Hiện hữu – Cái chết

Dẫu biết “Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời: một thời để chào đời, một thời để lìa thế; một thời để trồng cây, một thời để nhổ cây.” (Gv 3, 1-2) Thế nhưng sự thật vẫn cứ bàng hoàng trong tâm trí tôi. Ai rồi cũng sẽ phải chết, không sớm thì muộn mỗi người cũng phải trải qua cái kinh nghiệm tuy là chung cho cả nhân loại nhưng lại rất riêng vì chẳng có ai chết hai lần cả. Em đã ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ, những dự định, những ước mơ tạm gác lại để em đón nhận một bước ngoặt lớn nhất trong cuộc hành trình dương thế. Để rồi em và tôi không còn hiện hữu với nhau cách mặt giáp mặt nữa. Giờ đây em đã là một hữu thể trong một thế giới rất khác, có lẽ tôi không thể nào hiểu được vì mình chưa từng ở trong thế giới đó. Những ngày vừa qua, tôi nghĩ nhiều về em, tôi muốn viết gì đó về em như chút suy tư về mầu nhiệm con người và cái chết – cái mà không ai có thể nắm bắt được nhưng chỉ có thể trải qua một lần rồi thôi.[1]

 

Đúng vậy, mọi sự trên đời chỉ là phù vân, tạm bợ. Mọi sự đều có thời có lúc. Con người cũng vậy có ngày sinh ra ắt có ngày chết đi. Thế nhưng nó vẫn làm chúng ta ưu tư nhiều để rồi chỉ biết thở dài cho sự hữu hạn của kiếp nhân sinh. Than trách rồi cũng chỉ một thời, tiếc thương rồi cũng trong giây lát. Mỗi người vẫn phải bước tiếp cuộc hành trình của mình. Như Heidegger từng nói con người là hữu-kề-cận, tức là mỗi người tồn tại trong mối liên hệ tương kết với nhau. Chẳng ai có thể sống biệt lập cả. Vì là hữu-kề-cận nên chúng ta có những liên hệ mật thiết, những chia sẻ buồn vui, những kinh nghiệm cùng nhau để tạo nên một lịch sử tính không chỉ của riêng mỗi người mà còn của cả cộng đồng nhân loại. Trong bạn có tôi, trong tôi có bạn cho nên chúng ta luôn nhớ về nhau như những kỷ niệm hay đúng hơn như một phần của cuộc đời. Song song đó chúng ta còn là hữu-hướng-về-cái-chết, một quy luật của kiếp nhân sinh. Bên cạnh việc hiện hữu cùng nhau, chúng ta cũng dần bước về thời điểm kết thúc cuộc đời dương thế. Cái chết không hẳn mang màu sắc bi thương nhưng nó là một điểm mốc, một điểm tới hạn để con người bước vào một thế giới khác. Con người cởi bỏ cách hiện hữu cũ để mang lấy cách một hiện hữu mới, vượt lên những giới hạn của không gian và thời gian. Cho nên, chúng ta, em và tôi không còn cảm nhận nhau cách diện đối diện nữa, nhưng tôi nghĩ không hẳn là chúng ta không còn hiện hữu kề cận nữa. Trái lại nó mang một màu sắc thần thiêng hơn mà chỉ trong đức tin tôi mới có thể tin chắc được.

 

Chính vì vậy, chúng ta cố gắng lưu giữ trong tâm trí mình những kỷ niệm đã qua để mỗi lần nghĩ lại chúng ta ý thức về một thời đã qua. Thế nhưng năm tháng trôi qua, những ký ức cũng dần phai đi không phải vì chúng ta không muốn giữ nhưng là vì chúng ta đã lưu giữ quá nhiều kỷ niệm. Vả chăng, chúng ta còn giữ lại được chút ít tàn dư của quá khứ nhờ những bức ảnh. Tôi cũng còn một vài tấm ảnh về em. Thế nhưng chúng cũng chỉ là quá khứ, là một thời điểm đã qua. Điều duy nhất có ít là chúng chỉ giúp tôi nhớ được điều gì đó về em và về một thời của hiện hữu kề cận mà thôi. Thực sự chẳng có gì có thể đóng khung hiện hữu cả. Khi cố gắng lưu giữ chúng vào một bức ảnh là chúng ta đã bóp méo chúng. Theo lẽ thường chúng ta sợ rằng một ngày đó chúng ta sẽ không còn ký ức gì về nhau nữa. Cũng hợp lý. Tuy nhiên, nếu tôi cố dùng những phương cách như trên là tôi đã xem hiện hữu của em và tôi như món đồ. Nhưng không, hữu là một huyền nhiệm, rất gần gũi nhưng lại thâm sâu. Càng cố đi vào hiện hữu là chúng ta lại càng tách rời khỏi chúng, vì chẳng có gì là đi vào cả vì chúng ta luôn ở trong hiện hữu rồi. Chỉ có hiện hữu như thế thôi.

 

Cho nên, chúng ta hãy gạt bỏ những lo nghĩ đó đi để rồi hiện diện cách đầy tràn trong từng khoảnh khắc. Không ai biết được ngày mai của mình sẽ thế nào, người này hôm nay còn mai đã mất. Nay bạn mai tôi. Nghĩ thế không phải để bi quan nhưng để đối diện với nó. Vì cái chết cũng là một phần của hiện hữu. Hơn hết nó là một bước để chuyển từ lối hiện hữu này sang một lối hiện hữu khác mà thôi. Tôi nhận ra sự ra đi của em để lại nhiều cảm xúc cho nhiều người. Ai cũng khen em dễ thương và nhiệt tình. Ai cũng mến vì sự chân thật và trách nhiệm của em. Thế đó, em đã hiện hữu cách tràn đầy trong cuộc đời dương thế này, cho nên em sẽ mãi ở trong tâm trí những ai đã từng biết đến em. Những ký ức sẽ mờ đi, nhưng cái kinh nghiệm đã có với em sẽ không mất đi được vì chúng ta đã ở trong kinh nghiệm đó rồi. Em đã dạy cho tôi nhiều lắm, đặc biệt là sự can đảm để đón nhận khổ đau và mạnh mẽ dấn thân vào từng biến cố của cuộc hành trình dương thế.

 

Cuối cùng, xin cám ơn em vì đã đến và hiện diện trong cuộc đời này. Xin chúc em bước tiếp hành trình của mình tại nơi mà tôi không thể biết được, nhưng tôi chắc em sẽ luôn kề bên những người mà em yêu thương. Mong rằng chúng ta cũng biết trân trọng những điều xảy đến vì chúng thực sự quý giá. Đừng lãng phí những món quà này vì chúng sẽ giúp chúng ta hiện hữu cách tròn đầy hơn. Nhiều người vẫn chưa nhận ra giá trị của bản thân mình, họ sống một cách vô định. Nhưng cuộc đời chỉ gói gọn trong trăm năm, đừng để thời giờ qua đi rồi phải hối hận nuối tiếc. Hãy luôn nhớ dù muốn hay không, dù nhanh hay chậm thì chúng ta đều hướng về một điểm tới hạn – cái chết để bước tiếp hành trình hiện hữu theo một cách thế siêu việt. Vì vậy, hãy yêu nhiều hơn, hãy làm việc nhiều hơn, hãy có trách nhiệm hơn, hãy tự đứng trên đôi chân của mình. Tương tự, hãy bớt giận hờn, hãy bớt tham lam và đừng ganh tị. Đặc biệt, luôn biết hài lòng với cuộc sống của mình, dù thế nào đi nữa thì chỉ có mình mới có thể đảm nhiệm nó mà thôi. Để rồi chúng ta sẽ mỉm cười mãn nguyện với cuộc đời ý nghĩa của mình.

Philip

(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)

[1] Người viết dùng sự kiện về một người bạn của mình vừa ra đi như là gợi hứng cho bài suy tư này.

Kiểm tra tương tự

“Lạy Đấng Emmanuel, xin hãy đến!”: Nỗi khắc khoải và niềm hy vọng trong Mùa Vọng

Người phương Tây thế kỷ 21 – từ Taylor Swift đến Billie Eilish – đã …

365 Ngày Hy Vọng với lời khôn ngoan của Giáo Phụ

Chương Trình Sống Năm Thánh 2025   365 NGÀY HY VỌNG VỚI LỜI KHÔN NGOAN …