Các anh em Giê-su hữu, khi nói về mình trong tư cách tập thể, thường sử dụng cụm từ “tình bạn trong Chúa.”
Vậy, cụm từ này xuất phát từ đâu? Nhiều người cho rằng nó bắt nguồn từ ngòi bút của thánh I-nhã trong một lá thư gửi cho người bạn cũ, Juan de Verdolya, có lẽ là một lần duy nhất vào năm 1537 trước khi thành lập Dòng Tên, khi ngài đề cập tới một nhóm bạn đồng hành đang tràn đầy khao khát dâng hiến cuộc đời để lao tác trong vườn nho của Thiên Chúa. Sau một thời gian dài bị lãng quên, cụm từ “tình bạn trong Chúa” được cha Arrupe, Bề Trên Tổng quyền của Dòng từ năm 1965 đến năm 1981, nhắc nhớ khi cha gặp lại cụm từ này trong các tài liệu lịch sử ở văn khố của Dòng tại Rome. “Tình bạn trong Chúa” đã được đưa vào các văn kiện quan trọng của Dòng nhằm mục đích nói lên sự hiệp nhất về đời sống và sứ vụ của các Giê-su hữu, những người bị phân tán trên toàn thế giới để phụng sự Thiên Chúa. Trong một sắc lệnh của Tổng Hội 34, chúng tôi đã khẳng định rằng: “Chúng ta không chỉ là những người bạn trong công việc; nhưng chúng ta còn là những người bạn trong Chúa.”
Kể từ tuần thứ năm của Tổng Hội lần này, cụm từ “tình bạn trong Chúa” thường vang vọng trong tâm trí tôi. Tôi đã sống tình bằng hữu ấy ra sao trong thời gian Tổng Hội? Mỗi ngày ba lần, vào buổi sáng, trưa và tối, tôi đi bộ từ nơi mình ở là cộng đoàn “Bellarmino” tới trụ sở chính của Dòng (khoảng 20 đến 30 phút) với những người bạn đồng hành khác nhau. Chúng tôi trò chuyện với nhau về đất nước mình, về công việc, về cuộc sống của mỗi người, về đời sống Giê-su hữu hay về những vấn đề trong đời sống thường ngày. Mỗi cuộc gặp gỡ như thể giúp khám phá một xứ sở mới. Ngày ngày, tôi được thêm cảm nghiệm về gia đình Giê-su hữu, một gia đình rộng lớn không kém gì thế giới. Dù khác biệt, nhưng chúng thuộc về cùng một gia đình. Tôi đã không lựa chọn các anh em của mình. Sự lựa chọn ấy là công trình của Thiên Chúa. Vào một quãng đời nào đó, nhờ các bài Linh Thao, mỗi người chúng tôi đều nếm trải cùng một kinh nghiệm vốn đưa dẫn chúng tôi đến với đời Giê-su hữu. Khi nấn ná nơi những điều này, tôi thực sự chao đảo với ý nghĩ rằng Thiên Chúa mới là nhà thiết kế chính của cuộc gặp gỡ này, của tình bằng hữu này: chính Ngài đã chọn và liên kết chúng tôi để cùng lao tác với Ngài, không phải như các cá nhân riêng lẻ hay như những người làm thuê, nhưng như những người bạn hiệp nhất trong Chúa. Đó là điều đã nối kết chúng tôi thành tập thể và tạo nền móng cho mối thông hiệp của chúng tôi.
Tình bằng hữu giữa chúng tôi đã vượt lên trên cả thời gian và không gian của Tổng Hội. Từ khi đến đây, chúng tôi thường xuyên cầu nguyện bằng cách nại tới lời chuyển cầu của một vị thánh Dòng Tên. Tôi luôn cảm thấy hãnh diện vì được làm “bạn trong Chúa” của một người đồng hành, một vị thánh đã thực thi những điều lớn lao cho Thiên Chúa, một người đã trao ban cuộc sống mình cho tha nhân. Vì là người Canada, nên trước nhất tôi nghĩ về các vị tử đạo của nước mình, đó là thánh Gio-an Brébeuf và các bạn tử đạo. Tuần này, chúng tôi nhắc tới vị tử đạo gần đây tại Syrie, cha Frans van der Lugt (2014). Vì tình yêu dành cho những người mình phục vụ, cha đã quyết định ở lại với họ, liên đới với họ trong hoàn cảnh chiến tranh, và cha đã hy sinh mạng sống mình tại đó.
Các anh em Giê-su hữu này, và rất nhiều anh em khác, (cả Đức Thánh Cha nữa!) đều thuộc về gia đình của tôi, đều là “những người bạn trong Chúa!”
Gabriel Côté, S.J.
(Quang Khanh, S.J chuyển dịch từ bản Pháp ngữ tại www.gc36.org)