năm Thánh, tôi có cơ hội gặp Đức Giáo Hoàng nhiều lần. Có một cuộc gặp gỡ chắc sẽ đọng mãi trong ký ức của tôi.

Đó là vào một ngày mưa tháng 2, nhưng quảng trường thánh Phêrô vẫn chật ních người, thời tiết chưa bao giờ là một điều có thể ngăn cản các khách hành hương đến gặp Đức Giáo Hoàng. Chúng tôi ngồi với nhau trên những chiếc ghế nhựa màu đen lạnh ngắt, cố gắng giữ ấm và giữ chỗ này để có thể chụp được một tấm ảnh thật gần.

Ngay phía trước nhóm mà tôi đang ngồi là một gia đình người Ý có năm thành viên.

Khi Đức Giáo Hoàng bắt đầu chào đám đông, một người phụ nữ trong gia đình trạc tuổi tôi bắt đầu khóc, và trước sự ngạc nhiên của tôi, bà ta lấy điện thoai di động ra và bấm số thật nhanh. Khi giọng nói của Đức Thánh Cha vang lên trên đám đông ướt sũng và run bần bật, bà ta nói trong điện thoại: “Mẹ ơi, tiếng nói của Đức Giáo Hoàng đây nè”, và giơ chiếc điện thoại lên cao phía trên đầu mình.

Chúng tôi ngồi đó, trong cơn mưa và khóc với bà ta.

Thật ra, giọng nói của ngài đã rất ấn tượng, một giọng nói đã mang đến những thông điệp nhẹ nhàng và tuyệt đẹp của tinh thần đại kết, tha thứ và cứu chuộc, một giọng nói đã chúc phúc cho cuộc sống của tôi, và đức tin của tôi trong một cách thức can trường, hòa nhã và kéo dài. Tôi sẽ luôn nhớ đến ngài.

 

Chuyển ngữ: Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Kiểm tra tương tự

3 lý do chúng ta rất cần Đức Maria là Mẹ chúng ta

  Sự sống mà chúng ta đang sống là chính Đức Giêsu Kitô, Đấng là …

5 cách để mừng lễ Thánh Gia Thất

  Lấy cảm hứng từ các sách Phúc âm, chúng tôi chia sẻ năm cách …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *