[Hạnh các Thánh]: 07-07 Chân phước Phêrô To Rot

Peter To Rot

(1912-1945)

Phêrô To Rot sinh năm 1912 tại đảo Papua, Rakunai thuộc Tân Guinêa. Thân phụ ngài, ông Angelo To Puia giữ chức trưởng làng, đã mời những nhà truyền giáo tới dạy dỗ dân làng. Cha mẹ của Phêrô là những tín hữu nhiệt thành, hay giúp đỡ những người nghèo khổ và mồ côi trong làng.

Vào độ tuổi niên thiếu, Phêrô rất ham thích cầu nguyện và viếng Thánh Thể. Cha xứ và thân phụ của Phêrô, nhận thấy niềm tin và những khả năng nơi Phêrô, đã khích lệ Phêrô trở thành một giáo lý viên. Hầu hết công việc rao giảng Tin mừng ở Tân Guinêa được thực hiện bởi các giảng viên giáo lý. Vai trò chủ yếu của họ là hướng dẫn các anh chị em tân tòng, tổ chức các buổi cầu nguyện và chăm sóc những người đau yếu tật nguyền.

Phêrô được giao cho công việc phục vụ trong làng. Ngài đã tổ chức các nhóm cầu nguyện và dạy các lớp giáo lý. Phêrô rất am hiểu Kinh Thánh, luôn luôn mang bên mình một quyển Phúc âm và ngài dựa vào đó để cắt nghĩa các bài học giáo lý. Đức tính hiền hậu và sự quan tâm chân thành đối với mọi người trong bộ tộc đã lôi kéo mọi người đến với Phêrô. Họ nói rằng Phêrô đã thực hiện hết mọi điều ngài giảng dạy.

Vào ngày 11 tháng 11 năm 1936, Phêrô To Rot kết hôn với Paula La Varpit, một thiếu nữ  Công giáo ở ngôi làng cạnh bên. Họ đã có với nhau tất cả ba người con. Phêrô là người chồng và là người cha thật dễ thương và tuyệt vời. Mỗi ngày Phêrô cùng cả gia đình họp nhau đọc kinh và cầu nguyện chung.

Vào tháng Ba năm 1942, trong Đại Thế Chiến thứ  II, người Nhật đã chiếm lấy hòn đảo nhỏ bé này. Sau một thời gian khoan nhượng với tôn giáo, người Nhật đã hạn chế các hoạt động truyền giáo. Chẳng bao lâu, tất cả các nhà truyền giáo, cả Công giáo lẫn Giám Lý hội, đều bị bắt giam. Khi vị linh mục ở làng của Phêrô bị ép phải ra đi, ngài đã bắt tay Phêrô và nói: “Cha trao công việc của cha lại cho con. Con hãy cẩn thận chăm sóc những người này. Đừng để họ lãng quên Thiên Chúa!”

Phêrô Tôrô đã thực hiện cặn kỹ điều đó. Ngài và các giảng viên giáo lý khác đã giúp giữ cho đức tin Công giáo được sống mãi. Phêrô cũng học được một ít tiếng Nhật và ngài có thể làm quen với các giới chức hải quân Nhật. Nhưng sau khi quân cảnh nắm quyền, họ tưởng là các Kitô hữu đã cầu nguyện cho quân Nhật bại trận. Và họ đã cấm chế các hình thức phụng vụ Công giáo. Rồi một sắc chỉ được ban hành, bắt buộc dân chúng phải quay về với phong tục cổ truyền là người đàn ông được phép lấy nhiều vợ. Phêrô đã công khai phản đối điều lệnh này.

Phêrô Tôrô tiếp tục tổ chức các buổi họp nhau cầu nguyện, nhưng với các nhóm nhỏ hơn để tránh sự chú ý. Ngài khuyến khích cộng đoàn xứ đạo hãy trung thành cầu nguyện để giữ vững đức tin. Đó là công việc của Phêrô với tư cách là giảng viên giáo lý.

Rồi Phêrô To Rot bị quân cảnh Nhật bắt giữ trong khi đang tổ chức các nhóm cầu nguyện. Gia đình Phêrô đến nhà giam hàng ngày để đem thức ăn cho ngài. Các giới chức lãnh đạo Công giáo và Giám Lý hội của các bộ tộc khác đã tìm cách giải thoát Phêrô nhưng không được. Phêrô Tôrô nói với họ: “Anh em chớ lo lắng! Tôi là một giảng viên giáo lý. Nếu tôi chết, tôi sẽ chết vì đức tin!”

Vào ngày 07 tháng 7 năm 1945, một bác sĩ người Nhật đã tiêm vào Phêrô To Rot một mũi thuốc độc làm chết người tại trại giam của quân Nhật ở Rakunai. Một người bạn tù quan sát từ xa đã thông báo cho các tù nhân khác hay tin Phêrô To Rot đã chết. Rồi người ta đã gọi gia đình của Phêrô đến lấy xác và an táng ngài. Nhóm người họp nhau tiễn biệt Phêrô trong đám tang giản dị này đã tôn kính Phêrô To Rot như một vị thánh tử đạo. Sau khi điều tra, Giáo hội đã chấp nhận và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã công nhận các nhân đức tử đạo anh hùng của Đấng Đáng Kính Phêrô To Rot ngày 02 tháng 4 năm 1993. Hai năm sau, Ngài lại tôn phong Đấng Đáng Kính Phêrô To Rot lên bậc Chân Phước tử đạo ngày 17 tháng 01 năm 1995.

Chân phước Phêrô To Rot đã khiêm tốn nhận mình chỉ là một giảng viên giáo lý và chỉ chu toàn bổn phận của mình, nhưng ngài đã trung thành với bổn phận ngay cả trong những hoàn cảnh hết sức khó khăn. Niềm tin của Phêrô To Rot thật quyết liệt và trong sáng; và ngài đã anh dũng bảo vệ niềm tin ấy. Chân phước Phêrô Tôrô đã là một tấm gương trung kiên cho những học viên giáo lý của ngài. Ngài cũng nêu gương sáng cho mỗi người chúng ta học hỏi.

Kiểm tra tương tự

Chương trình LỜI CHÚA LÀ HỒN SỐNG

  Nếu Bạn say mê Lời Chúa, Nếu bạn thật tâm muốn để Lời Chúa …

Cái chết

  Nghĩa tử là nghĩa tận. Cái chết chấm hết mọi thứ. Chết là xong… …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *