GIA ĐÌNH TÔI… Chuyện chưa được kể

GIA ĐÌNH TÔI… CHUYỆN CHƯA ĐƯỢC KỂ

Nữ Tu Tê-rê-sa Nguyễn Trần Trúc Hương, ACI.

 

Khi nghe đến tựa đề này, có lẽ ai ai cũng sẽ nghĩ hôm nay tôi sẽ đem chuyện gia đình mình ra kể phải không ạ? Vâng và hôm nay, tôi sẽ kể chuyện gia đình, những gia đình mà tôi có dịp gặp gỡ, tiếp xúc, chia sẻ, hay những chuyện mà tôi nghe được đây đó hay trong quá trình làm tham vấn và cả chuyện của gia đình tôi. Ước mong qua những câu chuyện, những chia sẻ này quý OBACE cũng nhìn thấy gia đình mình và có thể lượm lặt vài điều gì đó cho gia đình mình. Nhưng tôi tin đây cũng là câu chuyện của mọi gia đình. Và xin mượn lời bài hát CHUNG SỐNG mà chúng ta vừa nghe, để hiểu rằng muốn bếp hồng thì góp củi góp than, muốn rộn rã thì góp tiếng ca tiếng đàn. Mình cùng nhau ở chung mái nhà, nhà mình vui từ những niềm vui góp về. Thật vậy, muốn giữ lửa yêu thương trong gia đình thì mỗi người chúng ta cần phải góp sức, góp đôi tay, đôi tai, đôi chân, góp sự hiện diện… Nói chung là góp phần của mình.

Nếu được đề nghị giới thiệu về gia đình mình, quý ông bà anh chị em sẽ nói gì? Điều gì làm chúng ta thấy tự hào về gia đình của mình? Điều gì làm chúng ta bận tâm về gia đình của mình? Chúng ta muốn một gia đình như thế nào?

Mỗi câu trả lời phản chiếu cách hiểu, cách diễn giải và nhìn nhận của cá nhân về gia đình mình. Chúng ta, có lẽ ít lưu tâm, hay hiếm khi rảnh rỗi để có đôi phút lắng đọng suy ngẫm, hay thậm chí chưa biết cách nào khác để nhìn bức tranh toàn cảnh của gia đình mình.

Và với chủ đề của mùa tĩnh tâm mùa chay năm nay “GIA ĐÌNH GIỮ LỬA YÊU THƯƠNG” cũng là một dịp để ta trở về với chính gia đình mình, “làm mới” lại gia đình mình.

Tôi nhớ một câu chuyện về một người cha đưa bốn đứa con đi ăn kem. Và ngay trong quán kem đó, bốn đứa con đã trêu nhau, cãi nhau, dành đồ ăn của nhau, làm ầm lên và thậm chí là than phiền về rất nhiều chuyện, như ai nên là người đặt kem trước và ai chọn được vị kem mà mình yêu thích. Đây quả là một kinh nghiệm không vui lắm, nhưng thật bất ngờ khi ông ấy trở về gia đình, ông đã chia sẻ với người vợ về niềm vui mà họ có được. Làm thế nào mà ông có được niềm vui? Ông giải thích, ông tìm thấy niềm vui đơn giản chỉ vì ông có giờ ở cạnh những đứa con mà ông hết mực yêu thương, và ông cảm thấy ấm lòng vì ông có thể đưa chúng ra ngoài ăn, ở với chúng.

Đây là câu chuyện đã phản ảnh một thực tế thường ngày trong đời sống gia đình ở mọi nền văn hóa. Chính trong một hành động rất đơn giản của việc nhìn những đứa con ăn kem, người cha không chỉ nhìn thấy được sự không hoàn hảo của gia đình mình, vẫn còn đó những giây phút bất hòa, cãi vã, tranh dành nhau, nhưng ông tìm được niềm vui ở với gia đình. Đời sống gia đình luôn tồn tại những sự tương phản cả nhiều sự xung khắc: niềm vui cũng như những thảm kịch, sự thánh thiêng cũng như sự tội lỗi vẫn đang luẩn quẩn ở đó.

Và với người công giáo, đời sống hôn nhân gia đình mang một ý nghĩa sâu xa hơn, vì chúng ta tin, và ước mong chúng ta cũng tìm thấy sự hiện diện của Thiên Chúa giữa đời thường.

Và đâu đó, khi có nhiều giờ chiêm ngắm Chúa Giêsu Thánh Thể trong những giờ Chầu Thánh Thể như một phần của đời sống  người Nữ Tỳ Thánh Tâm Chúa Giêsu, tôi khám phá và học được nhiều điều nơi bí tích Thánh Thể (BTTT) mà tôi thiết nghĩ mình có thể áp dụng cho đời sống gia đình. Tất cả những năng động thăng trầm trong gia đình có dáng dấp của BÀN TIỆC THÁNH THẾ, đặc biệt qua bốn động từ “cầm lấy, chúc lành, bẻ ra và trao ban” mà ta thường nghe mỗi khi tham dự thánh lễ. Và tôi ước mong, qua bốn động từ như là bốn nghĩa cử yêu thương, mỗi gia đình dần tìm ra cách mình có thể giữ ngọn lửa yêu thương cho gia đình mình và viết thêm câu chuyện gia đình mình, những chuyện mà mình chưa bao giờ kể, chưa bao giờ dám đối diện.

  1. Đời sống gia đình được tuyển chọn

Đọc lại Tin Mừng thánh Luca trong bữa tiệc ly, khi Chúa Giêsu thiết lập Bí Tích Thánh Thể, chúng ta thấy động từ đầu tiên là Chúa Giêsu đã cầm lấy bánh. Khi Chúa Giêsu cầm lấy bánh, điều đó cũng có nghĩa là Ngài dâng cuộc đời mình cho Chúa Cha, cho kế hoạch yêu thương của Chúa Cha, chấp nhận, đồng ý mọi sự sẽ đến với Ngài, nói một cách tích cực là Ngài đón nhận chén Chúa Cha trao cho Ngài một cách nhưng không và với sự tự do. Và nhìn vào đời sống gia đình, khi người nam và người nữ đưa nhau đến bàn thờ, cầm lấy tay nhau và nói lên sự ưng thuận, cũng có nghĩa là họ chấp nhận và đón nhận mọi sự sẽ đến, sẽ xảy ra trong đời sống gia đình, khi vui cũng như lúc buồn, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi khỏe mạnh cũng như lúc yếu đau… Và quý anh chị đặt vào nhau niềm tin, trao và dâng hiến cho nhau, để từ đây cuộc đời của anh không chỉ là của anh, cuộc đời của em không chỉ là của em, mà cuộc đời của anh là của em, và ngược lại. Đây không phải là sự sở hữu nhưng là sự hiến dâng cho nhau, cho gia đình này.

Khi Chúa Giêsu cầm lấy là một lời mời gọi cho chúng ta cũng cầm lấy, cũng đón nhận cuộc sống như là một cặp đôi, như là một gia đình với tất cả niềm vui và những giới hạn, những vấn đề, những đứa con mà Thiên Chúa trao ban hay không trao ban, những đứa con lành lặn hay không lành lặn, mà không ước giá mà thế này, giá mà thế kia…. Vì với tất cả những gì ta có, những gì ta là, Thiên Chúa đều muốn bày tỏ, biểu lộ tình yêu của Ngài dành cho Ta, cho gia đình Ta. Nhưng không biết khi ta khủng hoảng, khi gia đình ta có khó khăn, ta có nhận ra tình yêu, sự quan tâm, chăm sóc của Thiên Chúa dành cho mình không? Ta có ước gì tôi đã không cưới người này, ước gì tôi không lập gia đình, ước gì tôi đi tu…? Và ta quên mất đây là người ta chọn, bậc sống ta chọn.

Ngoài ra, cầm lấy còn có một nghĩa khác mà con cảm thấy rất thích thú khi có dịp đọc sách của Cha Henri Nouwen. Cầm lấy có thể được hiểu là dành riêng ra, được tuyển chọn. Làm thế nào ta có thể cầm lấy một vật gì nếu ta không chọn riêng ra và nhấc nó lên?  Trong cuốn sách: “Cuộc đời của Con yêu dấu” của Cha Henri Nouwen, cha viết bước đầu tiên trong đời sống thiêng liêng đó là nhận biết một cách sâu xa là chúng ta đã được dành riêng ra, chúng ta được tuyển chọn. Điều này khi chỉ đúng cho đời sống dâng hiến, nhưng còn rất đúng với tất cả các anh chị đang sống đời hôn nhân khi các anh chị nhận ra mình đã được dành riêng / mình được tuyển chọn cho một nửa kia trong cuộc hôn nhân này.

Thật vật, quý OBACE ở đây, những người đang sống đời hôn nhân, có thể đã mừng kim khánh, ngân khánh, 20 năm, 10 năm, 5 năm hay mới kết hôn có thể nhớ lại giây phút ban đầu khi mới gặp nhau, mới quen nhau, tìm hiểu nhau và quyết đinh chọn nhau để trở nên một gia đình.  Nhớ lại cái giây phút mà ta đã trao cho nhau sự lựa chọn của anh là em, và sự lựa chọn của em là anh trong thế giới rộng lớn bao la này.

Khi một người vợ hoặc chồng nhận ra cô ấy/ anh ấy được dành riêng, được tuyển chọn cho ai đó, cô ấy / anh ấy sẽ hiểu rằng mình đặc biệt, bởi vì giữa nhân sinh rộng lớn này tại sao mình gặp nhau, và mình chọn nhau, quyết định chung sống với nhau mà không phải một ai khác. Nói theo ngôn ngữ bình dân là vì ta có duyên và nợ với nhau.  Sự xác tín về việc chọn lựa này này trở nên rõ ràng hơn, và được chuẩn nhận khi đôi tình nhân lãnh nhận bí tích hôn phối. Họ trở nên một thân thể như Đức Kitô liên kết với giáo hội của Ngài. Cả hai sẽ kinh nghiệm cảm giác đặc biệt với người kia vì họ là độc nhất. Và với những thăng trầm, những vui buồn, những hiểu lầm, mâu thuẫn trong đời sống lứa đôi, đời sống gia đình và những gánh nặng về cơm áo gạo tiền, giáo dục con cái,… có lẽ nhiều lúc ta cũng thấy mệt mỏi, đã bao giờ ta thấy hối hận vì đã chọn người bạn đời của mình ạ?

Ai rồi cũng phải học đối diện những khủng hoảng trong hôn nhân như  cảm nghiệm của các tông đồ trong bữa tiệc ly, và sau bữa tiệc ly. Các môn đệ cũng khủng hoảng, cũng bất ngờ trước cách mà Chúa Giêsu bày tỏ tình yêu của Ngài. Chúa Giêsu có thể chạy trốn. Ngài sẽ không gặp sự từ chối của các môn đệ. Nhưng không, Ngài đã không bỏ cuộc, Ngài đã đối diện tất cả trong đức tin vì Người biết Người là Đấng được tuyển chọn. Và ta chỉ có thể giúp đỡ người trẻ, các con của mình, khi chính ta đã trải qua những kinh nghiệm tương tự và chúng ta đã đối diện nó. Và tôi nhớ lại câu chuyện của một người đàn ông nọ. Một vài năm sau khi cưới, ông cũng đã say nắng với một người khác, một người không phải vợ mình và cô ấy cũng rất yêu ông ấy. Và đây chính là giây phút phải đối diện với sự lựa chọn của mình. Ngày mình cưới hạnh phúc, tươi đẹp, hoành tráng biết chừng nào trong vòng tay của gia đình hai bên, của bè bạn, và đã vẽ ra bao thiên đường của đời sống gia đình. Và chính lúc say nắng này, mình cũng phải học, học điều gì ạ?

Và chính giây phút này ta cũng phải học để chấp nhận sự lựa chọn của mình trong bí tích hôn nhân. Hơn thế nữa, ta phải học và nghĩ rằng đây là sự chọn lựa, là người mà Thiên Chúa dành cho mình, là đời sống mà Người mời gọi mình. Đây là một giây phút rất đau khổ, nhưng cũng là một giây phút của sự hạnh phúc. Đây là giây phút đẹp vì mặc dù mình đã có gia đình, nhưng mình vẫn được người khác yêu; mình cảm thấy thực tế hơn về sự mỏng dòn của mình, mình thực tế hơn khi nhận ra lời thề hứa trong BTHN, không phải một lần cho mãi mãi, nhưng nó đòi lặp lại mỗi ngày vì mình vẫn có khả năng say nắng, có khả năng sa ngã, và muốn trốn chạy khỏi những lựa chọn của mình. Cả con tim và khối óc của mình phải nhập thể trong con người của ta hôm nay, với ơn gọi mà Thiên Chúa đã mời gọi mình, đã chọn cho mình trong xương thịt này. Những cuộc khủng hoảng này làm ta trở nên thực tế hơn. Chúng ta được mời gọi để đối diện với những cuộc khủng hoảng như thế trong sự can đảm và tín thác như Chúa Giêsu trong bữa tiệc ly.

YẾU TỐ TỪ BỎ Ở ĐÂY KHÁ QUAN TRỌNG.

TỪ BỎ TÌNH YÊU NGOÀI LUỒNG NẢY SINH.

TỪ BỎ VÀ Ý NGHĨA CÙNG GIÁ TRỊ CỦA NÓ TRONG HÔN NHÂN.

Hôn nhân đòi hỏi hai vợ chồng tiếp tục duy trì sự thật rằng họ được chọn bởi người kia khi họ bước vào một tương quan sâu sắc với nhau. Mặc dù vậy, qua năm tháng, các cặp đôi có xu hướng tập trung vào những khác biệt hơn là những điểm tương đồng. Mỗi lần cảm thấy bị tổn thương, chống đối, chối từ, thay vì “xù lông nhím” lên, ta có thể nói với nhau “những cảm giác này không nói lên mối quan hệ thật của chúng ta.” Ta phải không ngừng lập lại sự lựa chọn của bản thân bằng cách xác nhận sự độc đáo và những phẩm chất đặc biệt, những mặt tích cực của nửa kia. Sự xác nhận này không chỉ nên được bộc lộ bằng lời cảm ơn khi mối quan hệ được cứu vãn hay hiểu lầm được xóa bỏ, nhưng còn bởi sự quan tâm hằng ngày dành cho nửa kia. Dù bực bội, đôi khi cả cô đơn, người này vẫn chọn trân trọng những món quà nho nhỏ được người kia dành tặng qua những nghĩa cử mỗi ngày. Vd: một bữa ăn ngon được dọn sẵn, ngôi nhà ngăn nắp và sạch sẽ, một sọt rác được dọn dẹp và đổ đi. Thật vậy, để nuôi dưỡng cảm thức được chọn, cả hai vợ chồng cần phải không ngừng lặp lại sự duy nhất của nửa kia bằng cách chân nhận phẩm chất độc nhất của người kia, nhìn thấy những mặt tích cực, những nét đẹp nơi người bạn đời của mình. Không biết lần cuối cùng mà mình khen chồng mình, vợ mình là lúc nào?

Và ngay cả trong những lần vợ chồng thân mật với nhau, đây cũng là một dịp để một lần nữa mình nói lên lời thề hứa, mình chọn nhau, mình muốn nên một với nhau. Mình cho nhau đi vào những cung đường rất riêng của mình, cả những nét đẹp, cũng như những sự yếu đuối, sự mỏng dòn, sự trần trụi, cả những vết bớt, vết sẹo, vết thương,… mà không sợ bị phán xét, bị chê trách.

Tôi nhớ mãi câu chuyện của hai anh chị học chung khi nghe con hỏi về sự có mặt của con trong gia đình, anh chị ấy đã đặt để chiều kích thiêng liêng vào sự thân mật vợ chồng. Chị ví chiếc giường như một bàn thờ, và nơi đó mỗi lần anh chị thân mật với nhau là mỗi lần anh chị tổ chức thánh lễ, lập lại lời thề trở nên một với nhau trong sự trân trọng, yêu thương và biết ơn nhau, và món quà cuộc sống, và chấp nhận mở ra để ôm ấp tất cả những khuyết điểm, những yếu đuối và những đổ vỡ của nhau. Một hình ảnh thật đẹp để nói lên sự chọn lựa trong tình yêu của mình.

Nhưng cuộc sống luôn đầy sự chối từ, làm cho người vợ / chồng / con cái không cảm giác mình là người được chọn, được mong muốn, được yêu thương. Ví dụ, nhiều em nhỏ còn cảm thấy mình bị khước từ, không được yêu thương và không được chào đón trong gia đình. Một số em còn nghe chính mẹ ruột nói rằng: “mẹ chẳng mong có con, nhưng tới khi mình có bầu thì đành phải giữ… Mày chỉ là tai nạn.” Những lời lẽ và thái độ khiển trẻ cảm thấy mình không được chọn, và không được mong muốn. Điều này khiển trẻ cảm thấy bất an và có nhận thức méo mó về bản thân. Lâu dần trẻ có thể bị căng thẳng, suy sụp.

Câu hỏi ở đây được đặt ra là “làm sao người ta có thể cảm nhận được bản thân là người được chọn khi luôn bị bủa vây với sự khước từ, bởi sự so sánh?” Những lúc như vầy người ta cần kết nối với giá trị cốt lõi của bản thân và không ngừng tự nhắc nhở rằng mình là đứa trẻ được chọn và quý báu trong mắt bố mẹ và hơn nữa là trong mắt của Thiên Chúa.

Tóm lại họ cần phải kết nối với những gì Thiên Chúa đã làm trong cuộc đời họ ngay cả khi chẳng dễ dàng nhận ra. Bên cạnh đó, chọn lựa biết ơn, trân quý những điều bé nhỏ thay vì cay đắng với một mớ chối bỏ, cũng là cách giúp con người nuôi dưỡng và kết nối với cảm thức được chọn lựa của mình.

Và khi ta xác tín sư lựa chọn của mình không chỉ cần được thể hiện bằng lời nói, nhưng cách ta đối xử với nhau trong sự công bằng, bác ái với người bạn đời của mình. Nhận ra nơi người bạn đời của mình là hình ảnh của Thiên Chúa, với sự trân trọng những sự khác biệt, và không so sánh người bạn đời mình với người khác. Sự so sánh giết chết và làm tổn thương mọi tương quan… Vì ta không nhận ra mình được yêu như mình là. Nói dễ hơn làm! Và trong tâm lý tình yêu, con vẫn hay nói với các anh chị là hãy đối đãi với người bạn đời của mình như một vị khách quý – nói những lời nhỏ nhẹ và lịch thiệp thay vì những lời cộc cằn, nhát gừng, trách móc, chửi bới, khiêu khích, hạ thấp, vùi dập người bạn đời của mình.

Vâng và đây cũng là lời mời gọi cho ta cải thiện mối quan hệ với vợ mình, chồng mình, con mình, bố mẹ  mình…. Và tôi hiểu rằng mối quan hệ gia đình cần sự quan tâm thường xuyên. Một vấn đề mà tôi thường gặp là mọi người thường không chú ý đến những người khác, nhất là những người mà mình yêu thương, và thường cư xử với người ngoài chu đáo hơn với những người gần gũi trong cuộc sống của chúng ta. Trong gia đình, cần có sự nỗ lực không ngừng để xin lỗi, để tha thứ, để thể hiện tình yêu và đề cao người khác như lời ĐTC Phanxicô đã nói. Cần lắm những lời cám ơn, xin lỗi, làm ơn trong gia đình mình.

  1. Gia đình được chúc lành

Có dịp đi thăm hay làm tham vấn cho một số gia đình, tôi thường bắt gặp sự so sánh giữa gia đình này với gia đình người kia. Và coi đó như câu cửa miệng, và luôn cảm thấy gia đình mình nghèo  hơn, thấp kém hơn, gia đình không bằng bạn, bằng bè, nhưng đời sống gia đình đâu chỉ dựa trên giá trị vật chất, những cái ta sở hữu. Người ta có thể nghèo về vật chất, nhưng giàu về tinh thần. Do đó, người ta thực sự có thể đếm được vô số hồng ân trong gia đình của mình. Không nên coi những ơn lành là một điều hiển nhiên, hay những cái mà ta xứng đáng có được. Gia đình là trường học đầu tiên mà chúng ta học cách biết ơn. Chúng ta cũng học cách tha thứ và làm hòa với nhau nhiều lần.

Là một tu sĩ, nhưng tôi luôn cảm thấy thật vui, thật ấm áp khi nhìn thấy giáo xứ nơi tôi phục vụ, những anh chị tay trong tay cùng nhau đến nhà thờ mỗi buổi sáng, hay những cặp đôi cùng nhau tham gia các sinh hoạt nhà thờ, giáo lý viên, hay có những gia đình, một người tham gia, còn người kia luôn luôn ủng hộ, luôn hỗ trợ người bạn đời của mình. Đó quả thật là những ơn lành, hay nói cách khác tôi nhìn ơn gọi gia đình được Thiên Chúa chúc phúc khi vợ chồng yêu thương nhau, chung thủy với nhau dù muôn vàn khó khăn, muôn vàn ngang trái. Hay những ông bà đã ngoài lục tuần mà vẵn khắng khít yêu thương nhau. Thấy được giao ước tình yêu thật đẹp, khi cả hai người đã cam kết và trao cho nhau, sống cho nhau cả một đời, dám bước ra khỏi sự ích kỷ của mình, thay đổi mình để gầy dựng nên gia đình. Và càng thấy đúng là ơn của Chúa khi họ có thể tha thứ cho nhau và cố gắng giữ cho hôn nhân được đủ đầy, ngôn ngữ mà tôi vẫn hay nghe “phải chịu đựng nhau lắm đó con.”

 

Tôi thấy được sự hiện diện của Thiên Chúa trong sự chung thủy mà vợ chồng dành cho nhau.

Và những ơn lành trong đời sống gia đình phải kể đến sự hiện diện của con cái. Tôi cảm nhận được được niềm tự hào của cha mẹ về những đứa con của mình dù họ phải hy sinh, phải đánh đổi cả tuổi xuân, sức khỏe, sự lam lũ để chăm sóc, và nuôi dạy những đứa con ngỗ nghịch, hay đang khủng hoảng. Và cảm nhận được giọt nước mắt hạnh phúc của cha mẹ khi thấy tình yêu thương, công sức của mình dành cho con cái đơm hoa kết trái. Cuối cùng, cả cha mẹ và con cái của họ đều nhận ra đi vào một sự thay đổi, biến đổi nào đó. Đây là tiến trình của cuộc sống gia đình khi Chúa hiện diện.

 

Và ta cũng nhìn thấy hồng ân của Chúa qua sự hiện diện của nhau trong đời sống thường ngày, khi các thành viên trong gia đình cùng nhau hiện diện bên mâm cơm, qua sự quan tâm, qua sự kết nối, qua sự cố gắng dành ưu tiên cho gia đình giữa một lịch trình dày đặc.

 

Không có gia đình nào là hoàn hảo! Nhưng làm thế nào để tìm ra niềm vui, sự hạnh phúc, ơn lành của Chúa? Không phải tìm kiếm đâu xa xôi, nhưng khi ta đếm từng sự cố gắng, sự nỗ lực của từng người trong việc chu toàn bổn phận, kiếm tiền, dưỡng dục gia đình, tập trung vào học,… Thật vậy mặc dù gia đình không hoàn hảo, cha mẹ và con cái nhận ra ơn Chúa trong những điều nhỏ bé mà họ chia sẻ với nhau, và trung tín, cam kết với nhau.

 

“Chính sự bền bỉ, sự kiên nhẫn, sự không bỏ cuộc giúp một người luôn nỗ lực hết mình để thể hiện tình yêu thương.” Phần thưởng có thể không rõ ràng. Trên thực tế, nhiều vợ chồng cũng cảm nhận tình yêu mà hai người dành cho nhau đã bị chết, hoặc bị coi như điều hiển nhiên. Giữa muôn vàn thử thách, nguội lạnh trong tình yêu, họ vẫn cố gắng chèo chống, và nuôi dưỡng cho gia đình được ấm êm.

 

Trong gia đình dù còn đó bao sóng gió và thách đố, nhưng ai ai cũng cố gắng sống các nhân đức: can đảm, bền bỉ, tin tưởng, tín thác, tha thứ và buông bỏ,… và khi đó các thành viên trong gia đình sẽ tìm thấy Chúa. Và cuộc sống gia đình có thể được tràn đầy bởi ơn lành của Chúa ngay giữa những sinh hoạt bình thường.

 

  1. Đời sống gia đình bị thương tổn và tan vỡ.

Cách đây không lâu con có nhận được một cuộc điện thoại của một người bạn của con. Nhớ ngày xưa, bạn ấy cứ hay nhắn tin nói con cầu cho bạn ấy có người yêu. Và hai năm sau đó thì bạn ấy lập gia đình. Ai cũng nói mừng cho hai bạn vì gia đình rất môn đăng hộ đối, hai vợ chồng lại làm chung ngành. Cứ tưởng vậy là xong, nhưng rồi đời sống hôn nhân không như chuyện ngôn tình. Con tin chắc ai trong chúng ta cũng cảm nghiệm điều này cách rõ ràng, cả linh mục, tu sĩ cũng như các anh chị, các bố mẹ đang sống đời gia đình, đều cảm nhận những thách đố của đời sống gia đình hôm nay. Rồi những thách đố khó khăn phát sinh, mâu thuẫn về tài chính, về họ hàng hai bên, nàng dâu, mẹ chồng, giáo dục con cái…

Quay trở lại câu chuyện của người bạn của con. Giọng bạn ấy nghẹn ngào trong nước mắt. Mình thật sự bế tắc, không biết phải làm gì. Con hỏi, vợ chồng lại cãi nhau à? Bạn ấy nói cãi nhau là còn may, nhưng hết chiến tranh nóng rồi, cả tháng này vợ chồng chuyển sang chiến tranh lạnh. Anh dọn về nhà ba mẹ anh ở, để mặc bốn mẹ con.  Lúc đầu về hai vợ chồng cũng sống rất hạnh phúc, nhưng một năm sau đó, đúng là như vỡ mộng. Cặp vợ chồng thấy được sự khác biệt của nhau và những cuộc cãi vã xảy ra thường xuyên như cơm bữa. Có chuyện gì lớn lao đâu chứ? Toàn những chuyện nhỏ nhưng tích tiểu thành đại và giờ như hết sức chịu đựng nhau. Con hỏi bạn ấy sợ gì nhất trong đời sống hôn nhân? Im lặng một hồi, bạn ấy mở lời. Mình sợ sự mất kết nối, nghĩa là không phát tín hiệu, không có phản hồi, không đối thoại, không chia sẻ, không trả lời tin nhắn, nên từ nóng, thành nguội, thành lạnh rồi băng hà. Và giờ mình đang rất lo, rất buồn, rất đau vì tình cảm vợ chồng nhạt nhòa dần, giờ chỉ còn là chiếc đơn đưa lên tòa. Khi mình nghe như vậy, mình buồn lắm, vì mình rất thương hai người. Và đây cũng là thực tế mà người trẻ hôm nay đang gặp. Đám cưới với nhau thì linh đình lắm, nhưng về ở với nhau vài ba năm thì xảy ra chuyện lớn. Và trong 5 năm đầu là năm năm mà họ gặp khủng hoảng nhất. Câu hỏi được đặt ra là họ chọn giải pháp nào đây? Rất nhiều gia đình, nhất là các gia đình trẻ, họ chọn chia tay nhau.

Trong cuộc sống của chúng ta, dù gia đình có hạnh phúc và yêu nhau thời gian ban đầu bao nhiêu, thì sẽ có một giây phút nào đó chúng ta, cái “khoang chứa tình yêu” nó từ từ vơi dần vì thời gian cho công việc quá nhiều, vì sự xung khắc, khác biệt với nhau, nó làm vơi đi niềm vui trong đời sống gia đình. Và có những gia đình, gần như là khoang chứa tình yêu nó cạn dần, họ không còn tình cảm với nhau nữa, Sống chung một nhà, ngủ chung một giường, ăn chung một mâm, nhưng lòng không ở cùng nhau vì tình nó phai rồi, ở chỉ vì con cái, vì cái nghĩa mà thôi.

 

Gia đình đứng bên bờ vực thẩm. Chúng ta phải làm gì đây? Thưa, đừng bỏ cuộc, đừng bỏ nhau, hãy bám vào Chúa.

 

Con nhớ đến một cuốn phim mà con có dịp coi gần đây. Căn phòng chiến tranh. Bộ phim kể về một gia đình của một anh Tony, nhân viên bán dược phẩm và chị Elizabeth, nhà môi giới, bề ngoài trông có vẻ hoàn hảo nhưng thực ra lại có nhiều vấn đề. Anh thường xuyên vắng nhà vì công việc, và mối quan hệ vợ chồng cũng luôn căng thẳng. Anh thậm chí có ý định lừa dối người vợ của mình. Trong lúc bế tắc, người vợ nhờ đến một người phụ nữ lớn tuổi và uyên bác …

 

Và bà đã chỉ gợi ý cho cô đấu tranh cho cuộc hôn nhân của mình, bằng cách cầu nguyện cho ông chồng. Bà chỉ cho cô Elizabeth một tủ quần áo đặc biệt mà bà dành để cầu nguyện, mà bà gọi là “Phòng Chiến tranh”; như bà ấy nói, “để đứng lên và chiến đấu với kẻ thù, bạn cần quỳ gối và cầu nguyện.”

 

Người vợ đã nghe và làm theo. Cô đã đặt ra một góc nhỏ, nơi đặt quần áo để cầu nguyện mỗi ngày. Nhờ lời cầu nguyện, Chúa đã gìn giữ gia đình cô, chồng cô khỏi sa ngã, và khi anh sa cơ thất thế, cô đã không nói lời sỉ vả anh, nhưng bằng sự nhẹ nhàng, động viên và khích lệ, cô đã là một chỗ dựa cho anh. Và gia đình đã làm lại từ đầu trong yêu thương.

 

Và con cũng biết rất nhiều gia đình, nhờ lời cầu nguyện của vợ, của chồng mà đã có sự hoán cải, sự biến đổi trong gia đình như gương của thánh nữ Monica, và nhiều người mà con có dịp gặp gỡ.

 

Nhìn lại câu chuyện trên ta thấy đâu đó câu chuyện của đời mình, của gia đình mình. Cuộc đời của mỗi người chúng ta, nhất là trong các cặp gia đình, trẻ có, già có, đều đã trải qua nào là sóng gió, thử thách trong gia đình. Biết bao lần ta tưởng chừng mình không thể sống với nhau được nữa. Bao lần ta cứ ngỡ đường ai nấy đi, và sống với nhau chỉ là chịu đựng mà thôi. Và lời Chúa dạy chúng ta, hãy đến với Chúa…. Việc ta phải làm là tin tưởng vào Chúa cách tuyệt đối. Ước mong cho tất cả gia đình của chúng ta luôn biết chạy đến với Chúa dù ta có đang gặp khó khăn thử thách đến như thế nào.

 

Và có lẽ có một vài nhận thức mà mình cần thay đổi để gia đình hạnh phúc hơn. Tập sống với sự không hoàn hảo trong gia đình mình.

Không có gia đình nào hoàn hảo! Tại sao? Con nhớ để đào tạo một linh mục, tu sĩ ít là mất 9 năm, nhưng cha mẹ thì sao? Để chuẩn bị cho cuộc sống gia đình, theo con được biết họ chỉ được học giáo lý nhiều nhất là 6 tháng. 6 tháng cho một môn học làm vợ, làm chồng, làm cha, làm mẹ quả là một thời gian rất ngắn ngủi nếu không nói là quá ít, chưa kể những gia đình cưới gấp, chỉ học vài 3 tháng. Chắc ai cũng nhớ những sự lóng ngóng của mình khi lần đầu lên thiên chức làm cha, làm mẹ. Con nhớ có lần đọc tin nhắn của một bà mẹ bỉm sữa, em chia sẻ về sự khủng hoảng của mình sau khi sinh, mọi thứ đều thay đổi. Niềm vui làm cha, làm mẹ được đánh đổi bằng những sự thay đổi về phong cách sống, về thời gian, về giấc ngủ… và cũng phải học để hiểu tiếng khóc của con… Mọi thứ đảo lộn. Và nhiều khi vợ chồng cũng tranh cãi nhiều hơn, nhất là những cặp vợ chồng chưa sẵn sàng cho giai đoạn này.

Đời sống gia đình đang gặp rất nhiều thách đố và khó khăn, và các gia đình đang bị tan vỡ theo nhiều cách khác nhau. “Sự tan vỡ tiếp tục diễn ra trong suốt chu kỳ vòng đời của gia đình.” Cuộc sống lứa đôi luôn có những sự khủng hoảng, những vết nứt và cũng là lời mời gọi cho các cặp vợ chồng biết xem đây là cơ hội để hiểu hơn về người bạn đời của mình, và làm cho mối tương quan ấy sâu sắc hơn. Và để cho tương quan được trưởng thành hơn, đòi buộc hai người biết rõ mình là ai, biết điều gì làm mình vui, điều gì làm mình buồn, điều gì làm mình bị kích hoạt những vết thương sâu trong tuổi thơ. Và điều lạ lùng là khi họ có thể mở lòng ra sẻ chia, và học để ôm ấp, đón nhận nhau với tất cả những thương tổn làm cho tương quan của họ được sâu đậm hơn, và cũng giúp họ chữa lành, hàn gắn lại quá khứ của mình. Nhất là, khi khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong mối quan hệ hôn nhân của mình, họ có thể giải quyết / các vấn đề nảy sinh từ cuộc hôn nhân của họ. Một số cặp vợ chồng thành công. Một số không.

Khi vợ chồng xung đột với nhau, nó không chỉ ảnh hưởng đến tương quan giữa hai người, mà còn ảnh hưởng đến con cái của họ. Thật vậy, nhiều đứa trẻ trở nên ngỗ nghịch, quậy phá chỉ vì đây là cách mà nó đang cầu cứu cho gia đình của nó. Vì trong chính mái nhà nó không cảm nhận được sự bình an, mà sự hỗn độn, trong đó bố mẹ thường xuyên cãi vã, tranh luận, hơn thua với nhau. Và càng về sau này con càng tâm đắc một câu mà con được học và có dịp suy ngẫm nhiều: Điều tốt nhất bố mẹ có thể làm cho con cái là hãy yêu thương nhau. Đứa trẻ nó rất nhạy cảm và nó cảm nhận được gia đình có đang hạnh phúc không.

Bố mẹ cũng tan vỡ vì chuyện của con cái. Có nhiều bậc cha mẹ thật sự rất khổ vì con cái. Khi con cái lớn lên, cha mẹ trải qua việc bị đổ vỡ theo những cách khác nhau. Cha mẹ có thể đã thực sự cố gắng kiên nhẫn để trở nên quan tâm, có trách nhiệm và yêu thương, nhưng con cái của họ có thể hiểu sai về tình yêu và sự hy sinh của họ. Cha mẹ có thể có ý định tốt, nhưng con cái không thấy như vậy. Điều khiến trái tim cha mẹ đau đớn, tan nát là khi tất cả những hy sinh, yêu thương của họ không được con cái ghi nhận và thấu hiểu. Điều này có nghĩa là cha mẹ ở một giai đoạn nào đó trong cuộc đời của con cái họ phải tin tưởng chúng và để chúng ra đi khỏi vòng tay của họ.

Không dễ để cha mẹ nghĩ rằng con cái không phải của riêng mình. Cha mẹ chỉ đơn giản là người hướng dẫn và quản lý hành trình của con mình. Tất cả các bậc cha mẹ đều trải qua cảm giác đau lòng khi để con cái tự quyết định. Những đứa trẻ muốn tự chủ trong cuộc sống trưởng thành trẻ tuổi của chúng. Chúng muốn chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình. Chính lúc này, cha mẹ thường phải trải qua nỗi đau chia lìa trong tình cảm. Họ phải đối mặt với sự thật rằng con họ không phải chỉ là con của họ. Họ không sở hữu con cái của họ. Vì vậy, và cha mẹ bị giằng co giữa việc để cho con cái được tự do hay tiếp tục kiểm soát chúng.

Có những bố mẹ quá nghiêm khắc, quá quan tâm, quá chu đáo, bắt con phải làm theo, và những đứa trẻ đang vùng lên. Một ngày tình cờ, tôi nhận được tin nhắn của một em, em ấy gửi một tấm hình với một câu: “Không có cha mẹ con vẫn sống được. Bớt nghĩ mình quan trọng.” Đây có thể là một nỗi đau của cha mẹ khi nghe điều đó, nhưng đồng thời cũng chấp nhận cắt đứt dây rốn theo một nghĩa nào đó để con được tự lập, được lớn lên. Đau chứ! Ba mẹ nào mà chẳng quan tâm đến con, nhưng cũng có những lúc cũng phải đứt ruột để cho con ra đi như hình ảnh người cha trong dụ ngôn người con hoang đàng. Đau lắm chứ… Và con cũng cảm nhận Chúa cho mình tự do để đáp trả và tất cả chúng ta cũng được mời gọi để cho con cái mình tự do hơn, nhưng không có nghĩa là buông bỏ, nhưng vẫn luôn sẵn sàng chào đón người con trở về.

Có dịp gặp gỡ và chia sẻ với nhiều phụ huynh, con cảm nhận được những trăn trở của phụ huynh. Họ thường xin con cầu nguyện cho con của họ. Tính tình nó thay đổi quá rồi. Nó không còn coi ra gì nữa. Con nói một câu, nó nói một câu. Nó không còn nghe con nữa. Nó luôn tìm cách tránh né con.

 

Khi mà ta thương con cái của chúng ta, chúng có hiểu không? Có nhiều đứa con nó không hiểu được tình thương mà ba mẹ dành cho con cái. Nhất là trong gia đình có con tuổi teen, tuổi mà người ta gọi là tuổi chướng, tuổi ương, tuổi bướng. Các nhà tâm lý nói rằng, giai đoạn tuổi teen, khi một đứa bé nó bước qua giai đoạn chuyển tiếp đến giai đoạn trưởng thành. Trong giai đoạn này, nó khám phá ra sự thay đổi trong con người của nó. Và giai đoạn này nó rất nhạy cảm, về những gì cha mẹ nói với nó.  Một lời hạch hỏi của nó, làm cho nó cảm thấy nó như một tội phạm, cảm giác bị lên án, khi nghe như thế nó sẽ phản ứng rất mạnh. Trong giai đoạn này các em không muốn bị kiểm soát. Nhiều khi cách nói, cách hỏi của cha mẹ, làm cho trẻ cảm thấy như đang bị hỏi cung. Đừng thấy lạ vì tính nết nó thay đổi vì bản thân nó bị áp lực rất nhiều bởi bạn bè.  Tất cả những lời nói của cha mẹ, của bạn bè nó ghi nhớ tất cả và làm cho nó cảm thấy nó không tốt đủ. Nó bị áp lực của cha mẹ nữa, nó sẽ cảm thấy cô đơn, và nó sẽ khép mình lại. Và nó cũng đang khủng hoảng. Cha mẹ cần kiên nhẫn trò chuyện với con. Đừng vội vàng quá. Hãy quan tâm đến nó nhiều hơn. Hãy ngồi xuống, lắng nghe, tạo sự kết nối và trở nên đồng bọn của nó. Vd: con mê chơi games, có bao giờ bố mẹ ngồi chơi games với con, để tìm hiểu tại sao con mê games không? Khi bố mẹ quan tâm đến con cái, thì trẻ vượt qua được vì nó cảm thấy được khích lệ, vượt qua được những khó khăn, khủng hoảng bố mẹ luôn ở đằng sau để hỗ trợ

Trẻ em cảm thấy bị tổn thương khi chúng bị so sánh với nhau. Và chính sự so sánh, đối xử không công bằng của bố mẹ, sẽ tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các con. Chúng vô cùng đau khổ khi nghĩ đến việc cha mẹ thưởng tình yêu cho mình chỉ khi chúng làm tốt và thành công.

Trong một chương trình giáo dục cha mẹ của Thầy Trần Quốc Phúc mà tôi vừa xem gần đây, tôi thấy thật thú vị khi thầy dẫn dắt. Một câu đố để dành cho các bậc cha mẹ là con của mình sợ con gì nhất? Quý OBACE đoán và gõ vào hộp chat thử xem ạ? Đó chính là CON NGƯỜI TA. Và không chỉ như thế, ta sẽ cảm thấy thế nào khi vợ mình suốt ngày so sánh chồng mình với chồng người ta và ngược lại. Điều này làm cho người bị so sánh luôn cảm thấy áp lực, lo sợ tự ti, kém cỏi, cảm giác không được yêu.

Tất cả đều bắt đầu từ gia đình. Một đứa trẻ có thể thay đổi và trở nên tốt hay xấu đều bắt đầu từ gia đình. Trường học là một chuyện. nhưng nếu gia đình không vững, trường học nó sẽ kéo. Không phải cái gì ở trường học cũng tốt. Trường học dạy khoa học là tất cả, không có Chúa, tách nó ra khỏi ra đời sống đạo đức. Ở gia đình, nếu bố mẹ đi làm quá nhiều, thì con cái sẽ giao cho ai đây? Nó biết làm gì với thời gian rảnh rỗi, ngoài việc chơi games, chơi điện tử để giết giờ, tìm sự giải khuây, tìm cảm giác anh hùng, và lấp đầy sự trống trải.

Nhiều đứa trẻ không cảm thấy mái nhà là mái ấm. Chúng không cảm thấy nhà như một nơi yêu thương, thoải mái và an toàn, thay vào đó là sự bất an, sự cô đơn, sự buồn tủi, sự bị bỏ rơi. Chúng không cảm giác mình đang ở nhà dù đang sống trong nhà! Và chúng chia sẻ, con không muốn về nhà vì nhà không có ai.  Và có dịp lắng nghe bố mẹ, thì con cũng cảm nhận được rằng vì con về không có ai, nên con lại đi làm. Lời khuyên dành cho bố mẹ là dành thời gian cho con cái. Vì nó thực sự rất khác. Nó đi chơi và nghĩ rằng bố mẹ nó ở nhà, khác với việc nó đi chơi mà nhà không có ai.

Khi một đứa trẻ nghĩ vì nhà mà không có ai, thì gia đình chỉ như là nơi tạm trú. Bố mẹ quá bận rộn, không có thời gian, không quan tâm đến con cái nữa.  Nhiều đứa trẻ cảm thấy gia đình như hỏa ngục. và thế là nó đi chơi vì cảm thấy đi chơi vui hơn. Còn khi một đứa trẻ nó nghĩ đến gia đình là nơi mà bố mẹ quan tâm đến nó, bố mẹ chờ nó về ăn tối, chờ nó về trò chuyện, thì dù có đi chơi nó cũng mong về nhà. Bố mẹ tôi đang ở nhà.  Tuổi teen cần nhiều thời gian để trò chuyện hơn tuổi thiếu nhi. Nó biết bố mẹ có thực sự quan tâm đến nó hay không. Với một đứa trẻ, nó suy nghĩ theo một đường cắt rõ ràng, cộc lốc, nếu bố mẹ bận rộn, đi làm suốt ngày, nghĩa là bố mẹ không yêu thương nó, và nó sẽ không gần gũi với bố mẹ nó nữa. và đây là điều rất nguy hiểm. sau này nếu bố mẹ có cố gắng nhiều thì cũng muộn rồi. Không bao giờ đánh con. Nói chuyện với con với sự nhẹ nhàng, hướng dẫn và chỉ bảo, cắt nghĩa cho con cái,

 

Đối với bố mẹ có con cái đang ở tuổi đại học, hay đã đi làm, tuổi tạm gọi là đủ lông đủ cánh, thì lại càng không dễ. Nó vẫn ngoan, nó vẫn gọi điện thoại về, nhưng nó còn đi lễ nữa không ạ? Nhiều bố mẹ than phiền là con cái nó bỏ lễ rồi. Tại sao vậy? Có rất nhiều lý do, nhưng con chỉ muốn đưa ra 3 lý do chính.

 

Lý do thứ 1. Bây giờ chương trình học rất căng thẳng. Cuối tuần thì muốn giải trí. Các bạn trẻ thì muốn giải trí như thế nào? Bạn bè tụ tập, café, trà sữa, bia rượu, hút sách, ăn uống, nhậu nhẹt, trai gái. Một đứa trẻ đi theo tâm trí như thế thì làm sao mà đi lễ được? Đi lễ được gì?  Đi lễ cha giảng dài, dở…. Có rất nhiều lôi cuốn…. Và đối với những bạn trẻ đang đi làm, cũng bị cuốn vào công việc vì mong ước có cuộc sống đủ đầy hơn, thoải mái hơn, tiện nghi hơn vì bị cuốn theo chủ nghĩa tiêu thụ. Làm sao có được nhiều tiền để mua sắm mà muốn có tiền thì phải đi làm… Mục đích sống là hưởng thụ…. Có tiền để có xe, có điện thoại, đi du lịch như chúng bạn

 

Lý do thứ 2: Các em bỏ nhà thờ vì nó suy nghĩ, có Chúa cũng được, và không có Chúa cũng được, quan trọng là sống tốt, không phạm tội, chỉ cần ăn ngay ở lành… Khi một đứa trẻ chỉ mong ước một đời sống sung túc. Trong môi trường gia đình, ta thường chỉ nhắc nhở con gái khuyên con cố gắng học giỏi, để có công ăn việc lành. Có cha mẹ nào nói con bố mẹ muốn con trở thành người kitô hữu tốt? Bao nhiêu lần mình nói với nó là đến với Chúa, cố gắng đi lễ? Bố mẹ quá nhấn mạnh về việc học hành, đạt được cái này, trở thành ông này ông nọ. Và vô tình ta không giáo dục đức tin cho con cái ngay trong môi trường gia đình. Và khi nó lớn, làm sao mà nói nó đi lễ được?

 

Lý do thứ 3: Nghe có vẻ hơi đau lòng, nhưng nó là một thực tế vì chính bố mẹ không là một gương sống đạo cho con. Bố mẹ quá chú trọng về công ăn việc làm, đời sống vật chất,… Còn sống đạo quá hời hợt, nên chính những đứa trẻ khi bước vào đời cũng không cảm thấy vai trò của thánh lễ…Có những em hỏi tại sao phải đi nhà thờ. Bố mẹ cũng không giải thích được. Chỉ nó là ông cha bắt đi, không đi là có tội, xuống hỏa ngục. Nó không còn nghe nữa rồi. Chính vì vậy các bạn trẻ rời xa đạo. Nghe có vẻ hơi buồn, nhưng lỗi là do cha mẹ. Khi ta hướng con cái không biết phân biệt chính phụ.

 

Ta có thể làm gì nữa đây? Con cái gần như đã vụt khỏi tầm tay rồi vì nó có thế giới riêng rồi. Việc tốt nhất là hãy nối sợi dây liên kết với con cái, đừng bỏ rơi nó, cho nó cảm thấy nó là một phần của gia đình, cho nó cảm nhận tình thân, tạo sự tin tưởng với con cái, luôn quan tâm hỏi thăm. Khi con cái gặp khó khăn, mà có thể chia sẻ với bố mẹ là ăn tiền rồi. Lúc đó mình có thể chia sẻ, có thể nói cầu xin Chúa và đi xa hơn có thể hướng dẫn con bằng câu nói “sao con không thử cầu nguyện đi, hỏi xem Chúa muốn gì?” Chia sẻ kinh nghiệm cầu nguyện của mình trước những khó khăn. Đây là những cơ hội để kéo nó đến với Chúa. Khi mình có được sợi dây liên kết với con của mình, nó sẽ ở với mình, liên lạc với mình. Đừng bao giờ đánh mất kết nối với con. Khi không có kết nối, thì không thể kéo nó về được.

 

Bố mẹ phải cho ta thấy được vẻ đẹp của đạo công giáo, của làm người con Chúa.  Mọi người đều thích cái đẹp. Đạo là gì? Đi lễ nghe giảng, buồn ngủ, chính. Mình phải sống đạo trước thì mới thấy vẻ đẹp để chia sẻ. Có thể chia sẻ kinh nghiệm… cách Chúa làm cho cuộc đời mình qua đời sống cầu nguyện…. qua những giá trị Tin Mừng, khi bố mẹ biết sống yêu thương, tha thứ cho nhau…. Sống đạo…. chứ không đơn giản là giữ đạo. Áp dụng nó vào cuộc sống, vào gia đình của mình. Đưa giá trị Tin Mừng vào trong đời sống gia đình của mình.

 

Mỗi gia đình là một hội thánh tại gia. Vai trò và trách nhiệm của bố mẹ rất nặng. Làm sao đưa con cái về bến thiên đàng. Làm sao để đưa con đến với Chúa…

Đây là những khó khăn, thách đố và đổ vỡ trong gia đình bình thường, nhưng còn những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt như có người nghiện ngập bia rượu, bài bạc, con cái bị thương tật, thì đúng là một thánh giá rất lớn mà cha mẹ phải mang vác. Thiên Chúa cũng hiện diện ở đây trong những thực tại gia đình này. Và một số gia đình xảy ra các biến cố, các tai nạn: cái chết do tai nạn của một đứa trẻ, căn bệnh ung thư giai đoạn cuối đau đớn kéo dài, một tai nạn ô tô khiến một người bất động suốt đời. Chúa đã để cho các sự kiện xảy ra theo một cách bí ẩn. Một số điều dường như hoàn toàn không thể giải thích được. Tuy nhiên, Thiên Chúa hiện diện với và trong mỗi người chúng ta qua từng biến cố buồn vui của cuộc đời. Mỗi vết thương đều trở thành những cơ hội để chữa lành và khiến chúng ta thực sự mạnh mẽ hơn trước. Những khủng hoảng trong đời sống gia đình không chỉ là thách đố nhưng là cơ hội để cả gia đình bám vào Chúa hơn, và bám vào nhau nhiều hơn.

Trong những kinh nghiệm đổ vỡ hàng ngày trong gia đình, Chúa luôn đồng hành và chính Ngài cũng đang bị tan vỡ, bị đau đớn. Ai trong thế giới này mà không bị tổn thương? Nhưng chúng ta được mời gọi để đón nhận những tổn thương của chính mình, mở ra và cùng nâng đỡ nhau. Đây là một thánh giá của mỗi người chúng ta. Chúng ta cũng cần hiểu rằng thánh giá chính là cơ hội đưa con người đến vinh quang. Thật vậy, sẽ không có Chúa Nhật Phúc Sinh nếu không có thứ Sáu tuần thánh. Chính những đau thương là cơ hội cho chúng ta trưởng thành hơn trong mối tương quan gia đình và cũng là cơ hội để ta trưởng thành hơn. Trong sự đổ vỡ của chúng ta, luôn có một mầm sống mới và cuộc sống mới.

  1. Đời sống gia đình được trao ban và sẻ chia.

Chúng ta nhận thấy rằng vấn đề của các cặp vợ chồng và gia đình đến từ việc không tìm thấy cơ hội thích hợp để có thể chia sẻ, tâm sự, nói lời thật lòng. Công việc, sự vội vã, áp lực, sự mệt mỏi làm cho ta không có thời gian cho gia đình. Những bữa ăn chung cũng thưa dần, thậm chí nhiều gia đình không còn dùng cơm chung dù chỉ một ngày một lần, hay một tuần một lần. Nhiều bạn trẻ hôm nay đã mất đi cảm thức ý nghĩa của việc ngồi cạnh bên nhau trong bữa ăn.  Và tôi thiết nghĩ, đây cũng là một cơ hội để chúng ta khôi phục lại những dịp tổ chức lễ và quay quần bên nhau, để cùng nhau chia sẻ bữa ăn, thời gian và chuyện trò. Thật vậy, đâu đó có cái gì đó sai sai về thứ tự ưu tiên trong cuộc sống. Mình luôn nói làm mọi thứ cho gia đình được đủ đầy, thoải mái hơn, nhưng nhiều khi có tiền nhưng lại vắng mặt, hoặc ở ngay cạnh nhau nhưng lòng cách xa.

Cuộc đời này cần lắm những khoảng thời gian bên nhau. Chúng ta cũng học để có những ưu tiên, gia đình có phải là chọn lựa cuối cùng? Có dịp làm việc với những gia đình di dân, em cảm nhận được sự thiếu thốn tình thương của những đứa trẻ. Cái chúng cần không chỉ là những món đồ chơi đắt giá, điện thoại mới nhất, nhưng chính là sự hiện diện thực sự của bố mẹ với khoảng thời gian chất lượng.

 

Hàng tuần hãy dành một khoảng thời gian chất lượng nhất định cho nhau để cùng nhau lên kế hoạch, trò chuyện, trao đổi, bảo ban và vui vẻ bên nhau. Ngoài ra cũng nên dành thời gian trò chuyện thân mật với từng thành viên trong gia đình. Tôi tin cuộc sống của bạn sẽ có những thay đổi đáng kể.

Thật vậy, gia đình cần lắm sự sẻ chia. Làm sao ta có thể hiểu nhau nếu không ngồi với nhau, bỏ qua những khác biệt, để nói cho nhau nghe, để lắng nghe nhau. Nhưng sao chia sẻ trong gia đình khó quá?! Tôi nhớ câu chuyện của một bạn sinh viên, bạn thi rớt tốt nghiệp và rất buồn. Bạn có thể dễ dàng mở lòng với bạn bè, với người ngoài, nhưng với bố mẹ, với gia đình thì không. Khi con hỏi tại sao? Bạn chỉ trả lời là con sợ lắm. Bố mẹ giết con mất, con đã phụ lòng của bố mẹ…

Dẫu biết chia sẻ là bày tỏ nỗi niềm, đó là thông báo cần thiết hoặc tiếp nhận những thông tin cần thiết để người thân hiểu rõ, hiểu thêm, hiểu sâu, hiểu kỹ những vấn đề vướng mắc, những trăn trở băn khoăn, những gì cần giúp đỡ, hợp tác, giải tỏa, giải quyết tháo gỡ bức xúc trì trệ, ách tắc. Chia sẻ trách nhiệm, chia sẻ khó khăn thiếu thốn, những hụt hẫng về tình cảm, về vật chất cũng trở nên cần thiết với các thành viên trong gia đình. Nhưng ta thật sự sợ mở lòng. Mỗi lần mở lòng là mỗi lần mạo hiểu. Sợ làm bố mẹ hụt hẫng, sợ biết rồi sẽ không yêu, không cung cấp, không cho tiền nữa, sợ đổ bể, sợ mất kết nối…. khi nói ra sự thật…. Cái giá của sự cởi mở cũng rất đắt!

Sự cởi mở trong giao tiếp gia đình chính là nhịp cầu nối những yêu thương và xây dựng nên tòa lâu đài hạnh phúc. Nếu không có sự sẻ chia, trong đời sống gia đình sẽ dẫn đến những khép kín tâm tư, tạo ra sự cách biệt vợ chồng, cách biệt giữa các thế hệ ở chung một mái nhà. Đó thực sự là những bế tắc, bức bách trong cuộc sống gia đình và là mầm mống cho những hiểu lầm, mâu thuẫn xung khắc, hiện tượng này cha ông ta đã có câu thành ngữ rất chí lý: “Đồng sàng dị mộng”. Người trong một nhà nằm chung một giường nhưng tâm tư, ý nghĩ, tình cảm lại rẽ về hai phía, lại xa cách một cách khủng khiếp. Cái hố sâu ngăn cách tình cảm ấy không dễ gì san lấp, xóa nhòa được. Chỉ có sự sẻ chia mới thoát ra khỏi cảnh đồng sàng dị mộng.

 

Sự sẻ chia trong sinh hoạt gia đình, trong đời sống vợ chồng không cứ gì phải to tát. Nó nảy nở giao tiếp qua lại bình dị trong bữa ăn, giấc ngủ, trong lời ăn tiếng nói. Chia sẻ công việc gia đình để gắn kết tình vợ chồng. Chia sẻ gánh nặng áp lực trong công việc sẽ làm cho người thân, bạn đời thoải mái hơn.

 

Có dịp quan sát một vài gia đình, tôi khám phá ra nhiều “chuyện hài”. Mỗi lần về anh cũng hay giúp vợ lau dọn nhà, nhưng vợ anh thường hay làm lại, và chê anh lau nhà không sạch. Thế là dần dần, anh không bao giờ đụng tay, đụng chân vào việc nhà nữa ạ. Và cô vợ thì luôn than phiền là quá vất vả, vừa phải lo đi làm, vừa phải chăm sóc con cái, nhà cửa trong khi ông chồng thì không buồn đụng tay vào việc gì. Cô càng than phiền, càm ràm, thì ông chồng càng im lặng. Thực ra lỗi một phần là do người vợ, đã không ghi nhận sự cố gắng, sự giúp đỡ của người chồng.

 

Và để tạo ra được bầu khí cho sự chia sẻ, ta cũng học để lắng nghe nhau, lắng nghe để hiểu, lắng nghe với sự thấu cảm, và để cho nhau nói hết câu, hết lời, hết ý, đừng nghĩ rằng mình có khả năng đọc được người khác. Con nhớ có một lần trong một buổi gặp gỡ các gia đình, hôm đó để cho sống động, chúng con có một hoạt động, cho vợ chồng nhắm mắt lại và cầm tay đoán xem ai là vợ/ chồng mình… Và kết quả là chỉ có 1 cặp đoán đúng những vết chai, vết sạn trên tay người bạn đời của mình.

 

Và cũng một hoạt động tương tự như vậy cho các con, xem bố mẹ hiểu được con cái bao nhiêu và ngược lại, kết quả là họ có những đáp án hoàn toàn không khớp. Điều ấy cho thấy gì ạ? Mình cứ ngỡ là mình biết tỏng người bạn đời của mình, con của mình, nhưng những gì mình biết có đúng không, đủ không. Nếu đúng thì đúng được bao nhiêu phần trăm? Và do đó cần lắm việc lắng nghe, và cần nói cho nhau nghe…., cần chia sẻ. Và con biết một số gia đình đã duy trì được một truyền thống rất tốt đó là gia đình làm phút hồi tâm, trong đó mọi người đọc Lời Chúa, sau đó nói lời cám ơn Chúa, cám ơn và xin lỗi nhau. Đó cũng là nơi mọi người có thể chia sẻ thâm sâu, và buông dần mặt nạ và cái tôi của mình xuống.

 

Và một điều cũng rất quan trọng là tôn trọng thế giới quan của nhau, không xem mình là chân lý. Làm sao để cả hai đều có cảm giác thắng khi chia sẻ, chứ không phải kẻ thắng người thua.

 

Đời sống hôn nhân và gia đình cần được xây dựng trên sự tin tưởng và tình bạn. Nền tảng của đời sống hôn nhân là hai người với những sự khác biết đến với nhau, trao cho nhau niềm tin và mong muốn làm cho tình yêu được bền lâu hơn. Trong tất cả chiều kích của đời sống gia đình,  việc tin tưởng và hiểu biết về nhau tạo ra một tương quan bền lâu. Gia đình nào mà trong đó các thành viên trong gia đình có thể cởi mở và sẵn sàng chia sẻ thì gia đình đó thường có những mối tương quan khắng khín hơn bởi vì họ có khả năng làm cho mình được biết đến cũng như biết được nhiều hơn.

 

Nơi bàn tiệc Thánh Thể, mọi người cùng nhau đến nơi bàn tiệc của Thiên Chúa để chia sẻ với nhau trong tình bạn và sự tin tưởng, chìa khóa của sự hiệp nhất trong Chúa. Sự thân mật này giúp cho họ phát triển như là người chia sẻ sự  hiệp nhất trong Chúa, giúp họ lớn lên và trưởng thành hơn như là một phần tử của cộng đoàn đức tin. Trong câu chuyện trên đường Emmau, các môn đệ nhận ra Chúa ngay trong bữa ăn. Như Chúa Giêsu đã mạc khải cho các tông đồ, Ngài cũng mạc khải cho chúng ta trong bí tích Thánh thể, vì vậy các thành viên trong gia đình làm cho mình được biết đến ngang qua những hoạt động thường ngày. Sự thân mật trong đời sống gia đình dẫn dắt cho sự trưởng thành hơn trong tương quan và cung cấp cho tất cả các cá nhân sự nâng đỡ để họ có thể vượt ra khỏi chính mình. Và sự thân tình đó không xảy ra trong nháy mắt. Nó cần được nuôi dưỡng bằng thời gian, và  sự giao tiếp liên tục, và nó bao gồm cả sự liều lĩnh để chia sẻ cho người khác biết mình.

 

Chúng ta có thể học sự trao ban, sự hiến tế đến cùng trong bí tích thánh thể, gia đình cũng được mời gọi để tạo ra văn hóa của sự quảng đại ngay trong chính ngôi nhà của mình, sẻ chia cho anh em, cho bố mẹ, cho những người lớn tuổi. Ngoài ra, đời sống gia đình còn phải vươn đến một trách nhiệm, một sứ mệnh lớn hơn đối với cộng đồng. Như giúp đỡ của cải đối với những gia đình đang gặp rủi ro, tham gia tạo ra sự thay đổi trong cộng đồng nơi mình sống hay rộng hơn là tham gia các tổ chức từ thiện. Sự đóng góp này mang lại một cảm giác thỏa mãn cao cả, không chỉ với từng cá nhân thành viên mà còn với cả gia đình. bắt tay vào thực hiện sự đóng góp trong cuộc đời. Khi nhìn thấy tấm gương của mẹ, con cái cũng chia sẻ, tham gia.

 

Và cuối cùng là làm thế nào để ý thức được sự hiện diện của Chúa trong mỗi một cuộc gặp gỡ với người khác như thể chúng ta tìm thấy Chúa ẩn mình trong đời sống của chúng ta. Trong sự thăng trầm, khó khăn và thử thách, giữa những gì rất đời thường, Chúa vẫn hiện diện cách sống động. Thiên Chúa vẫn tiếp tục xây dựng dựa trên sự không hoàn hảo trong tất cả đời sống gia đình và làm cho nó trở nên trọn hảo hơn. Nhận ra được sự thánh thiêng trong sự tầm thường, và trở nên thân thể của Đức Kitô trong đời sống của chúng ta chính là trung tâm của sự sự phát triển linh đạo Thánh Thể trong trong đời sống gia đình.

 

Trong tâm hồn mỗi con người, ai cũng mong mỏi một  “mái ấm gia đình”, với các mối quan hệ hòa thuận và quan tâm đến nhau. Và chúng ta không bao giờ được từ bỏ khát vọng về mái ấm. Cho dù có những khó khăn, hay thấy mình đang bị chệch hướng đến đâu đi nữa, chúng ta vẫn có thể từng bước sửa chữa những sai lầm. Cho dù con cái bạn đang xa cách bạn đến mức nào đi nữa, hãy kiên nhaãn, Đừng bao giờ bỏ cuộc, bởi con cái là xương là máu của bạn. Giống như dụ ngôn người con hoang đàng, sau khi rời bỏ gia đình, trải qua bao nhiêu vất vả, khổ sở, cuối cùng người con hoang đàng quay trở về trong vòng tay ấm áp của cha mẹ. Bạn sẽ giành được con của mình.

 

Choi Kwanghyun, tiến sĩ tâm lý học về gia đình đã nhấn mạnh. “Gia đình là nơi càng cố gắng bao nhiêu càng hạnh phúc bấy nhiêu. Chúng ta cần cố gắng để biến ngôi nhà thành một tổ ấm, nơi các thành viên cảm thấy bình yên và thuộc về”. Và do đó chúng ta cần làm mới lại truyền thống của gia đình mình, tạo bầu khi gia đình, văn hóa gia đình, viết lại những điều mình thực sự muốn cho gia đình mình, mục tiêu của gia đình – bản tuyên ngôn của gia đình. Và bắt đầu một cách nhẹ nhàng. Đôi khi chỉ là một cuộc trò chuyện trong những ngày cuối tuần, hay làm phút hồi tâm vào những dịp cuối năm, cuối ngày, hay những dịp sinh nhật,…, để nói lời biết ơn nhau. Mọi chuyện đều cần thời gian của nó. Nó không xảy ra ngay lập tức.

 

Và hãy góp phần của mình để dựng xây mái ấm, giữ lửa yêu thương mãi luôn trong gia đình.

 

Với ước mong, 4 động từ Thánh Thể: được tuyển chọn, được chúc lành, bị bẻ ra và trao ban trong gia đình mà tôi vừa chia sẻ có thể giúp các anh chị nhìn lại gia đình mình, và viết lại câu chuyện gia đình mình, xây dựng nền văn hóa, tạo bầu khí cho gia đình mình mà nơi đó dù ai đi xa cũng muốn quay về nhà.

Kiểm tra tương tự

Lắng nghe Thiên Chúa qua trí tưởng tượng

Tôi chưa bao giờ ngừng ngạc nhiên về vô số cách mà Thiên Chúa nói …

Đức Thánh Cha Phanxicô: Hy vọng là biết vui cười

“Hy vọng” – Cuốn tự truyện dày 400 trang của Đức Thánh Cha Phanxicô, được …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *