Hội nhập văn hóa và tầng nền tâm hệ Việt Nam – Phần I: A. Tầng nền ngầm của quá khứ

Tầng nền ấu nguyên của Tâm hệ tập thể

Động vật có xương sống đã khởi sự từ cá để tiến qua lưỡng cư (amphibien), bò sát, chim, về phía loài có vú. Cái mới đạt được không huỷ cái đã vượt qua. Cái bị vượt qua vẫn tiềm phục trong cá thể mới này. Bằng chứng tìm thấy nơi tiến hóa ấu thời của các loài như ếch, nhái, cóc. Con chúng khi sinh, con nòng nọc, đã thở và bơi đuôi như cá, nhưng cũng giống một số thuỷ cư, tiềm chứa khả năng để thở bằng phổi, tiềm chứa mầm sống cho những cặp chân song song, để rồi sẽ sống lưỡng cư, và cuối cùng rụng đuôi mọc chân lên sống trên cạn hoàn toàn. Tuy sống trên cạn, nhưng xuân về, thím cóc vẫn xuống đẻ dứơi nước, để con cái thím lại tái diễn đường tiến hóa động vật qua ba giai đoạn: cá, lưỡng cư, địa cư. Nghĩa là, tuy đã thành địa cư, ếch, nhái, cóc vẫn tiềm chứa trong nền tảng giải phẫu học của chúng sức sống thuỷ cư và lưỡng cư. Nói cách khác, quá khứ của ếch, nhái, cóc vẫn còn đó, không phải như một di tích suông, mà như một sức sống chiều sâu để chi phối cả bề mặt của sự sống nữa. và phần nào cũng thế ở tiến hóa bào thai con người.

Xét về mặt giải phẫu học, quá khứ tàng ẩn ở các gen và truyền lưu muôn kiếp bằng các gen. Và các khuynh hướng bản năng cũng thế.

Nơi con người, bản năng động vật thoái hóa về phía phôi thai, dang dở trong khi “bản năng tinh thần” trưởng thành dần qua các cố gắng tập thể và cá nhân. Cũng như quá khứ sinh vật học và sinh lý học, quá khứ tinh thần của tập thể vẫn tiềm phục bền dai trong mỗi cá nhân, ở những tầng lớp sâu nhứt của tâm hệ. Quá khứ xa xưa được cấu thành bởi hệ thống cácnguyên tiêu của toàn giống người và của mỗi văn minh. Quá khứ ấy là cái nền tảng ấu nguyên trên đó kiến thiết tâm hệ, con người tâm linh của chúng ta, xét về mặt tập thể. Quá khứ ấy, khi ra mắt, sẽ mang biểu hiệu Hài nhi và tự thuật qua chủ đề Hài nhi. Chủ đề Hài nhi thường chở mang năng lượng tăng trưởng của hài nhi nên hứa hẹn rất nhiều.

Xem như thế, quá khứ chỉ chìm xuống, chứ không tê liệt, tiêu tan. Càng chìm, quá khứ càng giàu mạnh bằng chính sự giàu mạnh của nguồn sống tâm linh ở chỗ bắt đầu vọt lên. Cho nên, có thể ước tính rằng tôi và dân tộc tôi sống đến 99% bằng quá khứ của mình. Quá khứ ấy, nơi các nguyên tiêu của nó, xây dựng thành con người tâm linh nền tảng của tôi, xây dựng nên cộng đồng dân tộc tôi bằng văn hóa của nó. Sống bằng quá khứ không có nghĩa là sống vì quá khứ. Sống vì quá khứ mới là bảo thủ, còn sống vì tương lai bằng chính quá khứ của mình thì đó là cầu tiến, và tiến như thế mới đúng là tiến, tiến vững chắc bằng chính nền tảng của mình. Nghĩa là, theo Jung, bước tiến ấy phải đếm xỉa đến quá khứ của mình, phải bắt liên lạc được với quá khứ ấy để xuất phat từ chính quá khứ ấy. Bằng như không đếm xỉa gì đến nó, thì cuộc sống mới sẽ bật gốc, sống mà không đứng vững được trên trái đất của mình. Sống mà không trung thành với quá khứ (tôi bất hiếu với cha mẹ tôi) thì cũng cắt đứt với tương lai luôn (đến lượt con tôi cũng sẽ bất hiếu với tôi). Sống vậy là sống không hướng đi, không ý nghĩa, nguồn gốc của mọi chán chường và thác loạn, khùng điên và quái biến, như Freud, Jung và các nhà phân tâm học khác quả quyết.7

Cho nên, mọi cuộc sống, dù của cá nhân hay tập thể, phải cắm rễ sâu vào quá khứ, nhờ đó hút được sức sống nguồn cội từ nền tảng tâm linh nó là chính quá khứ đó. Phải quan tâm đến cái mới và đổi mới luôn luôn cho phù hợp với hoàn cảnh. Đổi mới để hoàn thiện sự sống. Đổi mới vì sống thì phải biến đổi. Đổi mới vì sáng tạo là của tinh thần trong khi quán tĩnh là nguyên lý tồn tại của vật chất. Nhưng đổi mới thì phải từ nền tảng (nền tảng ấy được xây bằng quá khứ) mà đổi mới, giống như con người tôi ngày một lớn khác, mà vẫn con người ấy qua suốt hành trình cuộc đời. 8

Để trị liệu tâm bệnh, phải lôi kỳ được quá khứ ra, quá khứ ở chính chỗ tật thương và căn cội của thương tật ấy. Nhưng lôi ra (ý thức) không phải là để sống lại, mà để từ điểm dang dở này, phải trưởng thành lên. Với tâm hệ tập thể cũng vậy. tuy phải bắt liên lạc với quá khứ, nhưng vấn đề không phải dừng lại ở chỗ dở dang, ấu trĩ của quá khứ, mà từ điểm ấy hoàn chỉnh con người tâm linh mà quá khứ chỉ mới bắt đầu xây dựng thôi. Đó là cái mà xem ra chính Jung chưa nghĩ đến.

Chỗ dở dang của tâm thức tầm thiêng, đó là tâm thức huyền thoại. Với tâm thức huyền thoại, con người mới chỉ thích vào khuôn trong những hành động thần thánh nguyên thuỷ. Đó mới chỉ là ấu trạng của con người hướng thiêng. Con người ấy phải hòa nhập với thần thánh chân chính trong hành vi cứu nhân độ thế của các ngài. Con người ấy phải hướng tới tâm thức huyền lễ (mystères), và cuối cùng nếu có thể, tới ước muốn huyền hiệp. Với huyền lễ, người ta chỉ muốn dự vào hành động của thần thánh, chứ chưa hòa nhập với thần thánh. Sự hoà nhập này thực hiện trong huyền hiệp, huyền nghiệp, ở đó tâm hồn có thể thỏa mãn hoàn toàn trong một hạnh phúc không sao hiểu nổi.

Dù ở giai đoạn huyền thoại, các nguyên tiêu chỉ xuất hiện qua những biểu hiệu quen thuộc, nhất là ở mỗi vùng văn hóa. Dù ở giai đoạn huyền lễ, đồng bóng, sự hứng khởi đến say sưa chỉ đạt được qua cách diễn tả ngàn đời đã thành khuôn. Và dù đây là huyền hiệp, trừ ra ở đỉnh cao tuệ trí, thần thánh chỉ được cảm nghiệm trong những hình thức văn hóa quen thuộc với tôi.9

Phải làm gì đối với Kitô giáo của chúng ta đây?

Trước hết cần xây dựng Kitô giáo thành một cỗi giã văn hóa, nghĩa là đưa tinh thần và biểu hiệu chính yếu Kitô giáo vào trong văn chương, tư tưởng, nghệ thuật Việt Nam để qua đó biến đổi tâm thức của mọi người Việt, giống như Phật giáo đã làm và thành công. Như thế mới đúng ý nghĩa phúc âm hóa Việt Nam.

Để người Việt chấp nhận Kitô giáo thành người nhà (Gioan 1,11), thì Kitô giáo cũng phải được Việt hóa, nghĩa là được tư tưởng và diễn tả bằng các phạm trù, các biểu hiệu phương Đông, nhờ đó về mặt tự nhiên, được nuôi dưỡng bằng chính năng lượng tâm linh mà các nguyên tiêu Việt mang chở.

Thực ra, hai tiến trình nói trên liên quan vô cùng mật thiết với nhau, đến nỗi không thể đi vào tiến trình trước mà không bắt đầu tiến trình sau, và ngược lại cũng vậy. Nói rõ hơn, không thể Kitô hóa văn hóa Việt mà không Việt hóa Kitô giáo. Lại không thể Việt hóa Kitô giáo mà không Kitô giáo hóa văn hóa của chúng ta. Có thể nói, đây là một tiến trình kép.

Nhưng không thể Việt hóa Kitô giáo nếu không Việt hóa Kitô hữu, Việt hóa nhất là những con người tiêu biểu cho Kitô giáo nơi các giáo sĩ và tu sĩ. Để được tái Việt hóa, chúng ta hãy bắt đầu làm quen với quá khứ của chúng ta. Đó cũng là tìm hiểu cấu trúc nền tảng của tâm hệ Việt, từ đó xây dựng con người Kitô hữu đích danh.

(Còn tiếp)

Chú thích

(1) Hậu quả sẽ là thoái ấu (régression) hay quái biến (perversion)

(2) Quả có những thúc bách tôn giáo và đạo đức từ nền tảng của cơ cấu tâm linh khiến khoa tâm thần trị liệu không thể không đếm xỉa đến được (xem C.G.Jung L’homme à la découverte de son âme, éd.Mont.Blanc, Genève 1962 tr.62-68).

(3) Xem C.G.Jung, Thăm dò tiềm thức (Essai d’exploration de l’inconscient) bản dịch của Vũ Đình Lưu, Sài gòn 1967 tr.169.

(4) Xem C.G.Jung, Thăm dò tiềm thức tr.170

(5) Les rêves, Payot 1968

(6) Ibidem, tr.168

(7) Hệ huyền thoại của một bộ lạc là tôn giáo sống của họ, mà nếu mất đi, thì bao giờ và nơi đâu cũng thế, ngay cả đối với con người văn minh, luôn luôn có một “sụp đổ tinh thần” (C.G.Jung, Introduction à l’essence de la mythologie, P.B.Payot, Paris 1968, tr.108-109).

(8) Jung nói: “Chỉ có một phân biệt chủ yếu giữa một bên là hoạt động ý thức và bên kia là hoạt động vô thức của tâm hệ. Ý thức, dù với tất cả cường độ và sự tập trung của nó, hoàn toàn có tính cách mong manh, chỉ phù hợp với hiện tại tức thì và gần gũi quanh đó; tự bản chất nó chỉ có đựoc những vật liệu của kinh nghiệm cá nhân, trải ra không đầy mấy chục năm. Nói chung, ký ức của nó rất nhân tạo và chủ yếu chỉ gồm loại giấy in rồi. Vô thức thì  khác hẳn! Không tập trung cũng chẳng cường mạnh, nó âm u, gần như tăm tối. Nhưng chính do sự tăm tối ấy mà nó trải rộng mênh mông, nó quy tụ bên nhau những yếu tố dị chất nhất. Ngoài cả một khối tri giác bên lề ý thức, không quy về cái gì cả, nó còn có sẵn một kho tàng bao la những lớp tầng chồng chất của ức vạn đời tiên tổ lắng đọng làm nên. Chỉ bằng sự hiện diện của chúng, những tầng lớp ấy đã góp phần biệt định giống người. Nếu có thể cá nhân hóa vô thức, nó sẽ có dáng vẻ một con người tập thể sống bên lề sự phân chia giới tính, bên lề của tuổi xuân và tuổi già, bên lề của cái sinh và cái tử, nhưng lớn mạnh bằng cả kinh nghiệm người gần như vĩnh cửu của một hai triệu năm… Hẳn đây là một kẻ chiêm bao vạn thưở; và nhờ kinh nghiệm vô tận của y, hẳn đây là lời sấm với những chẩn đoán không gì so sánh được. Vì y đã sống cuộc sống của cá nhân, của gia đình, bộ lạc, chủng tộc cả ức vạn lần rồi, và y biết, như một cảm nghiệm sống, nhịp độ của dịch biến, của phát triển và suy đồi”.(L’homme à la recherche de son âme tr.60-61). Ấy là chưa tính đến phần của vô thức cá nhân đấy.

(9) Dù huyền kiến Đức Giêsu, Ramakrichna luôn hiểu và nói về Ngài bằng những phạm trù Ấn Độ giáo của ông.


Kiểm tra tương tự

Khóa học: “Tông huấn Đức Kitô Hằng Sống”

  Bạn thân mến!   Trong Tông Huấn “Đức Kitô Hằng Sống” Đức Thánh Cha …

Cuộc phỏng vấn về Sứ mạng Truyền giáo

Trong bối cảnh của Năm Sứ Vụ – “Cùng Nhau Loan Báo Tin Mừng”, chúng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *