[Hạnh các Thánh]: 20-08 Thánh Bernard ở Clairvaux

Thánh Bernard ở Clairvaux
Tiến Sĩ Hội Thánh 
(1091-1153)

Nhân vật của thế kỷ! Phụ nữ của thế kỷ! Chúng ta nghe những câu xưng tụng này quá nhiều đến độ ngày nay câu ấy không còn nhiều ý nghĩa. Nhưng “người của thế kỷ 12” thì chắc chắn phải là Thánh Bernard ở Clairvaux. Người cố vấn cho các giáo hoàng, tuyên uý đạo quân Thập Tự Chinh (lần II), người bảo vệ đức tin, người hàn gắn sự li giáo, người canh tân đời sống đan viện, học giả Kinh Thánh, thần học gia và hùng biện gia: bất cứ danh hiệu nào kể trên đều làm nổi nang một người bình thường. Tuy nhiên, Thánh Bernard có tất cả những danh hiệu ấy – nhưng ngài vẫn mong muốn trở về đời sống âm thầm của đan viện.

Bernard sinh năm 1090 tại Fontaines-les-Dijon, Burgundy, nước Pháp trong một gia đình quý tộc. Khi 20 tuổi, Bernard từ giã quê nhà ở Burgundy để gia nhập cộng đồng đan sĩ ở Citeaux. Năm người anh em, hai người chú của ngài và khoảng 30 người bạn theo ngài vào đan viện. Trong vòng bốn năm, một cộng đoàn đang tàn lụi đã phục hồi sinh lực đủ để khai sinh một đan viện mới trong thung lũng Wormwoods gần đó, với Bernard làm đan viện trưởng. Nhiệt huyết của người thanh niên trẻ tuổi này là một đòi hỏi thật khắt khe, nhưng đối với chính ngài hơn là người khác. Một cơn bệnh nặng đã khiến ngài kiên nhẫn hơn và thông cảm hơn. Không bao lâu, thung lũng này được gọi là Clairvaux, thung lũng ánh sáng.

Ngài có tài phân xử và cố vấn. Do đó, càng ngày ngài càng phải xa đan viện để giải quyết các tranh chấp đã có từ lâu trong Giáo Hội. Trong một vài trường hợp, hiển nhiên ngài đã dẫm chân lên một vài chức sắc khó tính ở Rôma. Thánh Bernard hoàn toàn vâng phục tính cách ưu việt của Tòa Thánh. Tuy nhiên, để trả lời một lá thư cảnh cáo từ Rôma, ngài viết, các giáo phụ tốt lành ở Rôma có quá nhiều việc phải làm để duy trì sự hiệp nhất trong Giáo Hội. Nếu có bất cứ vấn đề gì ảnh hưởng đến quyền lợi của họ thì ngài sẽ là người đầu tiên cho họ biết.

Sau đó không lâu, chính Thánh Bernard là người đã can thiệp vào một vụ li giáo đang bùng nổ mạnh và đã đứng về phía đức giáo hoàng ở Rôma để chống với phe ngụy giáo hoàng.

Trong cuộc Thập Tự Chinh II, Tòa Thánh thuyết phục được Thánh Bernard nhận làm tuyên uý cho cuộc viễn chinh này. Tài hùng biện của ngài đã giúp thành lập một đạo quân hùng mạnh và dường như đảm bảo cho sự chiến thắng. Tuy nhiên, tiêu chuẩn của các nhà lãnh đạo quân sự thì không giống như chủ trương của Thánh Bernard, và cuộc thập tự chinh đã kết thúc như một thảm họa về luân lý và quân sự.

Thánh Bernard cảm thấy phần nào có trách nhiệm trong sự suy sụp của thập tự chinh. Thánh Nhân qua đời ngày 20 tháng 8 năm 1153 tại đan viện Clairvaux.

Thánh Bernard ở Clairvaux được Đức Giáo Hoàng Alexander III tôn phong hiển thánh năm 1170. Đức Giáo Hoàng Pius VIII đã tuyên xưng Thánh Bernard ở Clairvaux là Tiến Sĩ Hội Thánh năm 1830.

Trong số các thánh tích của thánh Bernard đan viện Clạivaux còn giữ được có một chiếc áo của ngài. Sau khi đến thăm nước Đức trong nhiều dịp, chiếc gậy viện phụ của ngài đã quay về đan viện hai thánh Phêrô và Phaolô ở Dendermonde bên nước Đức. Chiếc gậy trơn của ngài ban đầu không được trang trí và trông như chiếc gậy mục đồng, nhưng từ lâu đã được lồng vào bên trong một chiếc gậy bằng kim loại quý, rất mỹ thuật. Chiếc gậy nầy được thiết kế kiểu Baroque có hình thánh nhân đang quỳ trước Đức Mẹvà Chúa Hài Nhi, một hình ảnh rất quen thuộc trong lãnh vực ảnh tượng của thánh Bernard.

Theo truyền tụng, những lời than thở “Ôi khoan thay, nhân thay. diệu thay, Trinh Nữ Maria!” đã được thánh Bernard ứng khẩu thêm vào cuối câu kinh Chào Kính Nữ Vương. Thánh nhân đã có công phổ biến thánh thi ấy trong các cộng đoàn tu trì và các đền thánh. Năm 1220, dòng Citeaux đã quyết định buộc mọi phần tử trong dòng phải đọc thánh thi ấy hàng ngày.

Kinh Hãy Nhớ, một bản kinh Thánh Mẫu rất được yêu chuộng cũng được cho là của thánh Bernard Claiveaux, mặc dù xác quyết này thỉnh thoảng cũng bị phản đối.

Lời Bàn

Cuộc đời Thánh Bernard trong Giáo Hội thì tốt đẹp hơn chúng ta tưởng. Các nỗ lực của ngài tạo nên nhiều kết quả sâu rộng. Nhưng ngài biết, các kết quả ấy chỉ sinh nhiều ích lợi qua các giờ cầu nguyện và chiêm niệm để đem đến cho ngài sức mạnh và đường hướng khôn ngoan. Ðặc điểm cuộc đời ngài là sự sùng kính Ðức Maria. Các bài giảng và văn bản của ngài về Ðức Maria vẫn còn được coi là tiêu chuẩn của Thánh Mẫu học ngày nay.

Lời Trích

Khi hiểm nguy, khi do dự, khi khó khăn, hãy nghĩ đến Ðức Maria, hãy kêu cầu Ðức Maria. Ðừng để danh ngài tắt ở trên môi bạn, đừng bị đau khổ vì danh ngài không còn trong tâm hồn bạn. Có như thế, bạn mới chắc chắn được sự trợ giúp của lời ngài cầu bầu, đừng sao nhãng theo bước chân ngài. Với sự dẫn dắt của ngài, bạn sẽ không bao giờ lạc lối; khi cầu khẩn ngài, bạn sẽ không bao giờ nhát đảm; một khi có ngài trong tâm trí, bạn sẽ không bị lừa dối; khi được ngài nắm tay, bạn sẽ không thể vấp ngã; với sự phù trì của ngài, bạn không còn gì để sợ hãi; nếu theo ngài, bạn sẽ không mệt mỏi; nếu được ngài ưu đãi, bạn sẽ đạt được mục đích” (Thánh Bernard).

Kiểm tra tương tự

Chúa ơi, bây giờ con phải làm gì ?

  “Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?” (Lc3,10-18)   Trong đoạn Tin Mừng …

Món Quà Giáng Sinh – Suy tư Tin Mừng CN 4 Mùa Vọng năm C

  Giáng sinh là khoảng thời gian tuyệt vời nhất trong năm đối với phần …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *