“Tôi gặp em, không phải ở nơi sang trọng như nhà hàng hay nơi phố xá đông vui nhộn nhịp, đèn sáng lung linh muôn màu muôn sắc.
Tôi gặp em không phải nơi linh thiêng và tôn quý như ở Thánh đường hay ngôi nhà nguyện đơn sơ thành kính.
Tôi gặp em không phải ở trường học, nơi dạy ta chữ viết, dạy ta cách sống và cách để bước ra đời với những ước mơ hoài bão, hay nơi công sở với bộ đồ chỉnh chu.
Nhưng ở nơi góc phố nhỏ, nơi mái nhà cũ rách vào một buổi chiều thu khi trời đổ mưa lớn. Cơn mưa của cái duyên, cơn mưa của sự thấu hiểu và cơn của sự gặp gỡ. Nơi đó tôi gặp em – người thức tỉnh tôi trong lúc tôi đang gặp thử thách.
****************************
Mặt trời hôm nay, đang dần chìm vào trong những đám mây đen kịt kéo về. Thế giới xung quanh dần tối mịt, báo hiệu một cơn mưa đang kéo đến thay thế cho cái ánh nắng thánh thót của buổi chiều thu. Một mình tôi lang thang trên một con hẻm nhỏ, nơi thủ đô phồn hoa đông đúc. Đây cũng là lần đầu tiên tôi đi một mình sau bao nhiêu lần đặt chân tới vùng đất thủ đô hoa lệ này. Và rồi bắt đầu có những hạt mưa. Một hạt, hai hạt, ba hạt, … rồi cả con hẻm chìm vào trong mưa. Cơn mưa xối xả, mang theo cái nắng, cái bụi bặm của đường phố đi xa. Những chú chim lúc trước còn gọi nhau ríu rít trên cành giờ đã bay đi tìm chỗ trú. Dòng người trên đường bắt đầu hối hả, vội vã tìm chỗ trú mưa. Cũng như họ, tôi cũng tìm một chỗ trú. Điểm tôi dừng chân là một mái nhà cũ ránh. Nơi đó tôi gặp em.
Không biết do vô tình hay là ý Chúa mà tôi đã gặp được em. Em là cậu bé với khuôn mặt xanh xao, người gầy gò ốm yếu, mặc trên người bộ quần áo rách rưới, chứa đầy nhựa cây và dầu nhớt, trên tay cầm một cái túi nho nhỏ, nhưng tôi không biết trong đó có gì. Nhìn dáng người của em, cùng bộ quần áo đang mặc trên người, đến khuôn mặt nhỏ con của em khiến tôi vô cùng ngạc nhiên. Tôi ngạc nhiên không phải vì cái bộ đồ em mặc, cũng không phải vì dáng người của em. Mà cái tôi ngạc nhiên đó chính là nụ cười tươi em dành cho tôi cùng lời chào hỏi lễ phép:
– Em chào chị!
Nụ cười ấy sao mà dễ thương đến thế? Lời chào ấy sao mà thân thiết đến thế? Chắc từ khi sinh ra cho đến khi tôi trưởng thành như bây giờ tôi chưa từng được thấy nụ cười nào đẹp đến vậy. Chưa từng được nghe lời chào nào thân thương đến vậy. Tôi cứ thế ngẩn ngơ đứng nhìn em. Tôi tự nghĩ, sao em đẹp đến vậy? Em đâu có mặc những bộ quần áo sang trọng. Em đâu có phải là một soái ca mà bao người mến mộ. Em chỉ là một đứa bé – vô tư, hồn nhiên trước cuộc sống đầy bon chen và cạm bẫy. Em làm tôi liên tưởng đến câu hát: “Hãy mở ra cánh cửa tâm hồn, nhìn ra bốn phương trời với bao việc lành, chọn một bông hoa cho thế giới thêm đẹp xinh, chọn nụ cười tươi cho thế giới thêm hòa bình”. Và sự ngẩn ngơ đó của tôi làm em bối rối. Điều đó khiến tôi giật mình và đỏ mặt, như tên trộm bị bắt quả tang khi đang trộm đồ của người khác vậy. Tôi đã lấy lại được sự bình tĩnh trong mình, mạnh dạn chào lại em:
– Chị chào em.
Em vẫn nở nụ cười tươi như khi trước, khiến con tim tôi xao xuyến. Em nhìn tôi. Tôi nhìn em, rồi nhìn xuống ba lô của mình. Tôi mở ra và đưa cho em hai cây kẹo mút, loại kẹo mà tôi thường mang theo bên mình mỗi lần đi xa. Lúc đầu em còn chần chừ ngại ngùng không dám nhận, nhưng về sau không biết vì động lực gì khiến em nhận lấy hai cái kẹo tôi đưa.
Tôi nhìn em rồi lại nhìn những hạt mưa rơi, nhìn lên mái nhà cũ kĩ đầy mùi ẩm mốc bốc lên từ cơn mưa, tôi bắt đầu tò mò và hỏi thăm em. Tôi hỏi tên em, tuổi em, lớp em học, và cả về gia đình em.
Em nhìn tôi, rồi nhìn ra phố. Tôi cứ tưởng rằng em không muốn cho tôi biết về em. Đang trong lúc định nói lời xin lỗi với em thì thấy em quay lại cười với tôi và nói:
– Em tên Hoàng. Năm nay em 8 tuổi. Em không còn đi học nữa. Bố mẹ em lên thiên đàng rồi. Hiện em đang sống với bà ngoại ở góc đường bên kia.
Nghe Hoàng nói vậy, lòng tôi chợt thắt lại. Tôi nghĩ mình đã đụng chạm vào nỗi đau của em. Nhưng sao em lại vẫn có thể cười tươi đến thế? Thiết nghĩ, nếu em ăn vận sạch sẽ, đầu tóc gọn gàng, sống trong gia đình khấm khá một chút, chắc giờ em là một soái ca nhí bao người mến mộ đấy. Nhưng nếu vậy tôi sẽ không gặp được em nơi đây. Giật mình, tôi nghĩ lại câu trả lời của em. Em nói bố mẹ em lên thiên đàng, chẳng lẽ em là người theo đạo Công giáo hay sao mà em nói như vậy?
Tôi kể cho em là tôi cũng là người theo đạo Công giáo và tò mò hỏi thăm về em. Được em cho biết nhà ngoại em theo đạo Công giáo, còn nhà nội thì không. Bố lấy mẹ em và cũng theo đạo nhưng gia đình nội em không đồng ý. Nhưng với tình yêu bố dành cho mẹ, bố đã từ bỏ gia đình để đến với mẹ. Hai người lấy nhau được một năm thì sinh ra em. Và khi em được 3 tuổi, mẹ có sinh thêm một người em gái nữa. Khi em năm tuổi bố mẹ không may bị tai nạn qua đời. Hai anh em sống với ngoại, nhưng ngoại tuổi đã già không thể nuôi hai anh em nên khi 6 tuổi em đã bỏ học đi đánh giày kiếm chút tiền giúp ngoại. Cuộc sống hàng ngày của em sáng đi đánh giày; trưa về giúp bà nấu cơm; chiều lại đi, tối về lại lo phụ bà; đồng thời đi đón em học về. Cuộc sống của em là thế, nhưng ngày nào em cũng đến nhà thờ dành ít phút trò chuyện cùng Chúa. Em bảo:
– Chị biết không, mỗi lần em đến nhà thờ, em vui lắm chị ạ. Em được nói chuyện với Chúa, được Ngài che chở, được Ngài yêu thương; Ngài cho em một đứa em ngoan, một bà ngoại hiền từ đầy yêu thương. Em đã cảm tạ Chúa đã cho em có miếng cơm ăn, có chỗ để che mưa che nắng. Em còn hạnh phúc hơn bao trẻ em khác chị ạ; vì em không bị đánh đập hành hạ, không bị kẻ mạnh ức hiếp. Chị biết không, Chúa luôn yêu thương mỗi người chúng ta chị ạ. Những lúc chúng ta khó khăn, ấy là lúc Chúa thử thách đức tin của ta đấy. Chúa không lấy của ai thứ gì mà không có lý do đâu chị. Chúa lấy những thứ đó, để cho chị em mình biết tìm đến nương tựa vào Người đấy.
Đứng lắng nghe em nói, tôi vui lắm. Vui vì em đã tâm sự cùng tôi, một con người xa lạ. Nhưng nghe những gì em nói ra tôi thấy mình thật hổ thẹn. Hổ thẹn với Chúa, hổ thẹn với em và hổ thẹn với chính mình. Nghe em nói đến đó, tai tôi như ù dần. Tôi không còn nghe rõ em nói gì nữa. Sao một đứa bé chỉ mới tám tuổi có thể mạnh mẽ nói lên những lời ấy. Trong khi đó chính tôi một người đã bước sang tuổi trưởng thành lại không thể nhận ra được. Có lẽ do niềm tin của em mạnh mẽ chăng? Hay có người đã nói với em điều đó? Hay do cuộc sống của chính em hun đúc nên một con người như em của hiện tại? Tôi không thể nào hiểu được. Tôi cứ đứng như một pho tượng. Tôi đứng đó suy nghĩ cho tới khi trời ngớt mưa, em xin phép tôi em về trước để đón em gái. Khi tôi thoát khỏi cái suy nghĩ cá nhân của mình thì đã không còn thấy bóng dáng em. Tôi có chút hối hận vì đã không nói với em được thêm lời nào. Tôi hối hận vì sự mải mê suy nghĩ của bản thân đã đánh mất đi một cơ hội duy nhất để tìm hiểu về em.
Khi tôi trở về trường ở Thanh Hóa, tôi vẫn luôn suy nghĩ về em. Tôi luôn khao khát mình được gặp lại em một lần nữa, dù ở trong hoàn cảnh nào. Một cậu bé dù nhỏ nhưng kiên cường. Một cậu bé dù nghèo túng, vất vả nhưng luôn an lòng, bằng lòng với những gì mình có. Một cậu bé luôn đặt niềm tin tưởng vào Chúa, vào sự quan phòng của Ngài. Một cậu bé dù trong hoàn cảnh nào vẫn luôn nở nụ cười ấm áp. Một cậu bé để lại cho tôi một dấu ấn sâu đậm khiến tôi không thể quên được em và khao khát được gặp lại em.
Em đến bên tôi nhẹ nhàng, thoảng qua như gió mùa thu, để lại cho tôi một cái nhìn mới về cuộc sống. Em đã đánh thức trái tim tôi, đánh thức Đức tin còn lung lay và yếu kém của tôi. Em đã cho tôi sức mạnh để tôi vượt qua được thử thách đang đè nén tấm thân tôi. Tạ ơn Chúa đã cho tôi gặp em một cậu bé với một trái tim ấm áp, một tình yêu son sắc và một niềm tin mạnh mẽ. Mong rằng em sẽ được hạnh phúc, mong rằng Chúa luôn bên em, che chở và giúp em vượt qua tất cả những khó khăn thử thách của cuộc đời. Tôi tin với nghị lực và niềm tin tưởng em đặt nơi Thiên Chúa, Người sẽ ban cho em những ơn mà em kêu cầu Người.
Têrêsa Lê Thị Lệ, cựu thành viên nhóm Sinh viên Công giáo Thanh Hóa
uoc gi moi nguoi chung ta co long tin nhu vay . Xin Chua nang do de chung con luon tim kiem Ngai
Cám ơn bài viết của bạn về cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên nhưng là trong ý định của Thiên Chúa với cậu bé này. Cám ơn sự chia sẻ kinh nghiệm của bạn để cho mình cũng có cơ hội hồi tâm phản tỉnh về chính mình.