Hiệp hành giúp chúng ta trưởng thành hơn

Từ khi Giáo hội thúc đẩy con đường hiệp hành (Synodos), không ít người đặt hoài nghi về tính hiệu quả của nó. Một trong những ghi vấn được đặt ra là: “Liệu theo con đường hiệp hành có mất đi căn tính của mỗi người?” Nói cách khác, liệu chúng ta có thể trưởng thành khi đi cùng với nhau không? Lý do là trong cộng đoàn nhiều người dễ đánh mất chính mình khi hướng đến cái chung: cùng nhau hiệp thông, cùng tham gia, cùng thực thi sứ vụ. Trong khi đó, xã hội đề cao tính tự chủ, độc lập và thể hiện cái tôi. Cùng lúc, Giáo hội cũng mời gọi mỗi người hãy nên thánh theo cách của chính mình[1].

Trước những bối rối trên đây, tôi bóc tách vấn đề để người trẻ có thể hiểu thêm về chủ đề này:

  1. Trưởng thành theo tâm lý học

Nhớ lại thuở nhỏ, chúng ta phải vâng lời cha mẹ, ông bà và người lớn. Họ nói một, mình không dám nói hai. Vâng lời đi liền với ngoan ngoãn và được tán dương. Em nhỏ làm theo cách của người khác. Đây cũng là đặc tính tâm lý cần thiết và quan trọng. Cần thiết để em nhỏ tập quan sát, bắt chước và ứng xử phù hợp với thuần phong mỹ tục. Quan trọng vì người lớn cũng cần nêu gương để dạy con cái mình biết sống như lòng họ ước mong.

Ở lứa tuổi này có lẽ “trưởng thành–maturity” không được nhắc đến. Trẻ nhỏ thì chưa trưởng thành về mặt tâm sinh lý và thể lý. Kể cả tâm linh trẻ nhỏ cũng chưa trưởng thành. Lý do đơn giản, trẻ nhỏ chỉ làm theo “your way – theo cách của bạn”, nghĩa là chúng đi trên con đường của người khác. Nguy cơ đánh mất chính mình cũng thường xảy ra trong lứa tuổi này. Thuật ngữ chuyên môn gọi là: “Dependence- Sự phụ thuộc là cấp độ đầu tiên của sự trưởng thành liên tục.” Kể cả cha mẹ Công giáo cũng thường áp đặt cho con làm theo cách của bạn. Hẳn nhiên cần thiết, nhưng nếu không đủ tinh tế, cha mẹ sẽ khiến trẻ nhỏ mất cơ hội “là chính mình”. Trong khi đó, mô phạm giáo dục đòi hỏi cha mẹ cùng đồng hành, chia sẻ với con cái để cùng giúp con thấy được chính mình.

Rồi đến một ngày, chúng ta nhận thấy đứa trẻ ngày nào muốn là chính mình. Có thể nói các em muốn đi theo con đường và lối suy nghĩ của mình đặt ra: “my way – theo cách của tôi”. Điều này rất tốt để vươn đến sự trưởng thành tâm lý và tâm linh. Thuật ngữ tâm lý gọi là: “IndependenceKhi chúng ta phát triển về thể chất và trưởng thành về mặt tinh thần, chúng ta ngày càng trở nên độc lập cho đến khi tự chủ.” Theo chủ quan, dường như văn hóa Á Châu và Việt Nam còn dè chừng về cách hành xử này. Ai làm khác người thường bị chế diễu chê bai, bị coi là lập dị. Cái tôi hơi trổi vượt là bị gièm pha. Điều này rất tai hại trong tiến trình hiệp hành mà giáo hội đang theo đuổi.

Tuy vậy, nếu nói ai chỉ sống theo cái tôi, lấy mình làm trung tâm thì không được gọi là người trưởng thành. “Người kiêu ngạo, hoặc ích kỷ!” – người ta thường nói thế. Tuy nhiên trong tiến trình tâm lý, chỉ có ai đi qua bước này mới có thể vươn đến trưởng thành. Nếu không yêu mình, không biết mình là ai thì làm sao gọi là trưởng thành? Trong khi đó, người dám sống là chính mình thường hiểu mình rõ hơn so với người cứ theo con đường của người khác.

Vậy khi nào thì gọi là người trưởng thành đích thực? Theo định nghĩa của nhà tâm lý Stephen Covey, tác giả cuốn sách thời danh Bảy Thói Quen:

“Con người trưởng thành cần vượt qua hai mức độ trên để vươn đến sự phụ thuộc lẫn nhau (Interdependence). Nghĩa là người trưởng thành biết cách chia sẻ bản thân và nguồn lực của mình với người khác vì lợi ích của tất cả mọi người. Những phẩm chất như dễ bị tổn thương, giao tiếp cởi mở và tình yêu thương cho phép chúng ta xây dựng các mối quan hệ phong phú, hiệu quả và bổ ích. Một gia đình làm việc cùng nhau thì lớn hơn tổng số các cá nhân.”[2]

  1. Hiệp hành là môi trường để tập trưởng thành

Nếu chúng ta đồng ý với định nghĩa trên đây về trưởng thành, thì tiến trình hiệp hành sẽ là môi trường tốt để đào luyện chính mình[3]. Không ai là một hòn đảo, và không ai có thể sống một mình. Chúng ta sống phụ thuộc vào người khác và người khác cần sự hiện diện của chúng ta. Về mặt đức tin, Thiên Chúa mời gọi chúng ta không chỉ yêu mến Thiên Chúa, nhưng còn hướng đến tha nhân. Đến nỗi Đức Giêsu mời gọi anh em hãy yêu người thân cận như chính mình (Mc 12,31). Tình yêu có thể nói là đỉnh cao của trưởng thành. Trong phương diện hiệp hành, chúng ta thấy tình yêu được diễn tả trong vài lãnh vực sau:

Lắng nghe: Trong các tài liệu hiệp hành, lắng nghe được lặp lại rất nhiều lần như là mấu chốt để chúng ta đi cùng nhau. Trong lúc tập lắng nghe cũng là lúc chúng ta khám phá ra chính mình. Hiểu người khác, cũng là lúc mình nhận ra chính mình. Chỉ bằng con đường lắng nghe chăm chú, người ta mới có thể cùng nhau đi trên con đường dài. Giáo hội tin rằng: “Việc lắng nghe nhau phải dựa trên việc lắng nghe Lời Chúa và Chúa Thánh Thần. Có thể dùng các hình thức cầu nguyện ý nghĩa, nài xin Thiên Chúa hướng dẫn và soi sáng, đồng thời để Ngài liên kết chúng ta hiệp thông sâu sắc với nhau. Cùng tham dự phụng vụ và suy niệm Kinh Thánh có thể là những cách thức rất hữu ích cho việc này.”[4]

Chia sẻ: Đây có thể nói là đặc tính của người trưởng thành. Tài liệu hiệp hành gọi chia sẻ là hiệp thông. Trong lãnh vực đức tin, người trưởng thành biết lấy tình yêu và bác ái để loan báo tin mừng cho người khác. “Do ý muốn nhân lành, qua giao ước ban cho dân, Thiên Chúa quy tụ chúng ta lại với nhau như những dân khác biệt nhưng cùng một đức tin. Cội nguồn sâu xa nhất của sự hiệp thông mà chúng ta cùng chia sẻ phát xuất từ tình yêu và sự hiệp nhất của Thiên Chúa Ba Ngôi. Chính Chúa Kitô là Đấng hòa giải chúng ta với Chúa Cha và liên kết chúng ta với nhau trong Chúa Thánh Thần. Khi liên kết với nhau, chúng ta kín múc niềm hứng khởi từ việc lắng nghe Lời Chúa, qua Truyền thống sống động của Hội thánh, và được bén rễ sâu vào cảm thức đức tin mà chúng ta cùng chia sẻ. Tất cả chúng ta đều có vai trò của mình trong việc phân định và thực hiện lời kêu gọi mà Thiên Chúa dành cho Dân Ngài.[5]

Cùng nhau phân định. Đây có lẽ là thuật ngữ cần thiết cho người trưởng thành. Ai biết phân biệt đúng sai, tốt xấu, phải trái, v.v, người ấy gần đến sự trưởng thành về tâm cảm. “Trưởng thành tâm cảm – Psycho-emotional maturity” liên quan đến sự phát triển của trí tuệ cảm xúc, lòng trung thành, và khả năng xử lý cảm xúc một cách chín chắn và khôn ngoan. Nó bao gồm việc hiểu rõ về cảm xúc của chính mình và người khác, khả năng kiểm soát cảm xúc và hành vi, cũng như khả năng tạo ra và duy trì các mối quan hệ tốt đẹp và lành mạnh. Hơn nữa, phân định đòi hỏi chúng ta phải cầu nguyện. Dưới dự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, chúng ta có thể phân định ở bình diện cá nhân và cộng đoàn. Chỉ có một Thần Khí (1Cr 12,7-10). Đây là quy chuẩn và là nguyên nhân để chúng ta cùng nhau phân định. Xin trích lại dưới đây lối giải thích về phân định của Giáo Hội:

“Hợp lại với nhau, mọi người đã chịu phép Rửa đều là chủ thể của cảm thức đức tin, vốn là tiếng nói sống động của Dân Chúa. Đồng thời, đối với những ai đã chịu phép Rửa, điều quan trọng để tham gia trọn vẹn vào việc phân định là: lắng nghe tiếng nói của người khác trong bối cảnh địa phương của họ, gồm cả những ai đã lìa bỏ thực hành đức tin, những người thuộc các truyền thống tôn giáo khác, những người không có niềm tin tôn giáo, v.v… Vì như Công đồng đã tuyên bố: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo âu của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và của bất cứ ai đang đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo âu của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà họ lại không cảm nhận trong đáy lòng họ” (Gs, số 1).

Vài điều phụ thêm: Thực ra trưởng thành là một tiến trình. Do đó, mỗi người cần tự mình huấn luyện chính mình. Cộng đoàn cũng có thể giúp bạn trưởng thành hơn. Trong khi tham gia vào con đường hiệp hành này (ở Giáo xứ, Giáo phận hoặc trong cộng đoàn), chúng ta có nhiều cơ hội hơn để luyện tập chính mình. Lý do? Hiệp hành là cơ hội để chúng ta trưởng thành về tâm lý:

  • Hiểu biết và kiểm soát cảm xúc của chính mình.
  • Khả năng xử lý các xung đột.
  • Đồng cảm và thông cảm.
  • Xây dựng mối quan hệ lành mạnh, dựa trên Lời Chúa.

Ngoài ra, quan trọng hơn khi chúng ta tham gia hiệp thành, môi trưởng này mời gọi mỗi người:

  • Cần trao dồi những giá trị luân lý và đức tin.
  • Cần hiểu thêm về Giáo lý Công giáo.
  • Vươn đến sứ vụ ngay trong nhóm nhỏ hoặc giáo xứ, nơi mình sinh sống.
  • Phát triển tinh thần phục vụ.
  • Học hỏi từ môi trường xã hội và Giáo hội những điều hay lẽ phải.
  • Tự chủ và trách nhiệm.
  • Xây dựng mối tương quan giữa con người với nhau, giữa con người với Thiên Chúa.
  1. Lớn lên trong trưởng thành

Trưởng thành là khao khát của mỗi người. Đây cũng là ước mong của Xã hội và Giáo hội. Xã hội mong chờ một công dân tốt lành, sống và làm việc theo pháp luật. Giáo hội ước mong các tín hữu đặt đến sự trưởng thành cả trong đức tin. Công Đồng Vaticano II ghi nhận rằng: Vì thế trách nhiệm của các Kitô Hữu trưởng thành là góp phần vào sự liên đới giữa Hội Thánh và nhân loại ngày càng thêm liền lạc và thắm thiết, hướng đến việc toàn thể nhân loại quy về chỉ một mối, làm nên một dân thánh thờ phượng một Thiên Chúa duy nhất (x. Ad Gentes, số 1).

Để vươn đến sự trưởng thành trên đây, chúng ta có nhiều lợi thế. Trước hết, chúng ta muốn chăm chút vào đời sống các bí tích. Đây là nguồn sức sống để các tín hữu có thể cùng nhau hiệp thành, và cũng là động lực để mỗi người biết cách trở nên con cái của Thiên Chúa. Thứ đến, Kitô hữu trưởng thành trong đức tin là những người biết để cho “Thần Khí đổi mới tâm trí” và giúp họ “mặc lấy con người mới”, mặc lấy nếp sống mới, nếp “sống công chính và thánh thiện” (x. Eph 4, 24). Sống theo Thần Khí nghĩa là “Anh em hãy tỉnh thức và chuyên cần cầu nguyện, cầu nguyện liên lỉ không chỉ cho bản thân mà còn cho toàn thể dân thánh.” (x. Eph 6, 18). Đây là nét đẹp của một tín hữu trưởng thành và góp phần vào tiến trình hiệp hành. Hoặc nói như Đức Giáo Hoàng Phanxicô dành cho người trẻ: “Có những điều cần nhiều năm để “ổn định”, nhưng sự trưởng thành này có thể cùng tồn tại với một ngọn lửa luôn được đổi mới, với một con tim luôn luôn trẻ trung”. (Đức Kitô Sống, số 160).

Sau cùng nhưng chưa hết, ước mong mỗi người để cho môi trường hiệp hành thách đố chính mình. Hẳn là còn nhiều người e ngại, hoặc chưa biết phải cộng tác với Giáo xứ, với Giáo hội như thế nào? Lúc này là thời cơ để mình tập sống trưởng thành hơn. Người trẻ và mọi lứa tuổi sẽ thích thú khi nghe lời mời của Giáo hội: “Khi Thiên Chúa yêu cầu các con điều gì hoặc đơn thuần để cho các con gặp những thử thách trong cuộc đời, Ngài mong các con nhường chỗ để Ngài đẩy các con về phía trước, động viên các con, giúp các con trưởng thành. Ngài không phiền hà khi các con trình bày những thắc mắc của mình với Ngài. Điều khiến Ngài lo lắng là các con không nói với Ngài, không mở lòng ra một cách chân thành để đối thoại với Ngài.” (Đức Kitô Sống, số 117).

Như một lời kết

Tôi vẫn tin rằng: Hiệp hành là cơ hội quý giá để mọi người được trưởng thành. Em nhỏ có dịp để cùng với cộng đoàn tham gia những chương trình bổ ích. Người trẻ có cơ hội trình bày ý kiến và góp sức trẻ của mình vào thân thể Giáo hội, Giáo xứ. Người lớn có dịp để cống hiến kinh nghiệm trong sự phát triển của môi trường xứ đạo. Các chủ chăn và người có trách nhiệm có nhiều dịp để cộng tác với các thành phần trong Giáo xứ. Đây là nét đẹp Giáo hội, và “Hiệp hành phải là lối sống của Hội Thánh.”

Hơn nữa, “Sự trưởng thành đích thực của người trẻ (cho mọi người) không phải chỉ là sự phát triển thể lý và ngoại hình, tài năng và kiến thức mà còn là dấn thân tìm kiếm tâm linh. Tìm kiếm Thiên Chúa, sống  lời Chúa, tìm cách đáp lại lời Chúa, bằng chính đời sống của mình, lớn lên trong các nhân đức, làm cho tâm hồn của những người trẻ trở nên mạnh mẽ.” Hoặc nói như Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Năng: “Chính lúc đang thực tập rèn là ta trở thành thợ rèn (C’est en forgeant qu’on devient forgeron). Nhờ tập sống hiệp hành, chúng ta sẽ trở thành một Hội Thánh hiệp hành.”[6]

Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

……………………

[1] Xem: https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/dung-so-nen-thanh–52466

[2] https://www.ryandelaney.co/blog/maturity-continuum

[3] Những ý tưởng ở phần này được tóm tắt lại từ: Cẩm nang cho Thượng Hội đồng về tính hiệp hành: https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/cam-nang-cho-thuong-hoi-dong-giam-muc-ve-tinh-hiep-hanh-42941

[4] https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/cam-nang-cho-thuong-hoi-dong-giam-muc-ve-tinh-hiep-hanh-42941

[5] Xem: CÁC TỪ THEN CHỐT DÀNH CHO TIẾN TRÌNH HIỆP HÀNH

[6] https://tgpsaigon.net/bai-viet/hiep-hanh-la-loi-song-cua-hoi-thanh-64898

Kiểm tra tương tự

Ngày tận thế: Bí ẩn chỉ có Chúa Cha biết | Suy tư Tin Mừng CN 33 Thường Niên B

SUY TƯ TIN MỪNG CHÚA NHẬT 33 Ngày tận thế: Bí ẩn chỉ có Chúa …

Cõi lòng thật và cõi lòng giả

  “Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều …