Gia đình, con người và xã hội
Trong Dân Chúa, gia đình được thừa nhận như là một tài sản vô giá, một thiết lập tự nhiên, nơi sự sống lớn lên và phát triển. Gia đình cũng là trường nhân văn, tình yêu và hy vọng cho xã hội. Gia đình vẫn luôn là nơi ưu tuyển, trong đó Đức Kitô mặc khải mầu nhiệm và ơn gọi của con người. Cùng với chuyện xác nhận những chân lý cơ bản thông thường này, rất nhiều người đồng ý rằng gia đình có khả năng trở thành nơi ưu tuyển, dù họ vẫn ám chỉ và thường nói cách minh nhiên, đến những khó khăn gây lo lắng giữa các hình thức gia đình trong thế giới ngày nay với giáo huấn của Giáo Hội liên quan. Những hoàn cảnh, câu chuyện thực tế cuộc sống và những thử thách phức tạp cho thấy rằng gia đình đang trải qua những thời kỳ rất khó khăn, cần đến sự thương cảm và hiểu biết của Giáo Hội trong việc đưa ra những hướng dẫn cho các gia đình “như chúng là” và, từ điểm khởi này, có thể loan báo Tin Mừng Gia Đình trong việc đáp lại những nhu cầu riêng biệt của nó.
Các câu trả lời thừa nhận rằng, như trong hàng thế kỷ qua, gia đình đóng một vai trò quan trọng trong xã hội như là nơi đầu tiên con người được hình thành trong xã hội và cho xã hội. Vì gia đình là nơi tự nhiên cho sự phát triển của cá nhân, nó là nền tảng của xã hội và của đất nước. Tóm lại, gia đình được định nghĩa như là “xã hội con người căn bản”. Từ chính những năm đầu của sự hiện hữu một con người, gia đình là nơi lưu truyền và học hỏi các giá trị, chẳng hạn như tình huynh đệ, lòng trung thành, tình yêu dành cho chân lý và công việc, sự tôn trọng và tình liên đới giữa các thế hệ, đó là chưa nói đến nghệ thuật thông truyền và cảm giác vui tươi trong cuộc sống. Gia đình là nơi tuyệt vời để sống và thăng tiến nhân phẩm cùng các quyền của người nam và người nữ. Gia đình, đặt nền trên hôn nhân, là nơi huấn luyện toàn diện các công dân tương lai của một đất nước.
Một trong những thách đố to lớn của gia đình ngày nay hệ ở những nỗ lực trong chính sự riêng tư hóa của nó, bất chấp rủi ro mà quên đi rằng gia đình “là tế bào nền tảng của xã hội, nơi mà chúng ta học cách sống với người khác dù đang phải đối diện với những khó khăn và học cách thuộc về nhau” (EG, 66). Điều cần phải được làm rõ là ý tưởng về gia đình xét như là một nguồn lực trong xã hội, có nghĩa là, một nguồn mạch những nhân đức thiết yếu cho một cuộc sống trong cộng đồng. Trong một gia đình, người ta học biết về một cảm thức công ích và trải nghiệm điều tốt đẹp của việc sống với nhau. Không có gia đình, người ta không thể thoát ra khỏi chủ nghĩa cá nhân, vì đó là nơi duy nhất người ta học được sức mạnh của tình yêu để cứu vãn cuộc sống và “không có một tình yêu đáng tin tưởng thì không gì có thể thực sự giữ người nam và người nữ lại với nhau. Lúc đó, sự kết hiệp giữa con người chỉ có thể được hiểu trên nền tảng tính hữu ích, trên sự tính toán những lợi ích qua lại hay trên nỗi sợ, chứ không phải trên điều tốt lành của việc sống với nhau, không phải trên niềm vui do sự hiện diện thuần túy của những người khác mang lại (LF, 51).
Thượng Hội Đồng cũng sẽ phải suy tư về việc làm thế nào để cổ võ trong thế giới ngày nay một thừa tác vụ khuyến khích việc tham gia của các gia đình trong xã hội. Các gia đình không chỉ là chủ thể được đất nước bảo vệ nhưng còn phải nhận lãnh lại vai trò như là chủ thể tích cực trong xã hội. Liên quan đến vấn đề này, có những thách đố sau đây nổi lên: tương quan giữa gia đình và nơi làm việc; tương quan giữa gia đình và giáo dục; tương quan giữa gia đình và sức khỏe; khả năng của gia đình trong việc kết nối các thế hệ lại với nhau để không bỏ lơ người trẻ và người già; vị thế của các quyền trong thể chế gia đình và các tương quan cá biệt của nó; và việc cổ võ các luật công bằng, chẳng hạn những luật đảm bảo cho việc bảo vệ đời sống con người khỏi những quan niệm của nó và những luật giúp thăng tiến yếu tố tốt đẹp mang tính xã hội của một hôn nhân chân thực giữa một người nam và một người nữ.
Nơi hình ảnh đời sống Ba Ngôi
Có nhiều câu trả lời quy vào hình ảnh Ba Ngôi phản chiếu nơi gia đình. Kinh nghiệm tình yêu hỗ tương giữa cặp vợ chồng giúp ta hiểu được đời sống tình yêu của Ba Ngôi. Qua việc sống sự hiệp thông trong gia đình, con cái có thể nắm bắt được chút nào đó hình ảnh về Ba Ngôi. Gần đây, Đức Thánh Cha Phanxicô, trong loạt giáo lý về các bí tích, đã gợi nhắc rằng “khi một người nam và một người nữ cử hành Bí Tích Hôn Phối, Thiên Chúa có thể nói là “được phản chiếu lại” trong họ; Ngài ghi khắc trong họ những đặc điểm của riêng mình và tính chất không thể xóa nhòa của tình yêu Ngài. Hôn nhân là biểu tượng của tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta. Thực vậy, Thiên Chúa cũng là một sự hiệp thông: ba Ngôi, Cha, Con và Thánh Thần, hằng sống trong sự kết hiệp hoàn hảo. Và đây chính xác là mầu nhiệm của Hôn Nhân: Thiên Chúa làm cho cặp vợ chồng nên một sự sống duy nhất” (Tiếp kiến chung, 2.4.2014).
(Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới, The Pastoral Challenges of the Family in the Context of Evangelization (Instrumentum Laboris), Bản dịch Việt ngữ của Lê Hoàng Nam, SJ, số 31-35)
Cầu nguyện
Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi, xin thánh hóa và hướng dẫn gia đình chúng con, giúp chúng con biết chiêm ngắm và học nơi Chúa cách sống sự hiệp thông, chia sẻ, và phục vụ trong chính gia đình, cũng như trong môi trường xã hội nơi đó mỗi thành viên trong gia đình chúng con lao động và sinh hoạt. Xin cho sự hiện diện và cuộc sống của chúng con phản ánh tình yêu của Ngài. Amen.
Câu hỏi phản tỉnh
– Gia đình bạn có là nơi diễn tả sự hiệp thông, chia sẻ, và phục vụ giữa những thành viên với nhau? Cần làm gì để phát huy tính hiệp thông, chia sẻ và phục vụ này?
– Tương quan giữa gia đình bạn và bà con lối xóm có tốt đẹp? Gia đình bạn có trở nên chứng nhân cho tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi giữa bà con lối xóm không? Làm gì để có thể trở nên chứng nhân cho Chúa hơn nữa trong môi trường sống của mình?
(Truyền thông Dòng Tên)