Hành trình đến với Chúa của sơ Út Mười Thương

Vào một buổi sáng định mệnh, tôi đã gặp Sơ Út Mười Thương. Sau thánh lễ, tôi thấy một Sơ đang đứng mân mê chiếc điện thoại cùi bắp, vẻ đơn sơ thánh thiện của Sơ dòng được thể hiện qua nét vụng về của những thao tác trên cái máy điện thoại di động. Sơ đang mò số để bấm gọi nhờ đứa cháu điều khiển từ xa một chiếc xe grab đến, chở Sơ đi chữa bệnh. Đang lúc sơ bối rối tìm lại số điện thoại của đứa cháu, tôi ngỏ lời:

-Sơ ơi, Sơ đi đâu ? lên xe con chở đi !

Sơ nhìn tôi với chút ngạc nhiên nhưng cũng còn lưỡng lự chỉ biết tôi là một tín hữu mới tham dự thánh lễ sáng nay. Tôi tiếp tục mở lời:

-Con là một thầy dòng… Sơ cứ an tâm.

Cuối cùng, tôi cũng đã thuyết phục Sơ lên xe.

Sau một hồi trao đổi, tôi được biết, trước khi đi tu, Sơ là một tân tòng. Vốn bản tính hay tò mò, tôi tiếp tục “tấn công” và có câu chuyện thú vị hầu các bạn.

Sơ là con út trong một gia đình gồm 9 người con, thế nên, Sơ được gọi bằng một cái tên rất “quê”: Út Mười. (Tôi đã gọi Sơ bằng một danh xưng của riêng mình: chị Mười Thương). Bố mẹ chị sinh ra và lớn lên trên mảnh đất khô cằn sỏi đá của vùng biển nóng Phan Thiết. (Những chi tiết cụ thể này đã được sự cho phép của đương sự). Cả gia đình đều đã đăng ký Pháp Danh tại chùa. Từ đó, chúng ta hiểu phần nào lòng sùng đạo của họ. Chính khát vọng đi tìm chân lý mà hạt giống đức tin khả dĩ sẽ sinh hoa kết trái nơi gia đình chị.

Năm lên 7 tuổi, bé Út Mười đang theo học lớp 2 tại một trường gần nhà. Hằng ngày đi học, bé đều đi ngang qua nhà xứ ở gần đó. Cứ mỗi chiều của những ngày tháng 5 (tháng Hoa kính Đức Mẹ), sau khi học xong, bé không về nhà ngay nhưng ghé lại nhà xứ xem các bạn tập dâng hoa. Những màn múa sống động ấy đã tạo trong ký ức của bé những hình ảnh đẹp về một đạo có nhiều sinh hoạt sống động. Chưa hết, vào dịp lễ Giáng sinh, bé cũng trốn nhà và rủ các bạn đi xem các cha làm lễ mà trong trí tưởng tượng của bé các ngài là vua, còn mọi người là thần dân hằng tuân lệnh vua. Còn trong hang đá lại có một Đứa Bé Trai đang giang tay dường như cố mời gọi mọi người đến với mình không biết để làm gì ?!!! Sau những lần trốn nhà hay bỏ cơm không xin phép, bé đã chịu những trận no đòn từ tay người bố nghiêm khắc nhưng điều đó không cản trở bé thường lui đến sân nhà xứ để vui đùa với chúng bạn.

Thế rồi, thời gian vụt qua nhanh, sự đơn sơ hồn nhiên nơi bé Mười đã được thay da đổi thịt bỗng trở thành một thiếu nữ với mảnh bằng tốt nghiệp trung học trong tay, chị được giới thiệu vào một xí nghiệp để quản lý việc thu hoạch lúa vào thời bao cấp. Những người nghèo đến xay lúa, chị chỉ thu đủ tiền xăng dầu cho máy xay, các cơ sở tôn giáo xay lúa số lượng nhiều cũng được chị tính với giá phải chăng. So sánh với những người cùng làm chức vụ như chị vào thời đó, họ đã giàu to, thế mà chị vẫn không khá lắm chỉ đủ trang trải cho bố mẹ và bản thân. Chị không hề biết Tin Mừng về Chúa Giêsu nhưng lại sống như Ngài, nghĩa là chấp nhận sống đơn sơ đạm bạc để chịu sự khốn khó mà làm cho kẻ khốn khó bớt phần khốn khổ; thật hợp với lời của thánh Phaolô đã nói về Đức Kitô: “Người vốn giàu sang phú quí, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (II Cr 8,9b).

Cũng trong thời gian này, chị đã quen biết và gần gũi với các Sơ dòng Đa minh mà sau này chị xin gia nhập đạo. Các Sơ đã giới thiệu chị đến cha xứ để theo lớp dự tòng. Sau vài tháng theo học, chị đã chịu cám dỗ nặng nề, muốn tháo lui vì đối với chị, theo Đạo như một cách tỏ ra bất hiếu với Cha Mẹ, Ông Bà…Mặc dù, chị đã được dạy nhiều về việc theo Đạo nhưng vẫn giữ truyền thống thảo hiếu với Bậc tổ tiên. Trong lúc nội tâm phải giằng co giữa bên chữ hiếu và bên đức tin, cha xứ lại đòi buộc cha mẹ phải chấp nhận việc theo đạo của mình, chị đã cầu nguyện với Chúa nhiều nhưng vẫn cảm thấy bất lực, dầu vậy, chị phó thác tất cả cho Chúa.

Quả thế, đường lối của Chúa thật nhiệm mầu, trong lúc chị không dám nói với Bố mẹ về sự thật này thì Chúa đã dùng miệng người mẹ mà nói với chồng:

-Ông coi, con út hình như nó theo đạo nhà thờ đó ông. Tôi thấy mỗi tối nó cứ ngồi rù rì một hồi lâu rồi mới nằm ngủ, sáng sớm ra còn đi đến nhà thờ ông cha nữa.

-Phải không Út ? Ông bố nghiêm giọng hỏi.

-Dạ phải, mẹ nói đúng đó, bố ạ.

-Mai dắt tao lên nhà thờ coi cái ông cha dạy cái gì mà mày mê theo như điếu đổ vậy.

 Sau khi tham dự một buổi học dự thính, ông bố dõng dạc tuyên bố với con:

-Tao thấy mày theo đạo này là Chân Lý đó, mai tao cũng theo.

Chị Mười đi từ ngạc nhiên này đến ngỡ ngàng khác và thầm cảm ơn Chúa trong lòng. Ông bố nhất quyết đến gặp cha xứ xin học đạo, tuy nhiên, cha xứ trả lời rằng ông cần đợi khóa sau vì khóa này sắp xong rồi.

Thế là ông bố vẫn chấp nhận chờ đợi khóa sau học đạo. Ông đã học được 2/3 thời gian qui định thì bỗng ngã bệnh nặng, bác sĩ báo ông bị ung thư giai đoạn cuối. Thế rồi, ông xin phép cha xứ nghỉ luôn việc học đạo. Thấy thiện chí của ông lão nhà quê, cha cho phép ông lãnh các phép trước thời hạn, ông vui vẻ dọn mình. Sau đó, ông lại khỏe hẳn như nhận được một phép lạ nhãn tiền nhờ việc Chúa tăng sức qua Bí tích Xức dầu thánh. Ông sống thêm 3 tháng nữa, rồi được Chúa gọi về trong sự thanh thản và bình an. Sau đó, là cuộc trở về đầy ngoạn mục của người anh Cả và của người Mẹ.

Có thể nói, những cuộc trở về này càng làm tăng xác tín của chị vào Chúa. Từ đó, chị quyết định theo đuổi con đường tu trì, nhưng nguyện vọng ấy không được các Sơ dòng Đa minh đón nhận ngay vì theo luật qui định một tân tòng muốn gia nhập dòng tu phải sống 10 năm ở ngoài đời. Chị đã chấp nhận điều này như thánh ý Chúa muốn.

Sau khi cha chị mất, chị tìm việc làm trên Sài gòn để gởi tiền lo cho mẹ già ngoài quê. Có một chi tiết khá thú vị trong giai đoạn này mà tôi không thể bỏ qua vì nó nói lên tư chất của một cô gái chân quê chân chất đến lạ lùng. Hành trang mà người mẹ cho chị lên Sài gòn là 2 giỏ trái cây mãng cầu để bán kiếm chút tiền hầu trang trải nơi đất khách quê người, và với một lời khuyên duy nhất: “Con lên Sài gòn đi đâu nhớ tìm ông xích lô lớn tuổi mà nhờ chứ bọn thanh niên chở đi là nguy hiểm đó”. Thế rồi, vừa đặt chân xuống đất ồn ào và náo nhiệt này, chị thấy một đội xích lô đứng đón khách, chị chọn người lớn tuổi nhất theo lời khuyên của mẹ. Chị nói:

-Chú ơi, chở con đến chợ để con bán 2 giỏ trái cây này để kiếm chút tiền.

-Cháu muốn đến chợ nào ? Chú xích lô dò hỏi.

-Cháu tưởng chú biết chợ đó rồi chứ ?

-Trời ơi, đất Sài gòn bao nhiều cái chợ mà biết.

Thế rồi, chú xích lô cũng chở chị đến một chợ gần đó rồi giới thiệu người bán giúp. Sau đó, chú lại hỏi:

-Bây giờ, cháu mmuốn đi đâu ?

-Chở cháu đến một xí nghiệp may để xin việc.

Hỏi thăm qua lại mới biết chú này cũng thuộc người công giáo, chú đã cho ở tạm tại tư gia đến khi xin được việc nhờ một người con của chú này giới thiệu.

7 năm lăn lộn bươn chải nơi đất khách, tình yêu đã hóa đất lạ thành quê hương. Thời gian “thanh luyện” đã xong, chị cảm thấy cần tìm đến một nhà dòng để theo đuổi khát vọng sâu xa mà Chúa đã đặt trong lòng chị từ ngàn xưa. Chị đã tìm đến dòng Cát Minh nơi thánh Têrêsa HĐGS, vị thánh bổn mạng của chị đã tu và nên thánh, tại Sài gòn; đồng thời, thánh nữ cũng là thánh bổn mạng của chị. Có thể nói, để có một quyết định nhanh chóng như vậy, vì ngay từ lúc theo đạo chị đã nghiền ngẫm nhiều lần về tác phẩm Một Tâm Hồn của chị thánh. Có một chi tiết nhỏ nhưng nói lên tâm tình yêu mến của chị đối với chị thánh.

Một ngày kia, chị gặp một người Công giáo bán bánh mì, họ lại xé từng tờ tác phẩm Một Tâm Hồn mà gói bánh mì bán cho khách. Thấy xót xa và xúc phạm nặng nề, chị đề nghị bà chủ để chị mua một mớ giấy khác hầu đổi lấy cuốn sách quí ấy, bà này đồng ý. Chị mang về đem photocopy phần đã bị xé đi rồi nhờ người đóng lại thành tập sách. Từ đó, nó là cuốn sách gối đầu giường của chị. Một cuốn sách với hai màu giấy trông có vẻ nham nhở kia nhưng lại gợi hứng cả một bầu trời thiêng liêng trong hành trình tâm linh của chị.

Chị tưởng mọi chuyện sẽ xuôi xắn khi đến tu viện của thánh Têrêsa tại Sài gòn, nhưng họ hẹn lại vì nhà dòng chưa nhận dự tu mới. Chị đến dòng Phanxicô ở Thủ Đức để tĩnh tâm và cầu nguyện hầu biết ý Chúa muốn: mình tu ở đâu. Trong những ngày tĩnh tâm chị bị cuốn hút bởi gương lành của thánh nữ Clara, chị hỏi cha giảng phòng rằng tu viện thánh Clara ở đâu. Cha trả lời: Con ra đầu cổng nhà dòng, bước sang bên kia đường là tới chỗ cần tìm. Bỗng dưng trong lòng chị cảm giác một sự bình an lạ lùng và thầm cảm tạ Chúa vì như mọi sự đều được chuẩn bị sẵn sàng. Chị đã được Mẹ Giáo tập nhận vào với một lời an ủi: Dòng chỉ nhận dự tu không quá 25 tuổi, nhưng trường hợp của chị đã 28 tuổi, khá đặc biệt nên được miễn trừ. Từ đó, chị cảm nhận lòng Chúa thương chị nên ra công sống tốt đáp lại tình Người. Đến nay, chị đã sống được 24 năm trong nhà dòng, với khả năng điều dưỡng và may đồ phục vụ cho chị em, chị đã chăm sóc và “vá khâu” nhiều tâm hồn tan vỡ tìm đến với chị. Và dần dà, chị nhận ra Chúa ban cho mình một đặc sủng: người có tài an ủi. Chị đã trở thành tiếng nói chung cho những bên đối lập, cầu nối qua lại giữa các thành viên trong dòng.

Cảm ơn chị đã đi qua cuộc đời tôi như làn gió mát làm dịu hẳn những mưu tính theo kiểu con người nơi tôi, rằng Chúa có chương trình cho mỗi người. Điều còn lại, hãy để cho Chúa bước vào cuộc đời chúng ta, nơi đó, mọi khô cằn sẽ biến thành hồ ao, hoang địa khô khan nên nguồn suối nước. Và rồi, Chúa sẽ làm cho mọi sự sinh ích với những ai quyết tâm theo Ngài.

EYMARD An Mai Đỗ O.Cist.

(Bài viết được tác giả gửi đến Dongten.net)

Kiểm tra tương tự

Trong Chúa, chúng ta là những người bạn đích thực

Trong tâm tình chờ đón Đại lễ Mừng Chúa Giáng Sinh, Học Viện Thánh Giuse …

Tìm lại ý nghĩa đích thực của Mùa Vọng

  Đôi khi, chúng ta nỗ lực hoàn thành danh sách những việc phải làm …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *