Tỉnh Bình Định, từ phía Bắc vào Nam có các trạm: Bình Đê, An Trung (Hoài Nhơn), Bình Dương, Quán Chùa (Phù Mỹ), An Hành (Phù Cát), Hưng Định (An Nhơn), Bình Thạnh, Phú Thịnh (Quy Nhơn). Ngoài ra, về phía tây có 2 trạm: Phú Phong, Đồng Phó (Tây Sơn)[15].
Đường thiên lý xưa đi dọc tỉnh Khánh Hoà gần trùng với quốc lộ 1A ngày nay. Bắt đầu vượt sông Cái gần cầu Phú Lộc (Diên Khánh), rồi đi theo hướng hương lộ 1, qua 2 xã Diên Phú, Vĩnh Phương và đèo Tam Đãnh nằm ở phía tây nam thôn Lương Sơn (xã Vĩnh Lương, Thành phố Nha Trang). Con đường này lúc bấy giờ chưa đi qua đèo Cả mà đi đường Gia Long, qua trại Quế, phía tây đèo Cả, nối với đường Gia Long phía Phú Yên. Nghĩa quân Tây Sơn sau khi giành được vùng đất này đã bỏ dinh cũ Ninh Hòa và lập dinh mới ở hòn Trại Thuỷ bên bờ sông Kim Bồng (Nha Trang) và mở đường ngựa đi từ hòn Trại Thuỷ, ven bờ hữu ngạn sông Cái (nay là hương lộ 45) lên phía tây để nối với đường thiên lý qua Diên Khánh[16].
Đường thiên lý ven bờ Bình Thuận chia làm 16 trạm, mỗi trạm cách nhau 25-30 dặm, tổng cộng khoảng 300 km, theo đường chim bay chỉ dài 220 km. Các trạm từ phía nam trở ra lần lượt là: Thuận Phương (đặt gần làng Phù My), Thuận Phước (qua thôn Phò Trì đến làng La Gi), Thuận Trình (thôn Tam Tân), Thuận Lâm (thôn Văn Kê, gần mũi Khe Gà), Thuận Lý (nằm giữa vùng Phan Thiết), Thuận Phan (Phố Hài), Thuận Tỉnh (khu vực Rạng – Mũi Né), Thuận Cang, Thuận Đông (thôn Bình Nhơn), Thuận Phủ (cạnh tỉnh thành Bình Thuận, thuộc huyện Hòa Đa), Thuận Võng (thôn Cao Hậu, Tuy Phong), Thuận Hảo (thônVĩnh Hảo); bốn trạm Thuận Lăng, Thuận Trinh, Thuận Mai và Thuận Lai đều đặt trên đất phủ Ninh Thuận. Bắt đầu từ mũi Bà Kéc, nơi có rạch nhỏ phân ranh giữa Nam Kỳ thuộc Pháp với Bình Thuận. Con đường đi trên cồn cát ven biển, bên phải là biển, bên trái toàn đầm lầy, rộng hơn cả là hồ Đang (tên chữ là hồ Đăng), đường đi hoang vắng, khởi đầu với trạm Thuận Phương.
Con đường thiên lý đi qua địa bàn hai tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận ngày nay. Trạm cuối cùng là Thuận Lai nằm giữa thung lũng, hai bên núi cao thoai thoải, ở thôn Nhơn Sơn. Đi 10 dặm nữa tới xóm Mô Xoài nằm ở phía nam vịnh Cam Ranh, ven theo bờ vịnh qua xóm Trại Cá 1 dặm nữa là hết địa phận Bình Thuận. Bên kia Ba Ngòi thuộc địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Phương tiện đi lại ngoài ngựa, võng, kiệu, cáng dành cho quan lại với một số xe bò, xe trâu chuyên chở hàng hóa, lương thực, còn hầu hết nhân công đi bộ mang vác. Khó khăn chính trên tuyến đường này là chưa bắc được nhiều cầu qua các sông suối nhất là vào mùa mưa lũ[17].
Đường thiên lý từ Sài Gòn – Gia Định ra Huế bắt đầu từ phía bắc cầu Sơn (quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh) đến Bình Giang (bến Bình Đông, Chợ Lớn, Thành phố Hồ Chí Minh), ruộng chằm bùn lầy, đường bộ chưa mở, hành khách muốn đi Biên Hòa hay lên Băng Bột đều phải đi đò. Năm 1748, nhân có việc đi Cao Miên, quan điều khiển Nguyễn Phước Doãn mới chăng dây mở thẳng đường này (đường Xô Viết Nghệ Tĩnh nay), gặp ngòi suối thì bắc cầu, chỗ bùn lầy thì xếp, xây đắp đất. Từ cửa Cấn Chỉ thành Bát Quái đến bến đò Bình Đồng dài 17 dặm. Bờ phía bắc là địa giới Biên Hòa, đặt trạm Bình Đồng, đi về phía bắc qua núi Châu Thới đến bến đò Bình Tiên, rồi qua bến Sa Giang (Rạch Cát) theo đường sứ đến Đồng Môn là đến Mô Xoài (Bà Rịa). Trên đường này, chỗ nào gặp sông lớn thì đặt đò, người chèo đò cũng được miễn sưu dịch.
Thiên lý cù chạy thẳng từ Bát Quái ngược ra phía Bắc qua ven núi Châu Thới, tới bến đò Ngựa (chợ Đồn), xuống Long Thành, Bà Rịa… Năm 1808, Lê Văn Chất được triều đình giao sửa sang đường thiên lý từ Quảng Nam đến Biên Hòa, dưới sự chỉ huy của Nguyễn Huỳnh Đức. Đoạn qua trấn Biên Hòa có các trạm: Thuận Biên (ranh giới hai trấn Biên Hòa và Bình Thuận), Xích Lam, Mô Xoài và Nhà Bè. Đến năm 1822, đổi thành 5 trạm: Thuận Biên, Biên Thuận, Biên Long, Biên Phước, Biên Lễ và Biên Lộc. Mỗi trạm có từ 20 – 30 phu trạm chịu trách nhiệm chuyển tiếp sắc chỉ, công văn của triều đình. Lúc bấy giờ, ngựa trạm hỏa tốc từ Huế vào Gia Định mất 4 – 5 ngày đêm[18].
Con đường thiên lý ngày trước cũng chỉ là con đường đất, chạy qua các làng mạc hoang vu, dân cư còn rất thưa thớt, qua những đèo dốc và rừng hoang. Nguyễn Thông lúc bấy giờ giữ chức Hàn lâm viện tu soạn ở Nội các dưới triều Tự Đức, trong một chuyến đi từ Long Thành đến Phước Tuy (Bà Rịa), theo đường thiên lý để ra Bình Thuận đã sáng tác bài Long Thành – Phước Tuy đồ trung hoài cảm, trong đó có đoạn:
Ve kêu tự chốn nào?
Về tối giọng thêm sầu.
Khách đi mệt muốn nghỉ
Vắng vẻ chốn rừng sâu!
Bên đường hổ đói thét,
Mảnh áo giọt sương thâu…
Dù còn khá hoang vắng, hiểm trở, thú dữ và cướp bóc rình rập, nhưng nhiều thương nhân ở miền Trung vẫn thường xuyên đưa hàng hóa vào buôn bán, trao đổi ở Long Điền, Chợ Bến hay Bà Rịa. Một số bô lão ở vùng Long Điền, Phước Lễ cho hay ông cố, ông nội của họ đã từng đi buôn ngựa, buôn bò từ các tỉnh Nam Trung Bộ vào Bà Rịa theo đường thiên lý trước khi có đường ô tô, tàu hỏa[19].
Tổng hợp các tư liệu trên và qua khảo sát thực tế, ta có thể “phục dựng” lại con đường thiên lý từ Gia Định ra phía Bắc qua bản đồ đính kèm dưới đây. Khởi đầu từ cầu Thị Nghè qua Hàng Xanh, cầu Sơn, qua bến đò chỗ cầu Bình Triệu 1 (quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh), đến ngã tư quốc lộ 13 và đường Kha Vạn Cân ở địa phận phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức (trên nền cũ là đường Thuộc địa số 1 thời Pháp), song song với đó là đường sắt xuyên Việt. Băng qua chợ Thủ Đức, lên ngã tư Linh Xuân (ranh giới giữa tỉnh Bình Dương – Thành phố Hồ Chí Minh), đường thiên lý lên tới chợ Đồn, rồi qua sông Đồng Nai vào Thành phố Biên Hòa. Từ Bình Trước (quảng trường Sông Phố), đường thiên lý qua ngã ba Vũng Tàu, đi theo hướng quốc lộ 51 ngày nay, xuống Phước Lộc (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai), huyện Tân Thàn, thị xã Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), đến An Điền. Đường thiên lý đi tiếp xuống huyện Long Điền, huyện Đất Đỏ, thị trấn Phước Bửu (huyện Xuyên Mộc), rồi sang địa phận của huyện Hàm Tân (tỉnh Bình Thuận). Từ đây, đường thiên lý chạy dọc ven biển các tỉnh ra đến kinh đô Huế.
Đường thiên lý từ Sài Gòn đi về phía tây do Tổng trấn Lê Văn Duyệt thực hiện theo lệnh của vua Gia Long vào tháng 10 năm ất Hợi (1815). Bắt đầu từ cửa Đoài Nguyệt ở phía tây thành Bát Quái, qua cầu Tham Lương (đường Trường Chinh nay), qua bến đò Thị Sưu, qua đầm Lão Đống, giáp ngã ba đường sứ tới Khê Lăng đến đất Kha Pha (Cao Miên), cho đến sông lớn dài 439 dặm. Chỗ gặp sông ngòi thì bắc cầu, đầm lầy thì đắp đất, gặp rừng thì đốn cây. Mặt đường rộng 6 tầm (12,72 m), đường thông suốt cho người và ngựa. Từ Kha Pha dọc sông xuống phía nam 194 dặm đến đồn Lò Yêm, từ Kha Pha lên phía bắc 49 dặm đến trại Chế Lăng dùng vào việc phòng binh.
Dưới triều Nguyễn, con đường Sứ là huyết mạch giữa Gia Định và Nam Vang (Cao Miên). Các đoàn sứ thần, các đoàn thương nhân qua lại bằng xe trâu, xe bò hoặc ngựa thồ, vận chuyển hàng hóa giữa hai vương quốc. Con đường này đã từng chứng kiến những đoàn quân của triều Nguyễn đến tiếp cứu theo yêu cầu của triều đình Cao Miên để chống lại quân xâm lược Xiêm.
Khi người Pháp đánh chiếm Nam Bộ, trên bản đồ còn ghi rõ tên con đường này. Nó đi qua Trảng Bàng, Suối Cao, Binh Vinh (Bến Vinh?), Bàu Đồn, Truông Mít. Một phần tuyến đường trùng khớp với đường tỉnh 782 (tỉnh lộ 19 cũ) và đường tỉnh 784 (tỉnh lộ 26 cũ). Ngoài ra, còn nhiều đường nhánh ngang nối vào đường thiên lý và mạng giao thông địa phương từ vùng này sang vùng khác. Một số trục đường cắt ngang theo chiều đông tây, ngang qua thị xã Tây Ninh, trục đường tỉnh 781 (tỉnh lộ 13 cũ) qua cửa khẩu Phước Tân, từ thị xã xuống Bến Kéo. Đường thiên lý từ Sài Gòn – Gia Định đi phía nam thì được làm vào đầu trung hưng năm Canh Tuất (1790). Trịnh Hoài Đức chép về con đường này: “Đường cái quan từ cửa Chấn Hanh qua cầu Hòa Mỹ đến sông Bình Đồng tới trấn Biên Hòa. Đường cái quan bên phải gặp chỗ nào cong thì giăng dây để uốn thẳng lại, đầu từ cửa Tốn Thuận qua chùa Kim Chương, từ phố Sài Gòn đến cầu Bình An qua gò Chùa Tuyên đến sông Thuận An. Bến đò Thủ Đoàn đưa qua sông Hưng Hòa, trải qua gò Trấn Định rồi đến gò Triệu. Đường rộng 6 tầm, hai bên trồng câu mù u và cây mít là những thứ cây thích hợp với đất này. Cầu cống thuyền bến đều luôn được gia tăng tu bổ, đường rộng suốt phẳng như đá mài, gọi là đường thiên lý phía nam”[20].
Năm 1792, Nguyễn ánh cho đắp đường từ Mỹ Tho qua giồng Kiến Định và bắc cầu Quỳ Tông. Trong năm này, ông đã huy động dân binh đắp đường thiên lý phía nam từ Gia Định dọc theo giồng cát xuống Trấn Định, qua Thủ Đoàn, giồng Cai Yến, giồng Tha La, giồng Kỳ Lân, giồng Cai Lữ, giồng Trà Luộc, giồng Cai Lễ, giồng Thủ Triệu, Cái Thia. Mãi đến năm 1804 mới lập 2 trạm mục đường bộ tại Trấn Định, mỗi trạm đặt một cai đội, một phó cai đội và 50 trạm phu. Hai bên đường thiên lý đặt nhiều quán trạm[21].
Năm 1835, Minh Mạng cho đắp các đường bộ ở các tỉnh Nam Kỳ dùng vào việc quan báo, khắc phục việc đi lại chủ yếu bằng đường thủy trước đây. Từ thành Định Tường còn có thêm 3 tuyến đường quan trọng khác: đường từ bắc thành Gia Định đến Định Tường, dài 10.800 trượng (từ Sài Gòn đi Cần Giuộc, Cần Đước, Gò Công, Chợ Gạo đến Mỹ Tho); đường từ cửa tây thành Định Tường đến địa giới tỉnh Vĩnh Long, dài 6.600 trượng (từ Mỹ Tho cặp sông Tiền đến Cái Thia); đường từ đông nam thành Vĩnh Long đến địa giới Định Tường (từ Vĩnh Long đến bến đò sang Cái Thia).
Đường thiên lý từ cửa tây thành Định Tường đến địa giới tỉnh Gia Định, dài 5.600 trượng (khoảng 95 km). Nay tương ứng với con đường từ Thành phố Mỹ Tho cặp theo kinh Bảo Định, qua Tân Hương, giồng Cai Yến (Khánh Hậu), thị xã Tân An (Long An), thị trấn Thủ Thừa, thị trấn Bến Lức (dọc theo sông Bến Lức về Sài Gòn), Gò Đen, chợ Đệm, Bình Điền, An Lạc, chợ Phú Lâm, đường Hùng Vương, đường Nguyễn Trãi và về đến cửa Tốn Thuận ở góc đường Lý Tự Trọng – Nam Kỳ Khởi Nghĩa.
Từ khi con đường thiên lý từ Bến Nghé được mở về phía đồng bằng sông Cửu Long (1790) thì các chợ như Phú Thọ, Tân Kiểng, Điều Khiển được nối liền với Bình Điền, chợ Phước Tú (Bến Lức), chợ Cai Tài, chợ Thủ Thừa, chợ Vũng Gù bằng tuyến đường bộ, tạo thêm cho những nơi này thế mạnh thứ hai về mặt giao thông sau đường thủy. Con đường thiên lý chạy qua các tụ điểm kinh tế, các lỵ sở hành chính: chợ Phước Tú đồng thời là lỵ sở phủ Tân Bình và huyện Thuận An, chợ Cai Tài là lỵ sở phủ Tân An, chợ Kỳ Son là huyện lỵ huyện Bình Phước, chợ Vũng Gù về sau là phủ lỵ phủ Tân An, trước khi trở thành thị xã.
3. Kết luận
Được hình thành dưới thời nhà Lý và kéo dài cho đến tận thời Nguyễn, đường quan lộ, đường cái quan, đường thiên lý đã đóng vai trò hết sức quan trọng trong kinh tế cũng như quốc phòng. Nó góp phần to lớn trong công tác quản lý đất nước, do vậy nhà Nguyễn đã đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng và phát triển tuyến đường huyết mạch này, con đường “xương sống” của quốc gia. Những kinh nghiệm đó, luôn là bài học lịch sử bổ ích cho chiến lược phát triển giao thông ở tầm vĩ mô ở nước ta trong thời đại mới.
(Trích trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học: Chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn trong lịch sử ViệtNam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX, diễn ra tại Thanh Hóa, ngày 18-19/10/2008)
[1] Hội Khoa học Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh
[2] Nguyễn Văn Khánh, Giang Nam (chủ biên), Địa chí Khánh Hoà, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2003, tr. 293.
[3] Bộ Giao thông Vận tải, Lịch sử giao thông vận tải Việt Nam, Nxb Giao thông Vận tải, Hà Nội, 1999, tr. 87, 89.
[4] Khuông Việt, Con đường thiên lý, Tạp chí Tri tân (số 171), ngày 21-12-1944, tr. 6.
[5] Nguyễn Đình Đầu, Bước chân mở lối, Báo Tuổi trẻ Xuân 2006, tr. 6.
[6] Nguyễn Văn Khoan, Giao thông liên lạc nước ta trong lịch sử, Nxb Thông tin lý luận, Hà Nội, 1992, tr. 18.
[7] Khuông Việt, Bđd, tr. 7. (Quan hạng là “đi phục dịch cho triều đình”)
[8] Bộ Giao thông Vận tải, Sđd, tr. 63-64.
[9] Bộ Giao thông Vận tải, Sđd, tr. 64-65.
[10] Vũ Tuyến (chủ biên), Lịch sử ngành Bưu điện Việt Nam , tập 1, Bưu điện ViệtNam xuất bản, 1990, tr..34.
[11] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, tập 9, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1964, tr.191.
[12] Đỗ Bang (chủ biên), Từ điển lịch sử Thừa Thiên Huế, Nxb Thuận Hóa, Huế, 2000, tr. 360.
[13] Lê Quý Đôn, Lê Quý Đôn toàn tập (Phủ biên tạp lục), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977, tr. 117. Năm 1865, đường thiên lý Sài Gòn – Hà Nội đi bằng kiệu mất 2 tháng.
[14] Nguyễn Hữu Thông, Nguyễn Phước Bảo Đàn, Đất Quảng Nam & con đường thiên lý, Tạp chí Xưa và Nay (số 98), 2001, tr. 10-11.
[15] Việt Thanh, Bưu trạm Bình Dương xưa và nay, Nxb Trẻ, 2002, tr. 12-13.
[16] Nguyễn Văn Khánh, GiangNam (chủ biên), Sđd, tr. 293.
[17] Nguyễn Đình Đầu, Mấy vấn đề lịch sử tỉnh Bình Thuận thời Nguyễn Thông (1827-1884). Trong Báo cáo khoa học về Nguyễn Thông, Tài liệu dùng trong hội nghị, 1984, tr. 229-234. Tô Quyền, Trần Ngọc Trác, Phan Minh Hạo (chủ biên), Địa chí Bình Thuận, Sở Văn hóa Thông tin Bình Thuận, 2006, tr. 535-536.
[18] Lâm Hiếu Trung (chủ biên), Biên Hòa – Đồng Nai 300 năm hình thành và phát triển, Nxb Đồng Nai, 1999, tr. 155-156.
[19] Thạch Phương, Nguyễn Trọng Minh (chủ biên), Địa chí Bà Rịa – Vũng Tàu, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2005, tr. 485.
[20] Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, Lý Việt Dũng dịch, Nxb Tổng hợp Đồng Nai, 2005, tr. 217.
[21] Trần Hoàng Diệu, Nguyễn Anh Tuấn (chủ biên), Địa chí Tiền Giang, tập 1, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang – Trung tâm UNESCO Thông tin tư liệu lịch sử và văn hóa ViệtNam, 2005, tr. 644- 645.