Hành Vi Đạo Đức Theo Bổn Phận Luận Và Luật Tự Nhiên

130515034254-work-ethics-story-top

Dẫn Nhập

Tại sao con người phải sống đạo đức

Thế nào là một hành vi đạo đức

Phương cách vận dụng nguyên tắc phổ quát vào thực tiễn

Giá trị của hiện hữu có lý trí trong triết học đạo đức

Sự khác biệt trong quan điểm về sự thiện

Một vài góc nhìn đối nghịch

Kết luận

……..

Dẫn Nhập

Có thể nói rằng, dù con người có ý thức hay không thì đời sống mỗi người đều cần thiết được đặt trên một hay nhiều nền tảng đạo đức nhất định nào đó. Nội dung bài viết này cũng sẽ xoay quanh việc trình bày đối chiếu một số điểm trọng yếu trong tư tưởng đạo đức của hai trường phái quan trọng đại diện trong nền triết học đạo đức là Bổn phận luận của Immanuel Kant và Luật tự nhiên theo Tôma Aquinô. Cụ thể, bài viết trước tiên sẽ tập trung tìm kiếm xem đâu là nền tảng căn bản cho đời sống đạo đức, mà qua đó một hành vi đạo đức được hiểu một cách cơ bản. Kế đến sẽ đi sâu hơn vào phương cách vận hành những nguyên tắc tổng quát trên vào thực tiễn. Tiếp đó là một số đặc tính thiết yếu trong tư tưởng đạo đức của hai triết gia như lý trí hay sự thiện cũng sẽ được đề cập đến. Và sau cùng là một số quan điểm có phần đối nghịch so với hai lập trường trên.

1. Tại sao con người phải sống đạo đức

Câu hỏi nền tảng trên đây rất cần thiết vì qua đó con người có thể tìm ra cho bản thân đâu là căn nguyên hay nền tảng cho đời sống đạo đức của mình. Chính vì vậy, cho dù là hệ thống triết học đạo đức theo Tôma Aquinô hay Immanuel Kant hoặc của bất kỳ ai cũng nhất thiết phải được đặt trên một nền tảng siêu hình. Có thể nói rằng, thế giới siêu vượt trên thế giới thường nghiệm chính là điểm trọng tâm lý giải cho hành vi đạo đức của con người. Đối với Kant, dù rằng ông không chủ trương chứng minh sự hiện hữu của thượng đế nhưng ông thừa nhận có sự hiện hữu của thế giới vật tự thân.[1] Nếu như lý trí thuần túy lý thuyết chỉ có thể tri nhận những gì có thể tri nhận được trong thế giới hiện tượng này, thì lý trí thuần túy thực hành, qua hành vi tự do chọn lựa của con người, có thể đụng chạm hay kinh nghiệm được thế giới của vật tự thân bao gồm Thiên Chúa, thế giới và linh hồn. Trong Phê bình lý trí thực hành, Kant cho rằng ngoài luật tự nhiên thì con người còn có một luật khác là luật của tự do bên trong thúc bách con người dùng tự do để chọn lựa, chứ không đơn thuần chỉ nghe theo những lôi kéo của luật tự nhiên.[2] Quan điểm của Tôma có một phần tương đồng nhưng vượt trên ý niệm về thế giới vật tự thân của Kant. Tôma xây dựng triết thuyết đạo đức bằng sự kết hợp những ý niệm siêu hình của Aristotle và tân Plato.[3] Tôma đồng quan điểm với Kant khi cho rằng con người luôn hướng về hạnh phúc, nhưng hạnh phúc của ngài không dừng lại ở việc thi hành bổn phận tuyệt đối nào đó hay vì một hạnh phúc vô định, nhưng là hạnh phúc có được khi đạt mục đích tối hậu của cuộc đời con người, nơi Thiên Chúa là khởi nguyên và cùng đích mọi loài. Như vậy, cả Kant và Tôma đều đặt nền triết học đạo đức trên siêu hình là thế giới siêu nghiệm, nhưng cách hiểu về thượng đế và cùng đích con người của hai nhà tư tưởng có phần khác nhau.

2. Thế nào là một hành vi đạo đức

Từ quan niệm siêu hình đặt nền tảng cho đời sống đạo đức, Tôma và Kant phân định đâu là một hành vi đúng hay sai một cách cơ bản. Ngay trong những dòng đầu tiên của tác phẩm Grounding for the Metaphysics of Moral, Kant đã phát biểu rằng duy chỉ có thiện ý là tốt tuyệt đối, vì nó tốt tự tại mà không vì bất kỳ điều gì khác. Ông quan niệm, bên trong con người có những bổn phận hay mệnh lệnh tuyệt đối mà chúng tương hợp với thiện ý và chỉ qua lý trí con người có thể nhận ra được.[4] Từ đó, Kant đề ra những chỉ dẫn nền tảng hướng dẫn hành vi đạo đức trong đó hai yếu tố phổ quát con người với mục đích tự tại có vai trò rất quan trọng: “Hãy hành động theo phương châm mà qua đó bạn đồng thời có thể muốn nó trở thành một luật phổ quát.”“Hãy hành động sao cho bạn đối xử với con người, dù là nơi chính con người bạn hay ở con người kẻ khác, trong mọi trường hợp như là một mục đích tự tại, chứ không bao giờ chỉ như là phương tiện.”[5] Tương tự, Tôma phần nào cũng có những tư tưởng khá tương đồng so với Kant khi đề cập về những mệnh lệnh cũng như yếu tố con người, nhưng tư tưởng của ngài đi xa hơn. Tôma quan điểm rằng, luật tự nhiên trong con người ngay từ khi được dựng nên thì tự trong bản chất đã có sẵn những khuynh hướng tự nhiên hướng về sự thiện. Bên cạnh giới mệnh cơ bản là “làm điều lành và tránh điều dữ”, thì khuynh hướng con người cũng tự nhiên hướng đến việc bảo tồn sự sống, duy trì giống nòi và sống hài hòa tương quan xã hội.[6] Từ những nguyên tắc căn bản này, con người vận dụng lý trí để áp dụng trong những hoàn cảnh chuyên biệt khác nhau sao cho tương hợp với luật tự nhiên đã được phú bẩm bên trong con người. Mặc dù vậy, Tôma cho rằng con người với chỉ dựa vào khả năng của lý trí thôi thì chưa đủ, nhưng cần đến ân sủng của Thiên Chúa để có thể thi hành đời sống đạo đức của mình. Sở dĩ con người cần đến Thiên Chúa là vì tất cả luật tự nhiên cũng như lý trí con người đều được tham dự vào luật và lý trí vĩnh cửu của Thiên Chúa[7]. Như vậy, cả hai nhà tư tưởng đều đưa ra những nguyên tắc phổ quát hướng dẫn hành động nhưng dường như Tôma đưa ra những hướng dẫn cụ thể hơn so với tư tưởng của Kant.

3. Phương cách vận dụng nguyên tắc phổ quát vào thực tiễn

Có thể nói, tính phổ quát tuyệt đối là điều kiện tiên quyết xác định một hành vi đúng hay sai theo quan điểm Bổn phận luận của Kant: “Hãy hành động theo phương châm mà qua đó bạn đồng thời có thể muốn nó trở thành một luật phổ quát.” Mệnh lệnh tuyệt đối này không có sự ‘ngoại trừ’ vì đây là nguyên tắc duy nhất và ngay tức khắc được áp dụng cho tất cả mọi người. Đây là phương châm tổng quát mang tính trừu tượng mà từ đó được áp dụng vào những trường hợp cụ thể. Điển hình, nói dối là một hành vi sai trái vì hai nguyên do: thứ nhất, hành vi nói dối cho thấy sự thiếu tôn trọng người khác; thứ hai, hành vi nói dối sẽ không bao giờ trở thành phương châm sống phổ quát cho mọi người, vì nếu ai cũng nói dối thì hành vi nói dối sẽ tự triệt tiêu, vì lẽ sẽ không còn ai sẽ tin vào người khác nữa và như vậy hành vi nói dối sẽ là vô nghĩa . Tuy nhiên, tư tưởng của Kant gặp phải vấn đề xung khắc bổn phận, tức trong trường hợp như nói dối để cứu người thì sẽ phải giải quyết ra sao? Đối với Kant, ông vẫn cho rằng tốt nhất là tránh việc xấu mà ta biết trước là nói dối, và hãy để cho hậu quả xảy đến như nó sẽ xảy ra. Ông nhấn mạnh rằng, cho dù hậu quả đó là xấu đi chăng nữa thì đây không phải là lỗi của ta, vì ta chỉ làm theo bổn phận của mình là nói sự thật.[8] Trong khi nguyên tắc phổ quát của Kant có phần cứng nhắc và máy móc thì phương cách vận dụng Luật tự nhiên của Tôma có phần uyển chuyển hơn khi áp dụng vào những trường hợp cụ thể. Thật vậy, từ nguyên tắc phổ quát là “làm điều lành, tránh điều dữ” thì ở bên dưới còn có những quy tắc khác như tôn trọng sự sống, duy trì nòi giống hay sống tương quan trong xã hội, để lý trí phân định và sau áp dụng cách cụ thể trong những hoàn cảnh khác nhau. Tôma quan niệm rằng, luật tự nhiên đồng nhất trong các nguyên lý tổng quát về sự khách quan cũng như sự hiểu biết của con người về nó. Tuy nhiên, về một số ứng dụng riêng các nguyên lý tổng quát, thì trong một ít trường hợp có thể bao hàm ngoại lệ, trước hết đối với sự ngay thẳng của nó do những ngăn trở đặc thù.[9] Ví dụ như thời xưa người Đức cho sự trộm cắp không là sai trái. Như vậy, Luật tự nhiên không mang tính tuyệt đối và cứng nhắc như Bổn phận luận của Kant, nhưng nó còn mang tính tương đối cho những khả thể áp dụng trong những cảnh huống khác nhau.

4. Giá trị của hiện hữu có lý trí trong triết học đạo đức

Có thể nói cả Tôma và Kant đều đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của lý trí trong hành vi đạo đức của con người. Đối với Kant, lý trí có vai trò quan trọng trước hết là vì tất cả những khái niệm luân lý đều có nguồn gốc hoàn toàn trong nó. Thế nên, duy chỉ con người là chủ thể có lý trí mới có khả thể nắm giữ luật luân lý.[10] Lý trí đúng đắn có vai trò định hướng con người luôn hành động phù hợp với những đòi buộc của mệnh lệnh tuyệt đối, mà qua đó cho thấy phẩm giá của con người. Vì vậy, mọi chủ thể có lý trí đều cần được tôn trọng như mục đích tự tại trong chính nó, theo như nguyên tắc hành động mà Kant đã đề ra[11]. Đối với Tôma, lý trí giúp con người nhận ra những giá trị và những khuynh hướng nghiêng chiều về điều thiện, phù hợp với những tính năng sẵn có trong bản chất con người.[12] Cũng như quan điểm của Kant, Tôma cho rằng lý trí là căn bản chuẩn mực cho hành vi đạo đức của con người bởi nó hướng con người tới cùng đích của mình.[13] Tuy nhiên, lý trí con người cũng cần đến ân sủng Thiên Chúa để có thể thi hành tốt những chọn lựa luân lý của mình. Như vậy, cả Tôma và Kant đều coi trọng vai trò của lý trí cũng như phẩm giá con người, nhưng Kant dường như quá coi trọng lý trí trí của con người đến nỗi có thể hy sinh phẩm giá của người khác hay quên đi khía cạnh tình cảm con người khi có những xung khắc bổn phận cần phải chọn lựa, trong khi đó Tôma không chỉ nại đến lý trí nhưng ngài cũng cần đến yếu tố ân sủng trong việc thi hành đời sống đạo đức.

5. Sự khác biệt trong quan điểm về sự thiện

Quan những gì trình bày ở trên đã cho thấy có nhiều điểm khá tương đồng trong quan điểm đạo đức của Kant và Tôma, tuy nhiên giữa hai nhà tư tưởng có sự khác biệt rất lớn khi họ lượng định về sự thiện xét như điểm khởi đầu cho triết học đạo đức, mà từ đó khởi phát ra các nguyên tắc. Rõ ràng, Kant cho rằng duy chỉ có thiện ý là tốt tuyệt đối, có nghĩa nó không phải vì điều được thực hiện, cũng không vì lợi ích giúp đạt một mục đích nào đó, nhưng nó tốt chỉ vì ý muốn là tốt tự tại. Đối với quan điểm này, Tôma không tán thành quan điểm sự thiện của một hành động mà chỉ được xác định bởi nguyên tắc của ý chí, chứ không có liên hệ gì tới mục đích tối hậu của chủ thể hành động. Có thể nói rằng, sự bất đồng quan điểm giữa Tôma và Kant xuất phát từ cách nhìn nhận khác nhau về đâu là giá trị bản chất của đạo đức. Động cơ đạo đức tối hậu theo quan niệm của Kant là động cơ của bổn phận, tức động cơ được diễn tả cách tường minh qua mệnh lệnh tuyệt đối phổ quát mang nặng tính luật lệ khuôn mẫu mà mọi người phải tuân theo. Ngược lại, Tôma quan niệm động cơ của đời sống đạo đức trên hết được đặt trên động cơ của nhân đức mang đậm tính cứu cánh. Thêm vào đó, quan niệm về sự đúng đắn của lý trí giữa hai triết gia cũng rất khác nhau. Kant cho rằng thiện ý tốt do bởi chính trong cấu trúc nội tại của nó hay tốt hoàn toàn trong chính bản chất và không lưu dẫn ra bên ngoài. Ngược lại, Tôma cho rằng thiện ý chỉ tốt khi nó có sự định hướng đúng đắn tới những gì ở bên ngoài nó, mà trên hết là hướng tới những sự thiện hảo tối thượng nơi chính Thiên Chúa là nguồn của mọi sự thiện hảo. [14]

6. Một vài góc nhìn đối nghịch

Trong Luật tự nhiên, Tôma quan niệm nguyên lý căn bản ‘làm lành lánh dữ’ được Thiên Chúa ghi khắc một cách phổ quát cho tất cả mọi người, nhưng có những quan điểm phản đối vấn đề này. Họ cho rằng, Kitô hữu không nhất thiết phải ‘làm luật’ cho người khác. Bên cạnh đó, cũng có quan điểm nhận định rằng trong khi Luật tự nhiên cho những nguyên tắc căn bản là chân lý tuyệt đối và phổ quát, nhưng người ta gặp phải những khó khăn trong việc áp dụng chúng. Điều này đủ cho thấy Luật tự nhiên thì không dễ hiểu và phổ quát cho tất cả mọi người. [15] Đối với Bổn phận luận của Kant, ngoài những phê bình đã được đề cập trong bài viết, các nhà đạo đức còn phê bình ông khi ông đặt cùng đích của con người nội tại trong chính mình, là luật cho chính mình và biệt lập khỏi mọi thẩm quyền khác bao gồm cả thượng đế.[16] Kant mâu thuẫn vì một mặt tư tưởng đạo đức của ông tiền giả định đặt nền tảng nơi thượng đế, mặt khác ông lại tách biệt con người khỏi thượng đế trong cách lập luận của mình.

Kết luận

Nhìn chung, cách vận hành tư tưởng đạo đức triết học của Emmanuel Kant và Tôma Aquinô đều đi từ tổng quan vận dụng vào thực tiễn. Dường như tư tưởng của Kant chỉ dừng lại ở nguyên tắc của mệnh lệnh tuyệt đối phổ quát để sau đó áp dụng cách thiếu uyển chuyển vào thực tế. Trong khi đó, tư tưởng của Tôma cũng xuất phát điểm từ luật phổ quát, tức ‘làm điều lành, tránh điều dữ’ nhưng tiến trình khởi đi từ nguyên tắc phổ quát này đến những nguyên lý đệ nhị hay những luật lệ bên dưới với những ngoại lệ trong những hoàn cảnh khác nhau và áp dụng tương đối uyển chuyển hơn so với Kant. Một điểm nhấn mà cả hai tác giả đều xem trọng trong triết học đạo đức của mình là yếu tố con người, tuy vậy tư tưởng của Kant xem ra không giữ được sự tôn trọng chủ thể có lý trí đủ khi xem việc thi hành bổn phận lớn hơn so với phẩm giá của con người, khi có những xung khắc về bổn phận. Tương tự, trong khi Kant quan niệm thiện ý của con người là tốt tự tại trong bản chất của nó và không hướng chiều ra bên ngoài, thì Tôma nhìn nhận thiện ý chỉ tốt khi nó hướng chiều ra bên ngoài và hướng đến sự thiện cao nhất là Thiên Chúa.

 

Giuse Hoàng Thanh Phong, S.J.

Học Viên Triết I

Học Viện Thánh Giuse – Dòng Tên

 

Thư Mục Sách Tham Khảo

KANT, IMMANUEL, Grounding for Metaphysics of Moral, Trans. James W. Ellington. Cambridge: Hackett Publishing Company, INC., 1993.

AQUINÔ, TÔMA, Tổng luận thần học, trans. Joachim Nguyễn Văn Liêm, O.P. Tp HCM: Tp HCM, 2003.

CHÍNH, VŨ KIM, “Triết Sử Cận và Hiện Đại”. Sài Gòn: Học viện Dòng Tên, 2014.

REYES, RANSON CASTILLO, Ground and Norm of Morality. Manila: Ateneo de Manila University, 1989.

STUMPF, ENOCH SAMUEL, Lịch Sử Triết Học và Các Luận Đề. Hà Nội: Lao Động, 2004.

RACHELS, STUART, The Elements of Moral Philosophy,6th edition. New York: Mc Graw Hill, 2003.

COPLESTION, FREDERICH, A history of philosophy , volume II. New York: Image Book, 1950.

HINTON, TIMOTHY, The review of Metaphysics , volume 55. Philosophy Education Society Inc, 2002.

EVANS, ILLTUD, O.P., Light on the Natural law. Maryland: Helicon Press, 1965.

www.homepage.villanova.edu

[1] x. VŨ Kim Chính, “Triết sử cận và hiện đại”, (Sài Gòn: Học viện Dòng Tên, 2014), trang 44-45.

[2] x. Sđd, trang 44.

[3] x. Ranson Castillo REYES, Ground and Norm of Morality, (Manila: Ateneo de Manila University, 1989), trang 49-54.

[4] x. Emmanuel KANT, Grounding for Metaphysics of Moral, trans. James W.Ellington, (Cambridge: Hackett Publishing Company, INC., 1993), số 393 & 396.

[5] Sđd, số 421 & 429.

[6] x. Tôma AQUINÔ, Tổng Luận Thần Học, trans. Joachim Nguyễn Văn Liêm, O.P., (Tp.HCM: Tp.HCM, 2003), câu hỏi 94.

[7] x. Enoch Samuel STUMPF, Lịch Sử Triết Học và các Luận Đề, trans. Đỗ Văn Thuấn & Lưu Văn Hy, (Hà Nội: Lao Động, 2004), trang 157-158.

[8] x.Stuart RACHELS, The elements of Moral Philosophy, 6th edition, (New York: Mc Graw Hill, 2003), trang 132-133.

[9] x. Tôma AQUINÔ, Sđd, câu hỏi 94, tiết 4.

[10] x. Emmanuel KANT, Sđd, số 411-412.

[11] x. Sđd, số 429.

[12] x. Tôma AQUINÔ, Sđd, câu hỏi 94, tiết 2.

[13] x. Frederich COPLESTION, S.J., A history of philosophy, volume II, (New York: Image Book, 1950), trang 406.

[14] x. Timothy HINTON, The review of Metaphysics, volume 55, (Philosophy Education Society Inc, 2002), trang 825-846.

[15] x. Illtud EVANS, O.P., Light on the Natural law, (Maryland: Helicon Press, 1965), trang 38-56.

[16] x. Richard JACOBS, http://www83.homepage.villanova.edu/richard.jacobs/MPA208300/theories/categorical.imperative.html

 

Kiểm tra tương tự

Đất nước duy lý trước cơn đói khát thiêng liêng

Nhìn về một kiểu đa dạng khác cho Giáo hội hiệp hành và thần học …

Đạo làm người

Tác giả: Hoàng Sỹ Quý, SJ.   Ý thức luân lý Con vật chỉ phản …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *