Giuse – Người thầm lặng

Người ta thường nói về Giuse với nhiều đặc tính nổi bật khác nhau: khiêm nhu, hiền lành, chăm chỉ, công chính… Còn tôi, tôi thích nói về ngài như một con người thầm lặng – nói ít, làm nhiều và không hề phô trương. Chúng ta chỉ biết một chút ít về Giuse khi các tác giả Tin Mừng thuật lại những biến cố xảy ra trước và sau khi Đức Giêsu giáng lâm. Ta biết về gốc gác của Giuse, về hôn ước giữa ông và Maria, biết về những trằn trọc trăm mối tơ vò để tìm ra giải pháp tối ưu cho chuyện vị hôn thê sắp cưới của mình có mang, rồi chuyện truyền tin trong giấc mơ và những chuyến hành trình lắm chông gai và mệt mỏi. Qua những tình tiết nhỏ nhặt đó, ta thấy Giuse hẳn phải là một con người có tinh thần trách nhiệm rất cao. Giuse đã không hành xử theo cảm tính hay chỉ làm mọi chuyện cho qua. Đã có lúc Giuse phân vân không biết rời bỏ Maria hay tiếp tục cuộc hôn nhân này. Nhưng khi nhận được lệnh của Chúa là hãy rước Maria về, ông đã thực thi mệnh lệnh như thể đó là sứ mạng của mình, như là chọn lựa của mình, không một lời oán than hay một đòi hỏi xin giải thích.

Khi Maria lâm bồn, hẳn là Giuse đã phải chạy vạy khắp nơi để tìm kiếm chỗ tươm tất. Khi không tìm thấy một nơi ấm êm và đường hoàng, hẳn là chàng cũng buồn phiền lo lắng biết bao cho sức khỏe của vợ và hài nhi vừa mới sinh. Giữa đêm khuya giá lạnh, đang tựa đầu để nghỉ ngơi một chút thì chàng đã phải vội vàng thức giấc để đưa vợ và con băng đường dài, trốn đi tị nạn ở nơi xa. Khi được lệnh trở về, chàng cũng nghe ngóng tình hình, để quyết định xem nên cư trú ở đâu để vợ con có thể được an toàn, không bị những ganh ghét của thế lực trần gian làm hại. Và khi đã tìm được chỗ tốt nhất, chàng lại tiếp tục hành nghề thợ mộc để kiếm cơm nuôi sống gia đình. Giuse đã hoàn toàn dành hết tâm huyết để chăm lo cho gia đình nhỏ bé, cùng với vợ giáo dưỡng Giêsu, cả thể chất lẫn tinh thần, với hết tất cả tình yêu và trách nhiệm của một người đàn ông cột trụ nơi tổ ấm.

Vào đêm Noel, một đêm bình thường như bao đêm khác, nhưng lại trở nên đặc biệt vì có sự hiện diện của Hài Nhi Giêsu. Một sự sống mới vừa chào đời xua tan đi hết tất cả những mệt mỏi của dặm trường xa xôi, của cơn đau sinh nở. Giuse mặc sức chiêm ngắm Ngôi Lời giáng sinh. Chỉ cần nhìn Hài Nhi cũng đủ để Giuse cảm thấy hạnh phúc vô vàn vì biết mình vẫn còn nằm trong bàn tay yêu thương của Thiên Chúa. Giuse bỗng quên đi hết những khó khăn đã trải qua và những chông gai đang chờ phía trước. Lạnh lẽo của mùa đông ư, hôi hám của chuồng bò ư… tất cả bây giờ chẳng còn là điều gì to tát nữa. Nhìn Hài Nhi đang cựa quậy trong chiếc khăn, Giuse thấy đất trời như kết nối với nhau, cả vũ trụ như đang cười sung sướng, từng cọng cỏ cũng hân hoan, từng giọt sương cũng bồi hồi hạnh phúc. Hang đá đơn sơ, máng cỏ hôi tanh… chẳng còn là vấn đề nghiêm trọng nữa. Chúng đã hóa Thiên Đường.

Chỉ cần nghĩ đến chuyện Giuse hy sinh thế nào cho Thiên Chúa và cho gia đình nhỏ bé của mình cũng đủ để chúng ta cũng mường tượng được công trạng của ngài to lớn như thế nào trong công trình cứu độ của Thiên Chúa. Nhưng chẳng bao giờ ngài hô hào lên tiếng cho người ta biết về những hy sinh của mình? Dường như đối với Giuse, được phục vụ Chúa là một niềm vinh hạnh, được hy sinh cho người khác điều ta nên làm. Nó hiển nhiên như ta hít thở, chứ chẳng phải là điều gì đó ghê gớm đến độ đáng được nêu danh. Chính cái tính cách khoan khai, khiêm nhường và lặng lẽ ấy của Giuse đã giúp cho thánh nhân sống một đời mà không đau khổ dằn dặt chi, không hụt hẫng, nhưng lúc nào cũng bình an, hạnh phúc.

Giuse không cần chi người ta biết đến và ca tụng, có lẽ bởi vì Giuse đã có được phần thường cho chính mình rồi. Ông là một trong những người đầu tiên thấy được tận mắt, sờ được bằng tay hình hài của Con Thiên Chúa. Một quãng thời gian dài, ông có Chúa kề bên, được tập cho Chúa nói, được mớm cho Chúa ăn, được vui cười với Chúa. Rồi bỗng một ngày, niềm hạnh phúc như ngập tràn khóe mắt khi tai ông nghe chính Thiên Chúa gọi mình hai chữ “bố ơi” thật ngọt ngào và êm ái. Ông là ai mà được diễm phúc trở thành người được Con Thiên Chúa gọi là cha? Cả một huyền nhiệm cao vời đang hiển lộ trước mặt ông: một Thiên Chúa làm người mà ông đang ẵm bồng đây, đang gặp gỡ từng giây phút đây, được ôm lấy từng ngày đây. Có Giêsu rồi, ông đâu cần tìm kiếm điều gì nữa. Có nguồn hạnh phúc ở đây rồi, cần gì phải theo đuổi điều gì nữa.

Giêsu càng lớn lên, bình an và khỏe mạnh thì hình ảnh của Giuse cũng dần dần mờ nhạt đi. Đến một lúc, ta chẳng còn thấy Tin Mừng nhắc gì đến chàng nữa. Giuse qua đời khi nào, lúc bao nhiêu tuổi… ta cũng chẳng hay biết. Giuse đã hoàn toàn để cho Chúa lớn lên, bằng cách để mình nhỏ bé đi. Những gì làm cho Chúa, ngài kể như chẳng là gì to tát. Có chăng là trọn một niềm hạnh phúc vì cảm thấy vinh dự được Chúa cho cộng tác vào chương trình cứu độ của Ngài mà thôi. Giuse có lẽ đã tạ thế trước khi Đức Giêsu bắt đầu sứ vụ công khai. Ông không được nghe những lời giáo huấn vàng ngọc của Giêsu, người con yêu của mình, dành cho dân chúng. Nhưng biết đâu, khi căn dặn các môn đệ hãy biết phó thác mọi sự cho Chúa Cha, hãy vác thập giá hàng ngày, hãy sống khiêm nhường nhỏ bé, Đức Giêsu đã nghĩ đến vị dưỡng phụ yêu quý của mình. Giuse đã biến cuộc đời mình thành một lời nguyện ca tuyệt vời dâng lên Chúa. Sự thầm lặng, hoá ra lại có một sức mạnh ghê gớm đến dường ấy.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Kiểm tra tương tự

Giáng Sinh trong Nghệ Thuật – Chúa Giêsu sinh ra tại Bêlem

Các mục đồng thờ lạy Chúa (1622). Hoạ Sĩ Gerrit van Honthorst (1592-1656). Tranh được …

Phép màu Giáng Sinh: Cuộc hoán cải của thi hào Paul Claudel

  Vì sao thi sĩ nổi tiếng ấy trở lại đạo Công giáo vào đúng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *