Giữ giọng quê mình em nhé!

Giữ giọng[1] quê mình em nhé!

 

Các em ngần ngại nói với tôi rằng:

– “Thầy ơi! Sao cái giọng nói của tụi con cứ trọ trẹ và khó nghe như thế nào ấy thầy? Tụi con cũng thấy khó chịu với giọng nói của mình khi giao tiếp với nhiều người từ vùng miền khác lắm!”

Tôi hỏi em thêm:

-“Vậy con thấy giọng nói của người miền khác (miền Bắc và miền Nam) thì như thế nào?”

Em chân thành chia sẻ suy nghĩ của chính mình:

-“Dạ tụi con thấy giọng người Bắc thì chuẩn không cần chỉnh. Giọng người miền Nam thì ngọt sớt.”

Tôi hỏi tiếp:

“Vậy các con cứ giữ giọng nói của con như vậy thì có sao không? Có khó khăn hay thuận lợi gì không?”

Em đáp:

-“Dạ! Sau này đi ra thành phố lớn làm việc nói người ta không hiểu. Rồi phát âm không chính xác người ta cười chê mình là quê mùa và thiếu học thức.”

Các em – những cô bé và cậu bé đang tuổi lớn – đang cảm thấy chút gì đó tự ti về giọng nói của quê hương mình. Tôi không trách các em và tôi nghĩ mọi người khi nghe chia sẻ điều này cũng không trách các em. Thay vào đó, tôi tin mọi người sẽ thương các em nhiều hơn. Có thể các em còn mang nơi mình những suy nghĩ bồng bột vì “ăn chưa no – lo chưa tới”, nhưng cũng phần nào xã hội và tiêu chuẩn thức thời đòi các em phải thay đổi. Ít ra các em đã biết lo lắng cho cuộc sống của mình trong tương lai và lo lắng ấy được dựa trên nhiều điều kiện. Xin đơn cử một vài điều kiện “chuẩn” mà đa số người hay đặt ra: Vóc dáng phải cao ráo và xinh đẹp, tiếng nói phải rõ ràng, giọng nói phải chuẩn, biểu hiện sắc thái và nhất là lối cư xử phải hút được người khác. Những gì không thuộc những tiêu chuẩn ấy thì được xem là không nên có và cần được chỉnh sửa hoặc loại bỏ.

 

Em à! Tôi muốn kể em nghe…

Tôi cũng đã từng có những ngày tranh đấu với chính cảm thức “lạc giọng” giữa bao nhiêu giọng nói được cho là chuẩn. Tôi cũng đã từng rơi vào hoàn cảnh bi quan và đề ra quyết tâm mình cần thay đổi. Tôi đã từng học theo cách nói chuyện, cách phát âm và cả điệu bộ của người khác để được công nhận là “đạt chuẩn”. Rồi… Tôi cũng đã từng cảm thấy “lạc loài” khi trở về quê hương mình và bị mang tiếng “mất gốc” vì không còn nói được giọng quê mình nữa… Dần lớn và sau bao nhiêu tháng ngày học hỏi, tìm hiểu và khám phá những góc nhìn mới, tôi được khai sáng và tự đặt câu hỏi cho chính mình: Chuẩn là gì? Lấy tiêu chí nào để đặt làm chuẩn? Cớ sao tôi phải tự đánh mất bản chất con người mình vốn được thể hiện qua giọng nói quê hương?…

Để sau những chất vấn ấy, tôi đã phải vất vả vô vàn để… tìm mọi cách lấy lại cho mình giọng nói nguyên thủy của quê hương mà tôi từng có. Tạ ơn Chúa vì điều gì là căn tính trong xương tủy thì không thể mất đi được, nhưng điều đó đòi hỏi tôi phải nỗ lực để luôn ý thức khi mở miệng nói chuyện rằng: “Tôi là chính tôi! Giọng nói là món quà Chúa ban cho riêng tôi!”. Chính khi lấy lại được món quà nguyên thủy xinh đẹp ấy, tôi không còn cảm thấy ngượng ngùng xấu hổ và cũng không thấy mình “lạc giọng” giữa bao nhiêu giọng nói nữa. Tôi tự tin và can đảm để hòa mình vào bao nhiêu giọng nói và tôi như bao anh em khác, những nụ hoa vẫn tỏa những sắc và hương khác nhau để góp phần cho vườn hoa thêm đa dạng và tươi đẹp.

Vâng! Phút này tôi thực sự quý và trân trọng giọng nói của mình. Tôi không còn đem cái “vô giá” của tôi để so sánh với cái “vô giá” của người khác nữa. Em đừng hiểu nhầm rằng tôi kiêu ngạo và cổ xúy chủ nghĩa cá nhân. Ngược lại, tôi muốn hướng tới một cái nhìn và lối nghĩ rất khác.

 

Chính vì thế, em ơi…

Tôi xin em đừng bao giờ chê bai giọng nói vốn là “đặc sản” của quê hương mình. Dù giọng nói ấy có trọ trẹ, ngang phè, phát âm sai chữ, đọc sai chánh tả và thậm chí nói người khác chẳng hiểu nếu được nghe lần đầu tiên, thì em cũng đừng bao giờ ao ước loại bỏ nó. Trong tinh thần cầu tiến, em vẫn có thể học thêm cách phát âm khác để đạt được sự “chuẩn” như mong muốn và sử dụng trong những bối cảnh phù hợp cho tương lai, nhưng tôi mong em hãy đặt và trả giọng nói quê hương mình về đúng vị trí được tôn trọng mà nó đáng được có. Tôi tin có lúc em cũng sẽ có cảm nghiệm như tôi rằng: tiếng nói của quê mình đẹp lắm! Bởi đó là giọng nói của cội nguồn, của nơi chôn nhau cắt rốn, của ông bà cha mẹ bao nhiêu thế hệ đã tặng cho tôi và em, mà nói đúng hơn là món quà rất riêng mà Thiên Chúa đã trao cho mỗi người. Như tôi có nói ở phần đầu, rằng cái gì là bản chất thì nó khó biến mất, nhưng một khi ý chí con người muốn loại bỏ nó cách trắng trợn, thì cái cốt lõi vẫn bị xếp xó vô dụng vĩnh viễn, rồi có lúc em sẽ có lúc em cảm thấy mình “lạc loài”, “lạc loài” thật sự đấy em à! Đứng giữa quê hương mà thấy mình chẳng mang lấy giọng quê hương, đứng trước người khác xứ thì giọng nói của mình cứ “lơ lớ” khó tả.

 

Tôi muốn kể cho em nghe…

Có những bậc ông bà và cha mẹ đã thầm “đau như cắt” khi thấy con cháu mình, vì hoàn cảnh đặc biệt nào đó, mà không còn giữ lấy giọng nói và tiếng nói quê mình. May mắn đời con thì có thể trọ trẹ “lơ lớ” nhưng đời cháu thì đành nhờ con dịch giùm chứ nói tiếng quê mình thì cháu không hiểu.

Có những người con xa xứ biền biệt đến lúc giã từ không còn dịp hồi hương. Phút cuối đời họ đã “thèm” được nghe ai đó cất lên giọng nói hay tiếng nói quê hương. Hay chí ít có ai đó hát cho mình nghe một câu hò hay câu hát quê hương… mà có người vẫn… không đạt được.

Có những người nước ngoài đến đất Việt và mong được học tiếng Việt, nhưng ít ai trong số họ có thể phát âm được cách chính xác hoặc biểu hiện sắc thái, nhất là sắc thái và lối phát âm của mỗi vùng miền, trong câu nói.

 

Tôi nói với em những điều đó để muốn chia sẻ với em rằng…

Em hãy tự hào và… tự hào và… tự hào vốn “đặc sản” mà em đang mang trong người mình – là giọng nói quê hương mình – em nhé! Vì đó là món quà vô giá mà Thiên Chúa đã ban cho em ngang qua vùng miền, ông bà, cha mẹ.

Em hãy tự hào vì em có giọng nói rất riêng, tiếng nói rất riêng, cách nói rất riêng. Vườn hoa có đa sắc và đa màu là do nhiều bông hoa góp phần. Dù chỉ là hoa dã quỳ bên vệ đường nhưng em vẫn có giá trị rất riêng mà Chúa Quan Phòng mặc cho em, đừng chỉ mãi so sánh và “đứng núi này trông núi nọ”.

Em hãy mạnh dạn giữ giọng nói quê hương, cứ tự nhiên biểu hiện sắc thái và giao tiếp theo phong cách mà em được ban tặng. Em là độc đáo và duy nhất trong cách tạo dựng của Thiên Chúa, em có biết không…

Little Stream

[1] Giọng/ Giọng nói: Trong bối cảnh bài viết được hiểu là cách phát âm riêng của một vùng, một địa phương

Kiểm tra tương tự

Danh Thánh Chúa Giêsu và Ơn Hoán Cải của Thánh Phaolô

  Hãy suy nghĩ về vai trò quan trọng nhất của Thánh Danh Chúa Giêsu …

“Tết Con Kể Mẹ Nghe” – Trở về với Tình Thương

Tết này, bạn đã có một nơi để trở về, nơi mà có người vẫn …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *