HAI NGUYÊN TẮC BỔ TRỢ VÀ LIÊN ĐỚI
TRONG CƠ CẤU QUẢN TRỊ VÀ THỰC HIỆN SỨ MẠNG BÁC ÁI
CỦA TỔ CHỨC CARITAS GIÁO PHẬN
(Bài chia sẻ của Michael Tâm, SJ tại Trung Tâm Mục vụ Giáo phận Đà Lạt, nhân ngày kỷ niệm 5 năm thành lập Caritas Đà Lạt, 20.09.2013).
Dẫn nhập
Theo “Tóm lược học thuyết xã hội của Giáo hội Công giáo”, giáo huấn xã hội [1] của Giáo hội Công giáo có bốn nguyên tắc “trụ”: phẩm giá con người (human dignity), công ích (common good), bổ trợ (subsidiarity) và liên đới (solidarity) [2]. Đây là bốn nguyên tắc căn bản có tính trường tồn và phổ quát của tất cả các tương quan con người trong thực tại xã hội. Đi xa hơn, hai nguyên tắc liên đới và bổ trợ là “hai mặt của cùng một thực tại” trong tương quan xã hội con người: cá nhân, cộng đồng, thiết chế xã hội, nhà nước và các tổ chức quốc tế.
Bài chia sẻ này sẽ được trình bày theo hai phần. Phần một, nguyên tắc bổ trợ và nguyên tắc liên đới trong tương quan xã hội hỗ tương giữa cá nhân và cộng đồng, giữa cộng đồng nhỏ và cộng đồng lớn. Phần hai, áp dụng nguyên tắc bổ trợ và nguyên tắc liên đới trong cơ cấu tổ chức và sự phục vụ người nghèo của tổ chức Caritas giáo phận.
I. Nguyên tắc bổ trợ và nguyên tắc liên đới trong tương quan hỗ tương giữa cá nhân và cộng đồng, giữa cộng đồng nhỏ và cộng đồng lớn [3]
1. Nguyên tắc bổ trợ
Sách Giáo Lý Giáo hội Công giáo, số 1883 đã đưa ra một định nghĩa về nguyên tắc bổ trợ như sau:
“… Sự can thiệp quá đáng của Nhà nước có thể đe dọa tự do và sáng kiến cá nhân. Hội thánh đề ra nguyên tắc bổ trợ: một tập thể cấp cao không được can thiệp vào nội bộ tập thể cấp thấp đến độ tước mất các thẩm quyền của nó, nhưng đúng hơn phải nâng đỡ nó khi cần thiết, và giúp nó phối hợp hoạt động với những tập thể khác, để mưu cầu công ích.”
Sách Giáo lý đã sử dụng lại định nghĩa nguyên tắc bổ trợ trong số 48 của thông điệp (TĐ) “Đệ bách chu niên” (Centesimus Annus, CA) năm 1991 của Đức Thánh cha (ĐTC) Gioan Phaolo II. ĐTC Gioan Phaolo II đã sử dụng lại nguyên tắc bổ trợ trong số 79 của TĐ “Đệ tứ thập chu niên” (Quadragesimo Anno, QA) năm 1931 của ĐTC Pio XI.
Có một nhận xét thú vị khi chúng ta nhìn vào cách sử dụng nguyên tắc bổ trợ của các ĐTC, kể từ TĐ “Tân sự” (Rerum Novarum, RN) năm 1891, một thông điệp được coi là Giáo huấn nguyên thủy về xã hội của Giáo hội [4] cho đến TĐ “Bác ái trong chân lý” (Caritas in Veritate, CV) năm 2009 của ĐTC Benedicto XVI. Các ĐTC đã suy tư và áp dụng nguyên tắc bổ trợ trong hoàn cảnh lịch sử và bối cảnh xã hội toàn cầu của các ngài. Bổ trợ đã trở nên một nguyên tắc bền vững và xuyên suốt của Giáo huấn xã hội của Giáo hội.
Năm 1891, vấn đề xã hội của thế giới là sự bóc lột công nhân quá mức ở Âu châu và Bắc Mỹ khiến ĐTC Leo XIII đã viết TĐ “Tân sự” về “điều kiện của giới lao động” (the condition of the working class). ĐTC Leo XIII yêu cầu các gia đình được quyền quyết định độc lập trong phạm vi riêng và giới lao động được tổ chức công đoàn để tự bảo vệ quyền lợi của mình. Giới cầm quyền phải có nhiệm vụ bảo vệ các hiệp hội hợp pháp của công dân và “không nên nhúng tay vào lãnh vực quản trị và kỷ luật nội bộ” (RN, 32) [5]. Tuy nhiên, trong TĐ “Tân sự”, nguyên tắc bổ trợ chưa được định nghĩa rõ ràng cho tới năm 1931, khi ĐTC Pio XI làm công việc này.
Năm 1931, trong giai đoạn có những chủ nghĩa dân tộc và quốc gia độc tài xảy ra, ĐTC Pio XI đã đưa ra nguyên tắc bổ trợ trong TĐ “Đệ tứ thập chu niên” (Quadragesimo Anno) của mình (số 79). Đây là lần đầu tiên, nguyên tắc bổ trợ được định nghĩa trong Giáo huấn xã hội của Giáo hội Công giáo [6] :
“… Thật là sai lầm trầm trọng khi rút khỏi tay các cá nhân những gì họ có thể làm được dựa vào sáng kiến và sự chuyên cần của mình để trao cho cộng đồng; Cũng vậy, thật là bất công và tai hại nghiêm trọng, làm trật tự đúng đắn bị xáo trộn, khi giao cho một tổ chức cao hơn và lớn hơn những gì mà các tổ chức nhỏ hơn và cấp dưới có thể làm được. Vì chưng, bất cứ hoạt động xã hội nào tự bản chất cũng phải trợ giúp các thành viên trong xã hội chứ không bao giờ phá hủy và tiêu diệt họ”.
Năm 1961, bối cảnh xã hội của thế giới nổi bật ở sự bất cân đối trầm trọng giữa người giàu và người nghèo trên thế giới; ĐTC Gioan XXIII cho rằng sự can thiệp của Nhà nước vào sinh hoạt xã hội là hợp pháp và cần thiết để bảo đảm an ninh, bảo vệ công bằng xã hội, cổ võ sự phát triển và mưu cầu công ích. Tuy nhiên, sự can thiệp của Nhà nước phải ở mức độ khuyến khích, thúc đẩy, phối hợp, bổ túc và hội nhập nhằm giúp cho các cá nhân và các tổ chức trung gian có sáng kiến, sự tự lập và thẩm quyền, theo định hướng của nguyên tắc bổ trợ [7]. Hơn nữa, TĐ “Mẹ và Thày”(Mater et Magistra, MM) nói rằng, trong lãnh vực sở hữu tài sản, cần phải áp dụng nguyên tắc bổ trợ để có sự cân bằng giữa sở hữu Nhà nước và tư hữu (số 117):
“Ngày nay, sở hữu công và sở hữu Nhà nước tăng rất nhiều. Điều này được giải thích khi dựa vào những tính cấp thiết của công ích khiến cho công quyền mở rộng phạm vi hoạt động của nó. Thế nhưng, ở đây “nguyên tắc chức năng bổ trợ” phải được tuân thủ. Nhà nước và những cơ quan luật pháp không được mở rộng quyền sở hữu của mình vượt quá những gì được hiểu một cách đúng đắn là công ích; ngay cả được hiểu là những bảo vệ. Nếu không, quyền tư hữu sẽ bị giảm thiểu hoặc tệ hơn bị phá hủy hoàn toàn.”
Năm 1963, xu hướng thế giới nổi bật ở vai trò của các cộng đồng quốc tế bắt đầu nổi lên. Trong thông điệp “Hòa bình trên thế giới” (Pacem in Terris), số 140, ĐTC Gioan XXIII đã áp dụng nguyên tắc bổ trợ từ phạm vi tương quan giữa cá nhân với cộng đồng trung gian trong một quốc gia lên phạm vi lớn hơn, có tính vĩ mô hơn: tương quan giữa cộng đồng thế giới và của từng quốc gia. ĐTC Gioan XXIII nói rằng:
“Trong mỗi nước, mối quan hệ giữa công quyền với công dân, với gia đình, cũng như với các đoàn thể trung gian phải được điều hành theo nguyên tắc bổ trợ. Cũng từ nguyên tắc này, nên điều hành mối quan hệ giữa quyền bính quốc tế với chính quyền các quốc gia. Quyền bính của các tổ chức quốc tế có nhiệm vụ cứu xét và giải quyết những gì mà công ích toàn cầu nêu ra trong lãnh vực kinh tế, xã hội, chính trị hay văn hoá. Vì đây là những vấn đề phức tạp, bao la và khẩn cấp, nên nhà cầm quyền các quốc gia không hy vọng một mình có thể giải quyết nổi. Tuy nhiên, quyền bính của cộng đồng quốc tế không được hạn chế phạm vi hoạt động của quyền bính các quốc gia và càng không nên thay thế họ. Trái lại, mục đích của cơ quan quốc tế là đóng góp vào việc kiến tạo, trên bình diện thế giới, một môi trường cho phép các chính quyền quốc gia, các công dân và các tổ chức trung gian có thể chu toàn trách nhiệm, thi hành nghĩa vụ và sử dụng quyền lợi của mình một cách an toàn hơn.”
ĐTC Gioan Phaolo II, một “quán quân”trong việc soạn thảo các thông điệp xã hội. Ngài đã soạn ra các TĐ: “Lao động con người” (Laborem Excercens, năm 1981), “Quan tâm đến vấn đề xã hội ”(Sollicitudo Rei Socialis, năm 1987) và “Đệ Bách chu niên”(Centesimus Annus, 1991). Như đã nói trên, ĐTC Gioan Phaolo II đã nhắc lại nguyên tắc bổ trợ của ĐTC Pio XI trong TĐ “Đệ bách chu niên”(số 48) của mình. Tuy nhiên, khác với ĐTC Pio XI áp dụng nguyên tắc bổ trợ cho tương quan giữa các tổ chức: chủ yếu giữa Nhà nước và các nhóm nhỏ phụ thuộc; ĐTC Gioan Phaolo II đề cập tới nguyên tắc bổ trợ để bảo đảm tự do kinh tế cho các cá nhân trong thị trường [8]. Sau biến cố sụp đổ của Liên Bang Xô viết và nhiều nước cộng sản Đông Âu, đặc nét của bối cảnh thế giới không còn là đối đầu về quân sự nhưng là cạnh tranh kinh tế với sự ảnh hưởng không nhỏ của nền kinh tế thị trường. ĐTC Gioan Phaolo II đã “update”(cập nhật) chính xác hoàn cảnh thế giới vào Giáo huấn xã hội của Giáo hội.
Năm 1986, Hồng y Joseph Ratzinger, bộ trưởng của Thánh bộ Giáo lý Đức tin đã minh thị rằng:
“Nguyên tắc liên đới và nguyên tắc bổ trợ gắn liền mật thiết với nền móng là phẩm giá con người. Chiếu theo nguyên tắc đầu, con người phải đóng góp với tha nhân vào công ích của xã hội, ở mọi tầng cấp (…) Chiếu theo nguyên tắc thứ nhì, không có Nhà Nước nào hay xã hội nào được tiếm quyền sáng kiến và trách nhiệm của con người và của các cộng đồng trung gian ở tầng cấp mà họ có thể hành động” [9].
Sau này, năm 2009, ĐTC Benedicto XVI (tức hồng y Ratzinger trước kia) trong thông điệp “Caritas in Veritate”, số 58 đã lặp lại sự liên kết chặt chẽ của hai nguyên tắc bổ trợ và liên đới trong việc viện trợ như sau: “nguyên tắc bổ trợ phải liên kết chặt chẽ với nguyên tắc liên đới và ngược lại. Chỉ vì bổ trợ nếu không có tình liên đới sẽ rơi vào chủ nghĩa địa phương xã hội, cũng thế, liên đới mà không có bổ trợ cũng rơi vào một hệ thống, sẽ hạ thấp các nhu cầu.” ĐTC Benedicto XVI nhấn mạnh rằng, việc áp dụng bổ trợ và liên đới trong viện trợ giữa nước viện trợ và các cơ quan tiếp nhận, chính phủ và dân sự, mới đem lại sự phát triển cho nước nhận viện trợ và giúp họ tham gia vào kinh tế thế giới.
2. Nguyên tắc liên đới
Ý nghĩa của nguyên tắc liên đới là gì? Đó là “liên đới làm nổi bật cách đặc biệt bản tính xã hội nội tại của con người, sự bình đẳng của mọi người về phẩm giá và quyền lợi, cũng như con đường chung cho các cá nhân và các dân tộc tiến tới sự thống nhất với một ý thức ngày càng cao hơn ”[10].
Cũng như nguyên tắc bổ trợ, liên đới được nhắc tới một cách xuyên suốt và hệ thống trong Giáo huấn xã hội của Giáo hội. Liên đới được coi là một trách nhiệm phổ quát. Nguyên tắc liên đới định hướng tương quan giữa người với người, giữa các tổ chức xã hội với nhau. [11]. Bên cạnh đó, trong TĐ “Phát triển các dân tộc” (Populorum Progresio,1967), ĐTC Phaolo VI đã viết rằng, liên đới là một tín điệp Giáo hội gởi tới các căn bệnh xã hội [12].
Theo dòng thời gian, nguyên tắc liên đới được mở rộng phạm vi tương quan xã hội trong Giáo huấn xã hội của Giáo hội. Trong TĐ “Tân sự”, năm 1891, ĐTC Leo XIII đã đặt ra vấn đề liên đới khi muốn thay đổi tương quan bóc lột chủ – thợ. Năm 1961, trong TĐ “Mẹ và Thầy”, ĐTC Gioan XXIII đặt ra vấn đề tương quan giữa các nước kinh tế phát triển và các nước đang phát triển. Liên đới đòi buộc các nước giàu không được hờ hững với nước nghèo. Năm 1967, trong TĐ “Phát triển các dân tộc”, ĐTC Phaolo VI mời gọi Giáo hội và tất cả mọi người sống liên đới để đem lại sự phát triển toàn diện cho con người [13].
Năm 1991, trong TĐ “Đệ bách chu niên”, ĐTC Gioan Phaolo II nhấn mạnh tới nguyên tắc liên đới nhiều đến nỗi ngài dùng hạn từ này 15 lần trong TĐ này [14]. Ngài gọi liên đới là một nguyên tắc nền tảng của nhãn quan Kitô – Giáo về tổ chức chính trị và xã hội (CA, số 10). Gioan Phaolo II ý thức rằng, liên đới là một hạn từ mới của tư tưởng xã hội của giới Công giáo và ngài cũng không đưa ra định nghĩa về liên đới là gì. Tuy nhiên, ngài nói rằng, các vị tiền nhiệm của ngài đã sử dụng “liên đới” với những tên gọi khác nhau: “hữu nghị” (ĐTC Leo XIII), “bác ái xã hội” (ĐTC Pio XI) và “nền văn minh tình yêu” (ĐTC Phaolo VI). Vậy, đâu là đóng góp của ĐTC Gioan Phaolo trong Giáo huấn xã hội của Giáo Hội? Đó là ngài tạo ra “bộ kép” bổ trợ – liên đới trong cách thức tiếp cận luân lý với với chủ nghĩa tư bản. Bổ trợ kêu gọi sự trân trọng nhìn nhận các sáng kiến kinh tế từ các cá nhân. Trong khi đó, liên đới kêu gọi một hành động tập thể mạnh mẽ ngăn ngừa sự lạm dụng công ích và làm cho công ích được bảo đảm [15].
Bộ kép “bổ trợ – liên đới” tiếp tục được hồng y Joseph Ratzinger, sau này là ĐTC Benedicto XVI khai thác trong Giáo huấn xã hội của Giáo Hội như đã được trình bày trên đây:
“Nguyên tắc liên đới và nguyên tắc bổ trợ gắn liền mật thiết với nền móng là phẩm giá con người. Chiếu theo nguyên tắc đầu, con người phải đóng góp với tha nhân vào công ích của xã hội, ở mọi tầng cấp (…) Chiếu theo nguyên tắc thứ nhì, không có Nhà Nước nào hay xã hội nào được tiếm quyền sáng kiến và trách nhiệm của con người và của các cộng đồng trung gian ở tầng cấp mà họ có thể hành động”
3. Bổ trợ và liên đới tạo nên tương quan xã hội hỗ tương và hài hòa giữa cá nhân với cộng đồng, giữa cộng đồng nhỏ với cộng đồng lớn
Tới đây, chúng tôi sẽ trình bày một tổng hợp về hai nguyên tắc bổ trợ và liên đới trong bốn nguyên tắc “trụ” của Giáo huấn xã hội của Giáo hội: phẩm giá con người, công ích, bổ trợ và liên đới.
Thứ nhất, bốn nguyên tắc “trụ” này là những định hướng cho các tương quan xã hội từ cấp vi mô đến vĩ mô. Đó là tương quan “đa diện” (chính trị, kinh tế và xã hội) và hỗ tương giữa cá nhân với nhau và với các tổ chức cộng đồng trung gian, tương quan giữa các tổ chức cộng đồng trung gian với Nhà nước, tương quan giữa các Nhà nước với những cộng đồng quốc tế. Bổ trợ là tương quan xã hội đi từ cao xuống thấp: từ cộng đồng lớn đến cộng đồng nhỏ, từ cộng đồng nhỏ tới cá nhân. Các tương quan này phải bảo đảm cho phẩm giá con người được trân trọng. Liên đới là tương quan xã hội giữa các cấp độ xã hội: giữa cá nhân đến các cá nhân khác và đến cộng đồng nhỏ, trung gian và các cộng đồng lớn. Các tương quan này phải nhắm tới công ích. Công ích là “toàn bộ những điều kiện xã hội cho phép con người, tập thể hay cá nhân, đạt tới sự phát triển đầy đủ và dễ dàng hơn”[16].
Thứ hai, bổ trợ và liên đới tạo nên sự cân bằng và hài hòa trong tương quan xã hội: bổ trợ được áp dụng để tránh khuynh hướng duy tập thể: không áp đặt lợi ích tập thể lên cá nhân. Trong khi đó, liên đới được áp dụng để tránh khuynh hướng cá nhân hóa: thu gọn trên lợi ích chính mình. Với tính cách hỗ tương giữa hai “cực”: cá nhân và tổ chức (Nhà nước), bổ trợ và liên đới là hai mặt của cùng tương quan xã hội giữa các cấp độ khác nhau.
Thứ ba, bổ trợ và liên đới khi được áp dụng hài hòa và quân bình sẽ thu hút được sự tham gia của mọi thành phần xã hội và mọi cấp độ xã hội. Tham gia, một chủ đề quan trọng của Giáo huấn xã hội của Giáo hội, sẽ đưa tới nền dân chủ.
Thứ tư, bổ trợ có nhắc tới những tổ chức, cộng đồng trung gian giữa cá nhân với Nhà nước. Những tổ chức, cộng đồng trung gian này không thuộc về Nhà nước nhưng vẫn đóng vai trò nâng cao phẩm giá con người và đem lại sự phát triển cho con người. Những tổ chức và cộng đồng này làm nên điều được gọi là “xã hội dân sự” (civil society).
Cụm từ “xã hội dân sự”, từng được sử dụng bởi G. W Friedrich Hegel và Karl Marx, để chỉ những lãnh vực, không thuộc về Nhà nước, làm trung gian giữa Nhà nước và gia đình. Đó là những quan hệ xã hội và những tham gia công cộng để chống lại sự vận hành hẹp hòi của Nhà nước hay của kinh tế [17]. Theo tự điển mở online Wikipedia, Xã hội dân sự cấu thành từ tổng thể của các tổ chức xã hội và dân sự tự nguyện mà các tổ chức này tạo nên cơ sở của một xã hội tự vận hành, khác với các cấu trúc quyền lực của một nhà nước (bất kể hệ thống chính trị của nhà nước này thuộc kiểu gì) và các thể chế thương mại của thị trường.
Xã hội dân sự là điều đang được nói tới nhiều và áp dụng thành công ở nhiều nơi trên thế giới. Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện chính sách và chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn của Việt Nam, đã đưa ra một mô hình ứng dụng cho xã hội Việt Nam. Đó là thuyết “ba bàn tay” cùng hợp tác hài hòa đem lại lợi ích cho xã hội [18]:
“Adam Smith đặt tên “bàn tay vô hình” cho uy lực thị trường tự động điều tiết tài nguyên, tạo nên của cải xã hội. Maynard Keynes đặt tên “bàn tay hữu hình” cho các hoạt động Nhà nước điều hành chính trị, duy trì sự ổn định xã hội. trong xã hội còn có bàn tay thứ ba “bán vô hình” của quan hệ cộng đồng có sức mạnh điều chỉnh các quan hệ giữa người với người. ba “bàn tay” này điều chỉnh hành vi, điều hành sự vận động và tiến hóa của xã hội loài người, vận hành thông qua những cơ chế đặc trưng.”
II. Áp dụng nguyên tắc bổ trợ và nguyên tắc liên đới trong cơ cấu và quản trị của tổ chức Caritas giáo phận
Trong phần trình bày trên, chúng ta có thể thấy định nghĩa về “bộ kép” bổ trợ và liên đới của ĐTC Benedicto XVI (năm 1986, khi ngài còn là Hồng y Ratzinger) là một định nghĩa khá chuẩn mực trong sự việc áp dụng hai nguyên tắc này của Giáo hội Công giáo nói chung và của tổ chức Caritas nói riêng:
“Nguyên tắc liên đới và nguyên tắc bổ trợ gắn liền mật thiết với nền móng là phẩm giá con người. Chiếu theo nguyên tắc đầu, con người phải đóng góp với tha nhân vào công ích của xã hội, ở mọi tầng cấp (…) Chiếu theo nguyên tắc thứ nhì, không có Nhà Nước nào hay xã hội nào được tiếm quyền sáng kiến và trách nhiệm của con người và của các cộng đồng trung gian ở tầng cấp mà họ có thể hành động”
Tổ chức Caritas của Giáo hội Công giáo theo khá sít sao hai nguyên tắc bổ trợ và liên đới trong cơ cấu tổ chức của mình. Caritas quốc tế (Caritas Internationalis) là một liên minh toàn cầu (global confederation) bao gồm 165 thành viên là các Caritas quốc gia [19]. Caritas quốc tế không can thiệp vào việc điều hành của các tổ chức thành viên của mình, nhưng chỉ bổ trợ và liên đới trong tương quan hoạt động bác ái. Điều này có thể thấy qua các hoạt động cứu trợ khẩn cấp các tai họa bị gây ra bởi thiên nhiên và con người trên thế giới. Các tổ chức Caritas quốc gia chỉ hoạt động theo tôn chỉ của Caritas quốc tế: làm việc cho người nghèo. Cụ thể hoạt động gì, như thế nào … tùy thuộc vào chính sách của mỗi Caritas quốc gia.
Caritas quốc gia (ví dụ, Carritas Việt Nam) cũng tuân thủ nguyên tắc bổ trợ và liên đới với các Carritas giáo phận. Theo tính cách phẩm trật của Giáo hội Công giáo, Caritas giáo phận trực thuộc quyền lãnh đạo của Đức giám mục địa phận. Do đó, các Caritas giáo phận hoạt động độc lập và không là thuộc cấp của Caritas quốc gia. Caritas giáo phận chỉ đi theo đường hướng hoạt động được Hội Đồng Giám mục quốc gia đưa ra. Cách tổ chức và hoạt động bác ái cụ thể tùy theo quyết định của Đức giám mục địa phận và thực tế của địa phương mình.
Có sự khác biệt trong cơ cấu tổ chức của Caritas giáo phận: các Caritas giáo xứ dưới quyền lãnh đạo trực tiếp của Đức giám mục địa phận. Cẩm nang Caritas Việt Nam (2009) [20] chưa cho thấy tương quan giữa Caritas giáo phận và các Caritas giáo hạt và giáo xứ: có phải là tương quan cấp trên và thuộc cấp không? Tuy nhiên, các Caritas giáo phận có thể theo mô hình áp dụng nguyên tắc bổ trợ và liên đới trong tổ chức và hoạt động của mình. Dưới đây là một vài đề nghị thực hiện hai nguyên tắc bổ trợ và liên đới trong hình thức lãnh đạo, cơ cấu tổ chức và hoạt động bác ái của Caritas giáo phận.
1. Áp dụng hai nguyên tắc bổ trợ và liên đới qua hình thức lãnh đạo ủy quyền (delegation):
Anthony D’Souza đưa ra đồ hình năm hình thức lãnh đạo [21], dựa trên hai tiêu chí tham gia và ra quyết định (decision – making):
Nội dung năm hình thức lãnh đạo như sau:
Các hình thức lãnh đạo này được áp dụng tùy thuộc vào mức độ năng lực của thuộc cấp về sự hiểu biết, trưởng thành và trách nhiệm. Trong năm hình thức lãnh đạo này, lãnh đạo ủy quyền là hình thức dân chủ và tiến bộ hơn hết: vì nó thu hút được sự tham gia của mọi người trong tiến trình ra quyết định, kể từ lúc lên kế hoạch, thực hiện cho đến lượng giá công việc phải làm. Lãnh đạo không hề can thiệp vào tiến trình ra quyết định này, trong chừng mực tiến trình được thực hiện tốt và không có vấn đề trầm trọng xảy ra.
Lãnh đạo Caritas cấp giáo phận, giáo hạt và giáo xứ có thể áp dụng hai nguyên tắc bổ trợ và liên đới qua hình thức lãnh đạo ủy quyền này. Lãnh đạo ủy quyền dựa trên sự tham gia và ra quyết định của thuộc cấp. Do đó, lãnh đạo ủy quyền cần có một số điều kiện kèm theo: sự hiểu biết, sự trưởng thành và tinh thần trách nhiệm của các thuộc cấp cần phải có. Nói như vậy, lãnh đạo phải tạo điều kiện hỗ trợ cho việc học tập và nâng cao năng lực của những người trong trách nhiệm của mình.
2. Áp dụng hai nguyên tắc bổ trợ và liên đới qua việc thúc đẩy sự tham gia của các thành phần trong cơ cấu tổ chức Caritas giáo phận
Bổ trợ và liên đới sẽ không thực hiện được khi thiếu yếu tố tham gia của các thành phần trong cùng tổ chức. Tham gia là sự đóng góp công sức của các thành phần vào cùng mục tiêu chung và vào công ích, nhờ đó tất cả cùng được hưởng lợi và phát triển. Bổ trợ giúp cho các cá nhân làm việc cho Caritas được tôn trọng và phát triển năng lực của mình. Hơn nữa, liên đới giúp cho cá nhân và các Caritas giáo hạt và Caritas giáo xứ cộng tác với Caritas giáo phận đạt được mục tiêu chung (công ích) trong giáo phận nhà. Nâng cao năng lực tham gia vào công việc bác ái xã hội trong cơ cấu tổ chức sẽ giúp cho các nhân viên trong văn phòng Caritas giáo phận và các Caritas giáo hạt và giáo xứ áp dụng hiệu quả hai nguyên tắc bổ trợ và liên đới.
3. Áp dụng hai nguyên tắc bổ trợ và liên đới trong việc nhìn nhận và nâng cao phẩm giá của các đối tượng thụ hưởng
Caritas giáo phận với các đơn vị Caritas giáo hạt và Caritas giáo xứ gần như là những đơn vị cơ sở làm việc trực tiếp với những người cần được giúp đỡ (benefeciaries: đối tượng thụ hưởng). Hai nguyên tắc bổ trợ và liên đới giúp Caritas tôn trọng phẩm giá của các đối tượng thụ hưởng khi: làm cho (for) họ và cùng làm với (with) họ để họ được phát triển toàn diện. Tinh thần “làm cho người nghèo và làm với người nghèo” tránh cho Caritas giáo phận có thái độ “làm phúc”, “ban phát” cho người nghèo.
Làm việc cho người nghèo và với người nghèo toát lên thái độ tôn trọng phẩm giá của họ. Ở mức độ làm việc “cho” người nghèo những gì họ cần: chúng ta mới đáp ứng như cầu “có” của họ. Thậm chí, nếu không cẩn thận, chúng ta sẽ làm cho họ lệ thuộc, ỷ lại. Họ sẽ ở trong một tình trạng kém phát triển và phụ thuộc. Ở mức độ làm việc “với” người nghèo: chúng ta trân trọng họ, coi họ là một đối tác (partner), cộng tác viên để cùng nhau giải quyết các vấn đề của họ, chứ không còn là một đối tượng thụ hưởng (benefeciary) chỉ biết ngửa tay nhận giúp đỡ. Chúng ta đáp ứng được nhu cầu “là”, nhu cầu hiện hữu của họ.
Để làm tốt công việc áp dụng hai nguyên tắc bổ trợ và liên đới, Caritas giáo phận có thể áp dụng nguyên tắc “trao quyền” (empowerment) cho các đối tượng thụ hưởng. Trong công tác xã hội, cùng với sự tham gia và tự quyết định của người dân, trao quyền là một nguyên tắc giúp cho người dân và đối tượng tham gia được trưởng thành và độc lập. Trao quyền là “một tiến trình giúp thân chủ có được các nguồn lực mang tính chất cá nhân, tổ chức và cộng đồng, nhờ đó, họ đạt được sự kiểm soát lớn hơn về môi trường của mình cũng như đáp ứng được những khao khát của mình”[22]. Nói cách khác, trao quyền là “một chu trình qua đó các cá nhân, nhóm, và cộng động kiểm soát được các tình huống và đặt được các mục tiêu, do vậy cải thiện cuộc sống của họ.”[23]
III. Kết luận
Giáo huấn xã hội của Giáo hội Công giáo đặt ra bốn nguyên tắc quan trọng, có giá trị trường tồn và phổ quát: phẩm giá con người, công ích, bổ trợ và liên đới. Trong số các nguyên tắc này, bộ kép “bổ trợ – liên đới” được áp dụng trong tương quan xã hội của con người, từ cấp độ vi mô đến cấp độ vĩ mô.
Kể từ khi Giáo huấn xã hội của Giáo hội Công giáo được bắt đầu suy tư một cách xuyên suốt và hệ thống từ thời ĐTC Leo XIII, bộ kép “bổ trợ và liên đới” được các ĐTC vận dụng một cách chính xác vào bối cảnh xã hội trên thế giới của các ngài đang sống. ĐTC Benedicto đã tóm tắt tương quan của bốn nguyên tắc: phẩm giá con người, công ích, bổ trợ và liên đới để làm nổi bật tương quan xã hội đa chiều và hỗ tương giữa các cấp độ cá nhân, xã hội và cộng đồng trung gian và cộng đồng lớn như sau:
“Nguyên tắc liên đới và nguyên tắc bổ trợ gắn liền mật thiết với nền móng là phẩm giá con người. Chiếu theo nguyên tắc đầu, con người phải đóng góp với tha nhân vào công ích của xã hội, ở mọi tầng cấp (…) Chiếu theo nguyên tắc thứ nhì, không có Nhà Nước nào hay xã hội nào được tiếm quyền sáng kiến và trách nhiệm của con người và của các cộng đồng trung gian ở tầng cấp mà họ có thể hành động”
Caritas giáo phận có thể áp dụng bộ kép “bổ trợ và liên đới” này trong cơ cấu tổ chức cũng như trong công việc bác ái xã hội của mình một cách hiệu quả và chính xác tinh thần của Giáo huấn xã hội của Giáo hội Công giáo. Đó là sử dụng lãnh đạo ủy quyền và nguyên tắc tham gia trong cơ cấu tổ chức. Đồng thời, Caritas giáo phận áp dụng các nguyên tắc tham gia, tự quyết định và trao quyền trong công việc bác ái xã hội để cho những người được giúp được phát triển toàn diện.
Sách tham khảo:
- Anthony D’Souza, S.J. “Leadership, a trilogy on leadership and effective management” (3rd edition). Bombay- India: Better yourself books, 1993.
- Đại chủng viện Thánh Giuse (dịch). “Các thông điệp xã hội từ Đức Leo XIII đến Đức Gioan Phaolo II ”. Sài Gòn, 2000. Vì bản dịch các thông điệp trong tuyển tập này khác với các bản Anh ngữ của trang mạng Tòa Thánh; trong bài viết này, chúng tôi sẽ lấy số thứ tự các thông điệp trích dẫn theo bản văn Anh ngữ của trang mạng Tòa Thánh: http://www.vatican.va/holy_father/.
- Kenneth R. Himes, O.F.M (editor). “Modern Catholic Social Teaching, commentaries and interpretations”. Washington D.C: Georgetown University Press, 2005.
- Giám mục Nguyễn Thái Hợp, OP. “Một cái nhìn về Giáo huấn xã hội Công giáo”. Việt Nam: NXB Phương Đông, 2010.
- Linh mục Nguyễn Văn Trinh (dịch). “Thông điệp Caritas in Veritate”. Việt Nam: NXB Tôn giáo, 2009.
- Ủy ban bác ái xã hội – Hội đồng Giám mục Việt Nam. “Tóm lược học thuyết xã hội của Giáo hội Công giáo” (Nguyên tác: Compendium of the Social Doctrine of the Church, Libereria Editrice Vaticana, 2004). Việt Nam: NXB Tôn giáo, 2007.
[1] Hiện nay trong tiếng Việt, vẫn chưa thống nhất các hạn từ: “học thuyết xã hội” hay “giáo huấn xã hội”. Trong bài trình bày này, chúng tôi dùng “giáo huấn xã hội”.
[2] Tóm lược học thuyết xã hội của Giáo hội Công giáo (TLHTXH), trang 131.
[3] Việc trích dẫn các số thứ tự của các thông điệp dựa vào bản Anh ngữ các thông điệp của trang mạng của Tòa Thánh: http://www.vatican.va/holy_father.
[4] Đại chủng viện Thánh Giuse, trang 21.
[5] Nguyễn Thái Hợp, trang 156.
[6] Kenneth, trang 160 và 449.
[7] Nguyễn Thái Hợp, trang 157.
[8] Kenneth, trang 449.
[9] Congregation for the Doctrine of the Faith. “Instruction on Christian Freedom and liberation” dated on March 22, 1986. # 73.
[10] TLHTXH, trang 150.
[11] Nguyễn Thái Hợp, trang 170.
[12] Kenneth, trang 418.
[13] Nguyễn Thái Hợp, trang 171.
[14] Kenneth, trang 449.
[15] Ibidem, trang 449.
[16] Công đồng Vatican II, Hiến chế mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay “Vui mừng và Hy vọng” (Gaudium et Spes), số 26.
[17] David Jary and Julia Jary. Collins Dictionary Sociology (3rd edition). Art. “civil society”. U.K: Harper Collins Publisher, 2000.
[18] Đặng Kim Sơn. Ba bàn tay – thị trường, Nhà nước và cộng đồng: ứng dụng cho Việt Nam. Việt Nam: NXB Trẻ, 2007. Trang 11.
[19] http://www.caritas.org/about/Caritas_Internationalis.html
[20] Văn phòng Caritas Việt Nam đang tiến hành biên soạn lại cuốn Cẩm nang Caritas Việt Nam.
[21] D’ Souza, trang 35 -36.
[22] Karla Krogsrud Miley and NN. “Generalist Social work practice, an empowering approach”. U.S.A: Allyn & Bacon, 1995. Trang 69.
[23] Xem “An approach to Social work case management” tại www.ngocentre.org.vn/webfm_send/1050.