Gặp gỡ

Tôi gặp em sau một buổi sáng miệt mài tìm kiếm, mà chẳng biết tìm ai. Anh công an trong xóm chỉ tôi đến nhà em; anh nói, đó là nơi tôi nên đến nhất trong con hẻm vắng này. Chỉ có nhà mà không có sân, đủ chỗ ăn chỗ ngủ. Nhà có bà nội, có em. Cha em mới đi đâu ra ngoài, hàng xóm người nói cha em bị nghiện, người khác lại bảo “nó bị tâm thần nên lâu ngày lại đùng đùng nổi cơn”. Chỉ biết chắc rằng, ông nội em vừa bị cha em hăm đánh nên đành bỏ đi biệt tích. Chuyện đó chẳng làm em mấy đỗi ngạc nhiên!

Hay tin tôi đến, bà nội em khệnh khạng đi về từ đầu ngõ. Người ta vừa cho bà mấy con cá với bó rau về nấu bữa trưa. Nhà em có cái được hàng xóm thương, lâu lâu mấy anh chị lại bưng sang bát chè, tô súp. Bà em bị thoái hoá đa khớp, lại thêm bệnh tim, thuốc men vào chỉ tổ thêm bệnh. Bà vừa kể chuyện vừa thở hổn hển, được dăm ba câu thì đôi mắt cứ ướt nhòe. Hồi xưa bà còn sức khỏe làm ăn được lắm, con cháu được ăn học đàng hoàng. Đến khi tán gia bại sản, tiền mất tật mang, thì đành buông xuôi, ăn nhờ ở đậu. Mới đây may thay kiếm được căn nhà chật hẹp này, có còn hơn không. Chẳng hiểu có phải vì nhà chật hay sao mà từng người bỏ đi. Mẹ em bỏ đi sau khi ly dị, sống với người đàn ông không phải cha em; mấy tháng đầu mẹ còn trợ cấp cho em hai trăm ngàn rồi từ từ im bẵng. Bác trai của em phải đi tù vì dính đến vụ xô xát làm người ta thiệt mạng. Ông nội em đi đi về về, đi nhiều hơn về; khi đi em chẳng biết, lúc về em chẳng hay. Em chỉ biết, hễ thấy cha thì không thấy ông nội. Và em cũng đủ biết để trả lời vanh vách với tôi: cha em bị người ta đánh đòn tra khảo đến nỗi mắc bệnh gì đó. Nhìn mấy vỉ thuốc, tôi đoán cha em bị động kinh. Tuổi thơ em thấy sợ, thấy đau trước những lần cha lên cơn té ngã với mặt mày những máu và biến dạng, nhưng dần dà cũng quen. Em quen đến nỗi chẳng còn thấy đau khi phải chịu những trận đòn vô cớ từ người cha sáng ngủ tối la. Ý tôi nói nỗi đau tinh thần. Vâng, thể xác của một thằng bé như em còn quá mỏng manh để phải chịu những vết hằn vô duyên như thế.

Em xưng hô với tôi con con chú chú, vì cha em chỉ hơn tôi hai tuổi. Em nhìn tôi như nhìn vào tương lai mơ ước của mình khiến tôi cũng ngại. Ước mơ của n em thật đơn sơ chân chất: “Con muốn được học giỏi như chú(???) để có tiền lo cho nội.” Kể ra thì em cũng không tham vọng quá, vì em biết tôi “cưỡi” chiếc xe đạp cũ kỹ đến thăm em mà. Nhưng hình như trong mắt em, một anh thanh niên mặc áo sơ mi đóng thùng thì ắt là học giỏi. Và có chăng, bất cứ ai đến thăm người nghèo hẳn là người có tiền? Tôi không biết. Tôi cũng suy nghĩ…

Em học ở trường học tình thương của mấy sơ dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ. Nhà em theo đạo Phật; các sơ thường đến thăm, cho gạo và động viên cho em đi học, ít là đến hết cấp hai. Em học khá tốt các môn, trừ môn tiếng Anh – học mà không biết để làm gì, “con có đời nào được nói chuyện với người nước ngoài hả chú?” Nhìn nét chữ cẩn thận nắn nót của em, tôi biết em là đứa có chí học. Mà đúng là em ham học thật, “chú ơi bữa nào mấy chú rảnh sang chỉ con làm toán nhé, làm văn nữa, có nhiều chỗ cô giảng nhanh quá con chả hiểu, mấy môn học bài thì con học được.” Ở cái tuổi của em, nhiều đứa học trò như tôi lấy làm vui khi nghe tin thầy cô cho nghỉ học. “Có chí thì nên”, tôi chỉ biết động viên em cứ siêng năng như thế, “bữa sau cho chú xem vở sạch chữ đẹp nữa nhé, con ráng học giỏi thì sau này điều con mơ ước mới thành.” Em cười, sáng tươi niềm hy vọng.

Bà em lắng nghe cuộc chuyện trò của hai chú cháu, chắc cũng được an ủi hay sao, mắt rưng rưng mãn nguyện. Bà kêu em chạy vào nhà lấy cho bà hộp thuốc. Em chạy đi rồi, bà khen, “thằng nhỏ giỏi lắm con ơi, cô bệnh tật thế này nhiều khi nằm liệt một chỗ, thở còn không nổi, một mình nó nấu cơm, giặt đồ, làm đủ việc nhà thay cô hết… Mỗi tội lười tắm rửa cô la hoài à.” Tôi chờ em ra rồi nói lời tạm biệt.

Tiễn tôi về, em chào “anh”. Tôi hỏi sao lúc trong nhà gọi anh bằng “chú”, giờ lại “anh”. Em cười hồn nhiên, “em sợ nội la nên phải thưa chú, chứ em thấy anh cũng trẻ mà.” Trên đường về, ghé quán nước “tập kết”, tôi chia sẻ với một anh em khác cùng đi tông đồ (nhưng đi chỗ khác vì chúng tôi tản nhau ra tìm kiếm địa điểm viếng thăm). Chúng tôi ngậm ngùi hỏi nhau không biết rồi tương lai của em sẽ đi về đâu, hiện tại hãy còn bấp bênh quá. Bà em, người ta nói “chết lên chết xuống” nhiều lần rồi, chẳng biết khi nào ra đi. Cha em, đâu có việc làm gì ổn định, lại thêm bệnh tật, bây giờ tự lo cho mình còn khó. Ai sẽ là người lo cho em từ miếng cơm manh áo đến việc học? Và khi thiếu vắng chỗ dựa tinh thần (chứ không chỉ vật chất), liệu em có còn giữ được nét trong sáng và nết ngoan như em đã và đang? Hay em sẽ theo bạn bè rủ rê hoặc phó mặc số phận cho dòng đời đưa đẩy? Đó là những dấu chấm hỏi to tướng vượt quá khả năng đáp trả của tôi lúc ấy! Tôi bắt đầu nghĩ tới những cuộc gặp mà không có đường gỡ đang chờ phía trước. Đang và sẽ có rất nhiều những cuộc gặp gỡ như thế. Gặp gỡ hãy cứ là gặp gỡ cho đến khi chúng tôi có thể làm gì tốt hơn.

“Đi về đâu hỡi em,

khi trong lòng không chút nắng,

giấc mơ đời xa vắng,

bước chân không chờ ai đón…” (Trịnh Công Sơn)

Huy Anh

Kiểm tra tương tự

Cách tiếp cận đặc biệt của nền giáo dục Công giáo

  Mô hình giáo dục Công giáo rất độc đáo trong hướng tiếp cận tổng …

Nhà thơ vô gia cư được vinh danh tại tang lễ của chính mình

  Lễ tang được tổ chức tại nhà nguyện Thánh Monica, tuy nhỏ nhưng vô …