Giáo Hội trong vòng tay Đức Maria, Người Mẹ nhân bản và tự do thiêng liêng

Thời sự thế giới gần đây cho thấy ảnh hưởng của phong trào #MeToo, dưới nhiều hình thức và mức độ, đã vượt ra khỏi biên giới các nước Tây Phương, để lan sang các châu lục khác, và từ từ gây ý thức lớn hơn về sự tôn trọng hỗ tương và bảo vệ sự đoan trang trong bối cảnh nghề nghiệp hay nơi công cộng giữa nam giới và nữ giới. Đồng thời, chính phủ một số quốc gia đã ý thức hơn về sự phân chia đồng đều giữa hai giới trong các chức vụ cao cấp và lãnh đạo, dù dưới dạng chính sách hay thực hành riêng lẻ. Cũng vậy, một số ngôn ngữ đã phải tìm những phương cách khác nhau để tạo ra những kiểu nói phù hợp, đặc biệt liên quan đến đặc tính “giống” trong danh từ. Chúng ta có thể kể thêm nhiều ví dụ khác nữa. Trong bối cảnh ấy, việc Đức Thánh Cha Phanxicô quyết định cụ thể hoá chân dung gương mẫu của Đức Maria bằng việc đưa vào phụng vụ Roma lễ nhớ “Đức Maria, Mẹ Giáo Hội” ngay sau ngày Lễ Hiện Xuống là một mời gọi có ý nghĩa và cần thiết cho Giáo Hội để học hỏi cách hiện diện như Đức Mẹ, trong lòng xã hội hiện tại.

Nếu không phải là tín hữu Công Giáo, vốn được nuôi dưỡng từ truyền thống Thánh Mẫu học hàng nghìn năm, qua những cung cách đa dạng về lòng tôn kính Đức Mẹ từ tín lý đến mục vụ, thì một người bên ngoài, khi nhìn vào mẫu gương Đức Mẹ như là một lối tiếp cận dành cho sự hiện diện của Giáo Hội trong một thế giới vốn đang hăng hái đi tìm sự bình đẳng giới đang hồi triệt để này, sẽ thực sự bị đặt vào một sự bối rối nghi ngờ mạnh mẽ, bởi hình ảnh của Maria, người phụ nữ Do Thái này, trong không gian văn hoá cách đặc thù đây hai nghìn năm, sẽ chạm phải những chênh lệch rõ rệt về quan niệm phong hoá hay một mâu thuẫn khó có thể dung nạp được với cách nhìn về phụ nữ thời nay.

Nhìn từ bên ngoài, chúng ta bắt gặp hình ảnh một Maria hoàn toàn ngược lại với những gì thế giới đang cổ võ: một người phụ nữ thôn quê, vô danh, an phận và tùng phục trong những mối quan hệ mà xã hội kiến tạo cho mình, từ môi trường gia đình đến cung cách sống trong lòng xã hội. Thậm chí, với chọn lựa lối sống lang thang và ngoại thường của người con Giêsu của bà và sau đó là kết cục bi thảm trên thập giá của người con đó, Maria sẽ hiện ra trong bóng dáng của một người mẹ cam chịu và bất lực. Công trình giáo dục của bà dành cho người con này là một sự sụp đổ và thất bại không thể bào chữa được. Theo lối suy nghĩ như thế, chắc chắn Maria sẽ dễ được dùng làm phản chứng khi so với khuynh hướng thời đại, hơn là được dùng để làm gương mẫu cho các tín hữu Kitô đương đại.

Nhưng nếu nhìn từ trong bối cảnh đức tin, Maria sẽ trở thành cảm hứng cho một lối hiện diện đầy nhân bản và thiêng liêng, vượt qua bối cảnh Kitô giáo, để trở thành một sứ điệp phổ quát. Đó là khi chúng ta khám phá ra cuộc đời của Mẹ, cũng chính từ trong những biến cố ấy, sự cộng hưởng giữa nhân tính bình dị của một con người lịch sử và niềm tin lữ hành của người ấy. Hai yếu tố này tạo nên một cuộc đời, một ơn gọi mà chúng ta sẽ hạnh phúc gọi là Mẹ, Mẹ của nhân loại và Mẹ của Giáo Hội.

Nhưng cần phải nói ngay, sự cộng hưởng ấy phải được hiểu như là một tương tác đầy năng động giữa Maria với con mình – Đức Giêsu Kitô – ngay từ trong những kinh nghiệm trần thế đầu tiên của Mẹ về Chúa Giêsu, từ lúc được sứ thần truyền tin, cho đến khi thấu hiểu mỗi lúc một nhiều hơn kế hoạch ấy và cuối cùng là sự thực hiện ơn cứu độ của Thiên Chúa, qua cái chết trên thập giá của người con mà Mẹ sinh hạ và dưỡng dục. Nếu lãng quên mối tương quan này, thì những gì Đức Maria đã nói, sống và trải nghiệm sẽ mất đi ý nghĩa quan trọng nhất, điều vốn làm nên giá trị cốt lõi của một hiện hữu nhân sinh: thực hiện nơi mình khả năng siêu việt mà Thiên Chúa đã đặt vào. Nói theo ngôn ngữ của nhà thần học Karl Rahner, cuộc đời Mẹ phải được hiểu như một “hiện hữu siêu nhiên” (übernatürliches Existential).

Tuy vậy, vì phạm vi hẹp và không mang tính giáo khoa, cũng như không có ý định khai triển thần học về Đức Mẹ theo hướng tư tưởng Karl Rahner, nên bài viết này chỉ gợi lên vài khai mở nho nhỏ để tiếp nối ý định nuôi dưỡng thiêng liêng mà Đức Thánh Cha đã bày tỏ khi thiết lập ngày lễ này, là “ tiến trình phát triển đời sống đức tin của người Kitô hữu phải được bén rễ sâu vào mầu nhiệm Thánh Giá, vào hy tế Thánh Thể và vào Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Đấng Cứu Chuộc và Mẹ của đoàn dân được cứu chuộc, Mẹ đã sống cuộc đời mình như hy tế dâng lên Thiên Chúa.” Như vậy, sự gắn kết giữa “bộ ba”: người tín hữu, Đức Maria và Đức Kitô được tái khẳng định, như cách chúng ta vẫn diễn tả xưa nay: Per Mariam ad Jesum. Người tín hữu, với tư cách là chi thể của thân thể Giáo Hội, có Đức Maria như là người mẹ nhân bản và tự do thiêng liêng, để sống dồi dào ơn gọi của mình giữa lòng nhân loại hôm nay.

 

Nét bình dị của kinh nghiệm ân sủng

 

Ý thức về ân sủng phong phú mà Thiên Chúa đổ xuống trên cuộc sống của mình chắc chắn không là một điều muộn màng nơi Mẹ, dù kinh nghiệm xác chuẩn của ân sủng ấy chỉ hiển lộ trong lời chào của sứ thần vào khoảnh khắc Truyền Tin. Nhưng từ trong thái độ nội tâm của Maria, ta thấy đã có một sự hiện diện liên tục và nền tảng của ân sủng, cho dù nó thể hiện cách đơn giản và tầm thường như dòng đầu Tin Mừng Luca giới thiệu về Mẹ: một trinh nữ tên là Maria sống trong một thị trấn tên là Nazareth. Nhưng cái định vị khiêm tốn ấy, thậm chí không có màu sắc tôn giáo, được Mẹ nhìn nhận như một sự “nghiêng mình” vĩ đại của Thiên Chúa: phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn đến (Lc 1, 48).

Kinh nghiệm ân sủng trên không chỉ là một tâm tình chủ quan của một thiếu nữ đạo hạnh, nhưng còn là một kinh nghiệm đến từ sự nhìn nhận từ bên ngoài, từ Thiên Chúa và của tha nhân, thể hiện qua lời của Thiên Sứ Gabriel và người chị họ Elisabeth: “Kính chào Maria, trinh nữ đầy ơn phúc” (Lc 1, 28) và “em thật là người diễm phúc” (Lc 1, 42). Hay thậm chí sau này, kinh nghiệm được chúc phúc ấy của Mẹ còn được nhìn nhận ngang qua sự thánh thiện và uy quyền của Đức Giêsu: phúc cho lòng dạ nào đã cưu mang Thầy (Lc 11,27). Nói khác đi, đó là xác tín được hình thành từ việc “liên lỉ” đặt cuộc đời mình vào trong mối tương quan với Thiên Chúa, có khi chưa cần nội dung hay phát biểu về thân phận thụ tạo của mình – một vị Thiên Chúa đã hiện diện đó và đôi khi dường như còn chưa mở lời trực tiếp. Hẳn Thiên Chúa luôn “tương thông” với chúng ta trong một cách nào đó, dù cho đó là sự hiện diện thinh lặng hay bằng lời mặc khải. Điều quan trọng mà chúng ta nhìn thấy nơi Đức Maria là chưa bao giờ có sự đứt đoạn nơi ý thức của Mẹ về sự hiện diện ân sủng của Thiên Chúa trong đời mình.

Maria đã ở lại trong tình trạng được bao bọc bởi ân sủng ấy mà không bị choáng ngợp hay thoái thác trước sự ngỏ lời của Thiên Chúa. Dầu vậy, Mẹ tiếp tục ở lại trong những quyết định hiện sinh tràn đầy tự do của mình. Những quyết định này làm nên những sự kiện đời Mẹ, nhưng như đã nói, vừa hoàn toàn do Mẹ, vừa đồng thời là một hành vi cộng tác với Thiên Chúa trong bầu khí của ân sủng không hề gián đoạn ấy. Tin Mừng đã hẳn không thể thuật lại hết những quyết định của Mẹ trong tư cách người con gái đã đính hôn, hoặc sau này người vợ của Giuse, người mẹ hay thân mẫu của “sư phụ Giêsu”. Tin Mừng chỉ để lại vài ví dụ “chớp nhoáng” nhưng có tính bản lề làm nên sự cao cả của Mẹ Đức Kitô.

Ngay trong biến cố Truyền Tin, Maria đã tiếp tục đeo đuổi dự án cuộc sống của mình, bằng một chuỗi những thái độ, bắt đầu từ bối rối cho đến đặt vấn đề hay lập luận (Lc 1, 24.29), và cuối cùng ưng thuận để kế hoạch của Chúa có chỗ quan trọng và cao cả nhất trong cuộc đời mình. Viễn cảnh của việc xây dựng tổ ấm với Giuse đã không bị bóp chết ngay cả trong cái nhìn của Mẹ, nhưng được soi sáng, làm cho phong phú bởi lời hứa của Thiên Chúa. Nhờ đưa những dự định, ước mơ đời tư của mình vào trong cuộc đối thoại với Ngài mà ý thức về căn tính Mẹ của Đấng Emmanuel được củng cố và sắc nét hơn: tôi đón nhận thân phận thụ tạo của mình và đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa bằng ý muốn và sự vâng phục của tôi (Lc 1, 38).

Cũng vậy, chúng ta có thể đọc cuộc đối thoại giữa Maria và Giêsu mười hai năm sau như một kinh nghiệm ân sủng, sau khi hai vị phụ huynh tìm lại được con mình trong Đền Thờ. Dĩ nhiên trong chất vấn của Maria, có cả ý kiến của Giuse. Trong sự kiện này, Maria đã sử dụng quyền của người làm cha mẹ để cùng con mình đặt lại một vấn đề quan trọng và đôi khi rất khó giải quyết của một trẻ vị thành niên. Đó là tam giác của “bộ ba quyền lực”: quyền cá nhân, quyền cha mẹ và quyền của định chế xã hội và tôn giáo. Cùng với Giuse, Maria đã đón nhận câu trả lời đầy thử thách của con mình như nhiều bậc cha mẹ khác. Nghĩa là họ phải chấp nhận bỏ ngỏ sự hiểu biết đối với con và đồng hành với con bằng dấu chấm hỏi mỗi lúc một lớn hơn, và coi đó là bước tiếp theo của ân sủng. Chấp nhận không có câu trả lời dứt khoát cho một vấn đề cũng đã là kinh nghiệm của ân sủng.

Hai ví dụ trên khắc hoạ phần nào cách đáp trả đầy nhân bản và thiêng liêng của Đức Maria. Ân sủng của Thiên Chúa, trong khi được trao tặng cho Mẹ như “dấu chỉ” của thời cứu độ – “này một trinh nữ sẽ thụ thai” – được Mẹ đáp lại bằng tự do rất nhân bản và bình dị, và kéo theo những thực hành rất cụ thể, từ việc đi giúp người họ hàng Elisabeth lo việc nhà, cho đến cái lặp đi lặp lại của đời sống phụng vụ trong gia đình Nazareth ngày Sabbat hay mỗi năm cùng bà con lối xóm đi hành hương lên Đền Thánh. Cái bình thường trong đáp trả của Mẹ không đến từ sự ngoan cố giữ lại phần “ý riêng”, đặt song song hay cạnh tranh với phần dành cho Chúa, cho bằng thấy việc phải sống những điều ấy như là thúc đẩy rất cụ thể của ân sủng và trong niềm hy vọng lạc quan, thi hành những điều ấy vì biết sẽ làm vui lòng Thiên Chúa, như thể đó là điều đã “cùng quyết định” với Ngài.

Đối diện với những khủng khoảng trong tư thế của người yếu

Khi coi tác giả của bài Magnificat là Đức Maria, thánh Luca đã cô đọng hoá lịch sử cứu độ, từ Abraham, Israel cho đến “muôn dân muôn nước”, dĩ nhiên bằng ngôn ngữ thi ca. Một đàng ta hiểu bài ca ấy từ góc nhìn của một Thiên Chúa giải phóng dân Ngài và cứu độ toàn thể vũ trụ.  Nhưng đàng khác, nếu nhìn từ góc độ chân dung một thiếu nữ như Maria, thì bài ca này trình bày kinh nghiệm đức tin của một người yếu (anawim).

Maria đã đối diện với những khủng hoảng, có thể nói như vậy, của cuộc đời mình trong tư thế của một người yếu. Một người yếu đuối trong đức tin! Nếu nói theo ngôn ngữ các nhà thần nhiệm các thế kỷ sau này, thì đó là “đêm tối của tâm hồn”. Trong khi ân sủng Thiên Chúa dành cho Mẹ không gián đoạn thì, một lần nữa, ân sủng cũng làm cho tự do nhân bản bộc lộ bản chất sơ đẳng của nó: sự yếu đuối. Trong cuộc khủng hoảng thời đính hôn với Giuse, vì bị hiểu lầm, Maria đã ở lại trong phản ứng hết sức con người: Mẹ thinh lặng. Chúng ta cũng gặp lại sự thinh lặng này trong những khoảnh khắc khác của đời Mẹ: một cách gián tiếp, sau cuộc tàn sát các trẻ sơ sinh đầy bạo lực của Hêrôđê, tị nạn sang Ai Cập, hay nhiều năm sau này, trực tiếp dưới chân thập giá.

Cùng với Giuse, bước đi trong thinh lặng là cách mà Maria đã chọn lựa như hành vi đức tin của mình, từ Nazareth đến Bêlem, từ Bêlem sang Ai Cập, từ Ai cập về Galilê và những cuộc lữ hành sau đó. Bằng đức tin, họ bước đi, ý thức về sự yếu đuối của thân phận, để tìm kiếm và tìm thấy ý muốn của Thiên Chúa ngay tại những “điểm tối” của đời họ. Nói một cách nghịch lý, Thiên Chúa ở với họ bằng sự “vắng mặt” của Ngài. Sự yếu đuối cảm nhận trong tương quan ấy với Thiên Chúa không làm cho họ dừng lại, đầu hàng, nhưng được đón nhận như là lương thực thiêng liêng, nuôi dưỡng hành trình đối thoại càng lúc càng ý thức nhiều hơn về một vị Thiên Chúa bất khả thấu. Sự yếu đuối trong hành vi tin của Maria và Giuse không những không giảm thiểu nơi họ tình yêu và sự gắn bó với Thiên Chúa, mà ngược lại, nó gỉai trừ những nguy cơ nắm giữ và hiểu biết Ngài như bất kỳ một sự vật nào. Nói theo ngôn ngữ thần học ngày nay, sự yếu đuối của hành vi tin ấy giải trừ những tri thức mang tính giáo điều.

Như vừa nói, sự thinh lặng trong đời Đức Maria không là hệ quả của việc bị ‘bịt miệng’, cảm thấy lúc nào cuộc đời của mình cũng éo le, cho bằng là một chọn lựa của tự do, mà hành vi tự do ấy là hoa trái của một kinh nghiệm dài trong cầu nguyện và nhận định. Sự thinh lặng ấy không là việc ấm ức chấp nhận đau khổ, thấy mình bị lôi vào vòng xoáy càng lúc càng dữ dội của cuộc đời, mà là sự ưng thuận của tình yêu, đến độ nó có thể diễn tả ngang bằng sự mãnh liệt của cái chết (Dc 8,6). Không kể sự thinh lặng của Đức Kitô do thực tại Ngôi Hai Nhập Thể duy nhất của ngài, thì sự thinh lặng của Maria dưới chân thập gía là đỉnh cao mà một thụ tạo “thuần tuý” có thể dâng hiến cho Thiên Chúa. Một cuộc dâng hiến bằng sự thinh lặng mãnh liệt như chính tình yêu của Đấng thinh lặng trên thập giá. Nói theo lời thánh Phaolô: nơi thập giá, Mẹ đã chết cho chính mình nhờ đón nhận cái chết của Đức Giêsu Kitô, con của Mẹ (2 Cr 5,15).

Vì vậy, đối diện với những vấn đề hiện sinh trong tâm thức của người yếu đuối không làm giảm giá trị hay lãng phí hiệu quả của ân sủng nơi thân phận thụ tạo của mình. Nhìn nhận mình yếu đuối và không có lời đáp cho một câu hỏi khó nào đó sẽ không làm mất đi sự cao cả của thân phận thụ tạo, cho dù đó là từng cá nhân tín hữu hay Giáo Hội, xét như là cộng đoàn con cái Thiên Chúa. Chấp nhận ngỏ lời với thế giới: tôi hay chúng tôi yếu đuối, không có lời giải cho mọi vấn đề của đời người, là mở đường cho một cuộc tìm tòi khác rất khiêm tốn, có khi phải mở đầu bằng sự thinh lặng, rồi bằng những mạo hiểm hay đề nghị vụng về, ví dụ như lời trần tình đượm buồn lúc ban đầu của hai môn đệ trên đường Emmau, nhưng nơi đó, một lần nữa, kinh nghiệm này sẽ dẫn chúng ta đến nền tảng của mọi mặc khải: sự thinh lặng của Thập Giá Đức Giêsu, nơi mà Thiên Chúa tự tỏ lộ và tỏ lộ hoàn toàn chính Ngài, như là Tình Yêu, một tình yêu mang lại sự sống mới.

 

Hiện diện bằng cầu nguyện và lắng nghe

 

Sự thinh lặng đã làm nên tính chất hiện hữu siêu nhiên của Đức Maria. Tin Mừng đã tóm gọn đời nội tâm của Đức Mẹ bằng một đúc kết quen thuộc nhưng thiết yếu: lắng nghe và suy đi nghĩ lại trong lòng. Thái độ ấy trước hết là một sự hiện diện. Sự hiện diện này lớn hơn cả sự hiện diện thân xác. Bằng sự lắng nghe và suy niệm, Đức Maria đã đưa những thực tại đời mình, nghĩa là bản thân Mẹ và những mối liên hệ và những mối bận tâm khác, vào cảnh vực của những cảm quan siêu nhiên. Lời mà Mẹ cưu mang không nằm trong trật tự của những suy tư theo logic “nguyên nhân-kết quả”, mà là tâm tình của một “litania” – một kinh cầu được lặp đi lặp lại trong cõi lòng an bình. Do sự hiến tế cứu độ của Đức Kitô chỉ “một lần là đủ” (Dt 10, 10), nên lời của mọi thụ tạo, bắt đầu từ Maria, là lời lặp đi lặp lại, để Thần Khí làm vang dội “đến tận cùng cõi đất”.

Dưới chân thập giá, sự hiện diện của Maria xét về thể lý, là một sự hiện diện “đày đoạ”. Mẹ chứng kiến cái chết của con mình và ý chí bị làm nhục vì không thể làm gì được. Sự hiện diện thinh lặng của Mẹ từ lúc ấy là cách thế gương mẫu nhất để đối diện với mầu nhiệm sự dữ bày ra trước đời mình. Cảm nghiệm sự bất lực trong thân phận con người trên thập giá là cưu mang đau khổ như một “rên siết khôn tả”, nhưng đồng thời đi vào cuộc sinh nở gây niềm hy vọng, từ Evà cũ sang Evà mới. Nơi Bêlem, Mẹ đã đưa Ngôi Lời vào nhân loại bằng sự thinh lặng của lòng dạ mình. “Này là Con Bà”, nơi Golgotha, một lần nữa, sự hiện diện thinh lặng của Mẹ trở thành cung lòng sinh hạ nhân loại trong giây phút được cứu độ. Nhờ niềm tin tối hậu mà Đức Kitô dành cho nhân loại qua hình ảnh người môn đệ yêu dấu, tình yêu của Mẹ dành cho con mình được hoà vào tình yêu của Ngài dành cho Giáo Hội. Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà các nhà thần học vẫn coi giây phút Chúa “trối” người môn đệ yêu dấu cho Mẹ như là sự khai mạc của vai trò Đức Maria là mẹ của cộng đoàn tín hữu.

Sư hiện diện thinh lặng của Mẹ vẫn tiếp tục trong thời Phục Sinh. Nếu các bài giảng của các tông đồ trước toàn thể chư dân là những diễn từ kể lại công trình cứu độ của Thiên Chúa và được thành toàn nơi Đức Giêsu, những diễn từ phong phú và thích nghi cho các thành phần người nghe trong những hoàn cảnh khác nhau, thì hình ảnh Đức Maria nơi nhà Tiệc Ly, thinh lặng và cầu nguyện, sẽ là một dạng diễn từ khác. Một diễn từ nền tảng và phổ quát nhất mà Giáo Hội cần cưu mang, vì sự diễn tả của nó vượt qua mọi khác biệt văn hoá và lịch sử: sự thinh lặng cầu nguyện – một diễn từ vô ngôn. Mẹ đã được diễn tả như Mẹ của các tông đồ, là vị tông đồ lớn nhất trên nhóm Mười Hai. Mẹ hiện diện đó và cùng đón nhận Thần Khí được gửi xuống với các môn đệ trong ngày Lễ Ngũ Tuần. Nhưng Mẹ hiện diện vẫn bằng sự thinh lặng lắng nghe. Ở đây, Đức Maria đảm nhiệm một nhịp không thể thiếu trong trái tim Giáo Hội – một bên, Giáo Hội của rao giảng, của việc loan báo lời cứu độ của Thiên Chúa với thế giới, và một bên Giáo Hội của lắng nghe và nội tâm hoá những vấn đề của nhân loại.

 

 

Chân dung Đức Maria – Mẹ Giáo Hội – được khắc hoạ ở đây như là người đáp trả ân sủng cứu độ của Thiên Chúa trong tư thế của người lắng nghe trong thinh lặng, cảm nhận mình yếu đuối trong từng biến cố của đời một tín hữu và thực hành đời sống bằng những thao tác bình dị. Những nét này, được kể phần nào dưới dạng liệt kê và tường thuật, nên chắc chắn không nói hết và lại càng không thể thay thế những nền tảng tín lý về Đức Mẹ.

Bên cạnh những khai triển thần học và những tước hiệu dành cho Đức Trinh Nữ Maria, nếu Giáo Hội có đóng góp gì cho cách hiểu và cho những cố gắng cổ võ thân phận người phụ nữ, hay rộng hơn, cho thân phận những người yếu, bị gạt bỏ hay áp bức trong thế giới hôm nay, thì chân dung Đức Mẹ như vừa kể vẫn còn nguyên giá trị. Thật vậy, tính ngoại thường lớn nhất của hiệu quả của ân sủng không gì khác hơn là làm cho ân sủng ấy trở nên điều bình thường cho tất cả mọi sinh linh, cho dù có mang danh Kitô hữu hay không. Mẹ đã sống như thế với đời nhân loại của Mẹ. Giáo Hội cũng sẽ sống như thế với hành trình lữ hành trần thế của mình.

 

Giuse Bùi Quang Minh, S.J.

 

 

 

 

 

 

Kiểm tra tương tự

Khóa học: “Tông huấn Đức Kitô Hằng Sống”

  Bạn thân mến!   Trong Tông Huấn “Đức Kitô Hằng Sống” Đức Thánh Cha …

Cuộc đời Thánh Anê dạy chúng ta biết coi trọng con trẻ

  Là người lớn, chúng ta luôn có những điều cần phải học hỏi từ …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *