Trên cánh đồng sứ vụ

Thành phố hay thôn quê hoặc giữa núi rừng

Người môn đệ nhận chung một lệnh truyền

Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em (Ga 20,21)

Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy, ….cho tới tận cùng thế giới.(Cv 1,8)

Bước đường của người môn đệ là để Tin Mừng không ngừng được loan báo

Người công nhân trong xí nghiệp

Người kỹ sư trên công trường,

và người nội trợ trong khu xóm…

Linh mục, tu sĩ, giáo dân :

tất cả cùng cất cao lời nguyện thề

loan truyền Chúa đã chịu chết, và tuyên xưng Chúa đã sống lại, cho tới khi Chúa đến.

Ngày nay, trong các thành phố có khu công nghiệp, nhiều giáo xứ đã mở rộng cửa đón các anh chị em công nhân hầu hết là di dân : mọi sinh hoạt đều nhắm đến việc loan báo Tin Mừng, để tất cả cùng tuyên xưng  Đức Giêsu là Chúa. Các sinh hoạt mục vụ  luôn đặt trọng tâm vào việc giúp anh chị em lắng nghe Lời Chúa, để một khi  Lời Thiên Chúa ở gần bên, ngay trên miệng, ngay trong lòng, anh chị em xưng ra ngoài miệng (xRm 10,8-9), và câu chuyện Giêsu trở thành giai điệu của cuộc sống.

Thứ bảy vừa qua tôi có dịp theo xe Mẹ Therese chở bánh trung thu cho các cháu ở Quảng Khê, một giáo xứ nằm trên  quốc lộ 28, cách Gia Nghĩa chừng 30 km, nơi đây đã có cha xứ, ngôi nhà thờ đang được xây dựng, cách nhà thờ chừng 500m là cộng đoàn các nữ tu dòng Thánh Phao Lô.

Thực ra, đối với các nữ tu dòng thánh Phao Lô thì vùng đất này rất quen thuộc từ trước nhửng năm 1975.  Từ khi phải rời bỏ vùng này, các Srs đã luôn mơ ước có ngày trở lại, và nay ước mơ đã trở thành sự thật, một cộng đoàn đã được thiết lập sau gần 30 năm xa cách.

Thế nhưng những người đã quen bước đi trên các nẻo đường sứ vụ thì đã lớn tuổi : mẹ Hai đã yên nghỉ , mẹ Ba lên được mấy tháng bị té gãy tay phải về, mẹ Therese lo phần việc như một hậu cần, người được mệnh danh có bộ xương huyền thoại, dù đã qua tuổi 75 mà vẫn có thể ngồi xe tải suốt ngày nay qua ngày khác. Cứ như thể còn trẻ, mẹ không dừng chân một chỗ, từ cộng đoàn Lái Thiêu, mẹ đi lên đi xuống và đi tới tận Kon Tum để phụ giúp các điểm truyền giáo khác nhau.

Từ nhà xứ qua nhà các Srs, trên xe còn một số bánh trung thu, quần áo và tập vở, nơi đây đã có gần hai mươi chị em dân tộc Mạ theo đạo Tin Lành đang ngồi bóc vỏ đậu phộng chờ đợi. Xe tới, các chị cùng nhau xuống hàng, kẻ bê người vác nói cười dòn dã. Bánh trái được chia phần về cho các cháu cùng với tập vở và quần áo, riêng cho các cháu bên Tin Lành thôi, còn các cháu bên công giáo thì cha xứ đứng ra phân phối, không chỉ Quảng Khê, mà cà Dak Ha, Dak Măng, Dak Blao và Quảng Sơn nữa, những xã thuộc giáo xứ Quảng Khê, gọi chung bằng tên mới là Quảng Phúc.

Quảng Khê có 10 thôn nhưng số giáo dân không nhiều, phần lớn tập trung ở thôn 2 và thôn 3, thôn 9 thôn 10 chẳng có là bao. Tuy nhiên Quảng Khê lại nằm Giửa Dak Măng, Dak Blao và Dak Hà,vì thế mà được chọn làm nơi dựng nhà thờ xứ, còn Quảng Sơn nếu đi đường chính thì hơi xa, đi đường tắt thì mưa nắng trơn trượt khó đi lắm, khó là khó cho cha xứ thôi, và khó cho những giáo lý viên phụ trách phải chạy qua lại giáo xứ, như hôm nay chẳng hạn, một nhóm anh em tới chở bánh trung thu về cho các cháu, mọi người đều lấm lem bùn đất từ quần áo, xe cộ cho tới đầu tóc, đi giữa trời mưa gió là vậy, còn trời nắng thì mịt mù.

Các nữ tu mang tên thánh Phao lô thành Charte đang có mặt trên vùng đất này,

các chị đã làm gì và sẽ phải làm gì ?

Nếu thế hệ trước đây đã dấn bước mạnh mẽ và đã để lại nhiều dấu ấn đẹp trong lòng người trên vùng đất này, và suốt những năm tháng không thể có mặt như các chị hôm nay,  thì các Mẹ (gọi Mẹ vì tất cả đã trên dưới 80), vẫn tìm mọi cách để dạy dỗ và nuôi nấng con cái. Không gì ngăn nổi tình yêu, xa mặt mà không cách lòng, những tấm lòng lúc nào cũng canh cánh con cái trong vòng tay yêu thương, những đôi tay đầy giới hạn mà vẫn cứ như vươn tới vô hạn, làm cho nhiều linh mục tu sĩ khi nhìn vào phải ngỡ ngàng : một Mẹ Hai gần kề 80 tuổi, với căn bệnh ung thư quái ác, phải nằm liệt một chỗ, vẫn chăm sóc con cái cho tới giờ nhắm mắt lìa đời ; một Mẹ Celine tuổi qua 80 mà cứ tưởng vẫn còn xuân trẻ, cứ đòi được nhà dòng gửi lên, và Mẹ Ba cũng qua tuổi 80, sau khi bị té gãy xương mới biết cuộc đời mình đã xế bóng, chấp nhận về lại Lái Thiêu, vẫn giang rộng đôi tay, còn nước còn tát, Mẹ là thế,  tim còn đập thì còn yêu mến và hiến dâng.

Đứng nhìn toàn cảnh ngôi nhà mới của cộng đoàn hôm nay, Mẹ Therese thoáng chút không vui, nhớ lại những bước đường của thời xuân trẻ, mẹ như thấy có gì ngập ngừng nơi đây, một ngôi nhà với 5 chị em trẻ, đang trong độ tuổi từ 30-40, phía trước là dãy nhà trẻ vừa xây xong chỉ còn thiếu nhà bếp, phía bên dưới là khu đất rộng hơn 2 mẫu trồng cà phê và hoa màu phụ, vốn liếng bỏ ra chưa chắc đã đủ nuôi sống cộng đoàn, vì đời sứ vụ đâu chỉ tính cho riêng mình, bàn ăn của cộng đoàn nhiều phen phải chia thêm cho mấy bàn nhỏ. Trong  khi đó, nhà trẻ cùng với thời vụ, tuy không khóa chặt đôi chân của người được sai đi loan báo Tin Mừng, thì ít ra cũng gây lúng túng ngay trong những suy tính thường hằng, giữa việc suy tính để sinh lời, để có, để sống và để trao. Người đời hay lo lắng, quen nghĩ rằng có thực mới vực được đạo, trong khi bước đường của người được sai đi loan báo Tin Mừng  thật đơn giàn : hễ cứ biết bảo nhau lo tìm kiếm nước Thiên Chúa và đức công chính của Người trước, thì các sự khác Người sẽ thêm cho (x.Mt 6,33).

 Một cộng đoàn non trẻ vừa đặt chân trên con đường Giêsu, bắt đầu những bước châp chững  vào đời sứ vụ, và chuyện kể về bước đường này cũng phải bắt đầu  từ Nagiaret đến Bê lem và ngược lại, đường của màu nhiệm nhập thể :

 Ngôi Lời đã trở thành người phàm và cư ngụ giữa chúng ta, (Ga,1,14)

 Người đã đến nhà mình…(Ga 1,11)

Bước đường này nghĩ sao cho thấu,

nhưng cứ nếm thử và cứ nhìn xem sẽ thấy Thiên Chúa tuyệt diệu dường nào.

Phải ngắm nhìn sao đây ?

Ngôi nhà này, cùng với nhà trẻ trước mặt

Mảnh đất này, cùng với những cây cà phê đang lớn lên hứa hẹn hoa trái, một mảnh đất cho sứ vụ, để hạt giống Lời Chúa được gieo vãi trên mọi mảnh đất của tâm hồn,  ở ngoài kia và ở xa kia, đặc biệt những nơi ít ai quan tâm và ít người biết đến.

Một ngôi nhà cho những mái nhà, cho cánh đồng sứ vụ

Người đứng trên cánh đồng muốn bắt tay vào cầy xới và gieo trồng, thoạt nhìn thấy dễ mà không dễ chút nào, vì cánh đồng đâu dành cho những tay ngang, mà là cần những đôi tay nhuần nhuyễn, việc trước tiên hết là phải học để trở thành thợ, học để thấy bàn tay của Thiên Chúa hằng sống đang nuôi sống và dẫn dắt con người, học để có được cung cách hành xử theo như Tin Mừng đòi hỏi, một cung cách được bầy tỏ ngang qua từng lời nói, cử chỉ và hành động  của Đấng được Chúa Cha sai đến trong Thánh Thần,.

Đất đã sẵn sàng cho một vụ mùa mới,

Quảng Khê đã có linh mục, có nhà thờ, nghĩa là đã có điểm tiếp nhận và đào tạo.

Một cộng đoàn nữ tu đã được sai đến đây, tiếp nối và cũng là khởi đầu cho một giai đoạn mới của dòng Thánh Phao Lô trên cánh đồng này, khó mà dễ vì chỉ cần khởi đầu với những bước đi thật đơn giản :

Thăm viếng, làm quen, cầu nguyện từng nhà,  gây dựng các nhóm  đọc và chia sẻ Lời Chúa,

Phụ giúp cha xứ trong việc đào tạo GLV

Tuyển chọn từ giữa các GLV những người tình nguyện lên đường,

gây dựng thành nhóm 12 để được sai đi,

Một viễn ảnh mới đang được mở ra: tất cả chung tay vào vụ mùa mới, mùa hồng ân,

Cha xứ điều động,

Giáo lý viên được tuyển chọn và tình nguyện lên đường :

anh chị em người kinh được sai đến với anh chị em người kinh,

và anh chị em dân tộc được sai đến với bà con dân tộc của mình,

Các nữ tu đồng hành, đều đặn qui tụ hàng tháng để  giúp anh chị em hồi tâm, chia sẻ và cầu nguyện, đồng thời tháp tùng anh chị em và giúp mở ra những nẻo đường mới

Mẹ Therese lo phận vụ hậu cần, thế là Mẹ Therese có phần rồi nhé

Và …

Lời Chúa vẫn lan tràn…số các môn đệ tăng lên rất nhiều (Cv 6,7)

Lễ suy tôn Thánh Giá 2011

 MM. Tân, SJ.

Kiểm tra tương tự

Tham gia là một ơn gọi?

Tham gia vào giáo xứ không chỉ là trách nhiệm hay bổn phận, nhưng còn …

Truyền giáo là sống với dân

Phóng viên: Con chào cha, được biết cha đang truyền giáo tại Hungary. Mong cha …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *