Được sai đi loan báo Tin Mừng cho người nghèo

Hình minh hoạ

 

Trong truyền thống của Do Thái giáo, bao lâu tôn thờ Thiên Chúa cho phải phép thì dân có đất để sống, có vua cai quản, có nơi để tôn thờ và có luật, nghĩa là có chính Thiên Chúa ngự trị chăm sóc, bảo vệ. Bà con Stiêng trong truyền thống từ ngàn xưa cũng dựa cậy vào thần linh để sống, và vì thế bà con luôn an vui, cũng có đất là một cánh rừng riêng cho từng làng, có già làng cai quản gìn giữ kỷ cương, và có một vùng đất thiêng. Nếu trong truyền thống Do Thái, Thiên Chúa đã dùng các ngôn sứ, thì đối với bà con các sắc tộc thiểu số, Thiên Chúa đã dùng tổ tiên họ, và tiếp theo là các già làng đứng ra gầy dựng và gìn giữ truyền thống, kỷ cương.

Thế nhưng cho đến thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Người Con là chính Đức Giêsu Kitô: “Ngôi Lời Thiên Chúa, là ánh sáng thật. Ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người” (Ga 1, 9). Đây chính là Tin Mừng cho muôn dân, để ngang qua hành trình trần thế của Con Thiên Chúa làm người, trên bước đường rao giảng trong quyền năng của Thiên Chúa Cha, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, nhân loại gặp được Thiên Chúa ở cùng chúng ta nơi Người Con. Từ đây, ai tin vào Con của Người thì được sống, cứ bám vào Thiên Chúa là sống.

Bà con Stiêng từ 20 năm nay đã nhận được ánh sáng Tin Mừng, lần lượt xin gia nhập Hội Thánh và lãnh nhận các bí tích khai tâm Kitô giáo. Anh chị em đã được dẫn vào vùng đất mới, trong khung trời của cái đẹp với những bữa tiệc vui. Ở đó có đất là gia đình Giáo Hội, có nhà thờ và nhà hội, có cha xứ là mục tử chăm sóc, có Lời Chúa hướng dẫn để tất cả được tạo dáng theo cung cách Tin Mừng. Tuy nhiên, cũng như bước đường dân Do Thái xưa trên hành trình được ghi lại trong sách Đệ Nhị Luật, nhiều lần bơ vơ như chiên lạc, thì nay số đông bà con Stiêng cũng rời xa nhà thờ. Tại sao?

Người Stiêng khi gia nhập gia đình Hội Thánh là bước vào với trọn cả tâm hồn và thân xác. Đến với Chúa nhưng cũng là gặp gỡ nhau. Mà với bà con thì cứ gặp nhau là lễ hội, nhìn mặt nhau là vui rồi. Những khuôn mặt và những trái tim một khi đã thiết thân gắn bó, thì thời gian có là 10 năm thì cũng như thể hôm qua. Bà con chẳng cần biết được gì hay mất gì. Thế thì tại sao có những người đến rồi lại bỏ đi? Có khi nào ngôi nhà thờ không còn là nơi chào đón, để bà con lạc lõng giữa cộng đoàn dân Chúa? Chẳng mấy ai quan tâm?

Chứng kiến cảnh bà con xa dần nhà thờ, có những người chỉ quen nghĩ từ cái miệng tới cái bụng, đã buông những câu nói gây tổn thương, cho rằng “có ăn tìm tới, hết thì bỏ đi”, hoặc “theo đạo kiếm gạo” thôi. Trong khi điều bà con mong ước là những con tim của tình bạn. Thực tế, suốt những năm tháng rong ruổi giữa bà con, chúng tôi không đến như những nhà từ thiện, mà là sứ giả Tin Mừng: “Vàng bạc tôi không có…chỉ có Giêsu, nhân Danh Giêsu và là chứng nhân Giêsu. Chúng tôi xin làm chứng cùng với Thánh Thần”. Sống giữa bà con, chúng tôi thấy mình cần được tái sinh lần nữa vào cảnh sống mới, để học hỏi và chia sẻ cảnh đời với bà con, từ đó thực sự trở nên “người mới” giữa mảnh đất mới.

Vấn đề thiết yếu là duy trì mối tương quan đủ dài với bà con, để làm việc với họ hơn là cho họ. Thời gian là yếu tố cần thiết cho cả hai phía để thiết lập mối tương quan đáng tin cậy, mà người dân tộc thiểu số có thể cởi mở chính họ với tôi và tôi đối với họ. Mỗi bên đáp ứng cho nhau. Người dân tộc thiểu số bị bỏ rơi bên lề xã hội có thể nghèo khổ, nhưng họ vẫn là những người giàu có trong các câu chuyện thần thoại, niềm tin huyền nhiệm, các giá trị truyền thống, các nghi thức chữa lành và lời khấn xin.

Bước đi trước tôn nhan Thiên Chúa, hòa mình giữa bà con, cảm nếm tình Chúa yêu thương nhân thế, chúng tôi nhận biết rằng chính Chúa đã đi trước chúng tôi. Chúng tôi ngạc nhiên khi thấy từng người và từng mái nhà nơi đây chiếm một chỗ trong cung lòng Thiên Chúa, và cũng chiếm một chỗ trong kế hoạch của Ngài. Chính Thánh Thần đã có mặt, để mỗi ngày làm phong phú đời sống tinh thần của họ. Việc tôn thờ, khởi đi từ niềm tin phong phú mang tính văn hóa của các câu chuyện thần thoại, nghi lễ, văn thơ, châm ngôn, các giai điệu ca múa đồng la, hoa văn mang biểu tượng dân tộc thiểu số, tất cả hòa thành lời kinh chúc tụng.

Chúa yêu thương mỗi người chúng ta, đương nhiên rồi, Thiên Chúa sáng tạo ấp ủ từng người trên đôi tay đầy quyền năng. Vì thế, thực tế cuộc sống là sự đan xen giữa Thiên Chúa với con người, để việc ta làm luôn được thực hiện trong Thiên Chúa. Tương tự hành động của Thiên Chúa đan xen với hành động của ta. Không thấy Chúa trong hành động của tôi, không thấy Chúa có mặt nơi người khác, không thấy Chúa giữa bà con, người được sai đi loan báo Tin Mừng biết nói gì ngoài chuyện đời, biết nghĩ gì ngoài cái bụng, rồi cứ lấy bụng ta suy ra bụng người, đem chuyện trần thế mà so sánh với chuyện nước Thiên Chúa, bảo sao không có hiểu lầm và gây tổn thương cho cánh đồng.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong Tông huấn “Hãy vui mừng hân hoan” số 61đã đưa ra cho chúng ta những  chỉ dẫn sau: “Nói cách khác, giữa một đám giới luật và mệnh lệnh, Chúa Giêsu đã dọn sạch một con đường để nhìn thấy hai khuôn mặt, là khuôn mặt của Chúa Cha và của anh chị em chúng ta. Người không cho chúng ta thêm hai công thức hoặc hai giới luật nữa. Người cho chúng ta hai khuôn mặt, hoặc tốt hơn nữa, một khuôn mặt duy nhất: khuôn mặt của Thiên Chúa được phản chiếu trong rất nhiều khuôn mặt khác. Vì trong bất cứ người anh em hay người chị em nào, đặc biệt là trong những anh chị em bé nhỏ, yếu ớt, dễ bị tổn thương và túng thiếu nghèo hèn nhất, hình ảnh của Thiên Chúa vẫn hiện diện trong đó…”

Và mọi gặp gỡ đều diễn ra trong tình Chúa nhiệm màu.

Đa Minh Trần Văn Tân, SJ.

Kiểm tra tương tự

Lắng nghe Thiên Chúa qua trí tưởng tượng

Tôi chưa bao giờ ngừng ngạc nhiên về vô số cách mà Thiên Chúa nói …

Đức Thánh Cha Phanxicô: Hy vọng là biết vui cười

“Hy vọng” – Cuốn tự truyện dày 400 trang của Đức Thánh Cha Phanxicô, được …