Hành trình người môn đệ chân chính

HÀNH TRÌNH NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÂN CHÍNH

dựa trên Bài Giảng Trên Núi.

 

1….. Lời mở đầu

2….. Môn Đệ Chân Chính (Mt 7, 21-27)

2.1 Thế nào là người môn đệ chân chính?

2.2 Nghe được những lời Chúa nói

2.3 Biết được ý Chúa

2.4 Thực hành những Lời Chúa dạy

2.5 Sống theo các mối phúc

2.6 Lề luật yêu thương

2.7 Cầu nguyện với Kinh Lạy Cha.

2.8  Người môn đệ xây nhà trên đá

2.9 Người môn đệ xây nhà trên cát

2.10 Người Kitô hữu đích thực xây dựng đời mình trên nền tảng nào?

3….. Lời kết

4….. Tài liệu tham khảo

 

1.  Lời mở đầu

Là người Công Giáo, ai cũng muốn mình được gọi là con của Chúa, một người Kitô hữu và là một môn đệ của Chúa. Tôi cũng là một người Công Giáo, một người con của Chúa rồi vì tôi đã được rửa tội, nhưng tôi có phải được gọi là một người Kitô hữu hay là một người môn đệ không? Nhóm 4 chúng tôi thiết tưởng câu này, ai cũng đã từng đặt ra cho mình và thật ra câu hỏi này rất là quan trọng và có thể là nền tảng của cuộc sống hàng ngày. Câu trả lời chúng ta tự đưa ra nhiều khi mơ hồ, do đó đây là cơ hội tốt để chúng tôi tìm hiểu thêm về đế tài này, hầu để mang lại hiểu biết sâu xa ích lợi cho bản thân trong cuộc sống hàng ngày.

 

2.   Môn Đệ Chân Chính (Mt 7, 21-27)

Đó là một câu hỏi mà tôi phải xét lại. Tôi vẫn giữ đạo như bao nhiêu người khác với việc cầu nguyện, đọc kinh sáng tối, tham dự đầy đủ các thánh lễ ngày Chủ Nhật, làm việc lành, giúp đỡ những người chung quanh, tham gia vào các công việc trong giáo xứ… Nhưng những việc đó có đủ để cho tôi có thể trở thành là một người Kitô hữu đích thực hay là một người môn đệ chân chính của Chúa chưa? Qua bài Thánh Kinh về Bài giảng trên núi trong  Mát-thêu 7,21-27, đã giúp tôi hiểu rõ và làm sáng tỏ hơn những vấn đề mà tôi đang suy xét.

 

2.1 Thế nào là người môn đệ chân chính?

Người môn đệ chân chính là người biết nghe những lời Chúa nói và đem ra thực hành.Trong Tin Mừng Mt 7, 21 «Không phải bất cứ ai thưa với Thầy : Lạy Chúa ! Lạy Chúa ! là được vào Nước Trời cả đâu ! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi», đã cho ta thấy rõ đâu là điều kiện để trở thành người môn đệ của Chúa và được vào Nước Trời.

Đức Kitô đã tỏ lộ cho chúng ta biết rằng, khi Thánh ý của Cha được thực hiện thì Nước Trời cũng được hiện diện, và con người có thể bước vào và sống trong đó. Như vậy muốn là người môn đệ của Chúa thì ta phải biết lắng nghe những gì Chúa chỉ dạy và đem ra thực hành một cách cụ thể  trong cuộc sống của mình, biết tìm kiếm và làm mọi sự theo ý của Chúa chứ không phải chỉ biết nói Lạy Chúa  con biết Chúa, con yêu Chúa  là đủ rồi . Nhưng làm sao ta có thể nghe được những lời Chúa nói, làm cách nào để có thể biết được đâu là ý Chúa  và ta phải thực hành những điều Chúa dạy như thể nào?

 

2.2 Nghe được những lời Chúa nói

Để có thể nghe được tiếng Chúa nói với ta không phải là một điều dễ. Chúa nói với chúng ta qua rất  nhiều cách khác nhau: có thể qua lúc ta cầu nguyện, chiêm niệm, khi ta đang đọc một đoạn Thánh Kinh, trong lúc suy niệm  Lời Chúa, qua các nghi thức phụng vụ, các bí tích, qua những người chung quanh, qua những cảnh vật, hiện tượng  trong thiên nhiên  và có thể qua những biến cố xảy ra trong đời sống thường ngày của chúng ta ….

Nếu chúng ta biết khiêm nhường lắng nghe, để tâm hồn mình thật tĩnh lặng, bình yên, không bị xáo trộn vì những chuyện bên ngoài, biết  mở lòng ra để Chúa có thể đi vào và cư ngụ nơi cung lòng của chúng ta, cùng với ơn Chúa giúp thì chúng ta mới có thể nghe và nhận ra được tiếng Ngài.

 

2.3 Biết được ý Chúa

Nghe được tiếng Chúa đã là điều không dễ, mà muốn biết được ý Chúa là điều khó hơn nhiều. Làm sao ta biết phân biệt được đó là ý Chúa chứ không phải là ý mình? Điều gì làm cho ta chắc chắn rằng đó là ý của Chúa, mà tại sao ta lại phải làm theo ý muốn của Chúa? Làm theo ý Chúa thì giúp ích được gì cho ta?

Để có thể biết được ý Chúa thì trước hết ta phải nhận ra được Chúa là ai đối với ta, tương quan của Ngài với ta ra sao?

Thiên Chúa là Đấng dựng nên trời đất muôn vật trong đó có ta, Ngài ban cho ta sự sống và tất cả mọi thứ để ta được sống dồi dào, Ngài còn cho ta được làm con cái của Ngài và được thông  phần vào sự sống của Ngài. Vì yêu chúng ta nên Thiên Chúa đã thương ban chính con một của Ngài là Chúa Giêsu Kitô, xuống thế làm người, chịu chết và sống lại  để tất cả chúng ta được ơn cứu rỗi.

«Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì, địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn chút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống  phàm nhân, sống như người trần thế. Người còn lại hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự» (Pl 2,6-8).

Là Ngôi Hai Thiên Chúa , nhưng Chúa Giêsu đã tự ý mặc lấy thân phận yếu đuối của con người, chia sẻ kiếp người của chúng ta và vì muốn cho con người được cứu rỗi nên Ngài đã sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình theo ý Chúa Cha. Ý muốn của Thiên Chúa chính là kế hoạch cứu độ của Ngài, được diễn ra trong cuộc sống thường ngày.

Thi hành ý muốn của Thiên Chúa là chuyên cần và quảng đại cộng tác vào công cuộc tạo dựng và công cuộc cứu độ của Thiên Chúa, làm cho ơn cứu độ trở nên hiện thực nơi chính mình và nơi anh chị em đồng loại. Điều Đức Giêsu đòi hỏi là một lòng đạo đức thực sự, có việc làm, có dấn thân, chu toàn các bổn phận của một người Kitô hữu.

 

2.4 Thực hành những Lời Chúa dạy

Chính Chúa Giêsu luôn mời gọi người môn đệ khi đã lắng nghe và đón nhận Lời của Người thì hãy biết thực thi Lời ấy trong cuộc sống của mình. Người không chỉ rao giảng, nhưng Người đã thực thi trước hết những điều Người mời gọi chúng  ta. Lời dạy của Chúa gắn liền với con người của Ngài.

Qua bài giảng trên núi, Chúa Giêsu đã vạch ra cho con người thấy rằng mình bị ràng buộc bởi bao nhiêu thứ nô lệ và con người chỉ có thể được giải thoát khỏi những tròng nô lệ đó khi biết hoàn toàn để cho lòng khoan nhân của Chúa dìu dắt. Con người không thể tìm thấy sự hoàn thiện ở nơi bản thân nhưng cần phải tìm ở nơi Thiên Chúa và để cho Thiên Chúa chiếm ngự hoàn toàn. Bài Giảng Trên Núi bao gồm những chân lý và giáo huấn mời gọi các tín hữu tập sống theo.

 

2.5 Sống theo các mối phúc

Các mối phúc chính là sự diễn tả chính xác về cuộc sống của Chúa Giêsu, Ngài chỉ dạy cho chúng ta biết phải sống thế nào để có được hạnh phúc thật sự và được Nước Trời làm gia nghiệp.

« Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp. Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an. Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng. Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương. Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa. Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ » (Mt 5,3-10).

Qua Chúa Giêsu chúng ta học được thế nào là người có tâm hồn nghèo khó, hiền lành, khiêm nhường, có lòng thương xót, có tâm hồn trong sạch, sống yêu thương, biết xây dựng hòa bình, luôn khát khao trở nên người công chính và trên hết biết tìm kiếm cùng thực thi Thánh ý của Chúa.

Người có tâm hồn nghèo khó không phải là người thiếu thốn về tài sản vật chất nhưng là người có tinh thần khiêm tốn trước mặt Chúa, biết chia sẻ trong tình hiệp thông và yêu thương, biết luôn sống cậy dựa, phó thác và tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa.

Chúng ta hãy học cách sống hiền lành như Chúa Giêsu đã dạy : « Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề,hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng » (Mt 11,28-29). Hiền lành là không kiêu căng, biết khiêm nhường, nhẫn nại, tử tế, cư xử tốt với những người chung quanh, không giận dữ, có lòng khoan dung và lòng xót thương. Chúa Giêsu dạy chúng ta luôn có một tấm lòng rung động với những phận người sầu khổ, để ủi an và nâng đỡ họ. Khát khao nên người công chính là biết tìm kiếm và sống theo ý Chúa. Sống ngay thẳng trước mặt Thiên Chúa và để Ngài chiếm đoạt cả con người của ta, biến đổi ta, làm cho ta trở nên những con người hoàn thiện.

Lòng thương xót của Thiên Chúa  qua Chúa Giêsu đã được biểu lộ qua xuốt cuộc đời trên trần thế của Ngài ( Chúa Giêsu đã từng chia sẻ, thông cảm, yêu thương, có lòng bác ái, từ bi nhân hậu với tất cả mọi người, bênh vực kẻ nghèo hèn, thống khổ, nâng đỡ những người yếu đuối và chữa lành những người bệnh hoạn). Ngài muốn chúng ta cũng học theo và có lòng thương xót như Ngài vậy.

Tâm hồn trong sạch là tâm hồn luôn mở ra để đón nhận giới răn và Thánh ý của Chúa và chỉ biết sống theo điều Chúa ước ao. Ý thức xây dựng hòa bình trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống cũng là trách nhiệm của mọi Kitô hữu trên trần gian.

Trên hành trình theo Chúa, chúng ta không thể không có những khổ đau, không có thử thách, không có bách hại, không có kết án, nhưng chúng ta luôn bền tâm, vững chí , tin rằng Chúa luôn gia tăng sức mạnh và can đảm, thêm niềm tin yêu và phó thác để giúp ta vượt qua và đón nhận mọi sự theo ý Chúa cùng được Chúa ban thưởng là Nước Trời.

 

2.6 Lề luật yêu thương

Trong Bài Giảng trên núi nêu lên nhiều giới luật, nhưng lề luật yêu thương được coi là khuôn vàng thước ngọc cho đời sống tín hữu : «Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì luật Môsê và lời các ngôn sứ là thế đó» (Mt,7,12).

Sống tinh thần tình yêu thì không chiều theo xác thịt, mà tất cả chúng ta đều sống theo sự chỉ dẫn của Thần Khí Chúa, đi tìm những điều tốt, những điều hoàn hảo, những điều đẹp lòngThiên Chúa.

Khi sống giới luật yêu thương và những giới luật khác được nêu lên trong Bài Giảng Trên Núi, là lúc mà tín hữu đang trên đường để trở nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện.

 

2.7 Cầu nguyện với Kinh Lạy Cha

Để có thể thực thi những gì Chúa dạy, chúng ta cần có ơn Chúa giúp. Chúa Giêsu đã dạy ta cách thức cầu nguyện qua kinh Lạy Cha để chúng ta kín múc ân sủng dồi dào nơi Thiên Chúa và làm cho đời sống của ta nên phong phú hơn.

Chúa Giêsu là Ngôi Lời Nhập Thể, Ngài đã từng chia sẻ thân phận con người như ta trên thế gian, nên Ngài biết rõ  nhu cầu của chúng ta và Ngài chỉ cho chúng ta biết cách thức cầu xin thế nào với Cha trên Trời.

Kinh Lạy Cha là lời kinh đưa chúng ta vào trong tương quan tình yêu giữa Thiên Chúa và con người, trong kinh Lạy Cha chúng ta được gọi Thiên Chúa là Cha, được hiệp thông với Ba Ngôi Thiên Chúa và với Cộng Đoàn dân Chúa.

Trong kinh Lạy Cha chúng ta dâng lên Chúa những lời nguyện xin : trước là hướng về Thiên Chúa : xin cho danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời, sau là xin

những gì cần thiết trong đời sống của mỗi người chúng ta : xin cho lương thực hàng ngày dùng đủ, xin ơn  tha tội và xin ơn để giúp chúng ta khỏi sa lưới của sự dữ.

Kinh Lạy Cha là lời cầu nguyện tuyệt hảo, là con đường dẫn chúng ta đến với Cha trên Trời, để khám phá sâu hơn tình yêu của Thiên Chúa. Thánh Têrêsa Hài Đồng ghi lại : « Đôi lúc, khi tâm hồn tôi khô khan tột cùng đến nỗi tôi không tìm đâu ra một tâm tình hay suy nghĩ nhỏ bé nào giúp tôi kết hiệp với Thiên Chúa nhân lành, thì tôi liền nhẩm đi nhắc lại lời Kinh Lạy Cha và Kinh Truyền Tin. Chính những lời kinh này đã đưa lại cho tôi niềm vui và nuôi dưỡng tôi với những thức ăn thiêng liêng bổ ích ».

 

2.8  Người môn đệ xây nhà trên đá

« Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá » (Mt 7, 24-25).

Chúa Giêsu đã dùng chính hình ảnh ngôi nhà để dạy các môn đệ của Người. Người ví đời sống đạo của người môn đệ như việc xây nhà, có người xây trên nền đá rất vững vàng. Đá tảng là những giá trị của Lời Chúa, những giá trị vĩnh viễn không  mai một với thời gian hoặc qua những biến chuyển của lịch sử  nhân loại. Không có gì có thể tồn tại theo thời gian, chỉ có Lời Chúa là vững bền, không bao giờ bị phai nhòa : « Trời đất sẽ qua đi, nhưng Lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu » ( Mt 24,25 ).

Nền móng chắc chắn của ngôi nhà, tức của đời sống Kitô hữu, là lắng nghe và thực hành các giáo huấn của Người. Thực hành Lời Chúa trong đời sống thường ngày sẽ làm cho người môn đệ ngày càng trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa,trở nên dấu chỉ chính Chúa giữa cuộc đời. Người khôn là người để Lời Chúa uốn nắn mình, làm cho đời mình bừng sáng với nhiều việc lành phúc đức.

Đời sống người môn đệ được gắn liền với đón nhận và thực hành những giáo huấn của Chúa Giêsu trong tin Mừng Nước Trời mà Người rao giảng. Lời Chúa có sức mạnh tựa nền đá vững chắc nâng đỡ và định hướng cuộc đời người tín hữu, là lương thực nuôi sống chúng ta và qua Lời Chúa mà Thánh ý Cha được biểu lộ cách rõ ràng.

 

2.9 Người môn đệ xây nhà trên cát

« Còn ai nghe những lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người ngu dại xây nhà trên cát. Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ tan tành » ( Mt 7, 24 ).

Người xây nhà trên cát sẽ không khi nào bền vững,cát tức là những giá trị giả tạo, những thần tượng nay còn mai mất tùy theo nhu cầu và thay đổi tùy theo các phong trào, các mối hưởng thụ xã hội chế tạo ra.

Người nghe Lời Chúa nói mà không đem ra thực hành thì không tìm được ý nghĩa đích thực của cuộc đời, không tới gần với Thiên Chúa, họ khước từ tình yêu và phủ nhận sự hiệp thông của Thiên Chúa.

Vì không thực hành những Lời Chúa dạy, nên dễ bị những cam go của cuộc đời làm chao đảo,ngả gục, họ không biết được đâu là Thánh Ý của Chúa. Chính vì thế mà họ sẽ không tìm thấy được hạnh phúc đích thực là Nước Trời.

 

2.10 Người Kitô hữu đích thực xây dựng đời mình trên nền tảng nào?

Để trở thành người môn đệ đích thực của Đức Giêsu, người Kitô hữu cần «làm hơn là nói», xây dựng cuộc đời mình trên nền tảng Thánh ý Thiên Chúa.

Vậy nền tảng của đời sống Kitô hữu chính là Thánh ý Thiên Chúa mà mỗi người Kitô hữu phải ra sức tìm kiếm và thi hành. Thánh ý đó được thể hiện trong Lời Chúa, trong các biến cố của đời sống, qua nhiều người, nhiều sự việc khác nhau. Con người chỉ có thể nhận ra Thánh ý Thiên Chúa nhờ Chúa Thánh Thần.

Người Kitô hữu đích thật là người đi tìm Thánh ý Thiên Chúa cho cuộc đời mình ngay trong giây phút hiện tại. Chúng ta nên tự hỏi xem : «trong hoàn cảnh này, Chúa muốn tôi làm gì bây giờ».

Người môn đệ chân chính của Đức Giêsu là người say mê học hỏi và thực thi Lời Chúa.

Những gì chúng ta nhận được khi tiếp cận với Lời Chúa trong cầu nguyện phải được đưa ra thực hành trong cuộc sống.

Sống tinh thần vâng phục của người Kitô hữu phải là tự nguyện đồng ý với kế hoạch của Thiên Chúa và những đòi hỏi của Tin Mừng như một người con thảo, chấp nhận để cho ý Chúa chiếm lấy cuộc đời mình và kéo mình theo. Sống theo ý Thiên Chúa với tấm lòng đơn sơ, khiêm tốn, biết ơn và phó thác trong sự quan phòng của Thiên Chúa sẽ giúp cho ta đến gần Ngài hơn và kết hiệp mật thiết với Ngài.

Chỉ khi thực thi Lời Chúa bằng hành động thực tế sẽ đưa lại cho chúng ta niềm tin mạnh mẽ hơn và đưa con người đến hạnh phúc vĩnh cửu và được gia nghiệp là Nước Trời.

3.   Lời kết

Chúa Kitô đã vạch ra cho chúng ta con đường để có thể trở nên một người môn đệ đích thực, đó là phải biết lắng nghe và thực thi Lời Chúa.

Để cho Lời Chúa được sinh hoa kết trái chúng ta phải biết chấp nhận đi vào con đường hẹp, với những thách đố và thiệt thòi, những hiểm nguy và nhục nhã, những cay đắng và đau khổ. Vì Chúa có nói : «Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được» (Lc 14, 27 ).

Khi chúng ta biết để cho Lời Chúa thấm nhập trong tâm hồn, chi phối toàn thể con người của mình,thì lúc đó chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra được ý Chúa và đem ra thực hành trong cuộc sống của mình.

Giữ đạo không phải chỉ là đọc kinh xem lễ, nhưng nhất là lắng nghe Lời Chúa và thi hành ý Người, nhờ đó mà chúng ta được trở nên những người môn đệ chân chính của Chúa.

 

Lạy Chúa Giêsu,

Qua Lời Ngài dạy, chúng con cám ơn Chúa đã cho chúng con thấu hiểu thế nào để trở nên một người môn đệ chân chính của Chúa.

Nhìn lại bản thân và cuộc sống của chúng con, chúng con thấy chúng con còn xa vời lắm trên hành trình để trở thành người môn đệ chân chính.

Nay chúng con chạy đến và kêu cầu cùng Chúa, xin giúp chúng con thêm sức mạnh, thêm can đảm, thêm khôn ngoan, thêm hiểu biết, để thay đổi chính mình, sống tinh thần Tin Mừng như Chúa Giêsu : hiền lành, khiêm nhường, yêu thương, quảng đại, bác ái và vâng phục ý Chúa Cha.

Xin cho chúng con biết say mê học hỏi Lời Chúa nhiều hơn để hiểu thông suốt hơn và có thể thực thi ý Chúa một cách chính xác hơn.

Xin Chúa giúp chúng con biết xây dựng đời mình trên nền tảng Lời Chúa và xin Lời của Chúa tác động trên chúng con, để tất cả những gì chúng con làm, chúng con làm theo ý của Chúa mà thôi. Amen.

 

Bài viết của nhóm 4, chương trình Magis.

Maria Trần Thị Minh Tâm.

Maria Nguyễn Thị Kim Ngọc.

Vicente Nguyễn Anh Dũng.

Maria Phan Lệ Mỹ.

Maria Lê Thị Minh Châu.

Maria Lê Thị Thanh Thuý.

An-rê Nguyễn Phúc Hưng.

 

Đồng hành: Sr. Chương Đài MTG. Chợ Quán.


 

Tài liệu tham khảo

  • Lời Chúa cho mọi người, Thánh Kinh Cựu Ước và Tân Ước, bản dịch của nhóm phiên dịch Các giờ kinh phụng vụ, NXB, Tôn Giáo, Hà Nội 2009.
  • Phúc thay. Suy Niệm Tám mối phúc thật. Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ, NXB, Tôn Giáo, Gò Vấp 2015.
  • Lời kinh cha mẹ dạy, Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ, NXB, Phương Đông, Gò vấp
  • Bài suy niệm của Lm PX Vũ Phan Long, ofm
  • Bài suy niệm của Giuse Trần Ngọc Huấn
  • Bài suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

Kiểm tra tương tự

Khoá học: Tiến trình phát triển tâm lý và đường hướng giáo dục đức tin

  Các bạn thân mến! Tâm lý con người phát triển theo từng độ tuổi, …

Thánh Thể, vầng trăng mơ ước của tuổi thơ

Nhìn trăng lên, con người mọi thời đều mơ một cuộc sống trường sinh bất …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *