Các bạn trẻ thân mến,
Người ta dễ cảm thông với nhau khi họ chia sẻ chung một nỗi niềm và thao thức, vốn được ngôn ngữ bình dân gọi là cùng hội cùng thuyền. Đôi khi chỉ cần một cử chỉ nhỏ của đối phương, họ có thể nhận ra nhau. Đã có lần Đức Giê-su gặp người cùng hội cùng thuyền với Ngài như thế. Họ gặp nhau trong sự chân thành đối với Thiên Chúa và đối với con người.
Có một bà góa đã chân thành bỏ vào thùng dâng cúng hai đồng tiền kẽm với cả tấm lòng của bà. Không biết có người nào đọc ra lòng chân thành của bà không, nhưng chính bà thì biết mình đã làm gì với hai đồng tiền kẽm ấy. Đó là lòng chân thành xuất phát từ trái tim. Bà không ngờ rằng, với lòng chân thành ấy, bà đã gặp một người cùng hội cùng thuyền, một người đã đọc ra được thông điệp không lời từ trái tim của bà. Ngài cảm được lòng chân thành của bà bởi Ngài là người chân thành.
Giê-su và bà goá không gặp nhau ở những ý tưởng cao siêu, nhưng họ gặp nhau ở điều căn cội nhất của một con người: sự chân thành. Sự chân thành của bà phát xuất từ lòng yêu mến. Bà yêu mến Thiên Chúa và yêu mến hết lòng, bà không sợ đồng kẽm của bà bị người ta coi thường. Với hai đồng kẽm không đáng vào đâu, bà dễ bị mặc cảm trước cái nhìn của người đời. Không, lòng yêu mến vượt lên trên những gì là sợ hãi. Cũng chính lòng yêu mến Thiên Chúa thúc đẩy bà đem dâng cúng “tất cả những gì bà có để nuôi sống mình”. Chính bà biết cuộc sống của bà sẽ ra sao khi đem “cả gia tài” bỏ vào thùng dâng cúng. Đối với bà dâng cúng không phải là đóng góp, nhưng là lòng hiếu thảo. Dường như cử chỉ nhỏ của bà đã phát ra tín hiệu cùng tần số với người đối diện. Không có gì vui hơn khi gặp một người cùng chung chí hướng với mình, Giê-su đã phải hớn hở thốt lên “Thầy bảo thật anh em; bà goá nghèo này đã bỏ vào nhiều hơn ai hết” (Lc 21, 4). Niềm vui của những tâm hồn cao thượng thật đơn sơ và không lệ thuộc vào số lượng.
Con số có thể nói lên một điều gì đó, nhưng nó không phải là nguyên nhân phát xuất một niềm vui thật. Thành ngữ Việt Nam cũng có câu “cách cho hơn của cho” hoặc “lời chào cao hơn mâm cổ”. Tấm lòng phải là tiêu chuẩn và nguồn gốc của việc tốt, số lượng phải đi sau và xuất phát từ tấm lòng, chứ không phải ngược lại. Có thể những con số bên ngoài làm cho người khác đánh giá tấm lòng của một con người, nhưng nó không phải là tiêu chuẩn cao nhất và có tính quyết định. Tuy nhiên, người ta thường lẫn lộn trật tự này bởi cuộc chạy đua về thành tích và hiệu quả mà quên đi giá trị nội tại của phẩm giá một con người.
Các bạn trẻ thân mến,
Ngày nay, đôi khi chúng ta sợ người ta coi thường mình vì những thứ bên ngoài. Người ta có thể coi thường những vật mình sở hữu nhưng họ không thể coi thường người sở hữu. Chính nhân cách của người sở hữu làm cho những vật được sở hữu trở nên giá trị chứ không phải ngược lại. Vật được sở hữu làm sao có thể quyết định được giá trị cho chủ của nó. Vật chỉ có thể tô thêm vẻ đẹp cho con người chứ nó không thể là chủ của con người. Nếu chạy đua theo những tiêu chuẩn bên ngoài, người ta chỉ có thể gặp được phần thưởng bên ngoài. Đến khi nào ta biết đi tìm sức năng động nội tâm của một tấm lòng ta mới nhận được thành quả là bình an và niềm vui thật mà không ai và không gì có thể lấy đi được.
Giê-su đã không tìm gặp bà goá và bà cũng không tìm gặp Giê-su, nhưng chính tấm lòng thành của họ đã cho họ gặp nhau. Chúng ta cũng có thể gặp và có những tình bạn đẹp như thế từ chính tâm sáng của chúng ta. Những kỹ năng kết bạn chỉ có thể làm cho tình bạn thêm mặn mà chứ nó không quyết định tình bạn. Có biết bao tình bạn thật đẹp của những người chưa một lần nghe biết kỹ năng làm bạn. Có biết bao người mẹ vĩ đại chưa hề được nghe về kỹ năng làm mẹ. Dĩ nhiên, những kỹ năng sẽ giúp ta phát triển hơn và đào sâu hơn những gì mình đang có, nhưng nhưng thật tiếc cho những ai quá chú trọng đến bề ngoài mà quên mất sức năng động bên trong.
Lòng chân thành là một trong những điều căn bản nhất trong tư cách là người. Vậy mà, đôi khi người ta không thèm quan tâm hay họ đánh mất điều căn cội ấy từ thuở nào. Lòng yêu mến và sự chân thành, một đàng, là điều gì đó rất tự nhiên nơi con người, nhưng đàng khác nó cũng do tập luyện mà thành. Bà góa cũng phải trải qua bao thách đố và trả giá mới có được lòng chân thành ấy để có thể “dâng hết những gì mình có”. Hơn nữa, chính bà đã cảm nhận được sự chân thành của Thiên Chúa nên bà được thúc đẩy đáp lại lòng chân thành ấy bằng chính lòng chân thành. Ta không đủ sức để chân thành với Thiên Chúa nếu ta không cảm nhận được sự chân thành mà Ngài dành cho ta. Về phần Ngài, Ngài vẫn luôn chân thành cho dù ta phản bội; còn phần ta, ta có muốn lòng chân thành của Thiên Chúa chinh phục ta và liệu ta có cho phép mình cảm nhận lòng chân thành của Thiên Chúa?
Trong tư cách là những người nghèo hoặc nếu chúng ta là người giàu đứng quan sát thế giới này, chúng ta sẽ có thái độ nào? Thái độ của một bà góa hiên ngang dâng trọn tấm lòng hay rụt rè vì thấy mình quá nhỏ bé? Thái độ của Đức Giê-su tôn trọng tấm lòng chân thành của bà góa hay bỉm môi vì nhìn thấy số tiền bà dâng cúng quá ít. Thật không dễ để phân định rạch ròi mình đang có thái độ nào, cho đến khi chúng ta cho mình những giây phút lắng đọng để đối diện với chính lòng mình. Những giây phút ấy thật quý giá trong thời khoá biểu hằng ngày của chúng ta. Ngày qua ngày, nếu lòng chân thành được nuôi dưỡng, nó sẽ được lớn lên và làm nền cho một niềm vui và bình an thật nơi tâm hồn. Và thành quả đạt được sẽ như cuộc gặp gỡ trong sự chân thành của Đức Giê-su và bà goá nghèo khiến cả Đức Giê-su lẫn bà goá đều vui mừng.
Hà Thanh Bình