Hãy Học Cùng Giêsu (41): ĐƯỜNG GIÊSU, ĐƯỜNG SỰ SỐNG

ĐƯỜNG GIÊSU, ĐƯỜNG SỰ SỐNG

Các bạn thân mến,

Lý thuyết của Tâm Lý Học hiện đại nhìn con người như một toàn thể được hội nhất từ bốn phần: thể lý, lý trí, tâm lý và tâm linh. Dừng lại ở vật chất thể lý, con người chỉ là một loài động vật giữa bao động vật khác. Có thêm lý trí, con người là một con vật biết suy tư. Thêm vào chiều kích tâm lý, con người là người có trái tim và có tình cảm. Có thêm chiều kích tâm linh, con người mới là một hữu thể thống nhất trọn vẹn và cuộc hiện hữu của con người mới có một ý nghĩa đích thực.

Như thế, con người không chỉ sống bằng sự sống thể lý, nhưng còn sống bằng đời sống tinh thần. Sống không chỉ là kéo dài hơi thở hô hấp và nhịp đập hữu cơ của con tim, nhưng là hiện hữu một cách có ý nghĩa. Thế nên, người ta không chỉ sống nhờ cơm bánh vật chất, nhưng còn nhờ những giá trị tâm linh. Sự sống con người không phải là sự xuất hiện và tan biến ngẫu nhiên của vật chất, nhưng sự sống ấy có một khởi nguyên và một cùng đích. Từ khởi nguyên đến cùng đích là một hành trình. Con người không có quyền quyết định khởi đầu của chính mình, nhưng cùng đích cuộc đời mình sẽ đi về đâu, sống hành trình cuộc đời mình thế nào, đó là điều nằm trong tầm tay và trong vòng trách nhiệm của mỗi người.

Điều mà nhiều người trẻ chúng ta hay tự hỏi mình là: sống như thế nào? Ai cũng mang trong mình khao khát sống và sống dồi dào: sống vui vẻ, sống hạnh phúc, sống thực là mình. Sống với sức trẻ là sống với tất cả nguồn năng lực nội tâm, với trái tim nóng bỏng và với một bầu nhiệt huyết nồng nàn. Sống thực là sống với tất cả niềm tha thiết và hăng hái, vượt lên trên những chán chường trống rỗng, những vô tâm vô hồn…

Nhìn cuộc sống trong thực nghĩa của nó như thế, chúng ta mới nhận ra rằng trong cuộc sống này, có rất nhiều khi chúng ta chỉ tồn tại mà không thực sống. Quả thế, chúng ta chỉ tồn tại mà không thực sống khi cuộc đời chúng ta cứ bập bềnh lây lất  cho qua ngày đoạn tháng, khi giữa lòng chúng ta cứ mơ hồ một niềm trống rỗng mênh mang, không biết mình sống để làm gì, tại sao mình phải sống? Chúng ta chỉ tồn tại chứ không thực sống khi chọn cho mình lối sống như một loài sinh vật không mục đích, không lý tưởng, không quan tâm đến cội nguồn, không màng đến cùng đích… Chúng ta chỉ tồn tại chứ không thực sống khi để cho mình bị cuốn hút cuồng xoay trong vòng bão lốc của vật chất, chỉ chăm bẵm với những nhu cầu sinh vật thấp hèn.

Nhìn cuộc sống trong thực nghĩa của nó, chúng ta cũng nhận ra rằng, trong cuộc sống này có những con đường không đưa chúng ta đến sự sống đúng nghĩa. Có những con đường phủ nhận giá trị cao cả cuộc sống này. Có những lý thuyết tin rằng con người từ vật chất mà ra, rồi sẽ tan biến trong hư vô vĩnh viễn. Có những chủ trương cho rằng các sinh hoạt tâm lý, tinh thần, tâm linh của con người chỉ là những điều tùy phụ. Kết quả là con người lại bị giản lược chỉ trong phạm vi của một hữu thể vật chất. Những con đường ấy, khi bị đẩy cho đến cùng, có cho con người được một nguồn động lực thật sự mạnh mẽ và cao quý nào để sống chăng?

Ta đến để chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10, 10). Trước những lầm than vất vưởng của con người, Đức Giêsu mang tâm tình của một người mục tử nhân lành khát mong dẫn đưa đoàn chiên của mình đến với sự sống thật, sống dồi dào. Sống dồi dào không chỉ là kéo dài cuộc sống, nhưng là sống trọn vẹn các chiều kích của cuộc sống. Người ta chỉ có thể sống trọn vẹn khi biết rõ cuộc sống này có một ý nghĩa, và ý nghĩa ấy đáng để cho người ta sống. Ý nghĩa ấy không giản lược và bó hẹp nhưng mở rộng thế giới sống của con người. Ý nghĩa ấy hướng con người lên những gì tốt đẹp và trao cho sự sống của con người một phẩm giá cao vời. Chỉ trong Thiên Chúa, con người mới tìm được cho cuộc hiện hữu của mình một ý nghĩa cao quý như thế.

Hơn nữa, sự sống dồi dào mà Đức Giêsu nói đến không chỉ giới hạn ở cuộc sống này. Trong Đức Giêsu chỉ có người sống chứ không có kẻ chết, chỉ có sự sống chứ không có sự chết: “Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy thì dù có chết cũng sẽ sống. Ai sống và tin vào Thầy thì muôn đời sẽ không phải chết” (Ga 11, 26). Những người tin vào Đức Giêsu là những người được sống và sống dồi dào hạnh phúc vì nhận ra rằng mình đã được trao ban một hồng ân lớn lao vô bờ, đó là hồng ân sự sống. Sự sống mà con người nhận được từ Thiên Chúa trở nên một mạch sống vô tận, và không chỉ giới hạn trong cuộc sống nơi trần gian này. Người tin vào Đức Giêsu có thể mạnh dạn tuyên bố: “Cái chết không có đối với con người. Con người sinh ra hai lần, và không bao giờ phải chết. Sau khi bỏ lòng mẹ để sinh vào trái đất, con người cũng sẽ bỏ lòng đất để sinh vào cõi trời” (Gabriel Adani).

Có nhiều người mãi băn khoăn với câu hỏi sự sống nào sẽ đến tiếp theo cuộc sống này, liệu thật sự có sự sống đời sau không? Không sống trọn vẹn cuộc sống này, mà mơ tới chuyện một cuộc sống nào đó ở tương lai, đó chẳng phải là điều đáng thương lắm sao? Đàng khác, chỉ chăm bẵm vào cuộc sống này và không dám mơ tưởng đến điều gì tốt đẹp hơn nữa sau đó, đó cũng chẳng phải là một loại đáng thương khác sao? Nếu cuộc sống này trở nên mục đích duy nhất, liệu ai có thể đảm nhận trọn vẹn cuộc đời duy nhất này? Ngược lại, nếu cuộc sống này không có một ý nghĩa nào, tại sao người ta phải sống?

Bao lâu còn bước đi trong cuộc sống này, chúng ta vẫn còn là những con người xác thịt nặng nề, quen với lối sống và lối suy nghĩ trần tục của xác thịt. Đức Giêsu dạy rằng “Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống”(Ga 6, 63). Xin cho Lời Thần Khí của Đức Giêsu dìu dắt chúng ta mỗi ngày trên con đường sự sống. Trong Giêsu, xin cho đời sống chúng ta luôn được tươi mới. Trong Giêsu, xin cho chúng ta luôn có thể vui với những niềm vui bình dị, hạnh phúc với những niềm hạnh phúc giản đơn. Nhờ đó, mỗi giây phút sống của chúng ta đều có một giá trị vĩnh cửu.

Lạy Chúa

Cuộc sống đời này là một ân ban vô giá

mà chúng con cứ phải khám phá mỗi ngày

để có thể sống trọn vẹn ý nghĩa của nó.

 

Chúa cho chúng con được sống, được làm người

nhưng điều kỳ lạ là nhiều khi chúng con từ chối sự sống

và chấp nhận những lý luận của nền văn minh sự chết.

Chúng con nhân danh quyền lợi của những người đang sống

để từ khước sự chào đời của những sự sống khác.

Chúng con nhân danh lòng bác ái

để tước đi sự sống của những người bệnh tật.

Chúng con nhân danh một lý tưởng, một ý thức hệ

để giản lược và xem nhẹ sự sống.

 

Xin dạy chúng con luôn biết quy hướng về Chúa

là cội nguồn và cùng đích sự sống của chúng con.

Xin dạy chúng con biết trân trọng cuộc sống

và sống cuộc đời mình trong tươi vui hạnh phúc

nhờ biết chọn và bước theo Giêsu

là con đường sống duy nhất của chúng con. Amen.

Bài hát kết thúc : TÔI CHỌN GIÊSU

Sáng tác : Ý Vũ

Thể hiện : Nhóm Lửa Hồng

Radio Vatican

Chuyên mục : Hãy Học Cùng Giêsu

Phụ trách : Lưu Minh Gian

Liên lạc : [email protected]

Kiểm tra tương tự

Nghĩa trang Công giáo: Tuyến đầu chống lại nỗi sợ thế tục về cái chết

  Ông Peter Nobes, người quản lý các nghĩa trang Công giáo thuộc Tổng giáo …

Các bà mẹ nội trợ và chứng trầm cảm: 4 điều cần biết

  Làm cha mẹ nội trợ ở nhà thật là khó, nhưng liệu điều đó …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *