Giáng Sinh, một câu hỏi?

Các Kitô hữu thời đầu đã cử hành lễ Giáng Sinh thế nào? Chúng ta không biết gì cả. Dấu vết cổ xưa nhất, đó là việc mừng lễ Giáng Sinh hồi thế kỷ thứ tư. Thời đầu, các Kitô hữu chỉ đơn sơ tưởng niệm cuộc Thương Khó của Chúa và ăn mừng Chúa Phục Sinh. Việc cử hành này có liên kết mật thiết với lễ Vượt Qua của người Do Thái. Ngày Chúa sống lại, là sau ngày thứ bảy, tức là ngày Chủ nhật, Chúa nhật, ngày của Chúa.

Mãi về sau này, người ta mới phát triển thành các ngày lễ khác nhau trong suốt cả năm, và từ đó có lễ Giáng Sinh. Dần dần lễ Giáng Sinh mở rộng khắp nơi. Thánh Phanxicô thành Asissi cùng với việc làm hang đá Giáng Sinh, đã đánh dấu bước một phát triển quan trọng cho việc mừng lễ. Tuy nhiên, lễ Giáng Sinh, ngày mừng Chúa Giêsu thành Nazaret chào đời, đã được viết ngay từ những bản văn cổ xưa thế kỷ thứ nhất, tức là trong các sách Tin Mừng.

Các thánh sử không kể chi tiết về việc Chúa Giáng Sinh, chỉ đơn sơ nói về cuộc hành trình trở về thành Belem. Rồi một hài nhi được sinh ra, đặt nằm trong máng cỏ, nơi vốn dành cho các loài vật. Chi tiết này được thánh Luca nhắc đi nhắc lại tới 3 lần: “trẻ sơ sinh đặt nằm trong máng cỏ”. Điều này giúp chúng ta thấy đây là yếu tố then chốt để hiểu toàn bộ câu chuyện.

Trẻ thơ ấy, khi được sinh ra, cũng giống như bao người khác. Điều ngoại thường ở chỗ, điều kiện mà trẻ thơ được sinh ra, là không thể chấp nhận được ngay cả với các mục đồng nghèo, vì dù sao, ít nhất các mục đồng cũng có cái lều của riêng họ. Đằng này thì… Điều ấy đánh động bất cứ ai đứng trước hoàn cảnh ấy, và cảm thấy được mời gọi lắng nghe một tiếng nói khác từ trên cao.

Với mỗi người, ngay cả những ai không tin, đều thấy thương cảm cho một gia đình trẻ không có mái nhà, không nơi nương tựa. Điều ấy như lời mời gọi mở rộng tấm lòng.

Với những ai có lòng tin, thì “hài nhi đặt nằm trong máng cỏ” là dấu chỉ không thể nào quên, là dấu chỉ vô giá, là dấu chỉ không thể dò thấu về ánh mắt của Thiên Chúa.

Dấu chỉ của lễ Giáng Sinh đầu tiên ấy đánh động tất cả chúng ta. Ngày nay, ở giữa chúng ta, còn biết bao người lang thang vất vưởng, đầu đường xó chợ, các bạn trẻ thất nghiệp, những người không chốn dung thân. Có biết bao người sống trong mái nhà, nhưng không phải là nhà, vì tình người nơi đó đã héo tàn, thậm chí là đã chết. Ngày nay, có biết bao người giữa chúng ta, dù tuyên xưng là tin vào Chúa, dù công bố rằng Hài Nhi trong máng cỏ là Chúa của mình, nhưng kỳ thực lại trì hoãn hoặc chẳng thực thi tí nào các giá trị của Đấng ngự nơi máng cỏ.

Ánh sáng của Giáng Sinh, mạnh hơn bất cứ loại ánh sáng loại màu sắc của chủ nghĩa tiêu thụ. Ánh sáng của Giáng Sinh là đây: ý nghĩa của sự sống, của cuộc đời, ý nghĩa của con người, của phận người, của sự đơn sơ giản dị. Ánh sáng ấy chân thật và thuần khiết.

Nếu ai biết nhìn bằng con tim, nếu ai biết nhìn trong đức tin, thì sẽ khám phá thấy hạt mầm của Đấng Hiện Hữu, Đấng đang thôi thúc gọi mời dẫn đưa con người đến với sự thật toàn vẹn nơi chính Người.

Lược dịch: Tứ Quyết SJ

Bài giảng “Natale, La vera questione morale” của Đức Hồng Y Carlo Maria Martini, trong Lễ Giáng Sinh 1982 tại thành phố Milano nước Italia, trích từ cuốn sách: Il Natale “Pur nella tristezza dei tempi”, (Morcelliana, 1996).

Kiểm tra tương tự

Đức khó nghèo đem chúng ta đến gần Thiên Chúa

Một trong những danh hiệu truyền thống dành cho thánh Giuse là “Người yêu mến …

Giáo dục Kitô giáo theo Đức Giáo Hoàng Phanxicô

  Tôi đang làm việc trong trường Dòng Tên. Trong những ưu tư về giới …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *