Kính mời quý đọc giả cùng theo dõi những tin tức đáng chú ý của Giáo Hội toàn cầu và Giáo Hội Việt Nam trong tuần vừa qua:
⦁ Chân phước Carlo Acutis sẽ được đặt làm bổn mạng của dự án Phục Hưng Thánh Thể của Giáo hội Hoa Kỳ
⦁ Hội đồng Giám mục Bồ Đào Nha thành lập Ủy ban để đương đầu với vấn đề lạm dụng tình dục
⦁ Đức Thánh Cha Phanxicô: Thánh Giuse là gương mẫu và chứng tá cho thời đại chúng ta
⦁ Đêm tưởng niệm nạn nhân Covid-19 tại Tổng giáo phận Sài Gòn
⦁ Gần 200 linh mục kêu gọi giúp đỡ tỉnh Papua, Indonesia thoát khỏi chiến tranh
⦁ Khai mạc Năm Thánh kỷ niệm 100 năm đền thờ Đức Mẹ Guadalupe bị tấn công.
⦁ Đức Hồng Y Parolin kêu gọi dùng tiền đầu tư cho vũ khí hạt nhân vào việc xoá nghèo đói.
1. Chân phước Carlo Acutis sẽ được đặt làm bổn mạng cho dự án Phục Hưng Thánh Thể của Giáo hội Hoa Kỳ
Chân dung Chân phước Carlo Acutis
Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ trong cuộc họp mùa thu vừa diễn ra tại Baltimore đã quyết định chọn Chân phước Carlo Acutis làm bổn mạng cho dự án Phục Hưng Thánh Thể. Giải thích cho sự lựa chọn này, Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ nói rằng, dự án này có cùng thông điệp với sứ điệp mà Chân phước Acutis khi còn sống đã chia sẻ đó là: “nếu chúng ta càng siêng năng lãnh nhận Bí tích Thánh Thể, ta càng trở nên giống Chúa Giêsu hơn. Vì thế mặc dù sống ở đời này, ta đã được hưởng nếm trước thiên đàng.”
Trong tiến trình phổ biến dự án Phục Hưng Thánh Thể, Giáo hội Hoa Kỳ sẽ sử dụng cách thức của Chân phước Acutis, tạo lập những trang web cổ võ lòng sùng kính Thánh Thể, mở các lớp kỹ năng đào tạo cho những người lãnh đạo về việc yêu mến Thánh Thể và thành lập hội nhóm những người rao giảng Thánh Thể.
(Xem thêm tại: https://www.catholicnewsagency.com/news/249627/blessed-carlo-acutis-named-a-patron-of-eucharistic-revival-campaign)
2. Hội đồng Giám mục Bồ Đào Nha thành lập Ủy ban để đương đầu với vấn đề lạm dụng tình dục
Sau khi kết thúc phiên họp 4 ngày tại Fatima, Hội đồng Giám mục Bồ Đào Nha đã thông báo thành lập Ủy ban nhằm giúp các giáo hội địa phương điều tra và giải quyết các vấn đề về lạm dụng tình dục. Với mục đích bảo vệ những nhóm người dễ bị tổn thương trong xã hội và giáo hội tại Bồ Đào Nha, ủy ban này sẽ bao gồm cả những giáo dân có kiến thức chuyên môn về luật, tâm lý trị liệu,… đang làm việc trong các giáo phận thuộc Giáo hội Bồ Đào Nha.
Đây được coi là một việc làm cần thiết sau khi báo cáo của Giáo hội Pháp về vấn đề lạm dụng tình dục. Đức giám mục José Ornelas Carvalho of Setúbal nói rằng: “Chúng tôi đang cố gắng hết sức để làm rõ các vấn đề liên quan, tất cả những gì làm được chúng tôi sẽ làm. Đừng sợ hãi nhưng phải tìm cách giải quyết.”
(Xem thêm tại: https://www.ncronline.org/news/accountability/portugals-bishops-create-national-commission-confront-abuse)
3. Đức Thánh Cha Phanxicô: Thánh Giuse là gương mẫu và chứng tá cho thời đại chúng ta
Trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 17/11/2021, Đức Thánh Cha bắt đầu loạt bài giáo lý về thánh Giuse. Ngài nói rằng thánh Giuse nhắc chúng ta rằng Thiên Chúa yêu thương những người ở vùng ngoại vi địa lý cũng như ngoại vi của cuộc sống hơn. Giáo hội được kêu gọi loan báo Tin Mừng cho những người ở những vùng ngoại vi của thế giới chúng ta. Những người nghèo và bị lãng quên ở giữa chúng ta có thể tìm đến thánh Giuse như một người hướng dẫn và người bảo vệ chắc chắn trong cuộc sống của họ.
Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu hãy cầu xin thánh Giuse cầu bầu cho Giáo hội, để chúng ta luôn có thể khởi hành lại từ Bêlem, để nhìn thấy và đánh giá đúng những gì là quan trọng thiết yếu đối với Thiên Chúa. Ngài nói: “Chớ gì anh chị em tìm thấy nơi thánh Giuse chứng nhân và người bảo vệ để mình tìm đến.”
(Xem thêm tại: https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2021-11/dtc-phanxico-tiep-kien-chung-thanh-giuse-nguoi-huong-dan-bao-ve.html)
4. Đêm tưởng niệm nạn nhân Covid-19 tại Tổng giáo phận Sài Gòn
Đức TGM Giuse cùng các chức sắc tôn giáo khác thắp hương tưởng niệm
Hòa chung tâm tình với người dân cả nước, vào lúc 20g30 tối thứ Sáu ngày 19.11.2021, các nhà thờ và nhà nguyện trong Tổng giáo phận Sài Gòn đã đồng loạt đổ chuông khoảng 5 phút, để tưởng nhớ đồng bào đã tử vong trong đại dịch Covid-19. Đây là một hoạt động ý nghĩa dựa theo lời mời gọi ‘Ngày Toàn Quốc Xin Ơn Chữa Lành và Cầu Nguyện Cho Những Người Đã Mất trong thời gian đại dịch’ đã được Giáo hội Công giáo Việt Nam cử hành vào Chúa nhật 17-10-2021 vừa qua.
Khoảng gần 1 giờ trước đó, phái đoàn của Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn – gồm Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng, linh mục Phêrô Kiều Công Tùng và linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ – cũng đã đến Hội trường Thống Nhất để – cùng với các vị đại diện đồng bào cả nước – đặc biệt tưởng niệm và cầu nguyện cho những người dân Việt Nam đã vĩnh biệt cõi thế vì Covid, cũng như để chia buồn với các gia đình có người thân đã ra đi mãi mãi vì dịch bệnh.
(Xem thêm tại: https://tgpsaigon.net/bai-viet/dem-tuong-niem-nan-nhan-covid-19-64562)
5. Gần 200 linh mục kêu gọi giúp đỡ tỉnh Papua, Indonesia thoát khỏi chiến tranh
Gần 200 linh mục Công giáo đang phục vụ tại tỉnh Papua, Indonesia bao gồm các linh mục giáo phận, các linh mục Dòng Phanxicô, Âutinh, Dòng Tên…và các linh mục truyền giáo khác đang ra sức kêu gọi các tổ chức quốc tế nhất là Liên Hiệp Quốc hỗ trợ người dân vùng Papua liên quan đến các vấn đề công bằng, chân lý và hòa bình.
Người dân tị nạn tại nhà thờ Bilogai ở Papua
Tình trạng chiến tranh diễn ra trên đất nước Indonesia vì các nhóm nổi dậy và quân đội chính phủ đang đe dọa đến người dân Indonesia và đã có nhiều người chết vì những cuộc đấu súng của những cuộc chiến này. Các linh mục cũng mời gọi các tổ chức chính phủ và tư nhân đóng góp cho sự phát triển của tỉnh Papua và lên tiếng để chấm dứt tình trạng hỗn chiến hiện nay.
(Xem thêm tại: https://www.ucanews.com/news/200-priests-seek-foreign-help-in-indonesias-papua-region/95007)
6. Khai mạc Năm Thánh kỷ niệm 100 năm đền thờ Đức Mẹ Guadalupe bị tấn công
Hôm Chúa Nhật 14/11/2021, Đức Hồng y Carlos Aguiar Retes, Tổng giám mục Mexico, đã chủ tế Thánh lễ khai mạc Năm Thánh tại đền thờ Guadalupe, cử hành nghi thức mở Cửa Năm Thánh nhân kỷ niệm 100 năm cuộc tấn công nhắm vào ảnh Đức Mẹ Guadalupe trong đền thánh cũ, xảy ra vào năm 1921.
Đức Mẹ Guadalupe (Vatican Media)
Vào ngày 14/11/1921, một quả bom do một người đàn ông giấu trong một số bông hoa mà ông đặt trong đền thờ Guadalupe cũ đã phát nổ, gây thiệt hại cho khu bàn thờ được làm bằng đá cẩm thạch, các chân đèn bằng đồng và tượng Chúa bị đóng đinh. Nhờ Thánh giá này mà ảnh Đức Mẹ không bị hư hại. Thánh giá được biết đến với tên “Thánh giá của cuộc tấn công”, do vụ nổ đã bị uốn cong, đang được kính tại cuối đền thờ hiện tại. Năm Thánh sẽ kéo dài đến ngày 20/11/2022, Lễ trọng Chúa Giêsu Kitô, Vua vũ trụ. Trong Năm Thánh này, các tín hữu đi qua Cửa Năm Thánh có thể nhận được ơn Toàn Xá, với các điều kiện là cầu nguyện theo ý Đức Giáo hoàng, xưng tội, tham dự Thánh lễ đầy đủ và rước lễ.
(Xem thêm tại: https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2021-11/nam-thanh-100-nam-tan-cong-den-tho-guadalupe.html)
7. Đức Hồng Y Parolin kêu gọi dùng tiền đầu tư cho vũ khí hạt nhân vào việc xoá nghèo đói
Trong sứ điệp khai mạc hội nghị, Đức Hồng y Quốc vụ khanh Toà Thánh lưu ý rằng đại dịch “đang dạy chúng ta một bài học quan trọng”, đó là “cần phải xem xét lại khái niệm an ninh của chúng ta”, “không thể dựa trên mối đe dọa hủy diệt lẫn nhau và sự sợ hãi, mà phải tìm ra nền tảng của nó trong công lý, phát triển con người toàn diện, tôn trọng nhân quyền, quan tâm đến công trình sáng tạo, phát triển các cơ sở giáo dục và y tế, đối thoại và liên đới.”
Ngài cũng nhấn mạnh rằng mục tiêu tối hậu của việc giải trừ vũ khí hạt nhân là một mệnh lệnh đạo đức và nhân đạo, nó cần cách tiếp cận thực tế thúc đẩy suy tư về đạo đức hòa bình và an ninh đa phương và hợp tác, vượt ra khỏi nỗi sợ hãi và chủ nghĩa tách biệt đang tràn ngập trong nhiều cuộc tranh luận hiện nay. Đức Hồng y kết thúc sứ điệp với lời kêu gọi của Đức Thánh Cha trong Sứ điệp nhân Ngày Thế giới Hoà bình lần thứ 54, như là kim chỉ nam cho những bước tiếp theo tiến tới giải trừ vũ khí: dành các nguồn lực chi cho vũ khí hạt nhân vào việc thúc đẩy hòa bình, phát triển toàn diện con người và sức khỏe thông qua một tổ chức như quỹ toàn cầu nhằm xóa bỏ vĩnh viễn nạn đói và đóng góp vào sự phát triển của các nước nghèo nhất.
(Xem thêm tại: https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2021-11/pietro-parolin-giai-tru-vu-khi-hat-nhan-xoa-ngheo-doi-phat-trien.html)
Tổng hợp và lược dịch Nhật Tài SJ