Vào ngày 12 tháng 06 vừa qua, khi trận cầu bóng đá Euro giữa đội tuyển Đan Mạch và Phần Lan đang diễn ra sôi nổi, cầu thủ Christian Eriksen bỗng đổ gục xuống trên sân cỏ. Hàng ngàn con tim trên khán đài và hàng triệu người đang theo dõi qua màn ảnh tivi bắt đầu cảm thấy hoang mang và lo lắng, chẳng biết chuyện gì đang xảy ra! Nhiều người chứng kiến cảnh tượng ấy, thì cho rằng Eriksen sẽ không qua khỏi. Các đồng đội và bác sĩ, thì vẫn hy vọng Eriksen sẽ vượt qua, cho nên họ tìm mọi cách để cứu giúp. Không ai bảo ai, mọi người đều chìm sâu vào trong thinh lặng và cầu nguyện cho Eriksen được chữa lành. Bác sĩ Boesen, người đã tham gia sơ cứu cho Eriksen ngay từ đầu đã chia sẻ: “Sự giúp đỡ thực sự kịp thời, nhanh chóng đến từ đội ngũ y tế và các nhân viên đóng vai trò cực kỳ quan trọng và cần thiết. Với sự hợp tác của họ, chúng tôi cần làm những gì mình phải làm, để tìm cách đưa Eriksen trở lại. Tạ ơn Chúa, điều kỳ diệu đã xảy ra“.
Qua hai câu chuyện, bài Tin Mừng Chúa Nhật 13 thường niên năm B,[1] nói cho chúng ta biết về mối liên hệ chặt chẽ giữa đức tin và sự chữa lành. Trong đó, mỗi câu chuyện có ý nghĩa riêng và tỏ lộ những điều bí mật về Đức Giê-su. Ngài có quyền năng trên bệnh tật và sự chết. Ngài có thể đem niềm hy vọng vào cả những trường hợp tưởng như vô vọng.
Trở lại những câu chuyện liên quan đến biến cố Eriksen được cứu sống. Một số nhà chuyên môn Y khoa đưa ra nhận định rằng: mỗi hành động sơ cứu đúng cách và kịp thời có thể „ước lượng” tương đương với 7% hy vọng cứu sống. Eriksen đã vượt qua được cơn nguy tử, nhờ vào những hành động sơ cứu đúng cách và kịp thời của các đồng đội và đội ngũ y tế. Còn điều không được nhắc đến và có lẽ cũng chẳng đo lường được bằng một con số cụ thể là niềm tin và những lời cầu nguyện của mọi người thì sao? Phải chăng, khi không thể nói ra được bằng một con số cụ thể, thì lời cầu nguyện – một hành động diễn tả lòng tin, luôn bị lép vế, đôi khi bị „tầm thường hóa” và coi đó chỉ là một hành động mang tính giải tỏa tâm lý! Thậm chí, không ít người còn cho rằng, cầu nguyện chỉ là sự trốn tránh thực tại, chứ lời cầu nguyện chẳng cứu nổi ai, và đức tin nào có giá trị gì!
Ngược lại với quan niệm trên, trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su khẳng định rằng chính đức tin là nguyên nhân của sự chữa lành: „Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con”(câu 34). Trong chương tiếp theo, thánh sử Mác-cô lý giải tại sao phép lạ không thể xảy ra, khi Đức Giê-su về thăm quê hương Na-da-rét. Ở nơi ấy, Ngài không thể làm bất cứ phép lạ nào vì sự vô tín của người dân.[2] Điều này cho ta thấy, đức tin của cá nhân là một điều kiện cần, để nhận được ơn chữa lành. Và người phụ nữ trong bài Tin Mừng đã đặt niềm tin vào đúng chỗ, nên bà được chữa lành!
Thánh sử Mác-cô sử dụng động từ chữa lành (sozo)[3] để nói lên quyền năng của Đức Giê-su. Trong bản dịch 70 sách Cựu Ước, các tác giả thường dùng động từ này để nói về ơn cứu độ của Isarel. Còn trong Tân Ước, động từ này được dùng để chỉ về ơn cứu độ của Đức Giê-su. Qua động từ này, tác giả sách thánh muốn nói rằng, đây không chỉ là câu chuyện về chữa lành, mà còn là câu chuyện về ơn cứu độ. Và dường như, Đức Giê-su muốn nhấn mạnh đến việc đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa, hơn là sự quảng bá về những phép lạ chữa lành!
Tin Mừng kể lại nhiều lần, sau khi thực hiện phép lạ, „Đức Giê-su nghiêm cấm họ không được để một ai biết việc ấy” (câu 43). Điều này có vẻ kỳ quặc, bởi vì không có cách nào mà đám đông lại không biết về sự việc bé gái được chữa lành. Có lẽ, chẳng ai có thể ngăn cản được họ không loan tin về biến cố diệu kỳ ấy. Ở một câu chuyện trước đó, Đức Giê-su cũng ngăn cấm người phong cùi, sau khi được chữa lành: „không được nói gì với ai, ngoại trừ việc đi trình diện với thầy tư tế. Nhưng vừa đi khỏi đó, anh đã bắt đầu rao truyền và tung tin ấy khắp nơi, đến nỗi Người không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành. Và dân chúng từ khắp nơi kéo đến với Người.”[4]
Tại sao Chúa Giê-su ngăn cấm họ rao truyền những phép lạ chữa lành này? Có lẽ, đây chỉ là vấn đề thời gian. Vì Đức Giê-su luôn luôn tiết lộ về căn tính và ý nghĩa sứ mệnh thiên sai của mình cho các môn đệ,[5] nhưng Ngài chỉ tiết lộ cho đám đông những gì họ được chuẩn bị, và có thể hiểu mà thôi.[6]
Trong đời sống đức tin, chúng ta luôn được mời gọi đặt tin tưởng nơi Thiên Chúa và sống đức tin trưởng thành hơn. Cụ thể, trong thời gian bệnh dịch, nhiều người bối rối giữa việc sống đạo (như việc có nên tổ chức hình thức đạo đức truyền thống: rước kiệu, dâng hoa kính Đức Mẹ, tụ tập cầu nguyện đông người…) và việc phải thực hiện những khuyến cáo về giãn cách xã hội. Không ít người cảm thấy khó chịu với những lời khuyên thực hiện việc giãn cách xã hội trong thời gian bệnh dịch hoành hành từ các đấng có bản quyền. Nhiều người „quá sốt sắng” tự trấn an lòng mình rằng: có Chúa rồi, sợ gì bệnh dịch… nên vừa bước vào khỏi cửa nhà thờ, thì không cần đeo khẩu trang nữa, cũng chẳng quan tâm đến những hướng dẫn bảo vệ sức khỏe của y tế… Thử hỏi, đây có phải là lòng can đảm và khôn ngoan mà lòng tin mời gọi hay không? Nói một cách khác, chúng ta nên sống niềm tin, cậy trông và phó thác nơi Thiên Chúa thế nào đây?
Trong việc thực hành đức tin, điều quan trọng đáng lưu tâm nhất: làm sao để ta nhận ra được thánh Ý của Thiên Chúa? Nghĩa là biết mở lòng ra để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn, chứ không tự đóng kín lòng mình trong những tư tưởng có vẻ đạo đức và bất chấp mọi lời khuyên tốt từ những người có trách nhiệm. Có lẽ, để sống đạo tốt hơn, chúng ta nên dành thời gian thinh lặng và chìm sâu trong cầu nguyện, để tự chất vấn về những chọn lựa liên quan đến đời sống của mình, xem đó có phải là những hành vi sống đức tin thực sự, hay đó chỉ là những việc làm thiếu hiểu biết và đạo đức sốt mến theo cảm tính. Những câu hỏi này không dễ trả lời!
Nếu không để ý đến việc tìm kiếm Ý Chúa, đôi lúc chúng ta là những người, treo Con Thiên Chúa lên thập giá và đứng ở dưới, xin Ngài làm phép lạ „Hãy xuống khỏi cây thập giá đi, để mọi người thấy và tin”. Đây chẳng phải là hành động thử thách Thiên Chúa đó sao? Cũng vậy, trong thời gian bệnh dịch, nếu chúng ta bỏ qua những lời khuyên đúng và tốt về việc phải thực hiện giãn cách xã hội của những người có trách nhiệm (các bác sỹ, những nhà chuyên gia và lời mời gọi của các vị chủ chăn) để bảo vệ sức khỏe cho mình và cho người khác, thì chẳng khác nào chúng ta đang thử thách Thiên Chúa.
Tất nhiên, ở một số nơi lại quá đề cao sự giãn cách xã hội trên mức cần thiết, đến nỗi họ đưa ra những quy định thái quá về cách ly làm ảnh hưởng đến đời sống đạo. Viện cớ lý do phòng dịch bệnh, và gạt bỏ hết mọi sinh hoạt tôn giáo… nhưng thực ra, các chính sách ấy chẳng khác nào sự bài trừ và đàn áp tự do tôn giáo. Trong những trường hợp đó, Giáo hội lên tiếng đòi quyền tự do tôn giáo cho mọi người.
Trong đời sống đạo, chúng con luôn được mời gọi cẩn trọng và khôn ngoan, để lắng nghe theo hướng dẫn của Thần Khí Sự Thật. Lạy Chúa, xin cho chúng con sống đức tin trưởng thành hơn mỗi ngày! Amen.
Giuse Trần Văn Ngữ, SJ
———-
[1] Đức Giê-su chữa một người bị băng huyết và cho con gái ông Gia-ia sống lại (Mc 5,21-43).
[2] Đức Giê-su về thăm Na-da-rét (Mc 6,1-6).
[3] động từ σῴζω (sozo) = chữa lành (Mc 5,28 & 34).
[4] Đức Giê-su chữa người mắc bệnh phong (Mc 1,44-45).
[5] Xem Mc 8,30-33; 9,30-32; 10,32-34.
[6] Xem Mc 8,34 – 9,1.