Trong buổi tiếp kiến các khách hành hương hôm 8.1, tại quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha đã chia sẻ về Bí tích Rửa Tội. Ngài chia sẻ ba điểm chính: Bí tích Rửa Tội là nền tảng đức tin của chúng ta, bí tích Rửa Tội mang đến cho chúng ta niềm hy vọng và chúng ta cử hành Bí tích Rửa Tội trong sự hiệp thông với Giáo Hội. Ngoài ra, ngài cũng nhắc nhở mọi người hãy nhớ ngày mình rửa tội và sống ân sủng Bí tích này trong cuộc sống hàng ngày của mình.
Chúng tôi xin gửi đến toàn văn bài chia sẻ của ngài.
“Anh chị em thân mến,
Hôm nay chúng ta sẽ bắt đầu một chuỗi các bài giáo lý về các Bí Tích, và đầu tiên là Bí tích Rửa Tội. Cũng thật là một sự trùng hợp rất hay, Chúa Nhật tới sẽ là ngày lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa.
1. Bí tích Rửa Tội là bí tích làm nền tảng cho đức tin của chính chúng ta và làm cho chúng ta trở thành chi thể sống động trong Đức Kitô và trong Giáo Hội. Bí tích này cùng với Bí tích Thánh Thể và Bí tích Thêm Sức làm nên “Bí tích Khai tâm Kitô giáo”, như một sự kiện bí tích to lớn độc nhất định hình chúng ta với Thiên Chúa và làm chúng cho trở thành một sấu chỉ sống động cho sự hiện hữu và tình yêu của Người.
Có thể có một câu hỏi nảy sinh trong đầu ta: nhưng có thật sự là cần phải lãnh bí tích Rửa tội để sống như những người Kitô hữu và để bước theo Đức Giêsu không? Nó chẳng phải chỉ là một nghi lễ, một hành vi nghi thức của Giáo Hội để đặt tên cho đứa trẻ thôi sao? Có thể xảy đến một thắc mắc như thế, đúng không? Liên quan đến vấn đề này, Thánh Phaolô đã giải thích rõ ràng khi viết rằng: “Anh em không biết rằng: khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Ðức Kitô Giêsu, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao? Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới” (Rm 6,3-4). Vì thế, đó không phải là một hình thức, nhưng là một hành vi đụng chạm đến tận sâu thẳm sự hiện hữu của chúng ta. Một đứa trẻ được rửa tội và không được rửa tội thì không giống nhau. Một người được rửa tội và một người không được rửa tội thì không giống nhau. Qua bí tích rửa tội, chúng ta được dìm vào sâu trong nguồn mạch sự sống không hề cạn, vốn là cái chết của Đức Giêsu – hành động yêu thương cao cả nhất trong lịch sử; và nhờ tình yêu này, chúng ta có thể sống một sự sống mới, không còn bị khống chế bởi sự dữ, tội lỗi và cái chết, nhưng sống trong sự hiệp thông với Thiên Chúa và với anh chị em mình.
2. Nhiều người trong chúng ta chẳng có một tí ký ức nhỏ nhoi nào về việc cử hành bí tích này, và điều này cũng đúng thôi nếu chúng ta chịu phép rửa ít ngày sau khi sinh. [Tôi đã hỏi câu hỏi này ở đây 2 hay 3 lần gì đó rồi: ai trong các bạn còn nhớ ngày mình được rửa tội thì giơ tay lên. Ai còn nhớ? Chà, ít quá. Nhưng, rất quan trọng cho chúng ta nếu chúng ta nhớ ngày nào mình được lãnh nhận bí tích rửa tội, ngày nào mình được chìm vào dòng chảy cứu độ của Đức Giêsu. Tôi xin đề nghị với bạn các một điều. Không hẳn là một đề nghị nhưng là một điều phải làm. Hôm nay, khi về nhà, các bạn hãy tìm lại, hãy hỏi lại ngày các bạn chịu phép rửa tội và như thế, các bạn sẽ biết được rõ ràng mình chịu phép rửa ngày nào.] Mối nguy là có thể chúng ta sẽ đánh mất đi ký ức về điều mà Thiên Chúa đã thực hiện trong chúng ta, mất đi ký ức về món quà mà chúng ta đã lãnh nhận. Thế rồi, chúng ta chỉ xem nó như một sự kiện xảy đến trong quá khứ – không phải do ý muốn của chúng ta, nhưng là do bố mẹ chúng ta áp đặt -, một sự kiện không có tí hiệu quả nào nơi cuộc sống hiện tại. Chúng ta phải đánh thức lại ký ức về Bí tích Rửa Tội của chúng ta. Chúng ta được mời gọi để sống bí tích Rửa Tội của chúng ta hàng ngày, giống như một thực tại được hiện thực hóa trong sự hiện hữu của chúng ta. Nếu chúng ta có thể hoàn toàn bước theo Đức Giêsu và ở lại trong Giáo Hội, bất chấp những giới hạn, mỏng dòn và tội lỗi của mình, đích thực đó là nhờ bí tích Rửa Tội, nơi mà ta đã trở nên thụ tạo mới và mặc lấy Đức Kitô. Thực vậy, chính nơi Bí tích Rửa Tội có sức giải phóng chúng ta khỏi tội nguyên tổ mà chúng ta được đi vào trong tương quan của Đức Kitô với Chúa cha; chúng ta mang trong mình một niềm hy vọng mới, vì Bí tích Rửa Tội trao ban cho chúng ta niềm hy vọng này: niềm hy vọng bước đi trên con đường cứu độ trong suốt cuộc sống. Niềm hy vọng này không gì hay không ai có thể dập tắt được vì niềm hy vọng ấy không phải là điều lừa dối. Niềm hy vọng của Thiên Chúa không bao giờ dối gạt ai. Nhờ Bí tích Rửa tội, chúng ta có thể tha thứ và yêu mến bất cứ ai chống đối chúng ta và gây hại cho chúng ta; chúng ta có thể nhận ra nơi những người rốt cùng hết và những người nghèo khổ dung nhan của Thiên Chúa, Đấng đã đến viếng thăm chúng ta và trở nên gần gũi với chúng ta. Bí tích Rửa Tội giúp chúng ta nhận ra nơi khuôn mặt của những ai đang cần đến, những người đau khổ cũng như những người thân cận với chúng ta, dung nhan của Đức Giêsu.
3. Cuối cùng: không ai có thể tự mình rửa tội! Chúng ta có thể xin được rửa tội, khao khát rửa tội nhưng chúng ta luôn cần một ai đó có thể ban cho chúng ta bí tích này nhân danh Thiên Chúa. Bí tích Rửa Tội là một tặng phẩm đến trong bối cảnh tình liên đới và chia sẻ huynh đệ. Trong việc cử hành bí tích này, chúng ta có thể nhận ra những đặc tính chân thực nhất của Giáo Hội, vốn như một người mẹ luôn sinh ra những đứa con mới trong Đức Ki tô, trong sự phong nhiêu của Thánh Thần.
Vì thế, chúng ta thành tâm nài xin Chúa giúp chúng ta có thể luôn cảm nghiệm sâu sắc hơn trong cuộc sống hàng ngày của mình ơn sủng mà chúng ta đã lãnh nhận từ Bí tích Rửa Tội. Mỗi khi gặp gỡ chúng ta, anh chị em của chúng ta có thể gặp được những người con đích thực của Thiên Chúa, những người anh chị em đích thực của Đức Giêsu Kitô, những chi thể đích thực của Giáo Hội. [Đừng quên bổn phận ngày hôm nay mà cha giao cho các con nhé: hãy tìm kiếm, hãy hỏi ngày các con chịu phép rửa tội. Cũng như cha đây, cha nhớ ngày sinh của mình nhưng cũng nhớ luôn ngày cha chịu phép rửa, vì đó là một ngày trọng đại. Cha cảm ơn các con]”
Chuyển ngữ: Pr. Lê Hoàng Nam, SJ