Đức Phật và Thánh I-nhã

Hội thảo Đối thoại Phật giáo – Kitô giáo lần III được tổ chức tại Nhật Bản từ ngày 14 đến ngày 16 tháng tám với chủ đề là “Đức Phật và Thánh I-nhã”. 19 tu sĩ Dòng Tên và 1 mục sư Tin Lành đã tham dự Hội thảo này để cùng khám phá những mối liên hệ giữa linh đạo I-nhã và Phật giáo. Trong 19 tu sĩ Dòng Tên này có 14 linh mục, 4 học viên và 1 tu huynh đến từ 8 Tỉnh Dòng và 2 Vùng: Châu Á-Thái Bình Dương và Nam Á.

Các cuộc thảo luận bao gồm nhiều đề tài như: mối liên hệ giữa những vấn đề cơ bản của Phật giáo với giáo huấn của Chúa Kitô được đề cập trong sách Linh Thao; lượng giá đối chiếu giữaLinh Thao và các nguyên lý cơ bản của Phật giáo; Căn tính Kitô giáo và Phật giáo cũng như Tâm lý-Tâm linh của Phật giáo đối với sứ vụ trong linh đạo I-nhã; và thảo luận về sự hồi sinh của Phật giáo tại Trung Hoa và những triển vọng cho đối thoại liên tôn tại đất nước này.

Chương trình hội thảo cũng có những buổi chia sẻ nhằm khuyến khích việc đưa ra nhiều suy tư phong phú và sâu sắc hơn. Mọi người đã được nghe những tâm tình thật cảm động của cha Wajira Nampet, SJ về cuộc sống trước đây trong tư cách là một phật tử và những yếu tố đã đưa dẫn ngài đến với niềm tin vào Chúa Kitô, cũng như được lắng nghe câu chuyện của cha Bernard Senecal, SJ thuộc Đại học Sogang kể về cuộc gặp gỡ đầu tiên của ngài với Phật giáo và ảnh hưởng của những cuộc gặp đó đối với nhãn quan của ngài về thế giới vì hiểu biết của :ngài trước đó thuần tuý Công Giáo. Cha Christian Cochini, SJ cũng truyền cảm hứng cho nhóm qua chia sẻ của ngài về kinh nghiệm tiếp xúc với nhiều nhà sư và ni cô Phật giáo khác nhau tại Trung Hoa.

Các hội thảo viên cũng đã được giới thiệu về phương pháp suy niệm Vipassana và Thiền cũng như thăm viếng một nhóm Phật giáo Rissho Koseikai.

Đây là lần đầu tiên hội thảo được mở ra cho các học viên và nó đã để lại một dấu ấn quan trọng đối với những người tham dự. Thầy Giuse Nhã, SJ (thuộc Tỉnh Dòng Việt Nam) nói thầy ngưỡng mộ sự dấn thân của nhiều anh em Dòng Tên trong nỗ lực đối thoại với Phật Giáo. Trong khi đó đối với thầy Arun D’Souza, SJ (Ấn Độ) thì đây là một cơ hội đầu tiên để đối chiếu và lượng giá về cách suy tư Phật giáo và Kitô giáo.

“Cuộc hội thảo quả là một kinh nghiệm sâu sắc và phong phú cho tất cả mọi người,” cha Cyril Veliath, SJ người đã đứng ra tổ chức hội thảo nói. Thêm vào đó, cha Lawrence Soosai, SJ cũng đã bày tỏ cảm nhận tốt đẹp của các tham dự viên về thành quả của cuộc hội thảo khi ngài nói rằng cuộc họi thảo này “đã gợi lên trong chúng tôi một sự bộc phát thiêng liêng, một kết quả hội tụ giữa minh triết của Đức Phật và linh đạo của thánh I-nhã.”

Đối thoại với tín hữu thuộc các niềm tin khác là một sứ mạng hết sức quan trọng đối với các tu sĩDòng Tên đang làm việc ở Châu Á, nơi vốn được xem là quê hương của nhiều tôn giáo lớn trên thế giới như: Phật giáo, Hồi giáo, Ấn giáo. Đối thoại liên tôn cũng là một chiều kích chính yếu trong cam kết dấn thân của Dòng Tên để trở thành những bạn đường của Chúa Giêsu và những người phục vụ cho sứ mạng của Ngài.

Chỉnh Trần, SJ 

Chuyển ngữ từ JCAP eNews Bulletin September 2012

Kiểm tra tương tự

Sứ điệp Hòa Bình 2025: Ba lời kêu gọi cụ thể của Đức Thánh Cha

  Theo truyền thống, Đức Thánh Cha đã ban sứ điệp cho ngày Hòa bình …

Niềm hy vọng cũng dành cho bạn!

  Thứ Ba ngày 24/12/2024, sau khi mở Cửa Thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *