Gia đình là một quà tặng

Để bước vào đời sống hôn nhân, các bạn trẻ cần chuẩn bị gì cho gia đình mới của mình? Đâu là lối sống và ước mơ để xây dựng một gia đình hạnh phúc? Làm sao để nuôi dạy cho con khôn lớn? v.v…… Đây chắc hẳn là các mối ưu tư chính đáng của những ai chọn sống ơn gọi gia đình.

Cha mẹ nào mà chẳng muốn tạo dựng một gia đình êm ấm và chu cấp cho những người con yêu quý của mình đầy đủ cả về vật chất lẫn tinh thần, nhưng giữa dòng đời, con thuyền gia đình luôn phải đối diện với nhiều cơn sóng dữ. Con thuyền gia đình sẽ dễ bị đánh chìm, nếu thiếu tình yêu, thiếu sự bao dung tha thứ và ít cảm thông…

Hôm nay, Giáo hội mừng lễ Thánh Gia Thất. Đây không chỉ là một ngày lễ đến sau ngày lễ mừng Chúa Giáng Sinh, mà còn là một thời khắc quan trọng để Giáo hội giới thiệu cho các gia đình Công giáo một mẫu gương về đời sống gia đình. Chiêm ngắm Gia đình Thánh gia chúng ta xác tín rằng: gia đình là món quà vô giá từ Thiên Chúa. Ngay từ thủa tạo dựng con người, Thiên Chúa đã chúc phúc cho người nam và người nữ. Ngài gắn kết họ thành một xương một thịt, và trao tặng những đứa con cho gia đình. Thiên Chúa trao gửi cho mỗi người một nhiệm vụ riêng để họ tương trợ lẫn nhau và cần tới nhau. Cho nên, gia đình là nơi đẹp nhất, diễn tả tình yêu của Thiên Chúa một cách trọn vẹn và cụ thể nhất.

Các tác giả Tin Mừng không kể nhiều về Gia đình Thánh gia. Nhưng chỉ với một vài câu ngắn ngọn, thánh sử Luca cho thấy: „Hài Nhi Giê-su ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa”. Hài Nhi được lớn khôn cả về thể chất lẫn tinh thần, vì được dưỡng dục trong một bầu khí gia đình tốt lành. Đây chắc hẳn là điều mà nhiều cha mẹ muốn dành tặng cho những đứa con của mình!

 Trong bài Tin Mừng Chúa Nhật mừng lễ Thánh Gia Thất hôm nay,[1] thánh Luca khéo léo vén mở cho chúng ta „bí quyết sống” của Gia đình Thánh gia:

Thứ nhất, Gia đình Thánh gia sống gần gũi với Thiên Chúa: „Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Mô-sê, bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem , để tiến dâng cho Chúa” (Lc 2, 22). Có thể nói, Gia đình Thánh Gia là một gia đình đạo đức. Ở những đoạn văn tiếp theo, chúng ta còn biết thêm rằng: „Hằng năm, cha mẹ Đức Giê-su trẩy hội đền Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt Qua….” (Lc 2, 41). Cũng như các gia đình cùng thời, Gia đình Thánh Gia đã tham dự những ngày lễ kỷ niệm các biến cố quan trọng trong nhịp sống đời thường. Mỗi ngày lễ là một cơ hội nhắc nhở cho các Ngài về việc xây dựng mối tương quan thường xuyên và thân mật với Thiên Chúa.

Thứ đến, Gia đình Thánh gia sống hết lòng theo những gì Luật Chúa dạy. Ngay từ những ngày đầu đời, Hài Nhi Giê-su đã được „cắm rễ sâu” vào Luật pháp của Đức Chúa Trời. Sau này, trong thời gian rao giảng công khai, Chúa Giê-su nhấn mạnh: „Anh em đừng tưởng rằng Thầy đến để bãi bỏ luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (Mt 5,17). Thực vậy, những gì luật Mô-sê dạy là kế hoạch của Thiên Chúa trong thời Cựu Uớc để cứu sống dân Do Thái. Còn luật Chúa Giê-su đem đến trong thời Tân Ước là để cứu rỗi mọi người.

Có thể tóm tắt ngắn gọn, bí quyết sống của Gia đình Thánh gia là sống thân mật với Người tặng quà – chính là Thiên Chúa. Nhờ thế, món quà gia đình tràn đầy sức sống, vì được liên kết với Người cho quà. Ở đây, chúng ta cần phân biệt: sự gắn bó mật thiết với Thiên Chúa, không có nghĩa là Thiên Chúa sẽ cất đi khỏi gia đình chúng ta mọi khó khăn cũng như thử thách, nhưng nên hiểu là Thiên Chúa đảm bảo cho gia đình chúng ta sẽ nhận được những ân sủng cần thiết để vượt qua các sóng gió chông gai. Gia đình Thánh gia cũng như gia đình chúng ta, các Ngài cũng phải đối diện với những khó khăn của đời sống thường ngày.

Tuy không thấy các sách Tin Mừng kể về những khó khăn của Gia đình Thánh gia, nhưng chúng ta chắc chắn rằng, các Ngài là một gia đình nghèo. Của lễ dâng cho Thiên Chúa là „một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non”, cho chúng ta biết rằng Thánh Giuse và Mẹ Maria là những người nghèo. Chính Hài Nhi Giê-su đã được sinh ra nơi máng cỏ. Ngài đã bắt đầu cuộc sống và lớn lên trong một gia đình nghèo. Sau này, Chúa Giê-su sống gần gũi với người nghèo, và Ngài luôn ủng hộ người nghèo trong suốt sứ vụ của mình.

Gia đình thánh Giuse là một gia đình nghèo vật chất, nhưng rất giàu tình nghĩa với nhau và tình yêu với Thiên Chúa. Còn chúng ta ngày nay, nhiều gia đình dư thừa của cải, nhưng đời sống gia đình thì nghèo nàn và gặp nhiều khủng hoảng, vì thiếu mối dây liên kết với Thiên Chúa, hoặc không coi trọng những giây phút sống thiêng liêng trong gia đình.

Một nếp sống đạo rất đẹp trong các gia đình Công giáo là dành thời gian để cùng nhau cầu nguyện đang bị mai một. Những giây phút của các buổi đọc kinh chung trong gia đình đang dần dần bị những sinh hoạt khác lấn át với hàng ngàn lý do chính đáng khác nhau. Cơ hội để cùng nhau đi tham dự thánh lễ cũng bị mất dần. Hoặc có cùng nhau tham dự thánh lễ chung, nhưng lòng trí lo ra và bị chi phối bởi nhiều điều khác.

Để cuộc sống gia đình không bị nhấn chìm dưới những con sóng dữ giữa dòng đời, thiết nghĩ các bậc cha mẹ cần lưu tâm kiến tạo đời sống thiêng liêng trong gia đình. Biết trân quý những khoảng lặng trong cuộc sống để cùng nhau bày tỏ lòng biết ơn về các ơn lành mà chúng ta đã nhận được. Cùng nhau tôn vinh Thiên Chúa, vì lòng nhân từ của Ngài. Cầu xin Thiên Chúa hướng dẫn và tha thứ cho những thiếu sót của mình với nhau. Các cha mẹ cần cầu nguyện chung với con cái, và dạy chúng cầu nguyện. Hãy để cho Chúa có cơ hội bước vào trong cuộc sống hàng ngày của mình. Bên cạnh đó, các gia đình nên gìn giữ những buổi dùng cơm chung với nhau. Chính nơi bàn ăn là cơ hội để thể hiện sự chia sẻ và quan tâm tới nhau.

Cuộc sống gia đình đầy sóng gió chông gai, nhưng cũng đầy tràn niềm vui và hạnh phúc. Thiên Chúa chúc phúc cho mọi gia đình và hứa ban những ơn cần thiết, để các gia đình vượt qua khó khăn thử thách và trở nên tổ ấm yêu thương. Ân sủng của Thiên Chúa không chỉ tỏ hiện trong ngày cử hành bí tích hôn phối, mà còn kéo dài trong suốt cuộc sống gia đình.

Mừng lễ Thánh Gia Thất, chúng ta không chỉ chiêm ngắm một Gia đình Thánh gia sống gương mẫu, mà chúng ta còn được mời gọi xây dựng một gia đình tốt lành như lòng Chúa mong ước. Amen.

Trần Văn Ngữ, SJ

…………

[1] Lc 2,22-40

Kiểm tra tương tự

Giáo hội và Thuyết Tiến hóa: Câu chuyện về cuốn sách bị lên án

  Trong loạt bài về Giáo hội và Khoa học, chúng ta sẽ xem xét …

Cuộc phỏng vấn về Sứ mạng Truyền giáo

Trong bối cảnh của Năm Sứ Vụ – “Cùng Nhau Loan Báo Tin Mừng”, chúng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *