Dẫn nhập
1. Nỗ lực của triết lý và cánh cửa của đức tin
a. Quan niệm của thánh Augustine
b. Quan niệm của thánh Thomas Aquinas
c. Đối chiếu hai quan niệm
2. Tính thời sự của “hai quan niệm” trong đức tin, triết học và khoa học
a. Có vẻ nghịch lý trong đức tin
b. Đối thoại mở trong triết học
c. Cuộc kiếm tìm trong khoa học
Kết luận
….
2) Nhận định về tính thời sự của “hai quan niệm” trong đức tin, triết học và khoa học
Câu hỏi về khởi đầu của vũ trụ, với hai quan niệm của Augustine và Thomas Aquinas mở ngỏ cho nhiều chủ đề căn bản của cả đức tin, triết học và khoa học.
a. Có vẻ nghịch lý trong đức tin
Ngay thời của Thomas, Bonaventura đã dùng quan niệm của Augustine để “phản ứng” Thomas khi Thomas nói chủ đề này vượt tầm triết học.[i] Thomas có lý khi nhận định rằng, Bonavenrura chưa hiểu rõ chủ đề, vì Thomas muốn nhấn mạnh tới ranh giới cần thiết giữa đức tin và lý trí. Nhưng Bonaventura cũng có lý khi phản ứng Thomas, vì lẽ rằng, không thể nào phân biệt đức tin và lý trí trong cùng một con người. Như thế, Bonaventura nhấn mạnh hơn tới con người, tức đời sống; trong khi Thomas nhấn mạnh hơn tới học thuyết, tức sách vở. Hai luồng chú giải này vẫn ảnh hưởng sống động trong đời sống đức tin hiện tại.[ii]
b. Đối thoại mở trong triết học
Ngay từ thời Hy Lạp cổ đại,[iii] triết học đã đón nhận nhiều cách lý giải khác nhau về nguồn gốc của vũ trụ; nên trong nhãn quan triết học, Kinh Thánh đưa ra một cách lý giải của riêng mình, cũng là điều chấp nhận được. Có lẽ đúng hơn, đây là lối chú giải Kinh Thánh của Augustine và Thomas. Nếu khẳng định, Thiên Chúa tạo dựng từ hư vô; phải chăng Thiên Chúa là toàn năng; còn khi khẳng định, Thiên Chúa tạo dựng theo ý muốn tự do của Ngài, phải chăng Thiên Chúa là tình yêu. Tuy nhiên, nếu như thế, thì “hư vô” nghĩa là gì? Theo hai quan niệm của hai vị thánh này, có thể trả lời rằng, “hư vô” là ngoài Thiên Chúa, là ngoài công trình tạo dựng của Ngài. Mặt khác, hai vị lại khẳng định, không có gì tồn tại mà ngoài Thiên Chúa cả; và khi ấy lại đụng tới huyền nhiệm về sự dữ. Đây là một nghịch lý. Hơn nữa, nếu như nói Thiên Chúa là tình yêu, liệu Ngài có chấp nhận cho thụ tạo của Ngài được quyền chọn hiện hữu ngoài Ngài hay không? Và nếu như thế, Ngài “bớt” toàn năng; cũng như việc thụ tạo hiện hữu ngoài Đấng Tạo hoá là điều không hiểu được, ít là trong nhãn quan Kinh Thánh. Chúng tôi không muốn bàn luận sâu hơn, vì nó vượt tầm chủ đề của bài viết này. Chỉ biết rằng, câu trả lời về khởi đầu của vũ trụ có liên quan trực tiếp tới mọi khía cạnh triết học, có thể kể đến trường phái triết học hiện sinh, vốn quan tâm trực tiếp và ưu tiên tới con người trong cuộc sống. Triết gia liên hệ “gần gũi” trong dòng chảy của bài viết này, có thể là Heidegger với câu nói nổi tiếng: “Tại sao là có gì đó, hơn là không có gì?”[iv] có thể là Jean-Paul Sartre với tác phẩm Hữu thể và Hư vô (Being and Nothingness).[v] Xét trong khía cạnh khác, cả thánh Augustine và Thomas đều tin rằng, vũ trụ có khởi đầu, và Thiên Chúa là nguồn cội sáng tạo, như thế Thiên Chúa siêu vượt khỏi quy luật của vũ trụ này, hay ít ra Ngài không buộc phải tuân theo mọi quy luật của vũ trụ này; vì nếu không, Ngài cũng phải có nguyên nhân khác tạo ra Ngài. Có vẻ ủng hộ cho lập trường của hai vị thánh, Kant thừa nhận là chúng ta không thực sự biết về chính Chúa, mà chỉ biết điều được tỏ ra, và ông cũng “chừa khoảng trống” cho Chúa, tức là Chúa không nhất thiết phải tuân theo những quy luật của tâm trí chúng ta, cũng như của vạn vật. Tuy nhiên, theo chiều hướng khác, Schopenhauer cho rằng, nếu có Chúa thì Ngài cũng phải tuân theo mọi quy luật. Thế nhưng, mọi quy luật là gì, vì khá rõ rằng, con người có những quy luật riêng rất khác con vật. Chúng tôi thừa nhận, nếu được bàn luận thấu đáo, chủ đề này không hề dễ.
c. Cuộc kiếm tìm trong khoa học
Câu hỏi về “khởi đầu” của vũ trụ cũng rất hấp dẫn các nhà khoa học. Đầu thế kỷ XX, hầu hết các nhà khoa học đều cho rằng, vũ trụ không có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc.[vi] Tuy nhiên, trong bảy mươi năm qua, các nhà vật lý và vũ trụ học đã đưa ra kết luận: vũ trụ này bắt đầu vào một thời điểm nhất định mà ngày nay chúng ta thường biết đến qua cái tên “vụ nổ lớn” (Big Bang[vii]). Thời điểm đó xảy ra cách đây khoảng 14 tỷ năm.[viii]
“Khởi đầu” của vũ trụ được các nhà khoa học hàng đầu trả lời cách khác nhau. Tuy Einstein dường như chưa bao giờ xem xét nghiêm túc khái niệm Big Bang, nhưng lý thuyết tương đối tổng quát của ông có hàm ý rằng, thời gian có sự khởi đầu, mặc dù chính ông không hài lòng với ý tưởng này.[ix] Dù có một định kiến chung của một số nhà vật lý lý thuyết, kể cả Einstein, cho rằng thời gian phải là vô tận theo cả hai chiều. Thế nhưng, Penrose và Hawking đã chứng minh được: trong mô hình toán học của lý thuyết tương đối tổng quát, thời gian phải có một điểm bắt đầu vào lúc xảy ra Big Bang. Kết quả này gây hoang mang cho các nhà khoa học, nhất là những người muốn giữ định kiến của mình, và họ cho rằng, toán học không đủ để mô tả thực tại.[x]
Thứ đến, câu hỏi về “tự do của Thiên Chúa trong tạo dựng” cũng thú vị không kém. Penrose và Hawking chỉ ra rằng, lý thuyết tương đối tổng quát tiên đoán thời gian sẽ kết thúc, nhưng không thể tiên đoán được hệ quả của Big Bang là gì. Một số người coi điều này như một biểu hiện về quyền tự do của Chúa trong việc sáng tạo vũ trụ theo cách Ngài muốn, nhưng một số khác (gồm cả Hawking) cảm thấy rằng, sự bắt đầu của vũ trụ phải được chi phối bởi các định luật đúng cho mọi thời điểm.[xi] Hơn nữa, câu nói của thánh Augustine: “trước khi tạo ra trời đất, Chúa chẳng làm gì cả” rất gần với các quan niệm hiện đại.[xii]
Như thế, với hai gương mặt tiêu biểu là Einstein và Hawking, chúng tôi nhận được những giải pháp khác nhau. Einstein công bố thuyết tương đối của mình, nhưng lại có niềm tin ngược với hệ quả trực tiếp từ thuyết ấy (điều này Hawking chứng minh được). Còn Hawking lựa chọn theo kết quả rằng, vũ trụ có khởi đầu, nhưng không chấp nhận về “hành vi tự do của Chúa”, và ông vẫn tiếp tục tìm kiếm các định luật chi phối vào lúc khởi đầu ấy. Những người khác, những người vừa tin vào lý thuyết của Einstein vừa tin vào niềm tin của ông thì phủ nhận kết quả của Hawking bằng lập luận: toán học không đủ mô tả thực tại.
Để kết thúc, chúng tôi xin nhắc tới hai gương mặt muốn hoà hợp giữa khoa học và đức tin. Thứ nhất, nhà vật lý học thiên thể Robert Jastrow cho rằng, các bằng chứng thiên văn học có liên hệ rất gần với quan điểm về cội nguồn vũ trụ của Kinh Thánh; chi tiết có thể khác, nhưng những yếu tố cốt lõi và lời lý giải là giống nhau.[xiii] Thứ hai, nhà hoá-sinh Francis S.Collins nhận định, vụ nổ lớn củng cố cho kết luận: tự nhiên có một khởi đầu xác định; không thể hình dung được, bằng cách nào mà tự nhiên có thể tạo ra chính nó; phải có một lực lượng siêu nhiên ở bên ngoài vũ trụ và ngoài thời gian mới có thể làm nổi điều đó.[xiv]
Kết luận
Tựu trung, chủ đề “lúc khởi đầu” của vũ trụ vẫn còn là câu hỏi mở cho tới ngày nay. Thánh Augustine cũng như thánh Thomas đã vận dụng tất cả khả năng về triết lý của mình để suy tư, để đối thoại với nền triết học đương thời của các ngài. Về phương diện triết học, các ngài chỉ ra rằng, có thể chấp nhận nhiều câu trả lời khác nhau. Hơn nữa, về phương diện thần học, các ngài đón nhận lối nhìn của Kinh Thánh. Nhờ đó, các ngài vừa truy tìm trong triết lý, vừa dấn thân trong đức tin, mà cả hai vẫn hoà hợp nhau. Chính thánh Augustine lưu ý: nếu cả hai người đều nói sự thật, thì chân lý bất dịch vượt lên trên trí khôn của họ, và họ không được bài bác tư tưởng của nhau;[xv] thêm vào đó, trong tình trạng có nhiều ý kiến khác nhau và cũng chân thật cả, thì chính chân lý phải thiết lập sự hoà hợp.[xvi] Để cẩn thận tránh nhầm lẫn khi dùng đức tin dẫm chân vào lĩnh vực triết học, thánh Thomas cho rằng: điều hữu ích là đừng cả gan chứng minh điều thuộc đức tin bằng những lý lẽ bất tất. Vì nếu làm như thế, sẽ làm cớ cho người ngoại giáo chế diễu, vì họ tưởng rằng, chúng ta dựa vào những lý lẽ đó mà tin nhận những điều thuộc đức tin.[xvii] Vâng, những giải pháp khác nhau của chủ đề “lúc khởi đầu” không chỉ xảy ra cho triết học, mà cho cả khoa học hiện đại, như đã đề cập. Bài học lớn mà chúng tôi nhận thấy: dù là triết học, thần học, hay khoa học, thì cái nền căn bản là khiêm tốn kiếm tìm chân lý; vừa tôn trọng lĩnh vực riêng của mình, vừa bổ túc nhau, và đừng “chơi xấu” nhau. Với tinh thần này, chúng tôi ngưỡng mộ cung cách bắc nhịp cầu của hai vị thánh. Sẽ chẳng có “hệ thống giao thông tốt” nếu thiếu những “nhịp cầu lớn” loại này.
Vincent Vũ Tứ Quyết, S.J.
Học Viên Triết I
Học Viện Thánh Giuse, Dòng Tên
[i] X. Đậu Văn Hồng, Triết Trung Cổ, (Dựa trên giáo trình của Emmanuel Falque), (Tp.HCM, 2014), tr. 79.
[ii] X. Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II, Thông điệp Đức tin và Lý trí, (Ngày 14 tháng 9 năm 1998).
[iii] Nguồn gốc vũ trụ là từ nguyên chất sơ bản: “nước” đối với Talet, “lửa” đối với Hiraclitus, “nguyên tử” đối với Democritus… Các nguyên chất này mang ý nghĩa rất phong phú với những nét rất riêng.
[iv] “Why is there something rather than nothing?” Sorensen, Roy, “Nothingness”, The Stanford Encyclopedia of Philosophy (Winter 2012 Edition), Edward N. Zalta (ed.),
<http://plato.stanford.edu/archives/win2012/entries/nothingness/>.
[v] X. Flynn, Thomas, “Jean-Paul Sartre”, The Stanford Encyclopedia of Philosophy (Fall 2013 Edition), Edward N. Zalta (ed.), <http://plato.stanford.edu/archives/fall2013/entries/sartre/>.
[vi] X. Francis S.Collins, Ngôn ngữ của Chúa (The Language of God), Lê Thị Thanh Thuỷ dịch, (Nxb Lao Động, Hà Nội, 2007), tr. 86.
[vii] Nhà vũ trụ học, linh mục Georges Lemaintre là người đầu tiên đề xuất lý thuyết này trong việc tìm hiểu về nguồn gốc vũ trụ (Big Bang). Ông gọi, tại điểm khởi đầu của vũ trụ, vũ trụ là “nguyên tử nguyên thủy.”
[viii] X. Francis S.Collins, Ngôn ngữ của Chúa, tr. 88.
[ix] X. Stephen Hawking, Vũ trụ trong vỏ hạt dẻ (The Universe in a Nutshell); Nguyễn Tiến Dũng, Vũ Hồng Nam dịch; Đặng Vĩnh Thiên, Chu Hảo hiệu đính; (Nxb Trẻ, T.p HCM, 2009); tr. 30-31.
[x] X. Stephen Hawking, Vũ trụ trong vỏ hạt dẻ, tr. 51-52.
[xi] X. Stephen Hawking, Vũ trụ trong vỏ hạt dẻ, tr. 32.
[xii] X. Stephen Hawking, Vũ trụ trong vỏ hạt dẻ, tr. 44.
[xiii] X. Francis S.Collins, Ngôn ngữ của Chúa, tr. 88.
[xiv] X. Francis S.Collins, Ngôn ngữ của Chúa, tr. 91.
[xv] X. Thánh Augustine, Tự Thuật, Quyển XII, Đoạn XXVI, tr. 759-760.
[xvi] X. Thánh Augustine, Tự Thuật, Quyển XII, Đoạn XXX, tr. 770.
[xvii] X. Thánh Thomas Aquino, Tổng luận Thần học, tr. 111.