GX. Thiên Thần: Tĩnh Tâm Mùa Chay 2016 (ngày thứ hai)

IMG_0592

 

CON NGƯỜI VÀ ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN

Ngày tĩnh tâm thứ hai, mỗi người hãy nhìn lại đời sống đức tin của mình. Nói đến đức tin một cách chung chung sẽ chẳng bao giờ nói hết được. Bài chia sẻ chỉ dừng lại trong giới hạn tương quan với Đức Giê-su Đấng đã nói trong bài Tin Mừng hôm nay “…khi treo Con Người lên, các ông sẽ tin là Tôi Hằng Hữu”. Một đức tin dựa vào biến cố Đức Giê-su bị đóng đinh, chịu treo trên thập giá, một đức tin được tôi luyện trong đau khổ và thử thách.

Trước hết, mỗi người cũng nên điểm lại những nỗi sợ hãi đang ám ảnh con người. Khi sống trong bóng tối, người ta sợ. Khi đối diện với những gì vượt ngoài khả năng, người ta sợ. Khi mọi sự không chắc chắn, không an toàn, người ta sợ. Người ta sợ vì không biết tin ai và cũng chẳng biết nơi nào đáng tin, nơi nào an toàn. Người ta sợ vì sự dữ, đau khổ cứ bủa vây xung quanh cuộc đời. Sự dữ bởi đâu mà có?

Đứng trước sự dữ, đứng trước những đau khổ của cuộc đời con người thường có hai thái độ: thứ nhất, nghi ngờ sự hiện diện của Thiên Chúa, thiếu tin tưởng vào sự quan phòng của Ngài. Nếu có Chúa tại sao Ngài lại để cho tôi khổ như vậy? Thứ hai, người ta sẽ tin ngay rằng những đau khổ đó là do quỷ gây ra, đổ thừa tất cả cho quỷ, và tin chắc quỷ có mặt trong đời sống con người.

Người ta có thể sợ sự dữ vì hai lý do: trước hết vì con người quá dính bén với những gì thuộc đời này. Con người ưa thích được yên ổn, sung sướng bản thân, sống hạnh phúc và dễ dàng. Vừa khi xảy ra biến cố nhỏ to bất lợi, hoặc mọi sự không được như ý muốn, con người cho đó là một tai họa. Bên cạnh đó, con người thường có xu hướng đòi hỏi rất nhiều, hễ không được thỏa mãn là cảm thấy mình khổ sở, bắt đầu càm ràm, than thân trách phận. Đây cũng là trường hợp dân Israel đã kêu trách Thiên Chúa mà bài đọc trích từ sách dân số ghi lại. Họ không nhớ giá trị vĩ đại của việc họ được giải phóng khỏi cảnh nô lệ Ai Cập, mà chỉ nhìn vào việc ăn việc uống không được như ý, rồi kêu trách Chúa.

Tiếp đến, nỗi lo sợ của con người còn bắt nguồn từ sự thiếu tin tưởng vào Chúa. Thử nghĩ sao khi một đứa trẻ, trước một việc khó khăn lại từ chối không để cho cha mẹ nó giúp đỡ? Có thể ta nói đó là đứa trẻ thiếu khôn ngoan, hư hỏng, cứng đầu. Tuy nhiên, một đứa trẻ không hành động như thế, vì nó thiếu tin tưởng nơi cha mẹ nó. Còn người lớn, bất luận nam hay nữ, luôn cư xử cách thiếu khôn ngoan và cứng đầu đối với Cha trên trời. Cuộc sống là một công trình lớn lao mà Thiên Chúa đã trao phó cho con người, nhưng Ngài không buộc con người phải làm lấy một mình. Ngài thừa biết con người không đủ khả năng. Dầu vậy, con người đã cư xử không khác đứa trẻ kia, họ cho rằng cuộc sống quá ư khó khăn đến nỗi phải tự lo liệu lấy một mình.

Nhưng, có người sẽ cãi cố rằng, thế không cần phải lo lắng gì sao? Cứ để mặc cuộc đời trôi nổi hay sao? Sống như thế là vô trách nhiệm. Họ nhận định đúng. Tuy nhiên, khi con người lo lắng về số phận của mình tức là họ tự đảm nhận phần việc của Thiên Chúa. Khi ấy, Thiên Chúa để mặc cho họ làm. Ngài không cưỡng bách. Nhưng con người không tìm được niềm vui nào ở đó. Chúa trao cuộc sống để con người đảm nhận cách có trách nhiệm. Bên cạnh đó, Ngài cũng mới gọi con người tin tưởng và phó thác nơi Ngài. Bởi vì, lòng tin vào Chúa xóa bỏ sợ hãi. Con người không thể đồng thời vừa tin lại vừa sợ. Vì khi ta chiều theo sợ hãi, là ta hết tin rồi.

Tin vào Thiên Chúa là cần thiết. Nhưng có vẻ đức tin ấy không đơn giản. Đức tin thường bị thử thách để thêm lớn mạnh, thêm vững vàng. Trong mọi thử thách của cuộc đời mỗi người, Thiên Chúa luôn có mặt để đồng hành với họ.

Đau khổ là cuộc thử thách đức tin. Đối với người tín hữu, thử thách không kéo họ xa lìa Thiên Chúa, nhưng trở về với vườn Cây Dầu, âm u giữa những tàn cây, nơi Thiên Chúa đã đến để thực hiện một điều mà Ngài không thể làm được trên thiên đàng: đó là chịu đau khổ với nhân loại. Thập giá của Chúa Ki-tô là điểm gặp nhau giữa Ngài với nhân loại đau khổ.

Con người bị xa Chúa không phải vì Chúa bỏ rơi, nhưng là những kênh liên lạc giữa con người với Thiên Chúa đang có vấn đề: cầu nguyện, đọc kinh, chầu thánh thể, học giáo lý, đọc kinh chung gia đình, thăm viếng, lần chuỗi… đang bị mai một dần, và thay vào đó là những vấn đề của con người được chú ý nhiều hơn. Thay vì hướng tâm trí về Chúa, chúng ta hướng về con người và các vấn đề luân lý xã hội mà thôi. Thế nên mỗi người đang đánh mất dần cảm thức thiêng liêng, đời sống đức tin có nguy cơ bị suy dinh dưỡng, cho dù thân xác có thể bị béo phì. Kết quả là khi khó khăn thử thách đến, con người không đủ sức chiến đấu, nên dễ dàng than trách, và ngã lòng.

Hình ảnh Đức Giê-su bị treo trên thập giá là dấu chỉ cho đức tin của mỗi người. Vì muốn đồng cảm với con người trong khó khăn thử thách, Ngài đã chấp nhận bị treo lên như thế. Vì muốn con người xác tín rằng: Thiên Chúa yêu con người và không bao giờ bỏ rơi con người, nên Ngài sẵn lòng bị treo lên như thế. Vì biết rằng có những khó khăn thử thách, sức con người không đủ để vượt qua, nên Ngài vẫn treo mình trên thánh giá để ai tin vào Ngài sẽ được sức mạnh cứu độ. Xin cho mỗi người biết năng chiêm ngắm và cầu nguyện với Đức Giê-su trên thánh giá, để nhờ đó, có sức đối diện và vượt qua những thử thách đang gặp trong cuộc sống. Mỗi lần đứng trước thánh giá, mỗi người hãy tự hỏi: tôi đã làm gì, đang làm gì và sẽ phải làm gì cho Đức Ki-tô. Xin cho lời Đức Giê-su ban thêm sức mạnh cho mỗi người vì “mọi sự đều có thể đối với người tin vào Chúa”. Amen.

Bản tin giáo xứ Thiên Thần.

 

Kiểm tra tương tự

Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ Thiên Thần Mừng Bổn Mạng

Hòa chung với Giáo Hội toàn cầu, đặc biệt với Giáo Hội Việt Nam,  Hội …

Các tân linh mục Dòng Tên Việt Nam về dâng lễ tạ ơn tại giáo xứ Thiên Thần

Sau một ngày được phong chức linh mục, các tân linh mục của Dòng Tên …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *