Giữa gấp gáp…

Giữa dòng đời gấp gáp, tôi lại nhận ra những tĩnh lặng cần thiết của đời người. Nghịch lý. Quả là nghịch lý. Nhưng… đó là điều có thật.

Hẳn rằng bạn phải đồng ý với tôi cuộc sống chúng ta là chuỗi những ngày gấp gáp. Thử nhìn vào một ngày sống bình thường, mọi sinh hoạt đều cho thấy nét vội vã và chỉ rõ đích điểm mà chúng ta nhắm đến là gì. Đơn cử nơi một người nhân viên văn phòng. Thức dậy thật sớm chuẩn bị cơm nước sẵn sàng cho vào cà mèn. Gọi các con dậy để chúng hoàn tất việc vệ sinh cá nhân và thay quần áo tươm tất. Đúng giờ rời khỏi nhà để đi đến trường. Trên đường đi không quên ghé ngang tiệm bánh mì, bánh ướt hay bất kì loại bánh nào có thể bỏ vào bụng để được no ngay lập tức. Không quên ghé ngang quán nước mua một ly cà phê mang đi để giúp tỉnh táo. Đưa con tới trường rồi tới công sở, đứng chỗ bãi xe chỉnh đốn đồng phục rồi bước thật nhanh vào văn phòng. Cắm mặt mũi vào bàn phím và màn hình. Có ai đó gọi í ới mà vẫn không buồn rời màn hình mà chỉ trả lời cách qua loa như thể muốn nói: “Làm ơn đừng phiền đến tôi!”. Trưa mua hộp cơm ăn vội rồi tranh thủ ngã lưng đôi chục phút. Bắt đầu ca làm chiều. Tan sở rước con từ trường học về nhà. Ghé chợ mua ít thức ăn để chế biến cho bữa cơm tối gia đình. Ăn uống rồi việc ai nấy làm, các con chuẩn bị bài tập rồi ngủ sớm, vợ chồng thì làm việc còn tồn ở công ty chưa giải quyết xong, gần sáng mới chợp mắt đôi chút.

Có lẽ không cần phải kể ra một lịch trình dài sòng sọc như thế, vì… cuộc sống mưu sinh ai cũng phải vậy mà. Trên đây chỉ là một lịch trình đơn cử, nhưng nhìn chung thì ai cũng vất vả để lo cho cuộc sống mình. Mọi phấn đấu hiện tại để mong lo cho gia đình và bản thân được tươm tất đàng hoàng. Nhiều lúc nóng giận vì ai đó lỡ chen ngang mạch nỗ lực và sự cố gắng trong mệt mỏi, ngay cả trước những đề nghị tha thiết: “Ba mẹ ơi! Chở con đi chơi đi!”. Lúc đó, tiếng quát mắng thay vì tiếng yêu thương, mệnh lệnh thay vì những lời nói khuyên lơn và hướng dẫn. Dường như nhiều giá trị đáng ra phải được xem trọng hơn thì nay đã bị đặt xuống hàng thấp nhất. Đó là giá trị về con người và giá trị tình cảm, thay vào đó, giá trị vật chất và mưu sinh lại được ưu tiên. Đúng! Vật chất cũng cần và lo cho cuộc sống cũng cần. Người không biết làm ăn thì cuộc đời nghèo khổ và suốt đời chẳng tiến lên được mà chỉ biết ăn bám người khác. Nhưng liệu khi nỗi lo lắng về vật chất và mưu sinh tới mức thái quá thì mọi chuyện còn tốt đẹp nữa chăng?

Gấp gáp với những bận tâm cuộc sống là điều chính đáng, nhưng còn có những điều chính đáng hơn nhiều lần như thế. Biết đâu nơi bàn cơm lạnh tanh của gia đình cần những bát cháo nóng hay một món rau xanh đơn giản với vài bước chuẩn bị. Biết đâu vợ, chồng và con cái “thèm” được nghe tiếng của nhau thay vì tiếng cọc cạch của máy tính. Biết đâu gia đình cần sum họp hơn là quần quật bỏ hết công sức kiếm tiền để đổi lấy thái độ làm ơn và đòi người khác biết ơn nỗ lực của mình…. Có những điều cần nhưng cũng chưa cần lắm! Và biết đâu… lúc nào đó bạn buông việc ra vì kiệt sức, mệt mỏi, chán chường và bạn đã đi hết nửa dốc cuộc đời. Biết đâu… lúc nào đó bạn không còn nghe tiếng í ới vì xa lìa những người thân yêu vĩnh viễn. Biết đâu… mọi sự đã trễ. Vật chất và tiền bạc bên mình, trơ trọi giữa đời, để làm gì?

Hãy để cho mình một góc bình yên giữa tất tả cuộc đời này. Giữa gấp gáp hãy để mình có thời gian suy nghĩ. Ý thức điều đó để rồi khi dấn thân vào gấp gáp thì bạn cũng biết rút mình ra khỏi những bận tâm không cần thiết, mà hướng về giá trị cao quý hơn nhiều. Tình yêu, gia đình, bạn bè, nghỉ ngơi, trò chuyện… Còn nhiều góc lặng giữa nhiều gấp gáp đời mình, bạn đã nhận ra?

Hài Nhi Giê-su đã sinh ra trong lặng lẽ giữa những gấp gáp của cuộc sống chúng ta. Người cũng dạy chúng ta giá trị về sự tĩnh lặng. Tĩnh lặng giữa gấp gáp. Sự tĩnh lặng có giá trị thực với cuộc đời chúng ta.

Little Stream

Kiểm tra tương tự

Năm mới, tâm hồn mới: Cảm hứng từ Giáo lý Hội thánh Công giáo

Ký ức là một phần không thể thiếu đối với bản sắc con người. Sách …

Giáo hội và Thuyết Tiến hóa: Câu chuyện về cuốn sách bị lên án

  Trong loạt bài về Giáo hội và Khoa học, chúng ta sẽ xem xét …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *